0
Your Cart

♡ Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu ♡

Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu

Sau một thời gian nghiên cứu và thuyết phục bản thân rằng bước vào cuộc chơi này là chỉ có… tốn tiền, mình vẫn bị cám dỗ và đặt chân vào đây 🥲

Trong ảnh là em bàn phím đầu tiên (và chắc là cuối cùng – ít nhất là trong một thời gian rất dài) của mình. Có những thao tác chỉ bức ảnh bên ngoài sẽ không miêu tả được hết, nên là bạn hãy đọc hết bài viết nhé. Mình không có ý định “chơi” nhiều (vì đau ví!), nên mình nghĩ bài viết này cũng sẽ cực thích hợp với những người mới bắt đầu (như mình). Có thể có những phần kĩ thuật mình hiểu chưa đúng 100%, nhưng mình cũng đã cố gắng hết sức.

Mình dùng Windows, và rất không rành về Mac. Cuộc chơi này không có đúng sai, chỉ có thích hoặc không thích mà thôi, nên bạn cứ chọn theo sở thích cá nhân là được.

Ô kê, dzô bài viết chính nhá.

1. Chọn kích thước bàn phím

Bước 1 trong việc tự làm bàn phím cơ cho người mới bắt đầu là chọn kích thước bàn phím.

Cơ bản, bạn sẽ tìm thấy những loại kích thước bàn phím như hình dưới đây trên thị trường:

Mình không chỉ sử dụng phần bàn phím số (numpad) bên phải rất nhiều, mình còn sử dụng cả những nút Home, End, Page Up, Page Down, Delete, Print Screen, Scroll Lock nhiều nữa cho MS Excel. Do vậy, việc bỏ đi những nút này đối với mình sẽ hơi phiền phức. Đây là điều mình rút ra được từ trải nghiệm sử dụng laptop công sở do công ti phát, mình luôn có bàn phím rời kích thước 100% ở văn phòng, nên mình không cần thử nghiệm xem kích thước bàn phím nào thì tiện.

Tự động, mình sẽ chọn kích thước 100%.

2. Chọn sơ đồ cấu trúc bàn phím

Bước 2 là chọn sơ đồ cấu trúc bàn phím.

Có 2 thứ mình muốn nhắc đến về sơ đồ cấu trúc bàn phím. Thứ nhất, mình tạm gọi là cấu trúc “phần cứng”, có 2 loại là ANSI (thông dụng ở US) và ISO (thông dụng ở UK), khác nhau chú yếu về cấu trúc của những nút mình đánh dấu màu đỏ trong hình dưới đây.

Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu

Mình thích phím Enter bự, nên mình chọn ISO. Chỉ thế thôi, không có nguyên nhân sâu sắc nào khác 🙄 Nếu bạn để ý, ISO nhiều hơn ANSI một phím đấy.

Thứ hai, là sơ đồ “phần mềm” – cách sắp xếp các phím của bàn phím.

Đa số chúng ta ở Việt Nam sẽ quen sử dụng sơ đồ bàn phím của Mĩ (US). Mình đã từng đi Thuỵ Sĩ, Pháp, và Vương quốc Anh, mỗi quốc gia có một sơ đồ bàn phím khác nhau kiểu QWERTZ hay AZERTY tè le. Vì mình đã quen sử dụng bàn phím US, nên trong trường hợp nếu US không phải là phiên bản bàn phím mặc định thì mình sẽ vào cài đặt của Windows và tải bàn phím US về.

Thật ra tình huống có thể phức tạp hơn thế. Chuyện này nói ở mục sau.

Ừmmmmm, bạn thấy đấy, mình chọn cấu trúc ISO nhưng lại đòi sơ đồ US, haha 😂

3. Chọn mức độ “tự do tháo lắp” của bàn phím

Bước 3 là chọn mức độ “tự do tháo lắp” của bàn phím.

Theo mình hiểu, trong giới hạn này, bàn phím cơ có 2 loại là cho phép tự do tháo lắp (hot-swappable), và khả năng tự do tháo lắp có giới hạn (non-hot-swappable).

Nói ngắn gọn, hot-swappable cho phép bạn tháo lắp công tắc phím (switch) thoải mái mà không cần tháo lắp mối hàn. Nếu bàn phím của bạn không cho phép tự do tháo lắp, bạn sẽ phải tháo lắp mối hàn của bàn phím nếu muốn thay công tắc phím.

Tất nhiên, vì thế, không có lí do gì để mình không mua một cái bàn phím cho phép tự do tháo lắp cả. Dù bạn là dân mới hay cũ, nếu đã gia nhập cuộc chơi, tự nhiên lại mua cái bàn phím không cho phép tự do tháo lắp làm gì? 😁

4. Chọn thương hiệu bàn phím

Bước 4 trong việc tự làm bàn phím cơ cho người mới bắt đầu là chọn thương hiệu bàn phím.

Mình nói thiệt, thế giới bàn phím quá rộng lớn (nếu không tin, bạn hãy xem kênh Youtube Hipyo Tech), mình không có thời gian và năng lượng để đi nghiên cứu quá kĩ lưỡng. Trong lúc nghiên cứu, Hipyo Tech nói là Keychron là thương hiệu bàn phím cơ “đủ tốt” (good enough), nên là mình lên trang web của Keychron và bắt đầu lựa.

Chính xác, sự lựa chọn của mình… chỉ đơn giản như thế. Thật ra, mình cũng có Google thử bằng tiếng Việt để xem hệ dân chơi người Việt thường làm gì. Mình thấy sự xuất hiện của GMMK rất nhiều, nhưng mà… mắc quá! 😭

Hipyo Tech là nguồn tham khảo duy nhất của mình để xem nên mua bàn phím thương hiệu nào. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn cũng có thể xem video của anh ấy để lựa.

5. Chọn khung xương bàn phím

Bước 5 là chọn khung xương bàn phím.

Mình không chơi game, nên không yêu cầu nhiều về mặt kĩ thuật, như kiểu độ nặng nhẹ hay độ nhạy phím vân vân mây mây gì đó, tất cả đều không nằm trong radar của mình. Đổi lại, mình có 2 yêu cầu:

  1. Không dây
  2. Phím cao, tức là phím không thấp, tức là không phải low-profile

Bàn làm việc của mình ở nhà chỉ có kích thước 100 x 60 cm, dây nhợ lằng nhằng nhiều khiến bàn trông rất bừa bộn, đó là lí do mình muốn mua bàn phím không dây.

Mình đã dùng bàn phím rời có phím thấp hồi còn đi làm ở Hilton, thế là mình ngay lập tức đổi với anh đồng nghiệp, vì anh ấy thích bàn phím thấp, chứ mình thì không. Việc gõ phím không có cảm giác gõ đúng là một cực hình, như kiểu gõ trên laptop ấy, mình ghét cực!



Tổng hợp tất cả những đòi hỏi của mình ở trên, Keychron có 5 sự lựa chọn, sắp xếp theo giá từ cao xuống thấp:

  1. Q6 Max
  2. Q6 Pro
  3. V6 Max
  4. K10 Pro
  5. K10

Lúc mình tìm trên Amazon thì chỉ có phiên bản K10 ProK10 là có hàng thôi, cộng với việc nếu mua trực tiếp trên Keychron thì mình sẽ không đổi trả hàng được, nên tất nhiên là mình mua trên Amazon cho đỡ rủi ro, mà giá lại bằng nhau và thời gian giao hàng của Amazon nhanh hơn tỉ lần.

Mình đọc bài này trên Reddit so sánh giữa K10 ProK10, cộng với giá 2 bàn phím bằng nhau, nên rốt cuộc là mình mua Keychron K10 Pro.

Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu

Bạn có thể mua khung xương bàn phím riêng để bắt đầu, chỉ có mỗi cái khung, ngoài ra không có gì khác hết (tức là không có công tắc trong mục 6 dưới đây, và không có nắp phím của mục 7). Mình mua luôn bàn phím đầy đủ rồi mới về thay ra, vì nó chẳng đắt hơn bao nhiêu hết.

Chi phí: 2.250.000 VND

6. Chọn công tắc bàn phím

Bước 6 là chọn công tắc bàn phím.

Công tắc bàn phím cũng là một thế giới to đồ sộ khác nữa. Nói ngắn gọn, công tắc bàn phím được chia thành 3 loại:

  1. Linear
  2. Tactile
  3. Clicky

Tấm hình dưới đây phân biệt sự khác nhau giữa 3 loại này, kèm bảng chú giải chi tiết:

Bạn có thể đọc kĩ hơn về 3 loại công tắc phím tại GearVN.

Mình mua công tắc phím loại Akko V3 Pro Penguin Silent, nó là công tắc tactile nhưng không bị ồn, là 2 yêu cầu duy nhất mình đặt ra khi mua công tắc phím. Mình không biết người ta dùng công nghệ gì, nhưng nó đáp ứng được cả 2 yêu cầu của mình. Cộng với lại, công tắc phím Akko rẻ hơn nhiều so với nhiều thương hiệu khác. Bàn phím của mình có 109 phím, nên mình phải mua 3 hộp, mỗi hộp 45 công tắc, phần dư làm dự phòng. Mình đã làm hỏng một công tắc (cái chân công tắc bị tách làm đôi – ahihii), và cong chân cũng vài cái.

Chi phí: 921.000 VND

Hầu hết các loại bàn phím cơ phổ biến đều sử dụng công tắc kiểu Cherry MX, tức là loại có hình dấu cộng ấy, như dưới đây nè. Khi mua bàn phím, và cả khi mua công tắc, bạn nhớ đảm bảo là nó phải khớp với nhau nha, hoặc cứ thấy bàn phím nào mà có công tắc khớp với Cherry MX là được. Chọn cái loại thông dụng thì khi bạn muốn đổi, muốn sửa, muốn thay đều dễ.

Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu

7. Chọn “ngoại hình” nắp phím cho bàn phím

Nếu bạn đã đến được bước này, “ngoại hình” sẽ tuỳ thuộc vào sở thích của bạn thôi. Mình mua đại trên Amazon, cụ thể là loại trắng đen của thương hiệu Mintcaps.

Chi phí: 830.000 VND

Lí do mình chọn mua loại này là bởi vì nó có đầy đủ tất cả các phím cho bàn phím của mình, nó có nhiều kích cỡ cho các phím ất ơ hay được sản xuất với N kích thước khác nhau như phím Alt, Ctrl, Shift, Win, Enter, Space, Backspace, v.v… Nó có cả các loại phím linh tinh cho nhiều hàng khác nhau, bất kể bạn có dùng loại bàn phím kích thước nào đi chăng nữa thì bạn luôn có phím tương ứng.

Lưu ý: Nhiều loại nắp phím hiện nay được sản xuất có độ cong, nên việc phím nào nằm ở hàng nào quan trọng lắm đó.

Dưới đây là một trong những tấm ảnh tổng hợp nhiều thể loại cong khác nhau của bàn phím nhất mà mình có thể tìm thấy, thế mà nó vẫn thiếu, vì bàn phím của mình cong kiểu MSA mà trong hình không có.

Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu

Trên Reddit có nhiều thảo luận về độ cong của bàn phím lắm, nhưng mình không quá quan tâm. Nó cong cũng được, nó thẳng cũng được, miễn nó trông đẹp là được, đấy mới là yếu tố mình cân nhắc. Mình thích phong cách trắng đen, nên là mình mua thôi, mà cái nắp này xếp vô trông oke phết.

8. Lắp ráp và tuỳ biến thôi

Quá trình tháo nắp phím, tháo công tắc, lắp công tắc và lắp nắp phím lại mất khoảng nửa tiếng. Mình thấy nhiều người còn tháo cả bàn phím ra, dán thêm băng keo, cho thêm xốp vào nữa cơ, nhưng mà vốn dĩ mình thích tiếng êm, và cái công tắc nó đã êm rồi nên mình không làm thêm thao tác này.

Bàn phím Keychron K10 Pro có thể tuỳ biến bằng phần mềm VIA. Bạn sẽ phải tải phần mềm về, cắm dây vào bàn phím là tuỳ chỉnh được sơ đồ sắp xếp phím.

Xong, thế là xài thôi.



Nhân tiện, sau một tháng sử dụng bàn phím mới, mình đánh giá nhẹ luôn.

Công tắc Akko V3 Pro Penguin Silent gõ rất êm. Bàn phím Keychron K10 Pro khá nặng, đồng thời cũng cao hơn hẳn so với các bàn phím mình từng sử dụng trước đó nên cần thời gian làm quen để đạt được tốc độ gõ thông thường.

Nói chung, rất hài lòng hehe, tổng thiệt hại 4.001.000 VND.

23.03.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tự Làm Bàn Phím Cơ Cho Người Mới Bắt Đầu, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Mẹo Công Nghệ.

Bình luận