0
Your Cart

♡ Hành Trình Đầu Tư Của Mình [Phần 1] ♡

Hành Trình Đầu Tư Của Mình

Bài viết chỉ mang tính tham khảo (đọc thêm tại Miễn Trừ Trách Nhiệm)không có tiếp thị liên kết.

Bởi vì bài viết này rất dài, nên mình sẽ chia làm 2 phần nha 🥰

Hành Trình Đầu Tư Của Mình [Phần 1]
Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình [Phần 2]

Khi nói đến đầu tư, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy việc bản thân phải điều hướng thị trường là một ý tưởng khá đáng sợ và các thuật ngữ tài chính chẳng có gì dễ hiểu. Tuy nhiên, với một chút nghiên cứu và một kế hoạch chắc chắn, đầu tư có thể là một cách hữu hiệu và không khó quản lí để bảo vệ giát trị tiền của bạn, thậm chí phát triển nó.

Bài viết này không có mục đích chỉ bạn cách làm giàu nhanh, vì mình vẫn còn trẻ, nên “đầu tư” đối với mình ở thời điểm hiện tại đơn giản là khiến cho đồng tiền đừng mất giá theo lạm phát, chỉ thế thôi là đã rất tốt rồi. Hơn nữa, đầu tư trong suy nghĩ của mình là về dài hạn, tức là giá trị ngoài thắng lạm phát ra thì phát triển ở ít nhất từ 5 đến 10+ năm sau, không phải ở ngắn hạn.

Bởi vì mình sống ở London, nên ngữ cảnh của bài viết này sẽ phù hợp hơn với những thị trường phát triển. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể vận dụng một cách phù hợp theo thị trường Việt Nam và nhu cầu cũng như khả năng chịu rủi ro của bản thân.

1. Xác định mục đích đầu tư

Hầu như trong bất kì bài viết nào kể về những hành trình mình đã đi qua, mình luôn bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu, và hành trình đầu tư của mình cũng thế. Đối với mình, mục tiêu cũng giống như ngọn hải đăng vậy, nó cho mình một khái niệm cơ bản về việc mình muốn đạt được điều gì.

Mục tiêu khi đầu tư của bạn có thể là để trả tiền đặt cọc mua nhà, hoặc là để sau này dưỡng già, hoặc có thể chỉ đơn giản như mình là để tiền không mất giá thôi. Khi bạn biết mục tiêu của mình là gì, bạn mới có thể xác định khả năng chịu rủi ro của bản thân đến đâu. Nếu bạn muốn mua nhà thì bạn sẽ muốn phương án an toàn cao. Nếu bạn muốn dưỡng già thì khi còn trẻ bạn có thể chấp nhận rủi ro cao hơn và càng về sau này bạn sẽ càng điều chỉnh danh mục đầu tư của mình về những phương án an toàn hơn. Nếu bạn đầu tư chỉ để đầu tư thôi, chỉ muốn tiền không mất giá thì bạn sẽ muốn bám vào thị trường dài hạn.

Bạn thấy không, khi bạn có mục tiêu thì con đường cũng dần xuất hiện lờ mờ rồi đó 😊

2. Tìm hiểu kiến thức tài chính cơ bản

Bạn không cần phải có kiến thức tài chính về thị trường như một nhà giao dịch tài chính (trader), bởi ngay cả những nhà giao dịch tài chính giỏi nhất thế giới với kiến thức uyên bác đầy mình cũng chưa chắc đã bắt đáy và đỉnh đúng lúc. Bạn chỉ cần có đủ kiến thức để hành trình đầu tư của bạn không phải là một canh bạc mà thôi, như thế theo mình là tốt rồi. Sau đó, theo thời gian, bạn sẽ từ từ tìm hiểu những kiến thức phức tạp hơn.

2.1. Giá trị thời gian của tiền

Giá trị thời gian của tiền là khái niệm nền tảng để bạn bắt tay vào đầu tư, vì nguyên tắc này nói rằng 1 đồng tiền của ngày hôm nay có giá trị cao hơn cũng 1 đồng tiền đó của tương lai. Lí do của điều này xuất phát từ việc tiền của hôm nay có thể được đầu tư để trở thành một số tiền lớn hơn trong tương lai.

2.2. Các loại tài sản tài chính

Các loại tài sản tài chính bao gồm tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hoán đổi danh mục, tiền gửi ngân hàng, và các loại khác. Mình chỉ kể cụ thể những loại tài sản tài chính thông dụng, thường gặp, và có thể được đầu tư khá dễ dàng bởi một người bình thường.

Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng có lẽ mình sẽ không cần phải giải thích nữa.

Cổ phiếu là đơn vị xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Có nghĩa là, nếu bạn sở hữu cổ phiếu của một công ti nào đó tức là bạn đang sở hữu một phần công ti đó. Bạn có thể có thu nhập từ cổ phiếu khi công ti chia tiền cổ tức cho người giữ cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu có thể tăng, có thể giảm, tuỳ thuộc vào giá trị của công ti trên thị trường ở mỗi thời điểm. Nếu công ti đó được thị trường cho là “xịn”, thì sẽ có nhiều người có nhu cầu mua cổ phiếu công ti đó hơn, từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, và ngược lại. Thị trường xác định công ti đó có “xịn” hay không dựa vào tình hình kinh doanh, báo cáo kinh tế, và cả cảm quan cá nhân của người chơi trên thị trường nữa. Khi bạn bán cổ phiếu, bạn sẽ thu về giá trị của số cổ phiếu bạn đang nắm giữ theo giá thị trường trừ thuế phí. Bạn có thể mất sạch tiền khi giá trị cổ phiếu của bạn tiến về 0 hoặc khi bạn không thể bán cổ phiếu đi vì bất kì lí do gì.

Trái phiếu là đơn vị xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người giữ trái phiếu. Có nghĩa là, nếu bạn sở hữu trái phiếu của một công ti hay chính phủ nào đó tức là bạn là một phần chủ nợ của công ti hoặc chính phủ đó. Bạn có thể có thu nhập từ trái phiếu khi đến hạn công ti hoặc chính phủ trả lãi cho chủ nợ. Giá trị trái phiếu có thể tăng, có thể giảm tuỳ thuộc vào tiền lãi của trái phiếu đó so với lãi suất chung trên thị trường. Nếu thị trường trả lãi suất cao hơn trái phiếu bạn đang giữ, thì giá trị trái phiếu của bạn sẽ đi xuống, vì thị trường hấp dẫn hơn trái phiếu của bạn, và ngược lại. Khi đến hạn trả toàn bộ nợ gốc (hay còn gọi là đáo hạn), công ti hoặc chính phủ sẽ trả lại số tiền gốc họ đã vay từ bạn ban đầu. Nếu bạn không giữ trái phiếu đến khi đáo hạn mà bán sớm, bạn sẽ thu về giá trị của trái phiếu bạn đang nắm giữ theo giá thị trường trừ thuế phí. Bạn có thể mất sạch tiền khi công ti hoặc chính phủ bạn cho vay không còn khả năng trả nợ cho bạn vì bất kì lí do gì.

Quỹ hoán đổi danh mục là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số cổ phiếu/trái phiếu trên thị trường. Có nghĩa là, nếu bạn sở hữu quỹ hoán đổi danh mục nào tức là bạn sở hữu một phần tất cả cổ phiếu/trái phiếu có trong quỹ đó. Bạn có thể có thu nhập từ quỹ y chang như cổ phiếu/trái phiếu khi cổ phiếu/trái phiếu trong quỹ chia tiền cổ tức hoặc trả lãi. Giá trị của quỹ tăng và giảm theo giá trị của cổ phiếu/trái phiếu có trong quỹ.

3. Xác định mức độ chấp nhận rủi ro

Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn là mức độ rủi ro mà bạn cảm thấy thoải mái trên hành trình đầu tư của mình. Có người có mức độ chấp nhận rủi ro cao để đổi lấy tiềm năng thu lời cao, nhưng cũng có người muốn lựa chọn phương án an toàn dù lợi nhuận thu về thấp.

Từ những kiến thức cơ bản ở trên, bạn cũng có thể thấy rằng trái phiếu thì an toàn hơn cổ phiếu, vì trái phiếu trả lãi định kì và đáo hạn ở một con số bạn biết trước tại một thời điểm bạn biết trước, trong khi bạn không biết khi nào thì bạn có được chia cổ tức từ cổ phiếu hay khi nào giá cổ phiếu đạt đỉnh để bán ra.

Ở đây, chúng ta bỏ qua tình huống xấu nhất, tức là công ti hoặc chính phủ không còn khả năng trả nợ trái phiếu, hay là giá trị cổ phiếu về 0 hoặc bạn không thể bán cổ phiếu đi. Những trường hợp này thường không hay xảy ra. Nếu từ điều này mà bạn đang thắc mắc về tình hình trái phiếu doanh nghiệp xảy ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam, thì mình sẽ giải thích ở phía sau nha.

4. Chiến lược của mình khi đầu tư

Ô kê, mình nói loanh quanh đủ rồi, giờ vô chủ đề chính: hành trình đi tìm chiến lược đầu tư phù hợp với nhu cầu của bạn nhất. Chiến lược trong bài viết này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của mình, nhưng mình sẽ cố gắng giải thích ngữ cảnh một cách chi tiết nhất để bạn có thể vận dụng một cách hợp lí cho riêng bạn.

Đầu tiên, mình sẽ nhìn tài khoản tiết kiệm. Nếu số tiền tiết kiệm của mình chưa đủ để chi trả cho các khoản chi trong 3 tháng, thì mình sẽ không đả động gì đến đầu tư. Lí do cũng dễ hiểu mà, đúng không? Ai biết hên xui may rủi, trong ngắn hạn, tiền đầu tư chưa phát triển đủ nhiều hoặc thậm chí là đi xuống, mà cuộc sống của mình lại gặp vấn đề cần tiền, nhưng tài khoản tiết kiệm lại không có đồng nào, thì lúc đó mình chỉ có thể thốt lên “Thôi rồi Lượm ơi.” mà thôi.

Tiếp theo, tài khoản tiết kiệm có đủ tiền để giúp mình sống sót qua 3 tháng kể cả khi không có thu nhập rồi, thì mình sẽ xem tình hình tài chính cá nhân. Trước đây mình có viết bài cách mình ♡ Quản Lí Tài Chính Cá Nhân , bài này hơi cũ rồi vì tập tin Excel của mình hiện tại đẹp và màu mè lắm, cũng có nhiều chức năng hơn, khi nào có thời gian mình sẽ cập nhật lại, nhưng cơ bản về nguyên tắc thì nó vẫn thế. Nếu bạn không để dành được đồng nào, thì bạn sẽ cần phải xem lại tình hình tài chính cá nhân của bạn. Vì số tiền mình chi ít hơn thu nhập, tức là mình có dư tiền của để dành mỗi tháng, nên mình sẽ chính thức bắt tay vào hành trình đầu tư.

Hành trình đầu tư của mình chia phần tiền dư mỗi tháng ra làm 3 phần, sau này có con mình sẽ chia thành 4 phần. Những phần này không nhất thiết phải bằng nhau, bạn chia như thế nào là tuỳ bạn. 4 phần này bao gồm:

  • (1) Đầu tư để đầu tư, nếu cần gì ngắn hạn thì cân nhắc hoặc bán danh mục này hoặc sử dụng tiền trong tài khoản tiết kiệm, tuỳ tình hình và mục đích
  • (2) Đầu tư dài hạn (10+ năm), chủ yếu là để nghỉ hưu, hiểm hoạ lắm mới bán danh mục này, nếu không thực sự cần thiết thì sẽ không bán
  • (3) Tiết kiệm, vẫn phải làm dày thêm chứ không thể để chỉ có 3 tháng được, lỡ gặp ca như COVID-19 hay suy thoái kinh tế thì vẫn cần những phương án an toàn ngắn hạn, thậm chí trung hạn
  • (4) Đầu tư để giữ cho con khi trưởng thành (học đại học, làm vốn)

Phần (1) – Đầu tư để đầu tư, ở Anh có 2 loại phổ biến là ISA và General Account. Bởi vì ISA cho phép bạn đầu tư 20.000 GBP/năm mà không phải trả thuế tiết kiệm và đầu tư, nên ai cũng sẽ đầu tư vào ISA cho đến kịch khung 20.000 GBP/năm thì họ mới chuyển qua General Account. Bạn có thể đọc thêm về thuế tiết kiệm và đầu tư.

Phần (2) – Đầu tư dài hạn, ở Anh có 2 loại, là Lifetime ISA (LISA)SIPP với một số khác biệt như là tổng số tiền bạn được phép bỏ vào, thời điểm bạn được phép rút tiền ra, mục đích bạn rút tiền ra, và thuế phí bạn phải chịu. Mình không làm gì với SIPP, mình chỉ tập trung vào LISA thôi, vì mình thấy nó dễ hiểu hơn về cách vận hành. LISA là một phần của ISA, nên phần tiền bạn bỏ vào LISA cũng tính vào 20.000 GBP/năm miễn thuế.

SIPP là một loại bảo hiểm hưu trí, nhưng thay vì của nhà nước hay của tư nhân, bạn chính là người tự đưa ra quyết định đầu tư vào danh mục nào, đầu tư bao nhiêu tiền, và khi nào thì bạn bỏ tiền vào. Tuỳ vào mức thu nhập của bạn, số tiền bạn bỏ vào SIPP sẽ được chính phủ hoàn thuế thu nhập vào thẳng SIPP, với một vài điều kiện về giới hạn.

SIPP và LISA có nhiều điểm tương đồng, cả 2 cái đều có cái hay/dở riêng chứ không có cái nào là có lợi thế vượt trội hơn cái nào, phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Luật thuế của Vương quốc Anh khá rắc rối, bạn nên tự đọc, thậm chí hỏi chuyên gia tư vấn tài chính để đảm bảo là bạn không hiểu sai.

Phần (3) – Tiết kiệm, ở Anh cũng như ở Việt Nam, bạn tìm nơi nào trả lãi suất tiết kiệm cao và mở tài khoản ở đó, rồi nhận lãi 😁

Phần (4) – Đầu tư cho con, ở Anh có Junior ISA. Mình được phép bỏ vào tài khoản này tối đa 9.000 GBP/năm cho mỗi con miễn thuế tiết kiệm và đầu tư.

Tất nhiên, hiện tại mình không có dư nhiều tiền để đầu tư thế, đây chỉ là luật thôi 😂 Nhưng ít ra, cơ bản chiến lược của mình là vậy ở thời điểm hiện tại.



Trong bài viết này, mình đã viết về những điều bạn nên biết và hiểu trước khi thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản đầu tư. Bài viết sau là phần tiếp theo của bài này, mình sẽ viết về nguyên tắc mình đặt ra cho bản thân khi đầu tư, cũng như việc mình đầu tư vào những nơi nào.

Đầu tư nghe có vẻ “khoai”, nhưng đây là công cụ hữu ích giúp bạn bảo lưu và tăng giá trị tài sản về lâu dài. Bạn đừng quên, đầu tư là một hành trình, và điều quan trọng của bất kì hành trình nào là sự vui vẻ, thoải mái, tận hưởng của bạn trên mỗi bước đi.

Mình đã cố gắng giữ những sự giải thích một cách đơn giản nhất có thể để bạn dễ hiểu, từ đó dẫn đến những ý nghĩa có thể chưa chuẩn hoàn toàn 100%, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu đại khái sự tương quan lẫn nhau để có quyết định đầu tư phù hợp.

27.04.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Hành Trình Đầu Tư Của Mình, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tài Chính Cá Nhân.