0
Your Cart

♡ Từ Quản Trị Khách Sạn Đến Tài Chính ♡

Khi mình nhận được lời mời làm Chuyên viên Phân tích và Lên kế hoạch Tài chính cho một tập đoàn ở London, rất nhiều người đã hết sức thắc mắc. Cả Bố (người rất tin vào năng lực của mình từ khi mình còn nhỏ xíu xìu xiu) đến Bà Ngoại đều hỏi mình cùng một câu y chang nhau “Con có học Tài chính đâu mà làm Tài chính?” 😅 Cũng không khó để bạn biết rằng mình học ngành Quản trị khách sạn, thậm chí còn tốt nghiệp thủ khoa trường top 4 thế giới của ngành, và lên được đến cả vị trí trưởng bộ phận cho khách sạn 5 sao quốc tế từ khi còn rất trẻ rồi. Câu hỏi đặt ra là, nền tảng nào giúp mình thuyết phục được nhà tuyển dụng để nhận trách nhiệm của một Chuyên viên Phân tích và Lên kế hoạch Tài chính? Đúng là không dễ, nhưng không dễ không có nghĩa là không thể. Bất kì sự thay đổi nào đều cần sự kiên định của bản thân người đưa ra quyết định đi kèm với một định hướng rõ ràng. Có định hướng thì bạn mới có đủ sự chuẩn bị để kể ra một câu chuyện nghe lại tưởng chẳng liên quan gì đến nhau, như câu chuyện từ Quản trị khách sạn đến Tài chính của mình.

1. Định hướng của mình

Mình không đưa ra quyết định từ bỏ mảng vận hành khách sạn để nhảy sang ngành Tài chính cho đến tận năm cuối đại học. Lí do mình quyết định từ bỏ một tương lai mà mình dày công bày mưu tính kế suốt 6 năm trước đó đã được mình giải thích trong Tại Sao Mình Rời Khỏi Bộ Máy Vận Hành Khách Sạn?. Quyết định được đưa ra dựa trên nghiên cứu và cân nhắc kĩ lưỡng chứ không đơn thuần chỉ là một quyết định nhất thời khi COVID-19 xuất hiện.

Tại sao lại là Tài chính? Có rất nhiều yếu tố dẫn đến quyết định này, và các yếu tố đó kết hợp lại thành Ikigai – kim chỉ nam cho định hướng của mình.

Từ Khách Sạn Đến Tài Chính

Mình cẩn trọng, thích làm việc có tính tỉ mỉ cao và thích “nhảy múa” cùng các con số (1 – Điều bạn thích). Điều này không lạ, bởi mình có Giải nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán, đồng thời kĩ năng tin học văn phòng, đặc biệt là Excel, của mình rất tốt (4 – Điều bạn giỏi). Thu nhập của ngành Tài chính so với vận hành Quản trị khách sạn tại London cao hơn rất nhiều (3 – Điều bạn được trả tiền). Và cuối cùng, không tập đoàn nào là không cần Phân tích Tài chính cả (2 – Điều thế giới cần) 🙂

Không phải ngẫu nhiên mình đưa ra Ikigai, và cũng không phải ngẫu nhiên phương pháp này mang tên có ý nghĩa là hạnh phúc. Dù mới biết đến phương pháp này gần đây, mình đã sử dụng nó từ khi mình còn rất nhỏ cho mỗi quyết định được đưa ra mà không hề biết đến tên phương pháp. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn luôn là những yếu tố mình cân nhắc khi cần đưa ra một quyết định quan trọng cho cuộc đời của chính mình.

2. Khó khăn khách (hay chủ?!) quan

Có trong tay định hướng, mình xác định sẽ theo học chuyên ngành Phát triển Khách sạn Quốc tế và Tài chính mà trường cung cấp. Tuy nhiên, xu cà na một cái là mình học ở cơ sở London – nơi mà trường chỉ đào tạo chuyên ngành Chiến lược Thương hiệu Xa xỉ. Mình không hề biết điều đó cho đến khi năm học cuối đã đi được nửa chặng đường. Sau khi trao đổi với nhà trường thì phương án duy nhất giúp mình có thể theo học chuyên ngành mong muốn là chuyển về cơ sở Thuỵ Sĩ kèm thêm bù học phí khoảng 5,000 GBP (tương đương trên dưới 150 triệu VND) và bị huỷ visa sinh viên UK. Tất nhiên là mình từ chối.

Mình lựa chọn viết luận văn tốt nghiệp Cử nhân Danh dự với chủ đề Sự biến động giá cổ phiếu khi các tập đoàn thông báo mua bán và sáp nhập cơ sở dịch vụ lưu trú (tên gốc là Equity price dynamics around hospitality mergers and acquisitions – mình sẽ đăng toàn bộ luận văn của mình miễn phí sớm). Nếu các bạn đi tìm đọc các luận văn có chủ đề tương tự về biến động giá cổ phiếu xoay quanh thông báo mua bán và sáp nhập, đa số các luận văn đó đều được viết bởi sinh viên bậc Thạc sĩ ngành Tài chính. Mình biết mình tự làm khó bản thân khi lựa chọn đề tại này, nhưng nếu mình không làm vậy thì sẽ rất khó thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng mình thực sự muốn đi vào lĩnh vực Tài chính. Không cần phải giải thích dông dài, chủ đề luận văn của mình rất nặng kiến thức tài chính doanh nghiệp. Lại xu cà na thêm một cái nữa, hội đồng chấm luận văn cử nhân của trường mình năm của mình chỉ có 3 người. Để tránh sự chủ quan trong góc nhìn của cá nhân mình, mình sẽ để hồ sơ (do trường viết) của 3 người chấm luận văn cử nhân của trường mình ngay dưới đây, phần đánh giá họ “phù hợp” thế nào trong việc chấm luận văn tốt nghiệp của mình là từ phía bạn.

từ khách sạn đến tài chính
Số 1
từ khách sạn đến tài chính
Số 2
từ khách sạn đến tài chính
Số 3

3. Luận văn và kiến thức tài chính

Luận văn đóng vai trò rất lớn trong việc nhảy ngành của mình, là minh chứng rõ ràng cho việc mình vô cùng nghiêm túc xác định Tài chính là ngành mình sẽ theo đuổi về mặt sự nghiệp sau này. Nhảy ngành sau tốt nghiệp cử nhân là chuyện hết sức bình thường. Nếu bạn có lăn tăn về việc này thì yên tâm đi, mình còn thấy nhiều sinh viên học Lịch sử xong nhảy sang ngành Tài chính kìa. Mỗi định hướng đi theo chúng ta 5 năm là mình thấy đã có thể coi là thành công rồi.

Ý tưởng chủ đề luận văn này là từ chồng mình, và đây đúng là sự lựa chọn không thể chính xác hơn. Thông thường sinh viên làm luận văn tốt nghiệp sẽ cần thực hiện khảo sát hoặc phỏng vấn, nhưng chủ đề luận văn của mình giúp mình né cả 2 phương pháp này. Lợi thế lớn nhất của nó giúp mình không bị phụ thuộc về mặt thời gian thực hiện khảo sát và phỏng vấn, dẫn đến việc mình có rất dư dả thời gian phân tích dữ liệu.

từ khách sạn đến tài chính
Nhìn cái tập tin Excel trông khổng lồ vậy thôi (100+ tab mỗi tab 100+ cột và 100+ dòng) chứ làm cũng lẹ à 😜

Chỉ riêng việc làm luận văn đã giúp mình thêm khẳng định về việc mình thực sự tâm huyết khi làm việc với các báo cáo tài chính. Điều đó không có nghĩa là mình không tâm huyết với vận hành khách sạn, mà chỉ đơn giản là ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời thì mỗi người lại tìm ra một lĩnh vực phù hợp với bản thân hơn thôi.

Trước khi tốt nghiệp 6 tháng mình đã bắt tay vào công cuộc ứng tuyển. Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg của mình đã miêu tả rất kĩ sự chuẩn bị về kiến thức của bản thân khi nhảy sang ngành Tài chính. Cộng với kĩ năng Excel sẵn có, vốn dĩ bản thân mình đã luôn trong tâm thế sẵn sàng cho công việc mới rồi.



Là một người hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, mình đã bắt gặp vô số những bài chia sẻ hỏi han về việc ai nên chọn học ngành nào. Tất nhiên nếu bạn chọn phù hợp thì sau tốt nghiệp con đường của bạn sẽ rất dễ đi. Tuy nhiên, ở lứa tuổi 17 – 18, mình cũng như bạn, cũng đứng giữa ngã ba đường nhiều ngã rẽ. 6 năm sau nhìn lại, mình thấy thật ra dù bạn có học gì làm gì, miễn là bạn dám nghĩ dám làm, có định hướng cụ thể, chịu hành động theo kế hoạch, cởi mở đón nhận thử thách thì bạn sẽ tìm được giá trị cuộc sống của riêng mình. Lựa chọn học Quản trị khách sạn của mình có sai không? Chắc chắn là không. Không có những trải nghiệm đó sẽ không tạo ra mình của hôm nay.

Vẫn như thế, mình vẫn luôn hi vọng bạn hãy tìm học tất cả những gì có thể khi bạn vẫn còn có thể. Bây giờ bạn chưa cần dùng đến, nhưng không ai dám nói chắc rằng trong tương lai bạn không cần dùng đến.

24.04.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

One thought on “♡ Từ Quản Trị Khách Sạn Đến Tài Chính ♡

Bình luận