0
Your Cart

♡ Quản Lí Tài Chính Cá Nhân ♡

quản lí tài chính cá nhân

Một đứa làm Tài chính thì sẽ quản lí tài chính cá nhân như thế nào?

Từ hồi mình còn học đại học thì đã có nhiều bạn bè xung quanh “hết hồn” vì cách mình quản lí tài chính cá nhân. Mình có một số những quy tắc nhất định (có thể đi ngược với những đề xuất các bạn hay nghe, lát mình giải thích cho) trong thu chi và công cụ duy nhất mình sử dụng là… Excel.

1. Tại sao là Excel mà không phải một ứng dụng xịn xò nào đó?

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này lắm, nhưng chủ yếu là vì:

  • Tính tập trung cao: Cho đến thời điểm này, dù cho có vô số ứng dụng giao diện đẹp mắt và tính năng tiện lợi nhưng không có một ứng dụng nào có thể quản lí hết mọi mặt về tài chính cá nhân ở trong cùng 1 ứng dụng duy nhất cho mình, như Excel. Ở dưới bạn sẽ thấy tập tin Excel của mình chi tiết đến mức nào.
  • Tính quản lí cao: Vì tập tin Excel được xây bởi chính mình, mình biết nhu cầu của bản thân về quản lí tài chính cá nhân đòi hỏi những gì nên mình tạo ra đúng những gì mình muốn.
  • Tính thích nghi cao: Thường các ứng dụng được vận hành theo những thao tác nhất định. Khi cuộc sống thay đổi, biết đâu kế hoạch của bạn thay đổi, cách bạn tiếp cận quản lí tài chính cá nhân cũng khác, và chưa chắc ứng dụng bạn đang dùng có thể thích nghi với yêu cầu mới của bạn. Excel có thể.
  • Tính cài đặt cá nhân hoá cao: Mình có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn trên Excel từ căn chỉnh màu sắc đến các dấu hiệu chỉ báo theo dõi mà chưa chắc các ứng dụng có thể đáp ứng được hết yêu cầu khó tính của mình.
  • Tính tự động cao: Mình biết, các ứng dụng cũng có tính tự động cao, nhưng đến khi bạn xem được sơ bộ cách tập tin Excel của mình vận hành thì bạn sẽ thấy nó rất “xịn” hihi.
  • Miễn phí: Đừng đùa, rất nhiều ứng dụng quản lí tài chính cá nhân rất hay nhưng bạn chỉ có thể truy cập những tiện ích đó khi bạn trả phí cho ứng dụng. Là một đứa làm tài chính, tất nhiên chi phí đường dài là thứ mình ưu tiên hơn hẳn rồi.
  • An toàn: Mình không tin lắm việc liên kết ứng dụng ngân hàng vào các ứng dụng quản lí tài chính của bên thứ ba, bởi càng liên kết nhiều thì nếu mình bị “tấn công” thì mình “chết” cành nhanh. Thôi, tốt nhất là tự xử.

2. Quy tắc quản lí tài chính của mình

Đây là quy tắc mình đặt ra cho bản thân vì cuộc sống của mình như vậy. Do đó, nó chỉ mang tính chất tham khảo thôi, và mình không thể đảm bảo là nó phù hợp với cuộc sống của bạn.

  • Mọi chi tiêu hàng ngày đều thanh toán bằng thẻ tín dụng: Mình đã đọc được ở không biết bao nhiêu là nơi họ đều khuyên bạn không nên thanh toán bằng thẻ tín dụng. Thật ra thẻ tín dụng có vô vàn lợi thế, miễn là bạn sử dụng đúng cách.
    Thẻ tín dụng cho phép bạn dùng trước trả sau không lãi suất, về mặt tài chính đây vốn là khoản đầu tư chắc chắn lãi. Khoản lãi của bạn chính là khoản trượt giá của đồng tiền (hay lạm phát). Tất nhiên, bạn chỉ được lợi thế ít ngày (thường là 45 – 55 ngày tuỳ loại thẻ), nhưng ở thời buổi lạm phát tăng chóng mặt như hiện nay, khoản lãi đó thật ra đủ lớn, nhất là khi bạn dùng thẻ tín dụng cho tất cả mọi chi tiêu như mình.
    Tiếp theo, thẻ tín dụng luôn có những giao dịch khuyến mãi cực kì hấp dẫn. Cộng lạm phát, cộng cả khuyến mãi, sử dụng thẻ tín dụng so với sử dụng tiền bạn thực có trong tài khoản là quá lãi về mặt tài chính.
    Một lợi ích nữa của thẻ tín dụng là nó làm tăng uy tín tín dụng của bạn nếu bạn sử dụng đúng cách, rất có lợi cho bạn đi vay ngân hàng khi cần thiết để mua nhà, đầu tư, v.v…
    Điều kiện duy nhất mà bạn cần lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng đó là luôn luôn thanh toán 100% số tiền khi đến hạn, bởi lãi suất thanh toán trễ hạn của thẻ tín dụng rất khổng lồ so với các khoản vay thông thường.
  • Cài đặt các giao dịch thanh toán tự động: Những khoản thanh toán mà lặp đi lặp lại như tiền điện nước, trả “nợ” thẻ tín dụng, v.v… thì thay vì phải nhớ chuyển khoản hàng tháng, mình sẽ cài đặt luôn những giao dịch này một cách tự động. Từ đó, đảm bảo mình không bao giờ quên những khoản thanh toán tối quan trọng.
  • Quy tắc 6 cái lọ: Chắc các bạn nghe quy tắc này nhiều rồi. Mình thật ra chỉ dùng cái tên của quy tắc này thôi, chứ mình chỉ có 4 cái lọ: sinh hoạt, tiêu vặt, phát triển bản thân, và đầu tư. Tỉ lệ % của mỗi lọ này sẽ thay đổi theo tình hình tài chính của mình chứ không cố định, thường rơi vào khoảng 53%, 23%, 4% và 20% theo thứ tự. Trong mỗi cái lọ này mình còn chia nhỏ ra thành các gói khác nhau, nhưng mình sẽ không đặt tỉ lệ % gì cả mà chỉ để theo dõi các khoản chi thành từng nhóm thôi.
    Trong cái lọ sinh hoạt có tiền năng lượng, tiền đi chợ, tiền đi lại, và tiền thủ tục hành chính.
    Trong cái lọ tiêu vặt thì ôi thôi có nhiều gói lắm như mĩ phẩm, trang phục, ăn hàng, v.v…
    Trong cái lọ phát triển bản thân có khoá học và sách.
    Trong cái lọ đầu tư có đầu tư và tiết kiệm (về góc độ tài chính thì tiết kiệm cũng là 1 dạng của đầu tư).

3. Cách Excel quản lí tài chính cá nhân

Trò vui đến rồi đây haha.

Yên tâm, tất cả những con số trong hình đều là số giả đã được mình xào lại lên hết rồi, không phải tình hình thực tế của mình đâu 😅

Tập tin Excel của mình có khá nhiều trang, mình chỉ đề cập một vài trong bài viết thôi. Trang Transaction là mình sẽ cập nhật mỗi tuần 1 lần những giao dịch đã xảy ra.

Quản Lí Tài Chính Cá Nhân
Trang 1 – Ghi chép giao dịch

Trang Budget là thống kê thu chi và lập ngân sách. Trang này hoàn toàn được tự động hoá, mình chỉ cần cập nhật tỉ lệ % ngân sách mình muốn phân chia cho từng mục. Vì tình hình cuộc sống không phải lúc nào cũng như nhau nên tỉ lệ ngân sách của mình sẽ thay đổi theo thời gian. Nguyên tắc là mục Need và mục Productivity phải luôn ✅, từ đó mình biết là mình đã bội chi bao nhiêu cho mục Want và còn thiếu bao nhiêu cho mục Future.

Hàng tháng, sẽ có 1 dòng được tô màu xanh để mình biết đấy là tháng hiện tại. Việc tô màu này là tự động, mình không phải sửa gì mỗi tháng cả.

Quản Lí Tài Chính Cá Nhân
Trang 2 – Thống kê và lập ngân sách linh hoạt

Trang Cashflow dùng để dự toán dòng tiền trong tương lai, để xem liệu mình có khả năng rơi vào trạng thái “thiếu tiền” hay không, từ đó giới hạn lại chi tiêu. Ban đầu mình không nghĩ ra ý tưởng này, mà mình thấy Chồng làm nên mình bắt chước, chỉ là vì trình Excel của mình xịn hơn nên tập tin của mình vừa đẹp hơn vừa tiện hơn 😜

Mình bắt đầu nhận ra sự cần thiết của trang này từ khi bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường kinh tế tài chính và địa chính trị. Trước đây mình chỉ theo dõi thu chi chứ không lập dự toán dòng tiền bởi mình nghĩ trong đầu là mình sẽ không bao giờ tiêu quá số tiền mình kiếm được. Đúng, nhưng không đủ. Tương lai rồi mình sẽ phải mua nhà, có con cái, và rất nhiều những tình huống khác phát sinh, thậm chí là cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy đến. Vậy nên, dự toán dòng tiền là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trang này chỉ liệt kê những giao dịch thực sự lấy đi số dư tài khoản. Đó là lí do vì sao mình chi tiêu tất cả mọi giao dịch hàng ngày thông qua thẻ tín dụng. Nhờ không phải thanh toán cho các chi tiêu hàng ngày ngay khi mua mà có thể gom hết lại và thanh toán 1 lần, nên thay vì mỗi lần đều trả tiền lẻ tẻ và phải ghi nhận số dư mới, dự báo ngân sách tương lai của mình dễ sắp xếp hơn và mình cũng biết chính xác hơn khoảng ngày nào mình còn khoảng bao nhiêu tiền tổng cộng, từ đó nếu mình có muốn lên kế hoạch thêm như đi nghỉ dưỡng cũng dễ dàng hơn vì ngân sách của mình gần đúng ở bất kì thời điểm nào. Nếu bạn sử dụng các tài khoản ghi nợ (bao gồm cả tiền mặt) cho tất cả các giao dịch, độ chính xác trong dự toán dòng tiền của bạn chỉ cao khi một chu kì tài chính kết thúc, thường là hàng tháng.

Ví dụ, nếu mình lấy bừa 1 ngày trong tương lai, giả sử như 02.10.2023 đi, mình dự kiến có trong tay bao nhiêu tiền, trang này sẽ nói cho mình điều đó, và con số đó khá tiệm cận chính xác. Điều này đúng với bất kì một ngày nào trong tương lai đã được dự kiến trong trang này của bạn với những kế hoạch hiện tại. Sử dụng tài khoản ghi nợ rất khó giúp bạn dự toán ngân sách kĩ, trừ phi bạn đề ra quy trình chi tiêu là khi nào chi cái gì chi bao nhiêu, nhưng nhu cầu cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo 1 đường thẳng như vậy. Trang này sẽ cực kì hiệu quả nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng như mình.

Quản Lí Tài Chính Cá Nhân
Trang 3 – Dự toán ngân sách trong tương lai

Trang Report là thống kê hoàn toàn tự động, giống như một bản báo cáo lãi lỗ, nhưng là bản báo cáo thu chi. Nhờ những công thức đã được viết sẵn mà trang này mình hoàn toàn không phải làm gì, chỉ cần nhìn toàn cảnh cục diện tình hình tài chính cả năm của bản thân.

Trang 4 – Báo cáo thu chi theo năm

Cuối cùng, trang Dashboard này mình tạo ra cho… đẹp, với lại để kiểm tra số dư các tài khoản xem những gì mình nhập vào có khớp với thực tế không. Nếu bạn biết mình, bạn sẽ biết mình là đứa rất ưu tiên tính thẩm mĩ (hí hí), cứ phải đẹp trước đã, từ từ tính tiếp hehe.

Trang 5 – Tóm tắt sơ lược



Ngoài những trang mình kể trên đây ra, như bạn thấy tập tin này vẫn còn vài trang khác mình chưa đề cập đến, bởi vì nó không mang tính chủ đạo và nó chỉ dùng để theo dõi là chủ yếu. Bạn có thể lấy công cụ về và tự mò mẫm xem nha.

07.05.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tài Chính Cá Nhân.

2 thoughts on “♡ Quản Lí Tài Chính Cá Nhân ♡

Bình luận