0
Your Cart

♡ Khủng Hoảng Năng Lượng >< Phát Triển Bền Vững ♡

Khủng Hoảng Năng Lượng Phát Triển Bền Vững

Hậu COVID-19, cả thế giới đang kêu ca về lạm phát. Không chỉ có thế, nếu bạn theo dõi tin tức thường xuyên, chiến tranh Nga – Ukraine kéo theo lạm phát phi mã ở 2 mặt tối quan trọng của cuộc sống: thực phẩm và năng lượng. Trong cuộc sống hiện đại, bạn không thể sống thiếu điện / nước / ga, v.v…, và là sinh vật sống thì tất nhiên là bạn không thể thiếu thức ăn được rồi 😂 Mình sẽ không bàn về thực phẩm trong bài này, nhưng năng lượng theo mình nghĩ là một chủ đề khá hay có thể đề cập đến, đặc biệt là trong thời đại xu hướng “bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường”. Làm thế nào để xã hội cân bằng giữa khủng hoảng năng lượng trong khi vẫn phát triển bền vững?

1. Tình hình khủng hoảng năng lượng

Chắc bạn chưa quên tầm giữa tháng 6, cả nước sốt xình xịch vì giá xăng tiệm cận 33,000 VND/lit. Ở Mĩ cũng tương tự, người dân phải trả 5 USD ~ 117,000 VND/gallon xăng, là giá kỉ lục ở xứ sở cờ hoa. Cuộc thăm dò dư luận cho thấy nỗi lo lớn nhất của người dân Mĩ chính là lạm phát, và đây cũng là vấn đề trầm trọng nhất cho Tổng thống Biden.

Đợt nắng nóng kỉ lục vừa qua buộc nhu cầu khí đốt của Tây Ban Nha lên mức rất cao để điều hoà. Đồng thời, Nga bắt đầu giảm lượng khí đốt dọc theo đường ống Nord Stream 1 đến Tây Âu, khiến giá tăng vọt 50%.

Cuộc khủng hoảng năng lượng này là cú sốc nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông năm 1973 và 1979. Nó không chỉ xuất phát từ việc chi phí năng lượng trở nên cao chót vót mà còn là sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn cung, đặc biệt ở châu Âu. Truyền thông và chính trị nơi đây đã bắt đầu tuyên truyền các biện pháp / đề xuất để tránh “một mùa đông giá lạnh”.

2. Khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng mục tiêu phát triển bền vững như thế nào?

Như bao thảm hoạ khác trong lịch sử, cuộc khủng hoảng lần này cũng sẽ gây ra những phiền toái ngắn hạn và dài hạn. Phiền toái này hiện diện ở khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống, nhưng hơn cả là giá nhiên liệu tăng, giá điện tăng, từ đó dẫn đến hạn chế tăng trưởng kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, và các phản ứng chính trị tiêu cực. Chúng ta có thể tự tin dự đoán ít nhất 1/3 mức lạm phát của thế giới xuất phát từ chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao. Các hộ gia đình đều phản ứng không mấy vui vẻ với tình hình này. Nếu các chính phủ phản ứng thiếu cẩn trọng và gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, việc ổn định tình hình biến đổi khí hậu sẽ trở nên cực kì khó khăn. Từ đó, cú sốc năng lượng có thể trở thành thảm hoạ chính trị.

Thực tế đang dần chứng minh viễn cảnh này. Tổng thống Biden – dù hứa hẹn một cuộc “cách mạng xanh” – lại lên kế hoạch đình chỉ thuế xăng dầu và đến thăm Ả Rập Xê Út để yêu cầu nước này bơm thêm dầu. Các nhà máy điện than ở Đức đang rục rịch hoạt động trở lại. Các công ti khai thác mỏ than Trung Quốc và Ấn Độ đang trên đà “tuyệt chủng” trong thời đại “phát triển bền vững” nhanh chóng đào được lượng than kỉ lục. Dù chúng ta hiểu điều này là do tình thế chi phí cao, nhưng chính nó cũng làm ngưng trệ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu. Những quy định công khai về giảm thuế cho nhiên liệu hoá thạch cũng sẽ khó được rút lại trong ngày một ngày hai.

3. Hướng đi nào để cân bằng 2 bên?

Một sự lựa chọn có thể được ưu tiên trong tình hình như thế này là tăng cường các dự án sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhưng là loại tương đối sạch như khí đốt tự nhiên mà đã được cắt ngắn “tuổi thọ” xuống chỉ còn 15 – 20 năm để phù hợp với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải vào năm 2050. Điều này đặc biệt áp dụng cho thị trường châu Á và châu Âu, nơi phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt và than đá, bởi công suất khí đối tự nhiên hoá lỏng quá ít.

Đồng thời, các chính phủ cũng cần duy trì xu hướng hướng tới năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện phạm vi tiếp cận, cải thiện công suất cũng như khả năng lưu trữ của lưới điện, loại bỏ các trở ngại trong quá trình bổ sung năng lượng tái tạo. Đây vốn dĩ là phần thành công nhất cho đến nay trong các phản ứng kém cỏi của thế giới đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Điện hạt nhân cũng là một phương án. Nhiều người nghĩ rằng các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ thì tốt cho môi trường, nhưng điều này chưa được chứng minh. Việc cải thiện trong công tác xây dựng các nhà máy quy mô lớn thực tế lại mang ý nghĩa quan trọng hơn. Trong trường hợp các chính phủ gặp phải quan điểm chống hạt nhân mạnh mẽ, họ nên chỉ ra các biện phát bảo vệ để chống các tai nạn xảy ra cũng như những phương pháp mới, hiện đại để lưu trữ chất thải hạt nhân. Mong muốn chuyển đổi năng lượng tránh xa cả nhiên liệu hoá thạch lẫn năng lượng hạt nhân là một ảo tưởng vô cùng nguy hiểm.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đầu tư hàng năm cần phải đạt 5 nghìn tỉ USD/năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng mới nhất này và phản ứng hỗn loạn của chính phủ đã khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn. Cú sốc năng lượng năm nay là một tai họa, nhưng đó cũng có thể là thời điểm để các chính phủ đưa ra các chính sách tốt hơn nhằm kích hoạt đầu tư, giải quyết tình hình để xã hội có nguồn cung cấp năng lượng an toàn và bền vững hơn.

25.08.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Khủng Hoảng Năng Lượng >< Phát Triển Bền Vững, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì phát triển nội dung phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Suy Ngẫm.

Bình luận