0
Your Cart

♡ Kinh Nghiệm Xin Visa Thực Tập Tại Pháp Từ Thuỵ Sĩ ♡

Chào các bạn!

Mình xin visa lao động Pháp khi mình có giấy phép cư trú loại B tại Thuỵ Sĩ và đồng thời mình cũng xin visa tại Lãnh sự quán Pháp tại Geneva từ 2017, do vậy quy trình này chỉ đảm bảo 100% chuẩn cho trường hợp của mình. Tuy nhiên, mình sẽ cập nhật tất cả những thông tin mới nhất tính đến thời điểm bài này được viết, và nếu thông tin của bạn có hơi khác ở bất kì chi tiết nào so với trường hợp của mình, bạn có thể theo các đường dẫn chính thức của chính phủ Pháp mà mình đặt trong bài viết để cập nhật những thông tin phù hợp nhất với bạn nhé.

Quy trình xin visa này cũng chỉ áp dụng cho thời hạn lưu trú tại Pháp trên 3 tháng (90 ngày).

1. Hợp đồng

Cũng dễ hiểu thôi mà đúng không, nếu bạn xin visa lao động thì bạn cần chứng minh việc bạn được mời làm việc tại Pháp. Các trường hợp công việc tự do (self-employed) hay các hình thức làm việc khác sẽ không được đề cập trong bài viết này.

Vì hợp đồng của mình là hợp đồng thực tập là một phần của chương trình học, hợp đồng cần được kí bởi 3 bên là nhà trường, nhà tuyển dụng, và sinh viên. Thời của mình thì hợp đồng này phải được kí chữ kí vật lí, tức là để nhà tuyển dụng kí thì mình phải gửi hợp đồng qua bưu điện đến Pháp. Hợp đồng này cần được đóng dấu chứng thực bởi DIRECCTE (Direction Régionale des Entreprises, de la Concurrence, de la Consommation, du Travail et de l’Emploi). Quá trình đóng dấu bởi DIRECCTE này thường mất 1 tháng lận, nên các bạn canh thời gian dư dả xíu nha.

Do vậy, để thuận tiện nhất, 3 bản hợp đồng của 3 bên nên được kí trước bởi nhà trường và sinh viên tại Thuỵ Sĩ, rồi gửi qua bưu điện cho nhà tuyển dụng kí và nộp lên DIRECCTE để đóng dấu, rồi nhà tuyển dụng sẽ giữ 1 bản và gửi 2 bản còn lại qua đường bưu điện về lại Thuỵ Sĩ.

Mẫu hợp đồng từ chính phủ Pháp tại https://bit.ly/3vgRnHJ.

2. Hồ sơ

Bạn có thể tra cứu thông tin về hồ sơ xin visa lao động Pháp tại https://bit.ly/3snnHH8. Bộ hồ sơ gồm có: 

  • 1 bản hợp đồng bản gốc đã được kí bởi các bên và được đóng dấu bởi DIRECCTE
  • Thư xác nhận từ trường rằng bạn là sinh viên và việc thực tập này là một phần của chương trình học
  • Đơn xin visa (mẫu tại https://bit.ly/3M2hFmX hoặc điền trực tuyến tại https://bit.ly/33QCIaO)
  • 2 tấm ảnh kích thước ảnh hộ chiếu
  • Hộ chiếu còn hạn ít nhất 3 tháng sau thời hạn hết hợp đồng
  • Giấy phép cư trú loại B tại Thuỵ Sĩ còn hạn đến hết thời hạn hợp đồng
  • Bản gốc bảo hiểm y tế và tai nạn còn hạn đến hết thời hạn hợp đồng
  • Chứng minh tài chính đủ 300 EUR/tháng lưu trú tại Pháp (ví dụ, nếu hợp đồng có thời hạn 6 tháng thì bạn cần chứng minh bạn có 1,800 EUR)
  • Chứng minh nơi ở (hợp đồng thuê nhà, hoặc điều khoản bao ở trong hợp đồng làm việc, hoặc thư xác nhận bởi người cung cấp nơi ở cho bạn và bản sao hộ chiếu của họ)

Chi phí xin visa là 120.45 CHF, thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ ghi nợ.

3. Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ

Có 2 cách đặt lịch hẹn nộp hồ sơ:

  1. Trực tuyến tại https://bit.ly/35yjDLe
  2. Gọi điện thoại đến số 0900 847 237 (phải dùng số điện thoại Thuỵ Sĩ) và lấy mã xác nhận, rồi gửi email đến info@consulfrance-geneve.org cung cấp cho họ tên đầy đủ của bạn, mã xác nhận, địa chỉ tại Thuỵ Sĩ, và mục đích bạn xin visa.

Bởi vì bạn là người cư trú tại Thuỵ Sĩ với giấy phép loại B, bạn chỉ có thể nộp đơn tại Geneva.

4. Đặt lịch hẹn lấy visa

Tất nhiên trước khi bạn lấy visa thì bạn phải đến Lãnh sự quán làm thủ tục và nộp hồ sơ. Tuy nhiên vì khâu đó không có gì để nói, bạn cứ đến nơi và làm theo hướng dẫn, thế nên là mình chỉ gom nó lại thành 1-2 dòng ở đây.

Thời gian xử lí hồ sơ thường mất khoảng 10 ngày. Trong trường hợp bạn không được thông báo về trạng thái hồ sơ của bạn thì bạn gửi email đến info@consulfrance-geneve.org để hỏi. Khi visa của bạn đã được cấp thì bạn cần đặt lịch hẹn để đến Lãnh sự quán nhận visa.

5. Thủ tục OFII

Quá trình xin visa thực tế đã hoàn thành tại bước 4. Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng kể từ khi đặt chân đến Pháp, bạn phải thực hiện thêm một khâu OFII để “hợp lệ hoá” visa của bạn (Pháp dzui ghê ha). Nếu không, trên lí thuyết, quá 3 tháng bạn sẽ được xem là lưu trú tại Pháp bất hợp pháp. Quá trình này mình đã kể rùi, ở https://bit.ly/3tcstGz.

Do trong quá trình làm thủ tục xin visa lao động tại Pháp mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cả từ phía nhà trường lẫn nhà tuyển dụng nên mình không dám chắc mình có thể trả lời 100% câu hỏi của các bạn. Dù vậy, nếu các bạn có câu hỏi gì thì mình sẽ cố gắng hết sức giải đáp trong khả năng cho phép ha.

Cheers!

25.02.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

Bình luận