0
Your Cart

♡ Tổng Kết 4 Năm Làm Khách Sạn [Phần 1] ♡

Tổng Kết 4 Năm Làm Khách Sạn [Phần 1]

Gần đây mình có gặp và nói chuyện với một bé qua London học quản trị khách sạn ở Glion. Tự nhiên nhiều cảm xúc ùa về, kí ức về những trăn trở của mình nhiều năm về trước lại xuất hiện, nhắc mình nhớ bản thân đã trưởng thành như thế nào. Hành trình 3 năm học và 4 năm làm khách sạn ấy mình đã tự định hướng, tự mày mò, tự quan sát học hỏi, tự sai, và tự rút kinh nghiệm để đạt được những mục tiêu được cho là rất khó.

Mình hay nói bản thân gặp nhiều may mắn, nhiều sự trùng hợp, nhưng chính những hành trang mình trang bị từ trước đã giúp mình nghênh đón những cơ hội đó. Nếu bạn chỉ nỗ lực thôi là không đủ, bạn cần nỗ lực đúng cách nữa. Cách nào là đúng sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh riêng của bạn. Trong bài viết này, mình sẽ tả chi tiết ngữ cảnh và suy nghĩ (non nớt) của mình khi đó, cùng với những sự thay đổi về góc nhìn của mình theo thời gian.

Trải nghiệm của mình là một, là riêng, là duy nhất. Kể cả khi bạn có đi con đường y chang mình thì những trải nghiệm của bạn cũng sẽ không giống mình hoàn toàn. Vì thế, đừng ép buộc chính bạn trở thành mình. Thay vào đó, hãy góp nhặt những bài học lẻ tẻ trong hành trình của mình mà có thể giúp bạn bứt phá lên trong ngữ cảnh của chính bạn.

Bài viết này là lời hứa của mình từ bài viết trước ♡ 2023 Khép Lại Chương Sự Nghiệp Khách Sạn ♡.



Bài viết ♡ Tại Sao Mình Chọn Học Quản Trị Khách Sạn? ♡ đặt nền móng cho tư duy của mình khi lựa chọn theo đuổi ngành. Sau 1 năm theo học ở trường, mình đi thực tập lần đầu tiên.

1. Best Western Plus Hotel Plaisance

Công việc hợp đồng chính thức đầu tiên của mình trong 4 năm làm khách sạn (phần 1).

Mình nộp đơn ứng tuyển thực tập lần đầu tiên khi 18 tuổi, ở vị trí gọi là Cross-training Intern. Vị trí này không tập trung vào một bộ phận nào cụ thể, tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách sạn cần hỗ trợ ở đâu thì mình làm ở đó. CV của mình được cái không quá trống mà đủ dày nhờ thành tích học tập, hoạt động ngoại khoá, và những kĩ năng… tưởng chừng rất không liên quan khi xin việc thực tập khách sạn.

Trong phần thành tích học tập, tuỳ thuộc vào bản chất và cách bạn trình bày, sẽ tác động khác nhau đến cách nhà tuyển dụng đánh giá hồ sơ của bạn khi ứng tuyển. Mình ghi Giải nhì Học sinh giỏi Toán MTBT cấp quốc gia, và Giải ba Học Sinh giỏi Sinh cấp thành phố vào CV.

Trong phần hoạt động ngoại khoá, mình không có gì cao siêu như kiểu mấy du học sinh Mĩ lên báo đâu, nó chỉ bao gồm một video truyền thông về bình đẳng giới mình làm khi đi học ở Hội đồng Anh, dẫn đến cơ hội làm MC sự kiện thường niên của họ, hết.

Trong phần kĩ năng, Anh Tổng quản lí từng nói với mình, hồi ấy Anh tuyển mình vào vì:

  1. Kĩ năng chỉnh sửa video
  2. Kĩ năng giao tiếp tiếng Pháp đủ xài (qua phỏng vấn)

Kĩ năng tiếng Pháp thì khỏi phải bàn, một khách sạn gia đình ở một thị trấn nhỏ xíu ở Pháp, nhân viên mà không nói tiếng Pháp là bó tay chấm com luôn.

Kĩ năng chỉnh sửa video của mình là điểm rơi rất lớn của cơ hội này, cũng là một đặc điểm rất… bất ngờ. Công việc thực tập này – theo mô tả công việc trên thông tin tuyển dụng – thuần vận hành khách sạn, chẳng liên quan gì đến việc chỉnh sửa video cả. Đây cũng chính là yếu tố may mắn mà mình không thể điều khiển được, tuy vậy nếu không có sự chuẩn bị từ trước, mình sẽ bỏ lỡ nó.

Thời điểm mình bắt đầu công việc, Anh Tổng Quản lí mới về khách sạn được vài tháng, gánh trên mình một dự án quan trọng. Dự án này cần phải hoàn thành trong… 4 tuần, cả khách sạn không ai làm được cũng như không có ai có trách nhiệm phải làm 😂 Tất nhiên Anh ấy có thể thuê dịch vụ, nhưng tỉ suất hoàn vốn lại không có.

Ngày xửa ngày xưa, 7 năm về trước (ui cha, thời gian trôi nhanh quá!), khi công nghệ thông tin khách sạn chưa phát triển mạnh như bây giờ, hầu hết các khách sạn đều có một tập thông tin bản giấy để trong phòng. Mục tiêu của dự án ấy là chuyển toàn bộ thông tin từ bản giấy lên TV. Tất cả mọi thứ phải được thiết kế từ đầu (font chữ, kích thước, màu sắc, vị trí, v.v…), tính điều hướng phải xây dựng từ gốc (nhấn vào đâu, dẫn đi đâu, quay về trang cũ như thế nào, v.v…) để đảm bảo trải nghiệm khách hàng mượt mà.

Dự án này rơi vào tay mình, ngay từ ngày đầu tiên mình nhận việc. Mặc dù nó chẳng liên quan gì đến chỉnh sửa video, nhưng kĩ năng ấy lại chứng tỏ rằng mình đã từng tìm hiểu qua về nghệ thuật sáng tạo. Chỉ 2 từ video editing trên CV thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình sau này.

Bài học 1: Để chuyển hoá cơ hội thành bàn thắng, bạn phải có hành trang. Hành trang thì phải chuẩn bị từ trước, chứ nếu không thì nó lại là chuyển hoá bàn thắng thành cơ hội mất rồi.

Vì mình ở cùng nhà với Anh Tổng Quản lí kiêm Chủ đầu tư khách sạn, mình và Anh ấy có nhiều buổi ăn cơm cùng nhau và trao đổi về định hướng sự nghiệp của mình sau này. Anh ấy nói với mình, lợi thế lớn nhất của mình so với đối thủ ở thời điểm đó là một chiếc CV hơi… hổ lốn. Hổ lốn ở đây tức là gì cũng có, ngoại ngữ có, sáng tạo có, logic có (có giải các kì thi học sinh giỏi các cấp môn khoa học tự nhiên), lập trình có (Pascal và C++), năng nổ có (hoạt động ngoại khoá), và nó lại rất phù hợp cho công việc thực tập đa năng.

Bài học 2: CV không chỉ là sơ yếu lí lịch, nó là câu chuyện bạn muốn truyền tải. Một câu chuyện cần có tính thống nhất, phải làm nổi bật chính chủ lên, và phải phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Lí do mình ứng tuyển vào khách sạn này thay vì các khách sạn khác xuất phát từ nhiều yếu tố. Một, khách sạn này 3 sao, tức là quy trình và tiêu chuẩn không quá hoàn mĩ, có sự linh hoạt nhất định, thích hợp cho bắt đầu công việc lần đầu tiên để khái quát hoá hiểu biết về ngành. Hai, dù vậy, nó vẫn có thương hiệu Best Western, dù tiêu chuẩn không cao cấp nhưng nó vẫn có sự chuẩn mực cần thiết, không phải kiểu công ti gia đình mà chủ tuỳ hứng thích gì làm nấy bất chấp. Ba, mình thiếu tự tin vào năng lực sử dụng tiếng Pháp, nên mình đi Pháp để rèn ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn, ở một môi trường không quá khó tính.

Bài học 3: Định vị bản thân đúng đắn là yếu tố quan trọng đưa bạn đến vạch đích nhanh hơn.

Trong quá trình làm việc ở đây, mình bị Anh Tổng Quản lí mắng 2 lần. Mắng không phải là lớn tiếng quát to, mà giọng Anh ấy đanh lại, răn dạy mình bài học về ứng xử chốn công sở.

  1. Trong giai đoạn làm việc ở bộ phận lễ tân, có lần Cô Quản lí Tiền sảnh nói gì đó về việc mình làm sai (mà mình không đồng tình) và đồng thời Cô ấy cũng trách năng lực giao tiếp tiếng Pháp của mình không tốt (mà mình cũng không nghĩ mình xứng đáng nhận lời chỉ trích như thế). Sau đó, trong bữa ăn, mình có kể lại cho Anh Tổng Quản lí nghe. Trao đổi rất lâu, Anh ấy đã hiểu vì sao mình không đồng tình với cả 2 vế trên ở góc nhìn của mình, và cũng giải thích cho mình ở góc nhìn của Cô ấy, Cô ấy mong chờ điều gì ở nhân viên và mình đã không đạt mong đợi đó.

    Nếu nói mình sai lầm to tát thì không phải, chỉ là mình cũng là thực tập sinh đầu tiên của khách sạn, mọi người cũng không hoàn toàn rõ ràng về việc một thực tập sinh cần phải đạt tiêu chuẩn như thế nào. Nói đơn giản, đó là sự không khớp nhau về sự mong đợi của 2 bên đối với đối phương. Anh ấy cũng không hoàn toàn hài lòng trong việc mình đi kể lể cho Anh ấy nghe chuyện này, và mình bị mắng đại ý kiểu “Cô ấy mới là cấp trên trực tiếp của em, không phải Anh, và việc kể lể như thế này là em đang vượt quyền của Cô ấy. Em không nên tận dụng lợi thế về khoảng cách theo kiểu này, em cần rạch ròi hơn về các mối quan hệ và biết vị trí của mình ở đâu.

  2. Khoảng thời gian 6 tháng ở đây, mình vẫn còn quá trẻ để kiểm soát cảm xúc hay cân chỉnh hành vi trong công việc cho phù hợp, chưa kể còn là lần đầu tiên đi làm. Trong một lúc rảnh, mọi người đang nói chơi chơi gì đó, mình có nói một câu “Hầy, em vẫn còn tuổi teen mà.” Bị mắng ngay và luôn tại chỗ: “Em là người trưởng thành rồi, thế nên Anh mới tuyển em vào đây.

Bài học 4: Hãy có một người dẫn đường (mentor). Đó phải là người không quá dĩ hoà vi quý, chặn bạn lại ngay khi bạn sai, và chịu khó lắng nghe, hiểu góc nhìn của bạn để giúp bạn có được định hướng phù hợp nhất.

Có lần, trường Les Roches của mình bị lên tờ báo địa phương Le Nouvelliste với nhiều lời lẽ chê bai [1]. Ở tuổi 18 – 19, mình buồn kinh khủng, và mình nghĩ “Nếu trường mà toang thì mình cũng toang luôn, chưa kịp học được bao nhiêu.” Anh Tổng Quản lí (lại phải) đi đọc bài báo, an ủi mình, giải thích cho mình hiểu nhiều góc độ. Đối với trường, việc phòng ngừa và xử lí khủng hoảng truyền thông kiểu này là một phần của vận hành doanh nghiệp, cũng là điều bình thường mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Việc này không đến lượt mình bận tâm, cũng không phải là lỗi của mình để tủi thân. Về phía mình, tên ngôi trường mình học không đủ để định nghĩa bản thân mình là ai. Nó là một phần hồ sơ lí lịch của mình, nhưng không phải tất cả, và nó cũng chỉ có ảnh hưởng lớn ở giai đoạn đầu sự nghiệp của mình mà thôi. Qua một thời gian, khi những gì mình làm trong công việc lên tiếng, việc mình học trường xịn cỡ nào, điểm cao bao nhiêu, không còn đóng góp nhiều giá trị nữa.

Bài học 5: Đôi khi những thứ bạn cho là quan trọng, thực ra chẳng có tí kí lô nào, và ngược lại. Trải nghiệm và trao đổi với người đi trước sẽ giúp bạn nhận ra điều này. Bạn càng nhận ra sớm bao nhiêu, bạn càng tập trung vào những thứ thật sự có giá trị sớm bấy nhiêu, và đó mới là đòn bẩy thúc đẩy sự nghiệp của bạn.



Ban đầu mình còn tính tổng kết hết 4 năm làm khách sạn trong 1 bài, nhưng hoá ra phần 1 lại hơi dài quá. Trải nghiệm của mình ở Best Western Plus Hotel Plaisance khá phong phú, cho mình nhiều kỉ niệm quý giá. Những trải nghiệm sau thì mình để qua phần sau vậy.

[1] Bài báo gốc: Crans-Montana: zone de turbulences à l’école des Roches

28.12.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tổng Kết 4 Năm Làm Khách Sạn [Phần 1], hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Đi Làm > Làm Khách Sạn.

Bình luận