0
Your Cart

♡ Lướt Sóng Chứng Khoán: Chiến Lược Đầu Tư và Quy Tắc Kỉ Luật [Phần 3] ♡

lướt sóng chứng khoán

Cách Tui Lướt Sóng Chứng Khoán

Tui nói trước nha, bài viết này là cách tui lướt sóng chứng khoán, chứ không phải là hướng dẫn lướt sóng đâu nha. Nó chỉ mang tính kể chuyện thôi, thậm chí tui còn hổng dám nói là nó mang tính tham khảo nữa. Mọi người đừng có thấy tui công tác trong lĩnh vực tư vấn tài chính mà tin tui nha, ngành cũng rộng lắm, đây không phải là lĩnh vực của tui, mà kể cả nếu nó có là lĩnh vực của tui thì mọi người đọc mấy thứ miễn phí này trên mạng để cân nhắc thôi chứ nhớ phải tìm hiểu kĩ và chắc chắn về khẩu vị rủi ro của bản thân rồi mới xuống xèng gì thì xuống nha. Tui nói rồi đó.

Nè, dẫn lại liên kết Miễn Trừ Trách Nhiệm của blog luôn nè.

Hành Trình Đầu Tư Của Mình [Phần 1]
Nguyên Tắc Đầu Tư Của Mình [Phần 2]
Lướt Sóng Chứng Khoán: Chiến Lược Đầu Tư và Quy Tắc Kỉ Luật [Phần 3]

1. Sao tui bảo không nên lướt sóng mà?

(Quay lại xưng “mình” thay vì xưng “tui”.)

Nếu bạn chưa biết “lướt sóng” là làm gì, thì nó là việc bạn cố gắng canh thời điểm mua giá thấp và bán giá cao, từ đó kiếm lời ở phần chênh lệch giá cổ phiếu, hay còn gọi là lợi tức vốn.

Cái ý kiến không nên lướt sóng chứng khoán vẫn đúng nha, lướt sóng vì mục tiêu lợi nhuận lâu dài là rất khó, thống kê đã nói rồi. Tất nhiên, trên đời có nhiều trader xịn lắm, ví dụ như Gary Stevenson, nhưng vốn dĩ nghề của người ta là giao dịch mua bán trên thị trường tài chính để kiếm lời, còn những người bình thường như mình và bạn thì mình vẫn thấy bảo vệ an toàn và giảm rủi ro vẫn là chiến lược toàn diện hơn.

Aiz, nhưng cuộc đời mà, cũng phải có tí phiêu lưu chứ, đúng không? Thêm chút gia vị cuộc sống cho đời thêm sinh động, tất nhiên nó phải nằm trong khả năng chấp nhận của mỗi người.

Từ đó, mình lập ra chiến lược là lướt… ít thôi. Ví dụ, coi như mỗi tháng mình để ra được 1 triệu để đầu tư, thì mình chỉ dùng 100 nghìn để lướt sóng thôi, còn 900 nghìn còn lại là đầu tư với chiến lược an toàn bình thường, tức là phần lướt sóng chỉ chiếm tối đa 10% số tiền nằm trên thị trường tài chính của mình. Ngoài tiền trên thị trường tài chính ra thì vẫn còn tiền tiết kiệm, tiền bảo hiểm các thứ nữa, nên là mình cũng chuẩn bị tâm lí tệ nhất thì giá cổ phiếu lướt sóng về 0 thì mình mất sạch phần tiền này thôi. So với tổng giá trị tài sản ròng, phần tiền lướt sóng sẽ không chiếm tỉ trọng quá lớn, nên nếu có mất hết thì cũng không đến nỗi sạt nghiệp không ngóc đầu lên nổi.

Tất nhiên, mình sẽ đề ra những quy tắc, và miễn là bản thân kỉ luật theo đúng chiến lược đã đề ra thì tình huống cũng sẽ không trở nên quá tệ. Quan trọng là: không tham lam, và không chơi tất tay!

2. Chọn mua mã cổ phiếu

Dù bài viết này nói là lướt sóng, chứ thực ra mình cũng không lướt dữ dội lắm đâu, mà cũng có cân nhắc một… vài yếu tố.

2.1. Lọc mã có giá trị vốn hoá cao

Mình chỉ lướt sóng chứng khoán ở các mã có giá trị vốn hoá to nhất của thị trường, ở Việt Nam mình chỉ nhắm đến các mã thuộc VN30 hoặc VN100, còn ở Anh là FTSE100. Mình ưu tiên các mã thuộc VN30 nhưng đôi khi, khi mình muốn mua cổ phiếu, không mã nào thuộc VN30 đáp ứng được những tiêu chí phía sau thì mình sẽ mở rộng ra VN100.

Đây là tiêu chí cá nhân do mình đặt ra vì những công ti to thì tính thanh khoản thường cao. Sự lựa chọn này hơi bảo thủ (nhẹ?!), vì thống kê cũng cho thấy các công ti nhỏ thường đem lại lợi tức vốn cao hơn. Mình muốn khi giao dịch thì lệnh của mình cần được khớp nhanh gọn lẹ, lướt sóng mà, nên đây là bước 1 trong số các bước mình cố gắng hạn chế bớt rủi ro.

Danh sách các mã thuộc VN30, VN100, và FTSE100 mình lấy trên Trading View.

2.2. Đặt tiêu chí

Sau khi lọc các mã thuộc VN30 hoặc VN100, mình đặt ra 6 chông gai để chọn mua mã cổ phiếu, bao gồm:

Tiêu chíKết quả
EPS dil growth 3 năm gần nhấtDương
Net income TTMDương
Operating CF TTMDương
Total debt growth annual YoYÂm
Operating CF TTM – Net income TTMDương
Asset turnoverFY > LY

Chông gai Asset turnover FY > LY có thể tra được trên Financials > Statistics trên Trading View, như ví dụ của mã AAA dưới đây:

Lướt Sóng Chứng Khoán

Mã nào có beta cao nhất mà mình chưa sở hữu, cũng chưa sở hữu mã nào cùng ngành, thì mình chọn mã đó (lướt sóng mà!).

Trong trường hợp rất hi hữu khi không có mã nào vượt qua được 6 chông gai trên, mình sẽ chấp nhận mã có Total debt growth dương bé nhất.

Mình sử dụng công cụ Stock Screener của Trading View để xem thông tin về các mã.

lướt sóng chứng khoán

3. Mua cổ phiếu

3.1. Đặt lệnh mua

Mình mua cổ phiếu Việt Nam trên Finhay. Finhay có tiếp thị liên kết, nhưng rất tiếc là mình không chia sẻ được để bạn nhận quà cùng mình, vì mã chia sẻ tiếp thị liên kết là số điện thoại. Số điện thoại thì mang tính cá nhân quá, vậy nên trừ phi nếu bạn có số điện thoại của mình vì bạn quen mình lâu lẩu lầu lâu rồi hay gì đó thì có thể nhắn mình trực tiếp nha, còn nếu không thì bạn cứ đăng kí Finhay trực tiếp thôi.

Ở Anh thì mình dùng Trading212 vì nó miễn phí giao dịch.

Trong tình huống lí tưởng, mình sẽ mua với giá thị trường. Ở Việt Nam, điều kiện để giao dịch với giá thị trường là bạn buộc phải đặt lô chẵn, tức là số lượng cổ phiếu mua vào là bội số của 100 (Ở Anh thì bạn có thể mua thập phân của cổ phiếu, tức là bạn không nhất thiết phải mua số cổ phiếu tròn, nên mình luôn có thể giao dịch với giá thị trường.). Tất nhiên, nếu không có điều kiện vì số tiền dư không đủ nhiều để mua lô chẵn thì bạn phải mua lô lẻ, tức là số lượng cổ phiếu dưới 100, và đặt lệnh giới hạn (LO). Để biết các lệnh MP, LO, ATO, ATC khác nhau chỗ nào thì bạn đọc bài Các loại lệnh chứng khoán: ATO, ATC, LO, MP… trên VnExpress nha.

Mua lô chẵn với lệnh thị trường thì dễ rồi, giá thị trường như thế nào thì bạn mua như thế. Tuy nhiên, nếu bạn phải mua lô lẻ và phải đặt lệnh giới hạn, thì câu hỏi đặt ra là bạn đặt giá giới hạn như thế nào? Lúc này, mong muốn và nhu cầu của bạn đóng vai trò rất lớn. Như đã nói, mình muốn khi giao dịch thì lệnh của mình cần được khớp nhanh gọn lẹ, vậy nên mình sẽ khá thoáng tay khi đặt giá giới hạn.

Khi mua vào, mình sẽ nhìn bảng giá và đặt lệnh giới hạn với mức giá cao hơn mức giá cao nhất 50 đồng. Lệnh giới hạn không có nghĩa là nó sẽ khớp với đúng giá mình đưa ra, mà đây là giá cao nhất mình đồng ý mua. Tức là, nếu giá cao hơn mức mình đưa ra, thì lệnh sẽ không được khớp.

Ví dụ như hình dưới đây, mình sẽ đặt lệnh giới hạn với giá 11.650 VND, hết hạn 1 ngày giao dịch sau, tức là ngày hôm nay + 1, chỉ tính ngày giao dịch. Mình sẽ kiểm tra lệnh này tối thiểu 1 lần/ngày. Nếu lệnh đã hết hạn hoặc bị huỷ, mình sẽ tạo lệnh mới. Nếu lệnh đang chờ khớp, mình sẽ không làm gì cả, trừ phi giá nhảy thì mình sẽ sửa giá nếu vẫn còn có thể.

lướt sóng chứng khoán

3.2. Đa dạng hoá danh mục

Mỗi tháng mình chỉ mua 1 mã, tháng trước mình mua 1 mã rồi thì tháng này mình sẽ mua mã khác. Tất cả ảnh ở trên đều là của mã AAA vì ở thời điểm mình viết bài này, nó vượt qua các vòng tuyển chọn của mình. Sau khi mua mã AAA rồi thì tháng sau mình sẽ mua mã khác.

Mình chọn mã tiếp theo để mua, dựa trên ngành. Vì mã AAA thuộc ngành Containers/Packaging, mình sẽ bỏ qua tất cả các mã cùng thuộc ngành này và quay lại quy trình tuyển chọn 6 chông gai cho các mã không thuộc ngành này. Cho đến khi không một mã nào đáp ứng được tất cả tiêu chí này của mình nữa, mình sẽ bắt đầu mua những mã mình chưa sở hữu nhưng lại thuộc ngành của mã mình đã sở hữu. Cho đến khi không một mã nào đáp ứng được tất cả các tiêu chí này của mình nữa, toàn bộ quy trình sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Lưu ý, tất cả các vòng tuyển chọn này, con số có thể thay đổi, vậy nên bài viết này AAA vượt qua các vòng tuyển chọn chứ nếu bạn kiểm tra lại ở một thời điểm khác thì chưa chắc AAA đã còn vượt qua các vòng tuyển chọn đâu nha.

4. Bán cổ phiếu

4.1. Khi nào bán?

Câu hỏi lớn nhất của phần này là khi nào bán. Khi bạn chưa bán, những lãi lỗ chỉ là trên giấy. Khi bạn bán rồi, lãi lỗ đó biến thành thật.

Kỉ luật là yếu tố quan trọng nhất của mục này. Một khi mình đã đặt ra quy tắc, mình sẽ tuân thủ nó nghiêm ngặt, kể cả đang lỗ hay đang lãi. Nếu mình để tâm lí không vững vàng chen chân vào đây, việc lướt sóng sẽ trở nên không khác gì với đánh bạc cả. Mà đánh bạc thì… haiz, bạn biết rồi đó, ai mà biết được hên với xui nó cách nhau bao xa.

Mình chỉ có 2 quy tắc về việc khi nào bán.

  1. Lãi trong khoảng 33% – 50%
  2. Canh giá trailing stop, tạm dịch là canh giá tụt

Giá trailing stop tính như thế nào? Mình chạy công thức tự động trên Excel.

Tính từ thời điểm mình mua (nếu bạn bắt bẻ dựa trên công thức, thì chính xác phải gọi là tính từ “ngày” mình mua), giá trailing stop tính bằng 75% giá cao nhất mà mã cổ phiếu từng đạt được. Tức là, nếu giá cổ phiếu giảm, giá trailing stop của mình giữ nguyên. Nếu giá cổ phiếu tăng, giá trailing stop sẽ tăng theo. Khi giá cổ phiếu bằng giá trailing stop trở xuống, mình sẽ đặt lệnh bán.

Công thức tính giá cao nhất đây, sau đó phải nhân với 75% nữa:

=MAX(IFERROR(FILTER(Portfolio_Transaction[Buy price],Portfolio_Transaction[Position]=[@Position]),0),[@[Market price]],MAX(IFERROR(STOCKHISTORY([@Position],XLOOKUP([@Position],Portfolio_Transaction[Position],Portfolio_Transaction[Buy date]),TODAY(),0,0,3),0)))

Tư duy của quy tắc bán cổ phiếu này dựa trên việc, nếu lãi mình sẽ lãi tối đa khoảng 50%, nếu lỗ mình chỉ lỗ tối đa khoảng 25%. Lí do của “khoảng” là bởi vì nó còn phụ thuộc vào giá khớp lệnh, nhưng nó đảm bảo đủ độ an toàn cho cuộc chơi lướt sóng này.

4.2. Đặt lệnh bán

Tình huống lí tưởng là đặt lệnh bán với giá thị trường. Trong trường hợp đặt lệnh giới hạn bán lô lẻ, giá giới hạn của mình sẽ thấp hơn giá bán thấp nhất 50 đồng, như trong ảnh dưới đây giá giới hạn của mình sẽ là 11.600 VND, hết hạn 1 ngày giao dịch sau.

Một khi bán là mình bán sạch mã, chứ không bán lẻ lẻ. Tức là, mình sẽ không bán một phần giữ một phần mà bán hết luôn.



Cách mình lướt sóng chứng khoán hoàn toàn dựa trên những thông tin có sẵn miễn phí, không cần mua dịch vụ gì. Chính vì thế, nó chắc chắn không phải là chiến lược tối ưu, thậm chí nó còn cách “tối ưu” rất xa và mang theo rất nhiều thành kiến dẫn đến kết quả có thể không như mong đợi.

Vì vậy, lướt sóng trên thị trường chứng khoán chỉ là một cuộc phiêu lưu mà mình đã chuẩn bị tinh thần mất hết, được đền bù bởi một vài quy tắc để hi vọng giảm bớt rủi ro. Nói lại, không tham lam, không chơi tất tay, và tuân thủ kỉ luật tuyệt đối!

Nếu bạn cảm thấy những quy tắc này của mình có thể cải thiện ở điểm nào đó, thì hoan nghênh bạn đề xuất nha.

01.10.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Cách Tui Lướt Sóng Chứng Khoán, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tài Chính Cá Nhân.

One thought on “♡ Lướt Sóng Chứng Khoán: Chiến Lược Đầu Tư và Quy Tắc Kỉ Luật [Phần 3] ♡

Bình luận