0
Your Cart

♡ Làm Đẹp, Sức Khoẻ & Khoa Học ♡

làm đẹp khoa học

Làm Đẹp, Sức Khoẻ & Khoa Học

Ý tưởng của bài viết này ra đời một cách khá tình cờ trong một ngày mình suy nghĩ vẩn vơ. Năm nay mình sẽ bước sang tuổi 25, cuộc sống và sự nghiệp bắt đầu dần ổn định, nên mình dự tính sẽ nâng cấp chu trình làm đẹp tập trung nhiều hơn đến sức khoẻ lâu dài và dựa trên cơ sở khoa học.

Trong bài viết này, mình sẽ kể câu chuyện đã dẫn mình đến với việc nghiêm túc tìm hiểu kĩ hơn về việc làm đẹp dựa trên cơ sở khoa học về độ an toàn, cũng như chiến lược sử dụng mĩ phẩm dưỡng da và trang điểm của mình trong tương lai.

1. Câu chuyện tình huống ngữ cảnh

Năm nay, mình bắt đầu suy nghĩ về tác dụng của các sản phẩm làm đẹp lên sức khoẻ lâu dài. Cũng như mọi người, mình cũng muốn trở nên đẹp hơn, nhưng nếu việc này lại có những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của mình ở mức độ nhất định, thì cũng dễ hiểu khi mình ưu tiên sức khoẻ hơn. Mình cũng không cần bản thân phải đẹp hoàn hảo nghiêng nước nghiêng thành, miễn là ngoại hình của mình không gây mất thiện cảm cho người đối diện, và nếu có thể thì tăng thêm một chút thiện cảm là tốt rồi. Đồng thời, vì bước sang tuổi 25 nên mình bắt đầu tìm hiểu về việc chống lão hoá. Tính mình hay lo xa, nên là mình muốn bản thân phải tìm hiểu thật kĩ về mặt khoa học trước khi đưa ra quyết định thay đổi chu trình làm đẹp.

Da mình là da dầu, và mình đã từng bị lên mụn rất nhiều trong quá trình dậy thì. Đến khi lên đại học, mình đi gặp TS Da liễu và được chữa mụn bằng cách uống isotretinoin (dẫn xuất vitamin A) liều cao + kháng sinh. Mình đã biết hiệu quả của vitamin A lên độ “đẹp” của da, nhưng đồng thời mình cũng biết tác dụng phụ của nó về lâu dài lên sức khoẻ. Mình chỉ sử dụng phương án này 2 lần, mỗi lần 1 tháng cách nhau 2 năm, vì Mẹ mình – dược sĩ – không cho mình kéo dài quá trình điều trị.

Rồi mình đọc thấy rất nhiều tạp chí làm đẹp khẳng định các loại retinoid (dẫn xuất vitamin A) trong mĩ phẩm có tác dụng thần thánh và hoàn toàn an toàn. Hmmmm, mình hiểu ý của họ, và mình cũng đã chứng kiến tác dụng thần thánh của dẫn xuất vitamin A rồi, nhưng mình không muốn chấp nhận rủi ro về chỉ số an toàn chỉ bằng cách đọc những thông tin thuần mang tính tiếp thị như thế này. Từ đó, mình mới quyết định làm một cuộc cách mạng khoa học về làm đẹp cho bản thân luôn.

2. Những nguồn thông tin mình từng tham khảo

Sau khi mò rất nhiều nguồn, đọc rất nhiều bài nghiên cứu khoa học do mình tự tìm hoặc được trích dẫn, mình đã xây dựng được một quy trình khiến mình đủ an tâm khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp mà không tốn quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, trước hết, mình sẽ nói về những nguồn thông tin mình từng tham khảo, vì mỗi nguồn đều có thể có ý kiến riêng về độ an toàn của các thành phần mĩ phẩm.

2.1. EWG – Environmental Working Group

Đây là nguồn cực kì cực kì phổ biến trên mạng xã hội để kiểm tra bảng thành phần của các sản phẩm làm đẹp, thường được giới thiệu rộng rãi bởi… những người không có chuyên môn khoa học. Ban đầu mình sử dụng EWG rất nhiều, nhưng sau khi phân tích bảng thành phần của vài chục sản phẩm bằng công cụ này, mình bắt đầu nhận thấy vấn đề.

Mình không phải là người làm khoa học, nhưng mình cũng có chút kiến thức nhất định. Có 3 điều khiến mình quyết định từ bỏ không sử dụng EWG nữa:

  • EWG chấm điểm thành phần mà không nói gì đến nồng độ của hoạt chất trong sản phẩm
  • EWG không dẫn chứng các bài nghiên cứu khoa học về thành phần mà chỉ nói kết luận chung chung
  • Rất nhiều thành phần được EWG chấm điểm mà cơ sở khoa học theo EWG chỉ là limited (giới hạn) hoặc none (không có)

Bạn không nhất thiết phải là một nhà hoá học để biết rằng nồng độ của một chất quyết định mức độ độc hại của nó đối với sức khoẻ con người. Làm sao chúng ta tin được một điều gì đó không hiển nhiên nếu không có dẫn chứng cụ thể? Và EWG dựa trên điều gì để chấm điểm khi cơ sở khoa học là giới hạn hoặc thậm chí không có?

Nếu bạn tra Google với từ khoá EWG bias thì bạn sẽ đọc được rất nhiều bài viết của những người có chuyên môn khoa học nói về việc tại sao EWG không đáng tin nhiều. Bạn cứ từ từ tìm hiểu thêm 😁 Còn mình thì đã ngừng sử dụng EWG.

2.2. Inci Decoder

Đây là 1 trong 2 công cụ mình sử dụng nhiều nhất để phân tích bảng thành phần mĩ phẩm, bởi Inci Decoder có thể xử lí tất cả các bảng thành phần mà bị sai chính tả hay được định dạng ở bất kì kiểu gì. Nó khiến cho việc sao chép và dán bảng thành phần để phân tích trở nên siêu siêu dễ.

Ví dụ, đa số các công cụ phân tích thành phần mĩ phẩm yêu cầu bạn phải định dạng bảng thành phần bằng cách dùng dấu phẩy để tách các chất ra, trong khi đó không phải trang chính hãng của mọi thương hiệu đều định dạng bảng thành phần theo cách này. Họ có thể sử dụng dấu chấm, dấu chấm đầu dòng, xuống dòng, v.v… các loại, nhưng Inci Decoder có thể cân tất. Thậm chí, kể cả khi bảng thành phần không có tí sự tách biệt nào giữa các chất, thì Inci Decoder vẫn xử lí được luôn.

Đôi khi, đặc biệt là trang La Roche Posay của UK, lâu lâu hay có mấy sản phẩm có bảng thành phần dính vào nhau như thế này thì Inci Decoder sẽ không xử lí được:

AQUA / WATERALCOHOL DENATGLYCERINSODIUM CITRATEPROPYLENE GLYCOLPEG-60 HYDROGENATED CASTOR OILDISODIUM EDTACAPRYLOYL SALICYLIC ACIDCITRIC ACIDPARFUM / FRAGRANCE

Trường hợp này thì bạn sẽ cần phải tách các chất ra, đừng để dính vào nhau nữa, thì Inci Decoder sẽ xử lí được, như thế này:

AQUA / WATER ALCOHOL DENAT GLYCERIN SODIUM CITRATE PROPYLENE GLYCOL PEG-60 HYDROGENATED CASTOR OIL DISODIUM EDTA CAPRYLOYL SALICYLIC ACID CITRIC ACID PARFUM / FRAGRANCE

Nếu bạn không học Hoá tốt lắm thì bạn chỉ cần đọc bảng thành phần của vài chục sản phẩm là bạn sẽ quen ngay thôi ấy mà, từ đó bạn sẽ thấy mấy chất này cũng xuất hiện đi xuất hiện lại thôi 😉

Cách mình sử dụng Inci Decoder:

  1. Sao chép bảng thành phần của sản phẩm từ trang chính hãng và dán vào công cụ phân tích thành phần.
  2. Nếu sản phẩm có thành phần nào đó bị Inci Decoder xếp vào nhóm Icky (màu vàng) thì mình sẽ không mua/sử dụng sản phẩm đó (có ngoại lệ).
  3. Ngoại lệ duy nhất của thành phần Icky là các thành phần thuộc nhóm cồn (alcohol) đối với các sản phẩm kem chống nắng. Nếu sản phẩm không phải kem chống nắng mà có thành phần thuộc nhóm Icky (kể cả cồn) thì mình vẫn loại.

2.3. Skinsort

Sau khi mình lọc bảng thành phần của sản phẩm qua Inci Decoder không có chất nào Icky thì mình cho bảng thành phần đó chạy thêm một lần nữa qua Skinsort. Mình sẽ lấy bảng thành phần trên Inci Decoder cho vào SkinsortInci Decoder đã định dạng lại bảng thành phần một cách rất đẹp đẽ mà bất kì công cụ nào cũng phân tích được.

Cách mình sử dụng Skinsort:

  1. Nếu bảng thành phần có những chất bị Skinsort xếp vào nhóm May worsen oily skin (có thể không phù hợp với da dầu) hoặc Acne trigger (có thể gây mụn) thì mình sẽ loại, trừ sản phẩm cho môi và cơ thể.
  2. Nếu bảng thành phần có chứa dầu (không oil-free) và có chứa thành phần dễ gây kích ứng theo danh sách của Liên minh châu Âu (không EU-allergen-free) thì mình loại.

2.4. Các nguồn chính thống

Điểm mình thích ở các nguồn chính thống là độ tin cậy của thông tin. Nguồn chính thống mình sử dụng thường xuyên nhất là CosIng thuộc Liên minh châu Âu. Thông thường, các nguồn chính thống sẽ hơi khó đọc một chút, vì nó là những bản báo cáo và/hoặc nghiên cứu khoa học về các thành phần trong sản phẩm làm đẹp, ví dụ như tài liệu này dài 85 trang về vitamin A. Ngoài ra mình còn dùng những nguồn chính thống khác như National Library of Medicine của Mĩ (Thư viện y khoa quốc gia) và European Commission Public Health (Sức khoẻ cộng đồng Uỷ ban châu Âu).

Hiện nay, tiêu chí của mình về nồng độ tối đa hoạt chất trong các sản phẩm làm đẹp là 15% vitamin C, 5% niacinamide (vitamin B3), 20% vitamin E từ thông tin khoa học của bài xuất bản này, 2% BHA (0,5% đối với sản phẩm dưỡng thể, sản phẩm cho mắt và môi, sản phẩm khử mùi) từ bài xuất bản này, 0,3% retinol (0,05% đối với sản phẩm dưỡng thể) từ bài xuất bản này.

Nếu bạn có tìm thấy thông tin chính thống nào có nồng độ tối đa cao hơn thì gửi mình với nhé 😊

2.5. Lab Muffin Beauty Science

Chủ kênh Youtube và blog cùng tên này là Chị Michelle – tiến sĩ hoá học. Chị ấy rất thường xuyên đính chính những thông tin tiếp thị không đúng cơ sở khoa học như ảnh hưởng của paraben, cồn, sulfate và hương liệu trong mĩ phẩm lên sức khoẻ. Chị ấy còn cung cấp rất nhiều những thông tin hữu ích theo cách mà một người bình thường như chúng ta có thể hiểu được mà không cần hiểu quá chi tiết về hoá học.

Ở trên, mình lựa chọn hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa cồn, paraben, sulfate và dầu là để giảm thiểu tối đa sự kích ứng da. Tất nhiên, trong trường hợp mình không tìm thấy sản phẩm nào đáp ứng đủ yêu cầu của mình mà có mức giá hợp lí và của một thương hiệu mình tin tưởng thì mình vẫn sẽ thoả hiệp tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.



Sau tất cả, mình vẫn sẽ ưu tiên về trải nghiệm. Tất cả những tiêu chí này chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin một cách rõ ràng để mình đưa ra quyết định có mua sản phẩm hay không mà thôi. Nếu trải nghiệm của mình về sản phẩm không tốt thì mình vẫn sẽ không sử dụng lại, và những thông tin tham khảo trên đều sẽ không có tác dụng gì 🥹

16.05.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Làm Đẹp, Sức Khoẻ & Khoa Học, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Cuộc Sống > Làm Đẹp.

Bình luận