0
Your Cart

♡ Viên Đạn Bạc Giúp Mình Học “Giỏi” ♡

linh janetta le

Chào các bạn!

Như đã hứa trong bài Gửi Các Em Học Sinh THCS, THPT: Học Thế Nào Là “Giỏi”?, dựa trên kinh nghiệm học hành “oanh liệt” của mình cùng với sự nghiền ngẫm kĩ lưỡng, mình kết luận học “giỏi” đòi hỏi một viên đạn bạc duy nhất: kỉ luật cá nhân.

Ngoài kia, người ta nói rất nhiều về các phương pháp học tập và ghi nhớ hiệu quả. Tuy nhiên, mình sẽ dùng bản thân làm ví dụ (1) hoặc là đi ngược lại những phương pháp đó, (2) hoặc là mình không cần những phương pháp đó. Mình sẽ lí giải vì sao kỉ luật cá nhân lại thích hợp với mình đến thế. Nhân tiện, mình cũng phải cảm ơn các bạn đã nhắn tin “thỉnh giáo” mình cách học vì các bạn cũng giúp mình vỡ lẽ ra rất nhiều góc nhìn mới.

Cần cù bù thông minh và định luật Parkinson?

Các bạn có thể đi hỏi tất cả mấy đứa bạn thân của mình, hỏi Bố Mẹ mình, hỏi nguyên dàn Anh Chị em cả ruột lẫn họ của mình. Mình siêng năng chăm chỉ cần cù? Hahaha, nằm mơ cũng không thấy =))) Mình là chúa lười, cơ mà cái hay là sự lười biếng của mình đã hình thành nên trong mình một hệ thống hết sức bài bản để lười mà vẫn “xịn”.

Thực tế một chút nàooooo, nếu bạn nằm ì ra cả ngày không làm gì cả thì tất nhiên là bạn không làm gì xong mà bạn cũng chả đạt được cái gì. Thế nên, một tí tẹo tèo teo công sức vẫn cần phải có, và bạn cần một kế hoạch chỉn chu để không chỉ nâng cấp mức độ lười lên level max (mức tối đa) mà còn nâng cấp cả hiệu quả công việc và học tập lên cùng mức độ nữa.

Siêng năng chăm chỉ cần cù gắn liền với một định luật mà mình đọc thấy rất nhiều khi ai đó chia sẻ về phương pháp hạn chế trì hoãn: Định luật Parkinson. Định luận Parkinson nêu rằng Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó, tức là nếu bạn muốn trở nên hiệu quả thì hãy đặt ra giới hạn thời gian khắt khe cho các nhiệm vụ để hoàn thành. Tất nhiên là mình làm hoàn toàn ngược lại.

Mình bành trướng thời gian ra hết mức có thể để mỗi lần thực hiện nhiệm vụ mình chỉ làm in ít thôi, còn lại mình chơi. Quá trình đi học được cân đo đong đếm bằng điểm số trên bài kiểm tra/bài thi và luận án/thuyết trình. Để tốn ít thời gian học bài nhất có thể, mình có 2 quy tắc bất di bất dịch:

  • Những môn đòi hỏi “hiểu bài” (Toán/Lí/Hoá/Sinh/Tin) thì mình phải hiểu bài ngay trên lớp hoặc khi về nhà cùng ngày bằng mọi giá, không bao giờ để bản thân ở trạng thái lơ-tơ-mơ về kiến thức bài học của ngày hôm nay sang ngày hôm sau. Rơi vào trạng thái này là chỉ có từ chết đến bị thương (ví dụ: mất gốc).
  • Những môn ít đòi hỏi “hiểu bài” (Văn/Sử/Địa/GDCD/GDQP/Công nghệ) thì mình phải chép bài đầy đủ ngay trên lớp hoặc khi về nhà cùng ngày, không bao giờ để bản thân ở trạng thái chép bài bù. Rơi vào trạng thái này thì tốn thời gian và rất phiền, và mình không thích cái phiền này, thời gian đó thà để mình chơi sướng hơn.

Lưu ý nho nhỏ (tránh bị ném đá vì tội xếp môn linh tinh):

  • Riêng môn Sinh thì mình thấy có Sinh 9 và Sinh 12 là cần “hiểu bài” kha khá, các năm khác mình thấy cho nó xuống nhóm “ít hiểu bài” cũng được. Thiệt, mình mà bị bắt chẹt câu này là “phát ngôn của cựu học sinh chuyên Sinh Phổ Thông Năng Khiếu” chắc chớttttt.
  • 2 nhóm môn “hiểu bài” hay “ít hiểu bài” bạn nên sắp xếp theo cách học của riêng bạn. Có thể bạn cảm thấy môn Văn hay Sử rất cần hiểu bài thì bạn xếp nó vào nhóm kia, mình chỉ mở ngoặc theo cách học của mình thôi. Còn quy tắc thì chung rồi :)))))
  • Các môn tính điểm theo luận án/thuyết trình thì trên lớp mình toàn… làm việc riêng, Thầy Cô giảng hay thì nghe, không thì thôi. Các bạn thấy mình ra blog đều đặn không? Viết trong giờ học không á hahaha.

2 quy tắc này giúp cuộc đời học hành của mình khá dễ thở. Giờ chỉ còn áp dụng các phương pháp học:

  • Chỉ học thêm những môn cần thiết
    • THCS mình học thêm:
      • Toán nâng cao với Thầy Nguyễn Đức Tấn (các bạn google là biết) từ lớp 7 đến nửa đầu lớp 9 (vì nhắm thi đội tuyển) – hiệu quả xịn luôn, Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia Toán MTBT, 7 điểm thi Phổ Thông Năng Khiếu
      • Tiếng Anh ở VUS lớp thiếu niên từ lớp 8 đến nửa đầu lớp 9 (vì chưa tìm ra phương pháp tự học hiệu quả) – mình thấy hiệu quả cũng được, chỉ là hồi đó trình của mình chưa tới nên chỉ có 4 điểm thi Phổ Thông Năng Khiếu, mấy đứa em mình cũng học VUS mà tụi ẻm thi 7+ lận
      • Sinh ôn thi chuyên tại trường Phổ Thông Năng Khiếu nửa cuối lớp 9 (vì… mất gốc) – hiệu quả xịn luôn, 6 điểm chuyên
      • Văn ôn thi Phổ Thông Năng Khiếu tại nhà một Thầy nửa cuối lớp 9 (hi vọng nhỏ nhoi níu kéo điểm tuyển sinh do mình học quá dở) – nhưng mình vẫn 4 điểm thi Phổ Thông Năng Khiếu hahaha
    • THPT mình học thêm:
      • Tiếng Anh ở VUS lớp người lớn khoảng 1 năm
      • Tiếng Anh ở Hội đồng Anh lớp Young Adults khoảng 1 năm
      • Tiếng Đức ở Goethe Institut khoảng 1 năm
    • Dù không đi học thêm bất kì môn nào trừ ngoại ngữ, mình không ôn chữ nào đi thi THPTQG Sinh 8 điểm, Toán 7 điểm, Văn 5 điểm (mình dốt Văn khỏi phải bàn haha). Mình nộp đơn du học và được nhận từ học kì II lớp 11 nên nguyên khoảng thời gian sau đó mình không học hành trên trường gì mấy nữa.
    • Thời phổ thông mình đã đọc hàng ti tỉ bài báo la oai oái rằng thì là mà chương trình học phổ thông nặng, rồi thì là mà Ba Mẹ ép con cái học thêm đến 10 giờ đêm và làm bài tập đến tận nửa đêm rạng sáng mới đi ngủ. Các bạn ạ, mình học chương trình Song Ngữ tiếng Pháp là nhiều hơn các bạn 8 môn á. Tự học là số dzách các bạn ơi, mình chỉ đi học thêm tối đa 2 môn cùng lúc thôi, không bao giờ có môn thứ ba, vì như thế thì mệt lắm, mình lấy đâu ra não mà tiếp thu bài.
  • Tự học môn “hiểu bài” – Sách là nguồn tài nguyên quý giá nhất
    • Sách rẻ hơn học thêm, có sẵn lí thuyết, có sẵn bài tập, có sẵn hướng dẫn giải, có sẵn đáp án. Sách muôn năm.
    • Mình rất khuyến khích các bạn đọc và hiểu lí thuyết trước chương trình trên trường nếu có điều kiện về thời gian.
  • Tự học môn “ít hiểu bài” – Spaced repetition (lặp lại ngắt quãng)
    • Công thức cộng 1 – 3 – 7 – 15 – 31 với ngày 0 là ngày bài được dạy trên lớp.
    • Từ ngày 1 đến ngày 15 thì đọc to bài đã chép 15 phút nhớ cũng được không nhớ cũng được, ngày 31 thì học thuộc như vẹt, sát ngày thi/kiểm tra học như vẹt lại lần nữa.
    • Nhờ giai đoạn ngày 1-31 mà việc học vẹt sát ngày thi trở nên nhanh và dễ hơn nhiều, không bị như mới nữa.
    • Các bạn nghĩ mình không học vẹt à? Nhầm tooooo =)))))
  • Tự học môn tính điểm kiểu luận án/thuyết trình – Kế hoạch nước đến cổ mới bơi
    • Bơi có kế hoạch chiến lược bài bản nha, bơi linh tinh là đuối đó.
    • Ngay khi có đề bài là lập tức đi gom tài liệu và dữ liệu, trung bình 30 phút/ngày hoặc 3-4 tiếng/tuần => Bước này giống như thay đồ bơi vậy.
    • Đếm ngày phải viết luận án: trung bình 500 từ/ngày (tiếng Anh) để biết khi nào phải bắt đầu “bơi” (tức là bắt đầu viết). Mình biết 500 từ là siêu ít, nhưng mình còn xem phim ngôn tình, lướt facebook, xem youtube tào lao nữa, nên chỉ tiêu in ít thôi.
    • Thuyết trình ư: ôi mai thuyết trình thì nay làm ppt, lấy 1 cái theme (chủ đề) có sẵn của Microsoft để khỏi phải chỉnh sửa định dạng hay font chữ gì vì nó đẹp hết rồi, chỉ việc chèn nội dung từ tài liệu đã gom được vào, viết thật ít chữ trên slide, còn lại là phát ra từ miệng. Nhờ quá trình gom tài liệu “dài hạn” nên nội dung đã nằm hết trong đầu rồi, chỉ cần sắp xếp sơ sơ và dựa vào gợi ý trên slide là tự động nói được hết.

Định luật Parkinson không hiệu quả với mình, vì mình bành trướng thời gian để mọi thứ ngấm dần từng ít một, đỡ tốn công sức, đỡ tốn sự tập trung. Đây là lợi thế của thời gian.

Kỉ luật cá nhân

Dù là viên đạn bạc nhưng nội dung này rất ngắn thôi. Kỉ luật cá nhân là sợi dây duy nhất gắn kết tất cả các mảnh ghép trong chiến lược trên của mình với nhau. Bạn phá vỡ kỉ luật cá nhân là bạn phá vỡ tan nát tất cả các mảnh ghép: 2 quy tắc bất di bất dịch, tự học từ sách, áp dụng Spaced repetition, kế hoạch bơi khi nước đến cổ (mặc đồ bơi tất nhiên bơi dễ dàng hơn mặc đồ không phải để bơi rồi).

Bạn lười, bạn ngại, bạn chán, bạn nản? Bạn vẫn đạt hiệu quả xịn xò nếu bạn lười, ngại, chán, nản có kế hoạch bài bản và bám sát kế hoạch đó.

Nhiều người bảo mình “thông minh sẵn” do có giải Học sinh giỏi Quốc gia Toán với lại thi đậu Phổ Thông Năng Khiếu. Bạn tưởng 2 cái đó người thông minh thích có là có hả? Cho bạn đọc lại 2 bài Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì Học Sinh Giỏi Quốc Gia Toán MTBT với Học Tàn Tàn Thi Đỗ Phổ Thông Năng Khiếu, toàn chiến lược dài hơi không đó :)))) Mình muốn tàn tàn thì mình buộc phải kéo dài thời gian chuẩn bị ra thôi.

Active recall (chủ động gợi nhớ)

Mình nghe phương pháp này rất nhiều, mà khổ nỗi mình thấy nó tốn thời gian bà cố vì bạn phải tự xây dựng bộ hỏi – đáp. Mọi người giới thiệu ứng dụng Anki rồi Quizlet rồi Notion. Anki thì mình chưa bao giờ dùng mà cũng không có nhu cầu dùng. Quizlet mình tải hồi THCS nhưng thấy mất thời gian tạo bộ hỏi – đáp quá nên xoá. Notion sau 1-2 tuần hào hứng vì nó… đẹp thì mình cũng bỏ, chạy về với hệ sinh thái Microsoft thân thương với OneNote vì tính ứng dụng cũng như tính điều hướng cao hơn gấp tỉ lẩn.

Cho đến bây giờ, mình không thấy có bất kì điều gì bất tiện trong công cuộc học tập và làm việc của mình, nên nếu các bạn thấy các bạn áp dụng hiệu quả Active recall trong tình huống nào thì chỉ cho mình biết với, chứ mình thấy mình học vẹt với Spaced repetition như ở trên đỡ tốn thời gian hơn, đỡ tốn sức lực hơn, mà lại hiệu quả hơn, mỗi lần đến ngày mình mất có khoảng 15 phút mỗi môn à. Tất nhiên mình không có nhu cầu nhớ dài lâu nhớ dài hạn, nên mình học vẹt, và mình hết sức vui vẻ chấp nhận.



Tại sao mình không đề cập môn Ngoại ngữ? Vì với một đứa học tiếng Anh đến C1 (IELTS 8.0 – Speaking 8.5), tiếng Pháp đến B2, tiếng Đức đến B1 thì kinh nghiệm cho thấy học Ngoại ngữ là phạm trù khác hẳn với việc “học” thông thường rồi. Chủ đề này bữa sau nói ha.

10.02.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

Bình luận