0
Your Cart

♡ Lựa Chọn “Từ Bỏ Cuộc Chơi”? ♡

từ bỏ

Từ câu chuyện bạn trẻ từ bỏ cuộc sống, mình muốn viết ra những câu chuyện vụn vặt khác để vơi bớt nỗi xót xa.

Câu chuyện học tập

Nhìn chung mình là một học sinh khá ngoan (nếu không muốn nói là rất ngoan) trong suốt thời áo trắng, ngược lại hẳn so với em trai mình quậy banh nóc =))))) Dù ngoan cỡ nào đi chăng nữa, mình cũng có những lúc chống đối Thầy Cô, thậm chí là “cố ý một cách vô tình”.

Năm lớp 2 mình thường xuyên đi học trễ, nếu không muốn nói là hàng ngày. Lúc nào mình cũng vào muộn tầm 10-15 phút so với giờ vào lớp cả. Nhà mình lúc đó cách trường khoảng 5 km, nên Bố luôn là người chở mình đi đón mình về. Khi bị Cô giáo chủ nhiệm mắng và nhắc nhở hàng ngày đến mức mình cảm thấy hết sức khó chịu, mình về nhà cáu gắt với Bố vì tội chuyên gia chở mình đi học muộn. Bố tỉnh queo: “Con nói với Cô là Bố là người chở con đi học, nếu Cô trách tội đi muộn thì Cô trách Bố con chứ, con đâu có tự đi học được.” Tất nhiên là mình không nói lại thế với Cô giáo, nhưng từ đó mình từ bỏ và không để tâm nữa, cứ để Cô thích làm gì thì làm, vì mình cũng chẳng làm được gì hơn :)))))

2 năm trước đó mình không để ý lắm chắc vì còn nhỏ nên vô tư, nhưng mình nhớ rất rõ cảm giác nhiều bạn trong lớp “bo xì” mình năm lớp 3 vì mình nói giọng Bắc. Khi mình được Cô giáo chủ nhiệm gọi đứng lên đọc bài tập đọc, mình đọc giọng Bắc và bị chỉnh qua giọng Nam liên tục, rất đặc thù một số vần như -anh, -ênh, -inh hay đặc biệt là các từ có dấu ngã.

Mình học khối Song ngữ tiếng Pháp từ lớp 1. Lớp 4 mình chuyển nhà lên TP.HCM, chương trình Song ngữ lại đúng lúc nâng lên trình độ cao hơn với bộ sách giáo khoa mới và thêm 2 môn học mới. Vì chuyển nhà và không hề biết là sẽ học sách mới, Bố đã rất cố gắng đi khắp TP.HCM tìm sách cho mình nhưng không tìm được. Với xuất thân dân tỉnh, ngay từ đầu năm đã có nhiều bạn (thậm chí là phụ huynh của các bạn) nói rằng mình chắc chắn học hành chả ra gì. Mình đã từng nghe được trực tiếp một phụ huynh nói ra suy nghĩ này ngay cả năm lớp 9 vì mình dính vô một vụ hết sức ngớ ngẩn (kể ở dưới). Không có sách, không có bạn, mình đã có vài tháng đầu năm lớp 4 chơi vơi như thế, cho đến khi Thầy giáo dạy môn tiếng Pháp của mình năm lớp 3 ở dưới tỉnh gửi cho mình sách mà chính Thầy đang sử dụng để dạy học. Câu chuyện này đã được mình kể sơ 1 lần trong bài 20/11 Kể Chuyện Đi Học Và Thầy Cô. Đời đi học của mình không có nhiều biến cố, nhưng đây chắc chắn là biến cố mình sẽ nhớ đời đời.

Mình rất không thích Cô giáo dạy môn tiếng Pháp năm lớp 4 nên thường xuyên lười làm bài tập về nhà vì không có hứng thú học. Mình chỉ lấy bài ra làm đối phó khi gần đến giờ đi ngủ, và Mẹ sẽ luôn là người bảo “Trễ rồi ngủ đi con, bài làm được đến đâu thì đến.” Thường trong những lần như vậy, mình sẽ đi học sớm một chút và mượn bài của bạn chép đối phó với Cô giáo. Tuy nhiên đỉnh điểm có một hôm mình thực sự chán chả buồn chép bài, cứ để bài chưa làm xong ở đấy. Khi Cô giáo hỏi đến lượt mình vì sao không làm bài, mình rất ngây thơ vô (số) tội mà trả lời: “Dạ tối hôm qua con đang làm thì Mẹ bảo con đi ngủ.” Từ đó mình càng bị cô lập hơn. Cô giáo cũng gọi điện cho phụ huynh thuật lại đúng những gì mình nói, và tất nhiên Bố Mẹ đứng về phía mình vì sức khoẻ đối với một đứa trẻ 8-9 tuổi quan trọng hơn (hẳn) việc làm bài tập về nhà mà mình ghét.

Sự việc năm lớp 9 là nhà trường có chủ trương tiết kiệm điện nên nếu trời sáng thì lớp sẽ không bật đèn. Khổ nỗi, ngồi đằng trước mình là một bạn nam toàn kéo rèm cửa che ánh sáng mặt trời lại vì “sợ đen da” (cái này mình thuật lại lời của bạn ấy nhé, không phải mình nói.). Lúc đó mình cận tầm 4 độ + loạn 1 độ, và mình còn ngồi kế bên cửa sổ, mà cửa sổ lại nằm ở phía tay trái tức là góc ánh sáng tuyệt vời nhất mà mình có thể có được. Tất nhiên là mình giận, nên mình lấy bút quẹt vài đường lên áo bạn, bạn ấy cũng quay xuống quẹt lại lên áo mình. Mình thuộc dạng đầu óc “già” hơi sớm, nên chỉ nghĩ đó là chuyện trẻ con không đáng bận tâm. Người nhà bạn lên phàn nàn với Thầy chủ nhiệm, và mình bị viết bản kiểm điểm vì tội vẽ bậy lên áo bạn. Cơ mà thế này nhé, 2 đứa cùng vẽ lên áo nhau mà có mỗi mình bị viết bản kiểm điểm (thà là bản tường trình đi thì mình sẽ hết sức vui vẻ mà viết). Thậm chí bây giờ mình vẫn còn tự hỏi, Bố Mẹ mình không phàn nàn với Thầy tức là theo Thầy bạn ấy không có cùng một lỗi y chang mình à? Trong bản kiểm điểm mình có viết một đoạn đại loại thế này: “Qua sự việc này, em nhận ra rằng dù cả 2 bên đều cùng đưa ra một hành động giống nhau, chỉ có hành động từ phía em được cho là sai dẫn đến bản kiểm điểm này vì bạn […] không được yêu cầu viết một bản tương tự.” Câu này lại dẫn đến việc mình bị đưa xuống phòng Giám thị và Thầy Giám thị cũng hết sức “nhân từ” mà nói rằng học kì 1 mình sẽ bị hạnh kiểm yếu. Mình không thể làm gì được nữa ngoại trừ đi cầu cứu Bố. Cuộc gặp 3 mặt 1 lời này mình có mặt suốt buổi cho đến khi có kết luận, và tất nhiên kết luận là bạn […] cũng phải viết một bản kiểm điểm tương tự vì bạn ấy đã giấu gia đình rằng chính bạn cũng vẽ lên áo mình (mà mình hết sức rộng lượng không để tâm), và mình bị đánh hạnh kiểm khá trong mỗi tháng đó thôi. Câu chuyện này đã được kể đi kể lại trong suốt năm học trong các kì họp phụ huynh nhưng ở góc độ chì chiết mình. Mình lựa chọn không từ bỏ, và lấy được Giải nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán. Bi hài ở chỗ, giải thưởng của mình được phiên dịch lại thành Học sinh giỏi cấp “khu vực” từ “ai đấy” =))))) Có lẽ “họ” cũng quên mất rằng mình là học sinh lớp Song ngữ nhưng giải của mình là môn Toán, và mình là đứa duy nhất của trường cũng như của quận có giải, và điểm của mình cao thứ hai trong đoàn TP.HCM đi thi, và ở cấp thành phố mình còn là thủ khoa. Đây là bước ngoặt lớn nhất trong thời cắp sách đến trường của mình, khi mình chính thức không còn bị mang tiếng “học hành chẳng ra gì” nữa. Sau đó thì khỏi phải nói, mình còn một chuỗi các thành tích hầm bà lằng khác, thậm chí đến tận bây giờ.

Điều mình thích ở Bố Mẹ là ở chỗ, tiểu học không phải là thời gian những đứa trẻ chối chết cày bài, trung học cơ sở thì chỉ cần bắt đầu xây dựng hệ thống học tập và mơ hồ xác định định hướng muốn đi là được, có riêng trung học phổ thông là cần tập trung vào hướng nghiệp và tập hợp tối đa sức mạnh học theo đúng con đường đã chọn. Đó chính là lí do tại sao điểm trung bình năm của mình lúc nào cũng cà lơ phất phơ ất ơ 😂

Câu chuyện tâm lí

Với những người có nhiều thành tích học tập khi còn nhỏ, mình nghĩ là ai cũng có những giây phút suy nghĩ linh tinh. Mình may mắn chưa bao giờ phải đặt câu hỏi rằng “Mình học để làm gì?” bởi vì hồi nhỏ mình rất thích học. Học mang đến cho mình những kiến thức mới, mà với bản tính tò mò của mình thì hiểu biết càng nhiều mình càng khoái. Đổi lại, những vẩn vơ của mình lại quanh quẩn ở việc “Vì mình học các môn khoa học tự nhiên giỏi đến thế nên mình bắt buộc phải thi các ngành tuyển sinh khối khoa học tự nhiên điểm cao như Y Nha Dược hay sao? Vì mình học giỏi đến thế nên mình bắt buộc phải theo các ngành “danh tiếng” hay sao?” Mẹ mình là Dược sĩ cao cấp từ Đại học Dược Hà Nội, Anh trai mình là Thạc sĩ Bác sĩ khoa Ngoại Thần Kinh từ Đại học Y Dược TP.HCM. Toàn là trường top top top của cả nước, và không phải là mình chưa từng chứng kiến hay biết được những điều xung quanh họ.

Học kì 1 năm lớp 11, mình chính thức hạng 13/10 học sinh trường Phổ Thông Năng Khiếu được chọn đi thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh. Mình có thể ôn tiếp để lớp 12 thi lại, nhưng “Vì học chuyên Sinh của Phổ Thông Năng Khiếu nên mình bắt buộc phải thi Học sinh giỏi Quốc gia để ghi dấu ấn hay sao?” Những câu hỏi quẩn quanh đó cộng với sự gợi ý của Bố về ngành Quản trị khách sạn, rất nhanh sau đó mình đã bắt tay vào làm hồ sơ và gửi đi Thuỵ Sĩ. Mình cần một sự thay đổi, mình rất cần một sự thay đổi ở thời điểm đó, để thoát khỏi lối mòn đã theo mình hơn chục năm trời. Một Cô giáo khi biết mình chắc chắn không thi y đã có ý chỉ trích mình, kiểu không còn điều gì ngu ngốc hơn là bỏ y đi học cái ngành vớ va vớ vẩn ấy với nền tảng học xuất sắc như thế. Ha, dù mình đã từ bỏ y, nhưng chân trời mới lại không phụ lòng mình. Thay vì tốn cả đời chinh chiến trường đời như Bố để hiểu ra cách thế giới vận hành, mình chỉ mất vài năm đầu khi trở thành “người lớn” để hiểu ra rất nhiều trong số đó (và một “ít” tiền 😝), cùng những quan điểm chắc nịch riêng cho bản thân về nhiều phương diện.

Một người bạn của mình học chuyên Hoá trường Bố mình dạy, cũng thi y như sự mong đợi của Thầy Cô. Để rồi hết năm nhất tại trường y bạn ấy nhất quyết nghỉ học, thi lại, và học 2 trường đại học cùng một lúc ở 2 ngành mà bạn ấy tâm huyết từ rất lâu. Bạn ấy cũng kể với mình rằng có các Thầy Cô cũng chỉ trích việc bạn ấy bỏ y để học những ngành “không có tương lai” như cách mình đã bị, chỉ có Bố mình là động viên bạn ấy hãy làm những gì bạn nghĩ là tốt cho bản thân.

Mình may mắn có một đứa bạn, 2 đứa mình đã biết nhau được 18 năm. Có lẽ vì cùng sinh ra trong gia đình đông con (4 – 5 đứa) và cùng là con cả, tụi mình có những cách hiểu nhau rất ăn ý. Tụi mình đã từng thích nhau (phải cho cái mặt 🤣 dzô đây chứ không thể nào bạn í cũng phàn nàn haha) nhưng cũng từng bỏ lỡ nhau trong quá khứ vì cả lí do khách quan lẫn chủ quan. Tụi mình khum phải là thế giới của nhau, nhưng chỉ cần 1 trong 2 đứa mở miệng nhờ vả thì chắc có lẽ tụi mình cũng sẵn sàng gánh thế giới của người kia cùng bước tiếp.

Vậy đấy, kể cả khi mình có những suy nghĩ tiêu cực và linh tinh vẩn vơ quẩn quanh trong đầu, với một chút nỗ lực mình vẫn thấy những tia sáng, đặc biệt là Mẹ – người mình hiếm khi kể về. Họ – những tia sáng đó – xứng đáng được thấy mình hạnh phúc trên đời này, bởi những điều họ làm cho mình chỉ đơn giản là yêu thương, chứ không phải là dùng yêu thương để bao biện cho hành động làm mình tổn thương.



Trong bài của mình có những nhân vật “tốt” và có những nhân vật “xấu”. Dù không được kể, nhưng thực chất những nhân vật “xấu” cũng có khía cạnh “tốt” hay những nhân vật “tốt” cũng có khía cạnh “xấu” của riêng họ.

Bất kể bạn tham khảo hay lắng nghe từ bao nhiêu nguồn thân cận hay xa lạ đi chăng nữa, hãy để các quyết định bạn đưa ra là của bạn và vì bạn. Để đến khi quyết định đó mang đến kết quả, dù tốt dù xấu dù đúng dù sai, nó đã từng là quyết định của bạn chứ không phải bất kì ai khác. Bạn càng lớn bao nhiêu thì trách nhiệm của bạn lên quyết định của chính mình càng lớn bấy nhiêu, cho đến khi bạn không còn đủ minh mẫn nữa.

Hãy mạnh dạn “dạy” Bố Mẹ cách thương mình, “dạy” Thầy Cô cách quan tâm mình, và “dạy” xã hội cách đối xử với mình. Mình vẫn đang cố gắng làm điều này mỗi giây mỗi phút, để hi vọng những tổn thương được lành lại, và mình lại có thêm nhiều tia sáng lấp lánh đẹp đẽ hơn.

Mong là bạn cũng thế.

03.04.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

One thought on “♡ Lựa Chọn “Từ Bỏ Cuộc Chơi”? ♡

Bình luận