0
Your Cart

♡ Tại Sao Mình Rời Khỏi Bộ Máy Vận Hành Khách Sạn? ♡

Tại Sao Mình Rời Khỏi Bộ Máy Vận Hành Khách Sạn

Trước khi lí giải vì sao mình kiên định rời khỏi bộ máy vận hành quản trị khách sạn, mình hi vọng bạn dành thêm chút thời gian tìm hiểu đầu cua tai nheo của câu chuyện qua bài viết Tại Sao Mình Chọn Học Quản Trị Khách Sạn?. Mình không phải người lười tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định, nên việc không hiểu rõ sự lựa chọn của bản thân 6 năm về trước chắc chắn không phải là lí do cho sự rời đi của mình. Mình cũng không phải là người dễ bỏ cuộc để mà ban đầu kêu la “mình đam mê” rồi giờ lại bảo “hết lửa” chỉ vì COVID-19. Lí do không đơn giản thế…

1. Thị trường

Đây là lí do chính, cũng là điều tiên quyết tối quan trọng cho quyết định của mình.

Như đã giải thích trong bài viết trước, mình nhìn thấy sự tiềm năng của thị trường ngành khách sạn cao cấp tại Việt Nam so với năng lực của bản thân. Tuy nhiên, và đây là một chữ tuy nhiên rất to bự, mình không định cư ở Việt Nam nữa mà chuyển đến London, Vương quốc Anh. Đây là bước đi không tính trước, dẫn đến những chiến lược toan tính của mình đều… hỏng =))) Thật ra nói “hỏng” thì hơi quá, chỉ là do mình trước đây đặt mục tiêu thăng tiến nhanh nên chiến lược của mình phổ hẹp để tập trung đánh vào tốc độ.

Thị trường London không giống Việt Nam, London là cái tâm của mọi thứ xa hoa cao cấp từ lâu đời, nên thị trường đã “già” lắm rồi và không còn đất để mình bật ầm ầm như mình mong muốn với ngành khách sạn. Khi nó không còn tiềm năng, mình không muốn chôn năng lực của bản thân với lí do là chỉ bởi vì mình học ngành Quản trị khách sạn nên mình buộc phải đi làm khách sạn.

Do vậy, mình nhảy ngành.

2. Đãi ngộ

Khi mình bảo lưu kết quả hết năm 3 đại học, mình đã nhận thù lao trung bình 17 triệu/tháng tại Việt Nam + bao ăn ở. Xét theo mặt bằng chung tất cả các ngành tại Việt Nam của một người làm công ăn lương và chưa tốt nghiệp đại học, mình không phàn nàn gì về mức đãi ngộ này. Tức là, học Quản trị khách sạn khi về Việt Nam mang lại cho mình đãi ngộ khiến mình vui vẻ và hoàn thành công việc với kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, ở London, mình đã đi phỏng vấn một vòng các khách sạn cao cấp, họ đưa ra mức thu nhập khiến mình không thể nào chấp nhận nổi: 59 triệu/tháng trước thuế và bảo hiểm. Kể cả khi mình có được vị trí Front Office Manager (FOM) mà vốn dĩ ở Việt Nam có thu nhập dao động khoảng 40 – 60 triệu tuỳ quy mô và thưởng, thì vị trí này tại London trung bình là 67 triệu (dữ liệu Glassdoor). Với một thị trường già cặn cội thiếu bùng nổ như London, mất bao lâu để bạn lên được vị trí FOM? Và kể cả có lên đến FOM đi chăng nữa thì thu nhập đó không bằng được vị trí mình đang làm hiện tại – Phân tích và Lên kế hoạch Tài chính – tận 15% trong khi mình vừa tốt nghiệp đại học trái ngành. Trong khi đó, những cơ hội để phát triển bản thân của ngành khách sạn thua xa thị trường tài chính khi đặt vào ngữ cảnh tại London.

Chung quy lại cũng là vì thị trường. Chôn chân ở nơi đãi ngộ thấp, giờ làm việc không ổn định, quy định không linh hoạt, môi trường tiếp xúc áp lực cao khi những quyền lợi và cơ hội phát triển nhận về không tương xứng. Mình dại gì?

3. Môi trường công việc

Mình có đề cập sơ qua ở trên.

Giờ làm việc không ổn định: Trong bộ máy vận hành khách sạn, cơ hội để bạn được nghỉ vào dịp bạn lẽ ra được nghỉ là rất hiếm như cuối tuần hay ngày lễ. Ngoài ra, bạn còn cần phải làm sớm hoặc thức muộn. Cá nhân mình hoàn toàn không có vấn đề gì với thời gian làm việc không cố định, tuy nhiên mình cũng xứng đáng được đòi hỏi các quyền lợi nhất định khi phải đánh đổi lịch trình cá nhân cho công việc, nhất là khi mình hiểu rất rõ năng lực mình có gì.

Môi trường tiếp xúc: Thật ra cá nhân mình rất thích áp lực, bởi áp lực giúp mình đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và hoàn thành công việc tốt hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, nếu so cái áp lực đó với thứ mình nhận về thì không tương xứng. Trong quá trình làm việc tại khách sạn, mình đã gặp quá nhiều tình huống mà khách hàng không tôn trọng mình. Mình không cần họ phải đề cao hay tâng bốc mình gì cả, nhưng ít nhất mình muốn là một người được tôn trọng ở mức độ tối thiểu trong cách ứng xử giữa con người với con người. Thông thường trước đây trong quá trình đi làm mình sẽ bỏ qua không chấp nhặt những chuyện không đáng, bởi khoảng thời gian đó mình cũng cần học hỏi những va chạm cuộc sống để trưởng thành. Còn bây giờ, ở một thị trường phát triển vượt bậc như London, mình muốn nhiều hơn thế.

Quy định không linh hoạt: Thật ra đây chỉ là sự lựa chọn cá nhân, nếu mình tiếp tục làm công việc vận hành khách sạn thì mình sẽ buộc phải có mặt tại khách sạn để làm việc, không thể khác được. Tức là, mình sẽ chỉ có thể cắm mặt tại khách sạn, cơ hội đi đây đi đó để hiểu hơn về thế giới ngoài kia là rất giới hạn. Trong khi đó, bây giờ mình được phép lựa chọn đến hoặc không đến văn phòng, được phép bắt đầu công việc muộn hơn hoặc dừng công việc sớm hơn theo lịch trình riêng, miễn là mình hoàn thành xuất sắc tất cả trách nhiệm được giao. Mình thậm chí sẽ có thể vừa đi du lịch vừa làm việc, và ít nhất ở thời điểm hiện tại mình đang rất tận hưởng điều này.

Trải nghiệm: Cuối cùng, trong quá trình đi phỏng vấn tại các khách sạn cao cấp, mình lại một lần nữa được nhìn và cảm nhận lại môi trường vận hành khách sạn. Đặt bản thân vào vị trí của những người mình nói chuyện cùng, đã không còn sự hưng phấn hay nhiệt tình như mình của ngày xưa trong môi trường này nữa. Bên cạnh đó, với tiêu chí xuyên suốt là mình của ngày mai phải trở nên tốt hơn bản thân của ngày hôm nay, cơ hội phát triển tại môi trường vận hành khách sạn ở London quá hẹp. Thị trường ngành khách sạn ở đây đã đi ra khỏi quỹ đạo tam quan của mình về giá trị quan và nhân sinh quan, dù mình vẫn giữ thế giới quan cởi mở như xưa nay để không bó hẹp bản thân vào một không gian cụ thể nào.

Cơ hội phát triển: Ý của mình ở đây không chỉ đơn thuần dừng lại tại việc thăng lương thăng chức hay tốc độ của 2 yếu tố này. Công việc vận hành khách sạn bó hẹp tầm nhìn của mình chỉ ở khía cạnh của một cơ sở duy nhất với những đặc tính đặc thù của nó. Trong khi đó, với vị trí của mình hiện nay, mình có thể nhìn thấy kết quả kinh doanh và những biến động liên quan của mọi cơ sở trong khu vực Vương quốc Anh và Ireland, nhìn thấy một bức tranh về mối tương quan lẫn nhau của tất cả các yếu tố tác động lên cả một thị trường rộng lớn. Khỏi phải nói, góc nhìn mới mẻ này kích thích mình đến nhường nào.

Mình đã cân nhắc và nghiên cứu rất kĩ trước khi quyết định dứt áo ra đi. Nếu về Việt Nam, có khi mình vẫn sẽ làm khách sạn nhờ vào những lợi thế cá nhân. Tuy nhiên, với thị trường London này, thì mình chỉ có thể nói xin lỗi, chúng ta không thuộc về nhau.



Nếu đơn giản chỉ là vì COVID-19, mình sẽ đồng hành vượt khó cùng ngành, bởi cuộc sống mà, có lên có xuống là bình thường thôi. Đáng tiếc, COVID-19 chưa từng là lí do cho quyết định mình thay đổi. Chỉ đơn giản là tất cả những gì mình mong muốn về Quản trị khách sạn đều không tồn tại ở London.

21.01.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tại Sao Mình Rời Khỏi Bộ Máy Vận Hành Khách Sạn, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

9 thoughts on “♡ Tại Sao Mình Rời Khỏi Bộ Máy Vận Hành Khách Sạn? ♡

  1. Đến bây giờ em mới đọc được bài viết này của chị. Thật sự rất wow trước cách mà chị tư duy, tiếp cận các khía cạnh để ra quyết định và đem đến những góc nhìn mới mẻ mà em chưa từng nghĩ đến luôn ạ huhu. Hiện tại em cũng năm 3 và cũng sắp sang năm mới rồi, bài viết của chị sẽ thật sự dẫn lối cho em rất nhiều để em reflect và lên plan về ngành học, nghề nghiệp năm sau :> Anyway, I just wanna share to let you know how you have made impact on me, thank you so much :>>>

  2. Chị chia sẻ về con đường học tài chính đi ạ. Em đang có mong muốn chuyển hướng về ngành tài chính ạ. Em cảm ơn chị.

    1. Chị không có học tài chính á em, Chị chỉ học mấy môn tài chính kế toán có sẵn trong chương trình học Quản trị khách sạn thôi à. Chị có đọc sách báo xem thời sự tin tức là chủ yếu. Nhưng mà nhờ gợi ý của em Chị đã có ý tưởng viết bài về con đường nhảy ngành từ Quản trị khách sạn qua Tài chính, cảm ơn em hihi 🤩

Bình luận