0
Your Cart

♡ Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình [Phần 2] ♡

Bài viết chỉ mang tính tham khảo (đọc thêm tại Miễn Trừ Trách Nhiệm).

Bởi vì bài viết này rất dài, nên mình đã chia làm 2 phần nha 🥰

Hành Trình Đầu Tư Của Mình [Phần 1]
Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình [Phần 2]

Trong bài viết trước, mình đã viết về những điều bạn nên biết và hiểu trước khi thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản đầu tư. Bài viết này là phần tiếp theo của bài trước, mình sẽ viết về nguyên tắc mình đặt ra cho bản thân khi đầu tư, cũng như việc mình đầu tư vào những nơi nào.



Khi nói đến đầu tư, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy việc bản thân phải điều hướng thị trường là một ý tưởng khá đáng sợ và các thuật ngữ tài chính chẳng có gì dễ hiểu. Tuy nhiên, với một chút nghiên cứu và một kế hoạch chắc chắn, đầu tư có thể là một cách hữu hiệu và không khó quản lí để bảo vệ giát trị tiền của bạn, thậm chí phát triển nó.

Bài viết này không có mục đích chỉ bạn cách làm giàu nhanh, vì mình vẫn còn trẻ, nên “đầu tư” đối với mình ở thời điểm hiện tại đơn giản là khiến cho đồng tiền đừng mất giá theo lạm phát, chỉ thế thôi là đã rất tốt rồi. Hơn nữa, đầu tư trong suy nghĩ của mình là về dài hạn, tức là giá trị ngoài thắng lạm phát ra thì phát triển ở ít nhất từ 5 đến 10+ năm sau, không phải ở ngắn hạn.

Bởi vì mình sống ở London, nên ngữ cảnh của bài viết này sẽ phù hợp hơn với những thị trường phát triển. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể vận dụng một cách phù hợp theo thị trường Việt Nam và nhu cầu cũng như khả năng chịu rủi ro của bản thân.

5. Nguyên tắc của mình khi đầu tư

Chúng ta đều biết một trong những nhà đầu tư thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại – Ông Warren Buffett. Những nguyên tắc trên hành trình đầu tư của mình ở thời điểm hiện tại đều dựa trên lời khuyên của Ông dành cho phần lớn dân chúng. Lí do rất đơn giản, mình không phải một người như Ông trong việc đầu tư. Ít nhất, ở thời điểm hiện tại là thế, còn sau này thì sẽ phải chờ thời gian trả lời. Mình chỉ là một người bình thường, làm công ăn lương, và cố gắng phát triển bản thân để có thể làm được nhiều việc có ích hơn mỗi ngày.

5.1. Đa dạng hoá danh mục đầu tư

Một nguyên tắc kiểu mẫu như sách giáo khoa mình rất hay gặp của việc đầu tư là đa dạng hoá danh mục, hay tương tự với lời khuyên “Không nên bỏ toàn bộ trứng vào một giỏ.” Nếu bạn lỡ tay đánh rơi giỏ trứng đó, bạn sẽ không còn quả trứng nào lành lặn. Nếu chẳng may có điều gì đó xảy ra với một/vài loại cổ phiếu/trái phiếu, mà tất cả số tiền đầu tư của bạn đều ở đó, thì bạn chính thức lên đường 😥 Kết quả của việc không đa dạng hoá danh mục đầu tư luôn là “được ăn cả, ngã về không“. Tình hình trái phiếu doanh nghiệp xảy ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam cũng chỉ là một loại rủi ro khi đầu tư. Dù loại rủi ro này ít gặp, nhưng không ai có thể cam đoan nó sẽ không xảy ra. Vậy nên, trước khi xác định chiến lược và nguyên tắc đầu tư, bạn phải xác định mức độ chấp nhận rủi ro là vì thế.

Ở Anh thì thị trường tài chính đã được kiểm soát khá nghiêm ngặt bởi luật pháp, và lượng sản phẩm tài chính để đầu tư cá nhân cũng đa dạng, nên hành trình của mình sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với bạn ở Việt Nam. Mình sẽ không tự chọn mua các loại cổ phiếu/trái phiếu riêng lẻ, hay còn gọi là đầu tư chủ động, bởi mình không có đủ thời gian và kiến thức hay sự kiên trì để theo dõi tình hình thị trường một cách sát sao. Mình lựa chọn phương án quỹ hoán đổi danh mục, hay còn gọi là đầu tư bị động. Phương án này ngay lập tức đã giúp mình đa dạng hoá danh mục đầu tư, bởi trên tay mình đã là hàng trăm cổ phiếu/trái phiếu khác nhau. Bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau với tỉ lệ khác nhau. Nếu bạn muốn an toàn, hãy đầu tư nhiều tiền hơn vào các quỹ trái phiếu, ít tiền hơn vào các quỹ cổ phiếu. Bạn luôn có thể thay đổi số tiền đầu tư vào các quỹ tuỳ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.

5.2. Để ý đến việc giảm thiểu chi phí

Sau đó, mình sẽ đi xem nơi nào cho phép mình đầu tư bị động với chi phí thấp nhất. Nhiều người sẽ nghĩ rằng chi phí chỉ là một phần nhỏ của giá trị tiền mà bạn đầu tư. Nhưng bạn cũng đừng quên, nếu bạn như mình, thì mình không đầu tư ngắn hạn, mà là nhìn ít nhất 5 – 10+ năm sau, thậm chí cho đến khi mình nghỉ hưu. Mình mới 24 tuổi, đến khi mình nghỉ hưu phải còn tận khoảng 40 năm. Theo thời gian, mình càng bỏ nhiều tiền vào đầu tư, thì số tiền mình mất cho chi phí càng nhiều. Vậy nên, nhiều khi, chỉ cần tìm được nơi có chi phí thấp hơn, là bạn đã bảo vệ được kha khá số tiền rồi đó. Đây là một nguyên tắc khác mình chú ý đến trong quá trình đầu tư của bản thân.

Most investors, both institutional and individual, will find that the best way to own common stocks is through an index fund that charges minimal fees. Those following this path are sure to beat the net results (after fees and expenses) delivered by the great majority of investment professionals.

Warren Buffett

Dịch: Hầu hết các nhà đầu tư, cả tổ chức lẫn cá nhân, sẽ thấy rằng cách tốt nhất để sở hữu cổ phiếu phổ thông là thông qua một quỹ chỉ số chi phí thấp. Những người đi theo con đường này chắc chắn sẽ đánh bại kết quả ròng (sau thuế phí) của đại đa số các chuyên gia đầu tư.

5.3. Đầu tư liên tục với số tiền nhỏ, tránh dự đoán thị trường, và kiên nhẫn chờ đợi

Thống kê cho thấy chỉ có 17% chuyên gia tài chính tại Mĩ thắng được thị trường (đo bằng chỉ số S&P 500) trong 10 năm qua. Chỉ số S&P 500 tập hợp tất cả cổ phiếu của 500 công ti niêm yết lớn nhất nước Mĩ, nên chỉ số này rất hay được sử dụng làm mốc thị trường. Ngay cả những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm lăn lộn đầy mình cũng chưa chắc đã đoán chuẩn điểm rơi đáy và điểm đỉnh của thị trường để mua vào và bán ra đúng lúc liên tục, nên nếu chúng ta cố gắng thử dự đoán các điểm này chỉ khiến cho hành trình đầu tư trở thành một canh bạc mà thôi. Nếu bạn có máu thì… xin mời 😅

Từ đó, thường dân như chúng ta chỉ cần đi con đường dễ hơn một chút, chính vì thế nên bạn mới cần tầm nhìn dài hạn.

Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình
Biểu đồ chỉ số S&P 500 từ xưa đến nay

Về dài hạn, giá trị của thị trường luôn tăng. Điều này luôn đúng, bởi cuộc sống luôn ngày càng phát triển, tiền trên thế giới cũng ngày càng nhiều hơn. Vậy nên, thay vì bỏ toàn bộ tiền của mình hiện có vào tài khoản đầu tư để bắt đáy (mà mình chưa chắc đã bắt đúng đáy, rồi sau này cũng chưa chắc mình bán ra khi danh mục đạt đỉnh), mình sẽ làm theo nguyên tắc đầu tư số tiền nhỏ mỗi tháng, nhưng tháng nào mình cũng mua vào, bất kể giá là bao nhiêu. Nếu mình mua lần này giá cao, thì số lượng lần này sẽ ít. Nếu lần sau mình mua giá thấp, thì số lượng lần sau sẽ nhiều. Nguyên tắc này giúp mình tránh được rủi ro mua nguyên 1 cục ở 1 cái giá duy nhất, và thực tế giá mình mua sẽ là trung bình cộng của tổng giá trị danh mục tài sản đầu tư của mình trên mỗi đơn vị số lượng danh mục mình sở hữu.

Ví dụ với số cụ thể nhé. Ngày 5 mỗi tháng mình nhận lương, mình bỏ ra 2 triệu để đầu tư. Ngày 05/01 mình mua với giá 800.000 VND, tức là mình sở hữu 2,5 đơn vị. Ngày 05/02 mình mua với giá 400.000 VND, tức là mình mua thêm 5 đơn vị. Ngày 5/3 mình mua với giá 600.000 VND, tức là mình mua thêm 3,3 đơn vị. Sau 2 tháng, mình chi 6 triệu để sở hữu 10,8 đơn vị thì trung bình mình mua với giá 556.000 VND, có phải mình vẫn thắng 2/3 số lần mình mua không? Tất nhiên đây là ví dụ mình chế ra, nhưng thị trường ngắn hạn nó cũng trồi sụt như vậy đó. Đổi lại, vì thị trường dài hạn luôn tăng, nên mình càng đầu tư sớm, mình càng đầu tư lâu, thì số tiền sau này mình có lại càng nhiều. Kiên nhẫn thôi!

6. Đầu tư ở đâu?

Nhóm (1) – đầu tư để đầu tư + Nhóm (2) – đầu tư dài hạn

Ở Anh, mình có gợi ý một số cấu trúc:

Cấu trúc của cả 2 sản phẩm này đều được đa dạng hoá với rất nhiều quỹ khác nhau, và chi phí duy trì rất thấp. Khi vẫn còn trẻ, thời gian trước mắt vẫn còn nhiều, khả năng tạo thu nhập vẫn còn mở rộng, nên cấu trúc khoảng 80% cổ phiếu – 20% trái phiếu là phù hợp. Sau này, khi mức độ chấp nhận rủi ro giảm dần, thì cấu trúc danh mục có thể thay đổi để tăng trái phiếu lên và giảm cổ phiếu xuống. Bạn cứ cân đối tỉ lệ cổ phiếu/trái phiếu theo mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân khiến bạn thoải mái với việc đầu tư là được.

Phí duy trì của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) này thấp, chỉ ở mức 0,15%, và nó đi theo tình hình thị trường toàn cầu thay vì tập trung vào một (vài) thị trường nào đó cụ thể. Quỹ này là 100% cổ phiếu, không có trái phiếu. Bạn có thể mua sản phẩm này trên Trading 212.

Phí duy trì của quỹ này cũng thấp, chỉ ở mức 0,12%, nó đi theo tình hình thị trường toàn cầu, và có 3,537 danh mục trong quỹ, nhiều hơn so với các quỹ tương tự – cho mục tiêu đa dạng hoá danh mục. Quỹ này là 100% cổ phiếu, không có trái phiếu. Bạn có thể mua sản phẩm này trên Hargreaves Lansdown.

Lí do mình gợi ý 2 cấu trúc quỹ của 2 nền tảng khác nhau là để đa dạng hoá danh mục đầu tư. Ở Việt Nam, mình thấy Finhay có sản phẩm tương tự VanguardNutmeg với 6 cấu trúc có tỉ lệ quỹ trái phiếu/cổ phiếu khác nhau. Mình không sử dụng Finhay, cũng không rõ về thị trường Việt Nam, nên nếu bạn muốn vận dụng chiến lược và nguyên tắc trong bài viết này thì nhớ tìm hiểu cẩn thận và đảm bảo bạn chấp nhận được rủi ro nhé.

Nhóm (3) – tiết kiệm
Ở Anh, mình gợi ý:

  • Chase, vì họ trả lãi 1%/năm cho tài khoản ngân hàng và 5,1%/năm cho tài khoản tiết kiệm
  • Cash ISA của Trading 212, họ trả lãi 5,2%/năm

Haha, bạn đừng so sánh lãi suất ở các nước phát triển so với Việt Nam 🤣 Dù Anh có những tài khoản trả lãi cao hơn, nhưng đồng thời nó cũng đi kèm nhiều điều kiện hơn mà mình hiện tại chưa có nhu cầu, nên bây giờ như vậy là tốt rồi, và nó cũng đáp ứng được khả năng chấp nhận rủi ro của mình.

Ở Anh có ứng dụng Trading 212 cho bạn đầu tư thử bằng tiền giả. Ứng dụng sẽ cho bạn 5.000 GBP để bạn tự lựa chọn đầu tư nếu bạn muốn thử xem bản thân sẽ cảm thấy thế nào khi vùng vẫy trên thị trường tài chính. Con số 5,000 GBP nếu theo chiến lược và nguyên tắc của mình ở trên thì đủ cho mình thử 2 năm luôn đó, vì bây giờ một tháng mình chỉ có thể đầu tư tối đa 5 – 6 triệu VND thôi.

—-

Đầu tư nghe có vẻ “khoai”, nhưng đây là công cụ hữu ích giúp bạn bảo lưu và tăng giá trị tài sản về lâu dài. Bạn đừng quên, đầu tư là một hành trình, và điều quan trọng của bất kì hành trình nào là sự vui vẻ, thoải mái, tận hưởng của bạn trên mỗi bước đi.

Trong bài viết này, mình đã cố gắng giữ những sự giải thích một cách đơn giản nhất có thể để bạn dễ hiểu, từ đó dẫn đến những ý nghĩa có thể chưa chuẩn hoàn toàn 100%, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu đại khái sự tương quan lẫn nhau để có quyết định đầu tư phù hợp.

19.06.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tài Chính Cá Nhân.