0
Your Cart

♡ Kinh Nghiệm Viết Bài Luận Nhập Học Trường Les Roches Thuỵ Sĩ ♡

Chào các bạn!

Vì điểm đến của mình là ngành Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ nên mình sẽ tập trung vào ngành này thôi. Tuy vậy, nhìn chung hồ sơ du học có rất nhiều điểm tương đồng nên nếu bạn có ý định đi du học ngành khác tại quốc gia khác cũng có thể tham khảo cách viết bài luận đầu vào.

Mình chuẩn bị hồ sơ từ hai năm trước ngày dự tính nhập học lận nên mình có kha khá thời gian để làm đẹp bộ hồ sơ và không phải chạy nước rút giai đoạn cuối gần hạn chót, nên nếu bạn có quyết định sớm cũng giúp nhiều lắm đó.

1. Study Plan (tối thiểu 250 từ)

Tại sao bạn chọn ngành này tại quốc gia này? Khi bạn xin nhập học bậc cử nhân là lúc bạn đã “lớn”, bạn đã biết “suy nghĩ” rồi, thế nên lí do “tôi thích và đam mê ngành này từ nhỏ” là khá mơ hồ. Bạn thích nó tức là bạn đã biết đến nó, vậy bạn nên viết rõ làm sao bạn biết đến ngành này, ai hoặc cái gì là động cơ thúc đẩy và tạo cho bạn hứng thú và khao khát được theo học. Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành thì rất tốt vì bạn đã thực sự có khái niệm về công việc này và cảm thấy yêu thích nó. Tóm lại, nguyên nhân nên rõ ràng, và nó là nền tảng của sự định hướng tương lai về sau.

Tại sao bạn chọn trường này? Đại học không phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời, vậy nên bạn nên cho trường thấy những điều sẽ học được ở trường có lợi gì cho công việc sau này, tác động thế nào đến việc bạn hiện thực hoá lí tưởng của mình. Hơn nữa, nếu có thể vận dụng một cách khéo léo, bạn có thể cho thấy lí do mình chọn trường này chứ không phải hằng hà sa số các ngôi trường khác.
Theo kinh nghiệm của mình, bất cứ một cái gì để có trọng lượng thì nên có những con số, bởi vì con số không nói dối. Vì vậy, một lần nữa, nếu có thể áp dụng khéo léo, bạn có thể dẫn chứng cho thấy quyết định của bạn xuất phát từ suy nghĩ thấu đáo chứ không phải chọn đại hay chọn theo phong trào.

2. Post Study Plan (tối thiểu 150 từ)

Bạn dự định làm gì sau khi tốt nghiệp? Khi xin nhập học vào trường đại học, không ai hiểu biết rất rõ về công việc tương lai cả (nếu thế thì bạn chẳng cần đi học?!). Mặc dù kế hoạch là thế nhưng nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào trong tương lai nên bạn không cần phải làm y chang những gì bạn viết. Điều quan trọng là bạn cần cho thấy được sự nghiêm túc của mình khi có kế hoạch lâu dài cho tương lai như mình muốn làm việc ở bộ phận nào, mục tiêu dài hạn ra sao (đạt được vị trí quản lí bộ phận ở những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng chẳng hạn),…

Cá nhân mình thấy đây là bài khá khó viết. Thứ nhất, mình xin nhập học khi đang học lớp 11 trong khi kinh nghiệm trong ngành Quản trị khách sạn đóng vai trò rất lớn. Mình chưa hề có trải nghiệm liên quan, cũng không hề có tí kiến thức chuyên môn nào mà chỉ biết đến những thông tin cơ bản nhất từ xung quanh nên việc ngồi một chỗ tưởng tượng mình muốn làm cái gì cũng hơi… không thực tế. Thứ hai, số lượng từ tối thiểu là 150 đối với mình là hơi nhiều. Thật lòng mà nói, mình không có nhiều ý tưởng lắm để viết Post Study Plan như Study Plan. Cuối cùng, là một người mơ mộng, mình lại nghĩ đến những mục tiêu vô cùng cực kì là rất xa (ví dụ như trở thành Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Điều hành cho cả một tập đoàn lớn hoặc Bộ trưởng Bộ Du lịch chẳng hạn, ví dụ thôi). Mình thường đặt mục tiêu thật cao như thế thôi vì dù không chạm đến mặt trời cũng có thể chạm được các vì sao.

3. Motivation Letter (1,5 – 2 trang A4)

Mục đích của Motivation Letter thường là để xin học bổng, vậy nên nếu bạn sẵn sàng tự chi 100% chi phí thì… cứ tự nhiên. Đây là một bức thư, nên văn phong cũng như cách trình bày phải là định dạng của một bức thư. Có một số trường, không vì mục đích học bổng, cũng muốn mọi thí sinh phải viết thư này như một tiêu chí để họ cân nhắc, từ đó quyết định có gửi thư mời nhập học hay không, như một cách lọc tuyển chọn đầu vào.

Giới thiệu bản thân? Không có một chuẩn mực nào để trả lời câu hỏi này cả, vậy câu hỏi đặt ra là « Bạn muốn người ta biết gì về bạn? » Phần này, bạn chỉ cần viết những thông tin cá nhân cơ bản nhất thôi, còn những thông tin khác thì mình có thể tinh tế lồng ghép ở những phần sau. Tại sao bạn chọn ngành này ở quốc gia này? Tại sao bạn chọn trường này? Mọi người xem trên Study Plan nha.

Tại sao bạn xứng đáng nhận học bổng? Học bổng đạt được giúp gì cho việc học cũng như tương lai của bạn sau khi ra trường? Bạn có giải thưởng này, điểm cao này, biết nhiều ngoại ngữ này, chơi nhiều nhạc cụ này, bạn quan tâm đến vấn đề cộng đồng này, bạn hoạt động xã hội này, v.v… Bạn nên chọn lọc ra những thứ càng liên quan đến ngành học thì càng tốt, hơn nữa điều đó cho thấy ý muốn đóng góp cho cộng đồng, nhất là đối với quê hương vì mình không chỉ cố gắng cho bản thân mà còn cho người khác.

Mình apply học bổng khi Les Roches vẫn đang còn thuộc Laureate Hospitality Education (LHE), bây giờ trường đã thuộc Sommet Education (thuộc Eurazeo) rồi nên chế độ học bổng cũng khác. Mình sẽ có bài đăng riêng về vấn đề học bổng của Les Roches nha.

Thẳng thắn mà nói, nếu bạn cũng thích Les Roches giống mình thì khâu xin nhập học khá dễ dàng, chỉ khó khâu xin học bổng thôi, nhưng nếu bạn cầu toàn thì có thể tham khảo cách viết này. Trước đây, nếu xin nhập học qua đại diện của trường và có bộ hồ sơ kha khá (không cần đẹp) là có thể xin được 10% học bổng cho kì học đầu tiên rồi, nhưng bây giờ chế độ khác đi thì mình không biết liệu quá trình ấy có khắt khe lên hay không, nhưng để được nhận vào trường thì cực kì dễ nên không lo đâu nhé.

25.10.2016

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

Bình luận