0
Your Cart

♡ Xin Việc Online Ở Các Tập Đoàn Đa Quốc Gia Và Các Nền Tảng / Tài Liệu Hỗ Trợ ♡

Chào các bạn!

Xin được việc vừa ý lâu dài đối với sinh viên vừa ra trường mình thừa nhận là không dễ. Ngoài chiến lược, định hướng đúng đắn cũng như nghiên cứu thị trường tỉ mỉ ra thì thời đại công nghiệp 4.0 cũng mang đến cho người trẻ rất nhiều bài học quý giá cho quá trình khởi động để chuẩn bị nộp đơn.

Để có được công việc ở vị trí Phân tích và Lên kế hoạch Tài chính hiện tại, mình đã nhờ cậy các nguồn thông tin và kiến thức mình cho là rất quan trọng. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ nó với các bạn.

1. Viết CV

Mình đã đăng các bài viết riêng về CV, như ♡ Tại Sao Phải Viết CV Cho “Đúng”? ♡ nè, ♡ Viết CV Thế Nào Cho “Đúng”? ♡ nè, ♡ 4 Yếu Tố Cho Một CV Chất Lượng 2023 ♡ nè, bạn có thể tham khảo lại cho đầy đủ.

Để viết CV thì mình phối hợp rất nhiều nguồn khác nhau gồm Harvard, OxfordCambridge. HarvardOxford rất giống nhau, nhưng mình dùng định dạng của Oxford vì mình cảm thấy nó hợp mắt mình hơn Harvard, còn mình theo hướng dẫn của Harvard vì cảm thấy nó dễ hiểu hơn. Mình xem video hướng dẫn của Cambridge cách viết các CV khác nhau sao cho phù hợp với các mô tả công việc khác nhau mà mình ứng tuyển. Đó là cách mình phối hợp cả 3 vào với nhau.

Các bạn có thể tham khảo Mẫu CV 1 trang bằng tiếng Anh chuẩn Harvard của mình kèm 270 cấu trúc viết sẵn giúp làm nổi bật kĩ năng của bạn, áp dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau.

2. Scan CV

Rất nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới, vì lượng hồ sơ nộp về quá nhiều có thể lên đến hàng nghìn cho mỗi vị trí, họ sử dụng phần mềm ATS (applicant tracking system) để quét CV, phân tích và chấm điểm trước (thậm chí loại bạn trước luôn lol). Mình thấy có 2 nguồn scan CV được những người “xịn” hoặc trường “xịn” hoặc công ti “xịn” giới thiệu, bao gồm JobScan có giá 2,053,000 VND/3 tháng và ResumeWorded có giá 5,226,000 VND/năm.

Có một số Anh Chị đi trước rất có tâm sẽ nhận xét CV cho bạn, bao gồm mình (chuyên ngành Quản trị khách sạn), Anh Dương HarvardAnh Minh Google. Họ có thể có hoặc không yêu cầu thù lao, các bạn trao đổi trực tiếp với họ để biết thêm chi tiết nhé.

3. Online assessment (kiểm tra trực tuyến)

Các tập đoàn lớn trên thế giới vì số lượng hồ sơ quá nhiều nên họ sẽ có thêm vòng online assessment để loại những ứng cử viên không đạt yêu cầu. Các dạng online assessment thì nhiều vô kể, nơi cung cấp thông tin đầy đủ nhất mà mình có được là JobTestPrep tuy nhiên giá khá chát, rơi vào 2,111,000 VND/3 tháng. Mình dùng tất cả các bài kiểm tra có sẵn miễn phí của JobTestPrep và mua thêm các bài kiểm tra tại GraduateFirst có giá 1,528,000 VND và AssessmentDay có giá 1,224,000 VND. Mình nhận thấy là đề kiểm tra Numerical (tính toán) trên GraduateFirst khó hơn AssessmentDay, còn các loại kiểm tra khác thì 2 bên có sự khác biệt về mặt dạng đề. Cá nhân mình cảm thấy yên tâm với GraduateFirst hơn.

* AssessmentDay là mình được bạn cho tài khoản để dùng chứ mình không mua, nhưng mình cứ liệt kê giá ở đó cho bạn tham khảo.

Trong quá trình xin việc của mình, có 3 dạng đề mình gặp rất thường xuyên:

  • Numerical – tính toán
  • Logical – tìm quy luật
  • Tính cách – cần nghiên cứu nhà tuyển dụng để biết họ đề cao những giá trị nào


4. Nghiên cứu nhà tuyển dụng

Trước khi bạn bắt tay vào chỉnh sửa CV, bạn nên có khả năng trả lời rất rõ ràng các câu hỏi cơ bản:

  • Tại sao bạn ứng tuyển vào công ti này?
  • Tại sao bạn ứng tuyển vào lĩnh vực này?
  • Bạn mang đến những giá trị gì cho công việc?

Bạn phải hiểu rất rõ những điều này thì bạn mới có thể truyền tải nó một cách chính xác vào CV, kết hợp tham khảo các hướng dẫn viết CV ở trên. Những thông tin như thế này đòi hỏi bạn phải hiểu rõ bản thân, nghiên cứu về công việc một cách sâu sắc, tìm hiểu từ các Anh Chị trong ngành/trong công ti, và cập nhật liên tục các thông tin về ngành tại thị trường bạn nộp đơn.

Khâu nghiên cứu thông tin để chuẩn bị cho quá trình nộp hồ sơ thì bạn nên tập trung vào tìm hiểu công ti và công việc hơn là hiểu biết về thị trường và ngành (dù vẫn cần thiết), bởi nó mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu thời gian chuẩn bị của bạn không nhiều thì bạn càng nên có chiến lược thực dụng, ngắn hạn, và hết sức tập trung. Bạn chỉ nên dành thời gian tìm hiểu thị trường và ngành để chiến đấu một vài tập đoàn thôi, vì chắc chắn bạn không thể xin việc nhiều ngành khác nhau mà ngành nào bạn cũng nắm rõ như lòng bàn tay được, ít nhất điều đó là rất khó với mặt bằng chung sinh viên mới ra trường. Những điều bạn cần nghiên cứu về công ti bao gồm:

  • Họ làm những việc gì
  • Những nhân vật cốt cán quan trọng
  • Những giá trị, sứ mệnh, tầm nhìn của họ
  • Lịch sử của họ
  • Đối thủ cạnh tranh
  • USP: unique selling points (điểm khác biệt)
  • Các tin tức mới nhất
  • Khách hàng, sản phẩm và dịch vụ


5. Phỏng vấn video

Mình không biết các bạn đã gặp kiểu phỏng vấn này chưa, phỏng vấn video này không phải là bạn và nhà tuyển dụng gọi điện cho nhau bằng các phần mềm gọi video đâu, mà là bạn sẽ phải tự dùng webcam để quay câu trả lời phỏng vấn và gửi đi cho nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng có thể giới hạn thời gian chuẩn bị của bạn hoặc không (từ 30 giây đến vô thời hạn), họ có thể cho phép bạn thực hiện ghi hình 1 hoặc nhiều lần tuỳ câu hỏi.

GraduateFirst có thể giúp bạn chuẩn bị cho vòng phỏng vấn này.

6. Assessment Centre

Assessment Centre là một trong những vòng tuyển dụng quan trọng nhất, thường là vòng cuối cùng. Trong vòng này, bạn sẽ phải cho thấy khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và độ phù hợp văn hoá doanh nghiệp của bạn. Vòng này thường bao gồm nhà tuyển dụng giới thiệu về tập đoàn, bạn tự giới thiệu về mình, và giải quyết một dự án theo nhóm. Từ khi COVID-19 thì vòng này thường được tổ chức trực tuyến.

Trong quá trình trao đổi với khá nhiều Anh Chị và các bạn khác đã từng vào vòng này, điều duy nhất mọi người nói với mình – và cũng là điều mình sẽ nói với các bạn – là: Hãy là chính mình. Tất nhiên, việc là chính mình này cần dựa trên những giá trị mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên, tuy nhiên với việc bạn đã vượt qua hết các vòng trước cũng phần nào cho thấy bạn khá có tiềm năng với nhà tuyển dụng này rồi.

7. Phỏng vấn trực tiếp

Một số nguồn rất cần thiết giúp bạn chuẩn bị phỏng vấn trực tiếp với đại diện nhà tuyển dụng gồm:

  • Trang web chính thức của công ti
  • Các nền tảng trực tuyến như Glassdoor, Indeed hoặc tương tự: tra cứu câu hỏi mà các ứng viên khác đã từng nhận được trong quá khứ cho các vị trí khác nhau, tra cứu mức lương trung bình của thị trường
  • Các kênh thông tin về ngành và thị trường
  • Tham khảo câu trả lời mẫu tại đây

Vì lượng thông tin bạt ngàn, sẽ rất khó để ứng viên luôn trong trạng thái cập nhật tin tức về ngành và thị trường. Mình sẽ minh hoạ một ví dụ cụ thể cách chuẩn bị cho mục này. Trước khi phỏng vấn vào Bloomberg (tập đoàn công nghệ thông tin truyền thông tài chính khổng lồ của thế giới) trụ sở London và đi đến vòng cuối cùng khi đang là sinh viên năm cuối ngành Quản trị khách sạn (mình xin việc trái ngành dzui khum hihi), mình đã:

  • Theo dõi kênh youtube Wall Street Journal để cập nhật tình hình kinh tế tài chính thế giới
  • Theo dõi kênh youtube The Economist để cập nhật tình hình kinh tế tài chính thế giới
  • Đăng kí cập nhật hàng ngày vào email tình hình tài chính kinh tế thế giới từ ExecSum
  • Mở TV kênh Bloomberg xem tin tức kinh tế tài chính thế giới bất kì khi nào mình rảnh
  • Đọc báo The Economist trên tàu trên đường đi học (3 tiếng/ngày vì trường mình xa)
  • Liên hệ với 1 người đã từng làm vị trí mình ứng tuyển tại Bloomberg để chuẩn bị cho quá trình nộp đơn (đừng vì ngại mà bỏ qua bước này, bước này 1,000% quan trọng)

Vì Assessment Centre của Bloomberg không phải là vòng cuối (dù nó ghi là vòng cuối trên trang web chính thức của tập đoàn 😅), mình qua được thêm 1 vòng phỏng vấn trực tiếp và trượt ở vòng phỏng vấn cuối cùng. Con đường đi này của mình dù Bloomberg là một trong số những tập đoàn đầu tiên mình ứng tuyển đợt đó khi kinh nghiệm xin việc cho thị trường London bằng 0, mình đã học được vô số vô số bài học khi dấn thân vào “người khổng lồ”. Chưa khi nào mình thấm lời Bố dạy khi nhỏ đến thế: “Công tác chuẩn bị là 80% của kết quả”. Ý mình không phải là mình trượt vòng cuối vì không chuẩn bị kĩ càng, mà là nhờ chuẩn bị chu đáo nên một hồ sơ đặc vận hành khách sạn của mình mới vào được Bloomberg sâu đến thế.



Mình sẽ kể câu chuyện ứng tuyển Bloomberg vào một ngày đẹp trời để các bạn thấy hành trình 2-3 tháng mình thuyết phục gã khổng lồ này với các thế mạnh sẵn có như thế nào trên bộ hồ sơ rất nhiều điểm yếu. Còn từ nay cho đến khi đó, chúc bạn may mắn và thành công trên con đường ứng tuyển vào vị trí trong mơ.

01.03.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung phi lợi nhuận.

2 thoughts on “♡ Xin Việc Online Ở Các Tập Đoàn Đa Quốc Gia Và Các Nền Tảng / Tài Liệu Hỗ Trợ ♡

Bình luận