0
Your Cart

♡ Tổng Thống Putin Và Cuộc Chiến Năng Lượng ♡

Trong quá trình lượm lặt các mẩu chuyện lịch sử từ nhỏ đến lớn, bỏ qua yếu tố chính trị, mình luôn nể phục Tổng thống Putin, nể phục cách ông đưa nước Nga từ một đống hoang tàn sau khi Liên Xô tan rã lên thành một cường quốc như hiện tại. Tuy nhiên, điều mình không biết là cách suy nghĩ (được cho là) của ông và hành trình ông hiện thực hoá tham vọng của mình. May mắn ở chỗ, có một cuốn sách đã giải đáp thắc mắc này cho mình: The Colder War: How the Global Energy Trade Slipped from America’s Grasp (Lược dịch: Chiến tranh lạnh “hơn”: Hệ thống thương mại toàn cầu về năng lượng tuột khỏi tay nước Mĩ như thế nào) của Marin Katusa. Trong hơn 2 thập kỉ lãnh đạo đất nước, Tổng thống Putin đã dày công xây dựng một nước Nga vững vàng và sừng sững trong cuộc chiến năng lượng với thế giới.

Cuốn sách chỉ ra kết quả nghiên cứu hậu Chiến Tranh Lạnh và sự tan rã của Liên bang Xô Viết, sự lũng đoạn của những người có quyền lực ở nước Nga thời đó, và từng bước tổng thống Putin vực dậy đất nước có diện tích lớn nhất thế giới từ thị trường nguyên liệu thô là năng lượng, đặc biệt từ 3 món dầu mỏ, khí đốt và uranium. Cuốn sách cũng đề cập mối tương quan của một số quốc gia có vai trò quan trọng trong bức tranh về năng lượng thế giới cũng như chiến lược chính trị của các gã khổng lồ (Nga, Mĩ và Ukraine, Trung Đông). Và phần cuối cuốn sách có đề cập một chút đến nước Mĩ, đến hệ thống thanh toán dầu thô bằng đô la Mĩ (petrodollar), đến cách Mĩ “xài” tiền ở cương vị “người” nắm giữ đơn vị tiền tệ dự trữ của thế giới. Đọc cuốn sách, bạn sẽ hiểu hơn về chiến tranh Nga – Ukraine, về tại sao các bên lại hành động như cách họ đã hành động, bao gồm cả những lệnh cấm vận, và về việc tại sao giá trị đồng ruble Nga lại đi theo cái đồ thị này.

Tổng Thống Putin Và Cuộc Chiến Năng Lượng
Tỉ giá RUB/USD từ 09.2021 đến nay

Kinh tế – tài chính – địa chính trị gần đây trở thành mối quan tâm sâu sắc của mình. Không có lí do cụ thể, nhưng mình nghĩ để thu thập kiến thức, kinh nghiệm và chiều sâu chiến lược đỉnh cao mang tầm vĩ mô thì không đâu bằng những cuốn sách như thế này. Tầm những năm 2007 – 2009, mình có một người bạn có gia đình làm bên dầu khí. Họ rất giàu, giàu nứt đố đổ vách í. Tất nhiên hồi đó mình chả hiểu gì cả, cũng không biết tại sao lại như thế. Thà muộn còn hơn không, ít nhất bây giờ mình đã hiểu. Hiểu để biết đường dự đoán tương lai, hiểu để biết mình nên làm gì để đi tắt đón đầu, để tận dụng những thách thức của thời đại sắp đến. Hồi đó mình cũng không biết, dầu khí là tập hợp của dầu mỏ và khí đốt, bộ combo thống trị thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, dù thế giới vẫn phụ thuộc vào dầu khí, đây không phải là tương lai.

Bài viết Tổng thống Putin và cuộc chiến năng lượng này không phải để giới thiệu sách, cũng không phải để đánh giá sách, nó chỉ ghi lại những điều mình muốn ghi nhớ để có thể tìm đọc lại sau này khi cần. Mình đã từng áp lực khi thấy bạn bè đọc rất nhiều sách liên tục, nhưng mình bây giờ lại muốn đọc “sâu” hơn bằng cách lựa chọn những chủ đề vĩ mô hơn, tìm đọc những cuốn sách dày hơn và cần suy ngẫm nhiều hơn.



Mình đã gặp rất nhiều người nghe rất nhiều điều họ đề cao về nước Mĩ, ví dụ như nào là lương cao, nào là tự do, nào là dân chủ, vân vân và mây mây. Bản thân mình thường không sùng bái một sự vật hay sự việc nào mà không tự đặt ra hàng tá câu hỏi về các mặt khác nhau của vấn đề. Kiểu như, Mĩ là nền kinh tế số một thế giới, đây đúng là một sự thật ở thời điểm hiện tại cũng như trong quá khứ gần đây. Nhưng, dù chấp nhận sự thật đó, mình vẫn sẽ đi tìm câu trả lời cho việc điều gì dẫn đến việc Mĩ có thể đạt được điều này, và ngữ cảnh tình hình địa chính trị cũng như chiến lược các bên ở mỗi thời điểm ra sao.

Từ nhiều cuốn sách khác nhau nói về nhiều giai đoạn khác nhau, mình đã ghép được một bức tranh kha khá. Tuy nhiên, từ quyền lực kinh tế và chính trị Mĩ có trong tay đã làm cho những chính trị gia, những nhà hoạch định chiến lược dễ lún vào lạm dụng. Thật ra đây không phải điều gì đặc biệt hay bất ngờ, nó diễn ra theo chu kì thôi. Chỉ là thời thế khác nhau nên những việc xung quanh trông có vẻ không giống, nhưng cốt lõi của các chu kì mà trật tự thế giới thay đổi thì bất biến.

Về mặt chủ quan cá nhân, với tất cả những gì mình biết được về nước Mĩ, mình không nghĩ cuộc sống ở Mĩ là phù hợp với bản thân mình. Liệu có phải do mình ở châu Âu hơi lâu rùi khum? 😅

Cuốn sách tiếp theo mình sẽ đọc là The Rise of America: Remaking the World Order (tạm dịch: Sự trỗi dậy của nước Mĩ: Tái tạo trật tự thế giới).

19.06.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể cân nhắc ủng hộ blog để mình duy trì phát triển nội dung phi lợi nhuận.

Bình luận