0
Your Cart

♡ Tự Học CFA Level 2 ♡

tự học cfa level 2


CFA – Chartered Financial Analyst – chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp, là một trong những kì thi được coi là thuộc dạng khốc liệt nhất trong lĩnh vực phân tích đầu tư và cố vấn tài chính. Mình tự học và hoàn thành bài thi CFA level 2 của đợt 05/2025 và vừa nhận kết quả đỗ.

Loạt bài viết Tự Học CFA Level 1 đã rất dài và rất chi tiết, do vậy, mình sẽ không viết lại nhiều như thế nữa ở cấp độ 2. Thay vào đó, mình sẽ chỉ nói về chiến lược học nào của cấp độ 1 mà mình giữ lại, những chiến lược nào đã thay đổi, và vì sao.

1. Con đường ôn thi “điên rồ”

  • Mình đi thi CFA trong khi vẫn đi làm toàn thời gian.
  • 2 tháng trước ngày thi, mình còn 8/10 môn chưa học.
  • Mình chỉ học xong nội dung kiến thức buổi tối trước ngày thi, bỏ môn Ethical and professional standards.
  • Mình chỉ làm một nửa đề thi thử đêm trước ngày thi.
  • Tổng thời gian học 227 giờ, trong khi Học viện CFA đề xuất tối thiểu 300 giờ.

Và mình đỗ.

Kỉ niệm 2 tháng trước ngày thi đây!

2. Giáo trình

Ở cấp độ 1, việc sử dụng bộ câu hỏi luyện tập của Kaplan là rất hữu ích. Lí do là vì cấu trúc đề thi bao gồm những câu hỏi riêng biệt. Tuy nhiên, trong quá trình tự học CFA level 2, mình cho rằng bạn không nên “dựa dẫm” vào bộ câu hỏi luyện tập của Kaplan nhiều như thế nữa. Nó có tác dụng giúp bạn ôn kiến thức để tránh quên, nhưng không thể dựa vào nó để quen với phong cách đề thi, vì nó khác quá xa. Nếu bạn tìm được một nhà cung cấp bộ câu hỏi luyện tập nào cùng phong cách với Học viện CFA, thì mình rất khuyến khích bạn mua thêm, đặc biệt là nếu bạn có thể chạy ngẫu nhiên các câu hỏi. Nếu không, thì thôi.

Thứ tự ưu tiên giáo trình để ôn thi CFA level 2, theo mình, là:

  1. Không mất thêm chi phí nào – Bộ câu hỏi ôn tập và 2 đề thi thử của Học viện CFA
  2. 299 USD – Bộ luyện tập thêm với 750 câu hỏi và 3 đề thi thử của Học viện CFA
  3. 199 USD – Bộ câu hỏi luyện tập của Kaplan Schweser

Ở đây, mình chỉ kể những giáo trình mà mình cho là đáng sử dụng thôi nhé.

3. Lộ trình tự học đề xuất

Những điều vẫn đúng từ lộ trình tự học hồi cấp độ 1:

  • Chỉ nên bắt đầu học trong vòng 6 tháng trước ngày thi để tránh mất sức.
  • Học từ sách giáo khoa chính thức của Học viện CFA.
  • Học theo thứ tự môn chiếm tỉ trọng điểm cao nhất xuống.
  • Làm hết tất cả các câu hỏi ôn tập cuối chương, có thể làm sau khi học hết nội dung chương hoặc giãn ra làm từ từ trong suốt quá trình học. => Cái này mình không làm được hết, nhưng mình rất đề xuất làm.
  • Mỗi ngày, hãy bắt đầu việc học bằng cách làm câu hỏi của những chương, những môn đã học trước, rồi mới bắt đầu vào lộ trình học chính thức.

Nếu bạn có niềm tin mãnh liệt rằng chiến lược của bạn là đúng, đừng để người khác làm ảnh hưởng đến bạn, đặc biệt là khi bạn lựa chọn học từ sách giáo khoa của Học viên CFA như mình. Bạn sẽ gặp rất nhiều người chê / chửi bạn ngu dốt / điên rồ, nhưng quéo queo quèo, kết quả của mình rõ như ban ngày.

Thứ tự học của mình:

  1. Financial statement analysis
  2. Fixed income
  3. Equity valuation
  4. Portfolio management
  5. Ethical and professional standards
  6. Quantitative methods
  7. Derivatives
  8. Alternative investments
  9. Corporate issuers
  10. Economics

Mình biết, đối với cấp độ 2, 5 môn có tỉ trọng điểm cao bằng nhau và 5 môn có tỉ trọng điểm thấp bằng nhau. Vậy nên, mình mới có danh sách thứ tự môn học ở trên cho bạn tham khảo.

Tuy vậy, vẫn có nhiều phương pháp tự học của cấp độ 1 mà mình cho rằng sẽ không phù hợp ở cấp độ 2 nữa.

3.1. Làm câu hỏi mỗi ngày

Cấu trúc đề thi của cấp độ 2 – dù vẫn là trắc nghiệm – nhưng rất khác so với cấp độ 1. Những câu hỏi không còn riêng lẻ mà được đặt trong một ngữ cảnh chi tiết nhất định.

Thay vì luôn làm 20 câu hỏi mỗi ngày như cấp độ 1, mình đổi lại làm 4 – 5 câu x số môn đã học tới.

  • Các chương đã học xong chỉ thuộc 1 môn? => Làm 4 – 5 câu hỏi mỗi ngày.
  • Các chương đã học xong thuộc 2 môn? => Làm 8 – 10 câu hỏi mỗi ngày.
  • Các chương đã học xong thuộc 10 môn? => Làm 40 – 50 câu hỏi mỗi ngày.

Chọn 40 hay 50, là tuỳ hứng.

Nếu bạn không muốn mua bộ câu hỏi của Kaplan? Không sao. Bạn chỉ cần tự chia số lượng câu cho các chương và làm câu hỏi trong bộ câu hỏi ôn tập sẵn có của Học viên CFA. Nếu bạn đã làm xong hết 1 lượt, thì làm lại, và lại lần nữa, cho đến khi đi thi.

Bộ câu hỏi của Học viện CFA rất sát với phong cách ra đề thi thật, theo cảm nhận của mình. Điều này cũng không có gì lạ, vì họ chính là người ra đề.

Ngày nào bạn làm đề thi thử thì khỏi làm câu hỏi.

Trong những câu hỏi cuối chương, câu hỏi luyện tập, đề thi thử, và đề thi thật của Học viện CFA, các câu hỏi luôn được hỏi theo thứ tự từ trên xuống của nội dung câu hỏi. Do vậy, bạn nên đọc câu hỏi trước, rồi đọc nội dung tìm thông tin. Khi đã tìm ra thông tin rồi thì NGƯNG, không đọc nữa, và chuyển sang câu hỏi tiếp theo, cứ như thế cho đến hết các* câu của một tệp vignette.

* 4 trong để thi thử và thật, còn câu hỏi ôn tập chương thì có thể ít/nhiều hơn 4.

3.2. Học chắc ưu tiên hơn cày đề…

… đặc biệt nếu bạn thiếu thời gian và co giò chạy nước rút, như mình.

Nếu bạn áp dụng tất tần tật các phương pháp trên, bạn đã nghiễm nhiên áp dụng 2 phương pháp học đã được khoa học chứng minh là rất hiệu quả: lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) và chủ động gợi nhớ (active recall), mà gần như không tốn một chút công sức nào.

Lặp lại ngắt quãng là khi các câu hỏi ùa về mỗi ngày để nhắc bạn về nội dung kiến thức cũ. Không phải ngày nào bạn cũng được nhắc tất tần tật các nội dung đã học, nhưng theo thời gian rồi nó sẽ quay trở lại. Chủ động gợi nhớ thì rõ rành rành rồi.

Khi mình làm một nửa đề thi thử vào đêm trước ngày thi, mình làm đúng 66% mà không có thời gian ôn lại kiến thức. Mình chỉ có thể xem giải thích của những câu mình làm sai, và cả những câu mình làm đúng nhưng tư duy sai, để sửa những gì quan trọng nhất vào những giây cuối cùng.

Nếu mình không học từ sách giáo khoa chính thức của Học viện CFA, nếu mình không làm câu hỏi mỗi ngày, thì còn khướt mình mới thi đỗ. Mình cho rằng dù phương pháp và lộ trình học này nghe có vẻ hơi rủi ro, nhưng nó cũng cho thấy một chiến lược học đúng đắn có thể cứu bạn đến mức nào. Dù mình la làng với cả thế giới là “Cảm ơn Ông Bà Tổ Tiên đã gánh cháu còng lưng.”, nhưng thực tế may mắn sẽ không đến với người không có chuẩn bị.

3.3. Tại sao lộ trình này hiệu quả?

Ngoài lí do rằng lộ trình này chính là sự kết hợp phương pháp lặp lại ngắt quãng và chủ động gợi nhớ mình đã đề cập ở trên, thì:

NÓ HIỆU QUẢ VỚI MÌNH

♡ Học Từ Bản Chất ♡.

Mình không đi đường tắt trong chuyện học. Mình đọc tất cả những lời giải thích của kiến thức, để đảm bảo bản thân hiểu bài, hoặc ít nhất cũng là hiểu tối đa trong năng lực có thể. Càng hiểu bài, mình càng ít phải thuộc vẹt.

Khi thời gian có hạn, rõ ràng việc học từ sách giáo khoa của Học viện CFA đã cứu mình, chứ không phải ngược lại, như lời la ó của vô vàn người khác cố gắng cho mình lời khuyên trong quá trình học. Mình hiểu, có thể họ cũng chỉ có ý tốt, nhưng họ không phải mình, họ không học thay cho mình.

Giữ vững sơ tâm – may mắn – là một trong những ưu điểm mình tự tin. Kể cả trong sự áp lực cao độ của 2 tháng cuối, mình vẫn không bỏ qua bước làm câu hỏi TRƯỚC khi học bài, và theo đúng chiến lược đã đề ra.

NÓ CÓ LẼ CŨNG SẼ HIỆU QUẢ VỚI BẠN

Vì toán học và xác suất bảo thế.

Học theo thứ tự môn chiếm tỉ trọng cao nhất xuống, bạn sẽ làm câu hỏi của những môn này nhiều hơn, bạn có nhiều thời gian cho lặp lại ngắt quãng và chủ động gợi nhớ của những môn này hơn. Kể cả khi bạn không có thời gian ôn tập sau khi học xong nội dung lí thuyết như mình, lộ trình này đem lại cho bạn sự chắc chắn mà không có lộ trình nào khác có thể mang lại.

Bạn ưu tiên việc làm câu hỏi trước khi học tiếp nội dung lí thuyết, bạn ưu tiên giành tất cả điểm cho những câu bạn có thể giành, để giảm bớt xác suất đoán mò ngẫu nhiên trong bài thi. Kết hợp cùng với tỉ trọng điểm của các môn, cán cân cơ hội nghiêng về phía bạn theo cách tối đa bạn có thể làm.

À, để nói thêm cho rõ, mình không khẳng định nếu bạn áp dụng lộ trình và phương pháp này thì 100% bạn sẽ đỗ. Quanh đi quẩn lại, yếu tố quan trọng nhất của một chiến lược học là nó phải phù hợp và hiệu quả với chính bạn. Chỉ là, mình đứng về phía khoa học. Nếu bạn không tin khoa học… thì kệ bạn 😂 Mình tin.

3.4. Phỏng đoán quan trọng

Thông tin chính thức về đề thi cấp độ 2 của Học viện CFA bao gồm:

  • Tỉ trọng điểm các môn.
  • Đề thi có 22 tệp, mỗi tệp 4 câu, trong đó có 2 tệp không tính điểm. => Tổng cộng có 80 câu tính điểm và 8 câu không tính điểm.

Còn dưới đây là phỏng đoán của mình, không phải thông tin chính thức, không có ai xác nhận, nguồn thông tin là giác quan thứ 6.

Mình có cảm giác mỗi câu và/hoặc mỗi tệp được định sẵn một số điểm không công khai. Số điểm này có thể suýt soát nhau, nhưng không bằng nhau.

3.5. Ghi chú của mình

Không khác gì ♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 3] ♡.

4. Thời gian học và điểm của mình

Dưới đây là biểu đồ so sánh giữa thời gian mình dành ra để học các môn và điểm số của các môn đó.

Lưu ý là CFA không trả điểm từng môn về mà chỉ trả một biểu đồ tương quan. Mình đã lấy thước đo biểu đồ đó để đoán điểm, nên điểm chỉ gần đúng, chứ không chuẩn 100%.

tự học cfa level 2

Trong biểu đồ trên, cột màu xanh nhạt là thời gian mình dành để học các môn, xếp theo thứ tự từ nhiều đến ít. Vạch màu xanh đậm là mục tiêu về thời gian học, dựa trên tỉ lệ điểm thi của môn đó trong tổng điểm cuối cùng. Bạn cũng thấy, ở hầu hết các môn, mình đều không hoàn thành mục tiêu. Dấu chấm màu xám là điểm từng môn.

Dưới đây là một góc độ khác để nhìn sự tương quan giữa điểm và thời gian mình học các môn. Quả bóng càng to tức là tỉ trọng của môn đó càng lớn trong tổng điểm. Quả bóng càng ở phía bên phải tức là mình càng dành nhiều thời gian để học. Quả bóng càng nằm ở trên cao thì điểm của mình càng cao.

Môn Derivatives bị cho là rất khó hiểu bởi nhiều người. Họ nói với mình rằng mình cần phải dành rất nhiều thời gian cho môn này thì mới có thể hiểu được khái niệm của nó. Theo chiến lược và lộ trình học, điều này không hợp lí, vì nội dung của môn này ngắn, tỉ trọng điểm cũng không cao. Rõ ràng là không logic một tí nào nếu dành nhiều thời gian để học Derivatives hơn môn khác, đặc biệt là so với 5 môn có tỉ trọng điểm cao hơn. Mình dành 18 giờ để học môn này, và điểm rơi vào khoảng 88%. Kiến thức Derivatives có thể khó hiểu, nhưng đây không phải là môn khó lấy điểm.

Môn Quantitative Methods, nếu bạn chỉ đọc sách giáo khoa của Học viện CFA, bạn sẽ không hiểu gì. Mình cũng vậy. Mình đoán, do khái niệm nội dung lí thuyết của kiến thức môn này, nếu bạn không được hướng dẫn sử dụng những công cụ kĩ thuật để làm xác suất thống kê, việc chỉ dùng lời để giải thích thật ra là khá tối nghĩa. Ý là, học môn này qua sách giáo khoa là khá không thiết thực. Mình không biết nên đề xuất bạn học môn này như thế nào. Thôi thì ít ra, mình cũng trình bày tình huống, rồi bạn quyết định sao thì quyết định nha. Đây là môn duy nhất mà điểm của mình dưới 50%.

Dưới đây là biểu đồ thời gian học của mình theo tuần.

tự học cfa level 2

Tuần 25.05.2025 là tuần mình thi.

Như bạn thấy, mình chỉ thực sự học từ tháng 3, tức là trong vòng 3 tháng đổ lại, dù mình bắt đầu học từ khá sớm (nhưng giai đoạn sớm không hiệu quả). Học viện CFA đề xuất bạn dành ra tối thiểu 300 giờ học cho mỗi cấp độ thi, thì lần này mình chỉ học 227 giờ.

Ở cấp độ 1, mình học 299 giờ và suýt cán mốc top 10% người điểm cao nhất. Ở cấp độ 2, mình học 227 giờ và thi đỗ ở mức 2630/2600.



Quá trình tự học CFA level 2 của mình không suôn sẻ như cấp độ 1. Sự chênh lệch về kiến thức là khá lớn, cộng với quỹ thời gian eo hẹp đã thực sự khiến mình hơi oải. Tuy nhiên, khi đã bước qua con trăng này, mình nhận ra rằng chiến lược học đóng góp phần lớn vào kết quả thi.

11.07.2025

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tự Học CFA Level 2, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Học Tài Chính.

Bình luận