0
Your Cart

♡ Khó Khăn Ngành Khách Sạn – Góc Nhìn Du Học Sinh Thuỵ Sĩ ♡

Chào các bạn!

Mùa COVID-19, dân ngành khổ trăm bề không thể nào diễn tả được, nhỉ? Là sinh viên sắp tốt nghiệp tại Thuỵ Sĩ – quốc gia được xem là cái nôi của ngành Quản trị khách sạn, mình sẽ thúc đẩy các bạn – những người mới vào ngành – vững tin vào bản thân, vào tương lai và có phương hướng tìm cách nâng cao năng lực, đón chờ sự trở lại mạnh mẽ của ngành. Con người chúng ta không chịu ngồi yên một chỗ đâu, nên việc di chuyển ầm ầm khắp thế giới chắc chắn sẽ quay trở lại thôi.

Nếu bạn tò mò, mình đã từng viết bài tổng hợp Chi Phí 12 Trường Quản Trị Khách Sạn Thuỵ Sĩ 2021. Bạn cũng có thể qua đó tính được sự đầu tư mình có được nhiều thế nào. Mình học Glion Institute of Higher Education (GIHE) chương trình BBA in International Hospitality Business.


Phải rào thêm, mình không có ý khoe rich kid bởi nếu các bạn theo dõi mình đủ lâu, mình chẳng có tí kí lô nào so với rich kid hết, và mình cũng không ham. Do vậy, các bạn vui lòng bỏ qua suy nghĩ rằng vì gia đình mình có điều kiện nên các bạn sẽ không bao giờ được như mình. Mình du học từ 2016, học phí và tỉ giá thấp hơn, cộng với một ít từ học bổng, nên nếu bỏ qua giá trị thời gian của đồng tiền thì tổng chi phí là <3,8 tỉ VND, tức là mình tiết kiệm được khoảng 30%.

Mình có lướt qua các bài đăng xem những điều các bạn hay lo lắng về ngành, và nó bao gồm: khách chuối, tính cách hướng nội, yếu tố ngoại hình, lựa chọn bậc học, ngoại ngữ, lấy lại vốn, và sự vất vả của ngành. Mình bảo này.

Mình thấy mọi người thích thú chuyện khách chuối phết =)) Có những sự chuối của khách cay đắng hơn bạn tưởng, như kì thị sự thấp kém của ngành hay phân biệt chủng tộc, và tất cả những cay đắng này, hãy tin rằng, nó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của khách. Mình khi thực tập có gặp khách Qatar “Mày là dân châu Á, tao không nói chuyện với mày, gọi đồng nghiệp da trắng của mày ra đây làm thủ tục nhận phòng cho tao.” Lol, Qatar không phải châu Á à? Mình sau đó được AFOM (người Liban) giải thích, rằng dân UAE / Qatar (hình như còn nước khác nữa mà mình quên rồi) không coi dân da vàng (trừ Nhật) và da đen ra gì, kể cả dân Trung Đông liền kề nói tiếng Ả Rập như họ là Liban, Ai Cập. Bạn có thể đã nghe rất nhiều câu chuyện phân biệt chủng tộc, nhưng đa số là qua đường thôi. Ngoài ra, lễ tân thường gọi taxi, đặt nhà hàng cho khách. Mình gặp khách Ấn Độ yêu cầu mình gọi gái làng chơi đến khách sạn cho họ. Trong khách sạn 5 sao, đó là mình, nghe thẳng mặt. Còn chuyện hay ho, mình đã đón hàng trăm vận động viên quốc tế tham gia Olympic, rồi khi mình hỏi giấy tờ tuỳ thân để làm thủ tục nhận phòng, họ phán “Ơ mày không biết tao là ai à?” Mình đón CEO Accor, mình đón nhiều nhân vật tai to mặt lớn của các doanh nghiệp thế giới. Không phải ai cũng nhớ mình, nhưng chắc chắn mình học được những điều vĩ đại từ họ, và cũng may mắn giữ được một vài mối liên hệ hay ho. Đây chỉ là một vài tình huống nhỏ lẻ trong ti tỉ tình huống mình đã gặp. Mình đã xuất phát từ vị trí thấp điểm, trải qua đủ loại sự việc để tự rút ra bài học phát triển bản thân lên vị trí cao hơn. Đồng nghiệp của mình cũng ở đó, họ đã ở vị trí đó vài năm và cho đến giờ họ vẫn ở đó. Sự khác biệt, bạn thấy không, nằm ở chính bạn. Mình không biết phải nói thế nào về việc thay đổi tư duy, nhưng bạn chỉ có thể thực hiện điều này từ cọ xát với môi trường xung quanh, không thể nào khác được.

Việc học là việc muôn đời. Khi mình 8 tuổi, cân dạo cũng là công việc. Tuy nhiên, theo thời gian, công việc này biến mất. Đây là quy luật. Một số những công việc của ngành nói riêng hay của thế giới nói chung rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ biết mất, nhanh chậm tuỳ thuộc tốc độ phát triển của xã hội và nó nhanh hơn các bạn tưởng tượng đó. Các bạn lựa chọn bậc học như thế nào ở 2-3-4 năm Trung cấp – Cao đẳng – Đại học chỉ là khởi điểm. Những người như mình tìm kiếm hệ thống giáo dục nước ngoài hi vọng rút ngắn quá trình. Đáng tiếc, không phải tất cả du học sinh, kể cả từ các trường chất lượng nhất thế giới, đều tìm ra hướng đi phù hợp với bản thân nhanh chóng. Mình đây là ví dụ.

Mình trước khi tốt nghiệp trường top 3 thế giới về Quản trị khách sạn đã giữ vị trí Reservations Manager của khách sạn 5 sao quốc tế ở tuổi 20. Khách sạn bây giờ không còn là sự lựa chọn sự nghiệp của mình nữa, chỉ 6 tháng sau khi mình kết thúc hợp đồng (không phải do COVID). Con đường trước mắt mình đã khác rất nhiều so với dự tính thời điểm chọn Thuỵ Sĩ và ngành để theo đuổi 5 năm về trước. Vậy nên, bạn học gì chỉ là sự chuẩn bị cho khoảng vài năm tới thôi. Còn sau đó bạn thế nào sẽ phải xem trong vài năm đó bạn đã trang bị thêm hành trang gì và định hướng thế nào nữa. Lời khuyên của mình là hãy học bất kì thứ gì bạn thích và có thể trong khả năng cho phép dựa trên một chiến lược rõ ràng. Nếu bây giờ bạn muốn trở thành Revenue Manager, hãy học Excel và các chương trình phân tích dữ liệu. Nếu bạn muốn trở thành General Manager (GM), hãy cọ xát thực tế, quan sát kĩ lưỡng những người xung quanh (đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng) và luôn sẵn sàng trong trạng thái học hỏi, từ đó nâng cao kĩ năng và tư duy, lựa chọn đi theo 1 con đường vận hành hoặc Rooms Division hoặc Food and Beverage. GM có thể đi lên từ hướng khác như Sales, nhưng RD / F&B mới là con đường thông dụng nhất tại các tập đoàn khách sạn đa quốc gia nổi tiếng như Marriott, Accor, Hilton, IHG, v.v… Bạn phải có đích đến, ít nhất là tạm thời, thì bạn mới học hiệu quả được. Kể cả khi định hướng thay đổi, mọi thứ bạn trau dồi được là kĩ năng và kiến thức của bạn, chắc chắn sẽ hữu ích ở một thời điểm nào đó.

Yêu cầu ngoại hình tất yếu sẽ biến mất trong thị trường lao động, trừ những lúc đặc biệt cần thiết như chiều cao của tiếp viên hàng không để với tới những vị trí cao đặc thù của máy bay chẳng hạn. Các tập đoàn đa quốc gia đều đề cao giá trị DEI (diversity, equity and inclusion). Bạn chỉ cần tươm tất, và để tươm tất thì hãy chăm sóc bản thân: sạch sẽ, không có mùi khó chịu, tập làm cho bạn thân trở nên đẹp hơn, v.v… Mình mới qua Thuỵ Sĩ mình xấu lắm, nhưng giờ mình đã khác rất nhiều nhờ góp ý của mọi người, nhờ tìm hiểu cơ thể mình đẹp xấu chỗ nào để hành động phù hợp, cả về tạm thời (trang điểm) lẫn dài hạn (chăm sóc da). Trong quá trình đi học, bạn có thể chưa đạt đến trạng thái tươm tất mong muốn, nhưng hãy đặt mục tiêu khi tốt nghiệp, bạn phải ở trạng thái tự tin nhất của bản thân. Đó cũng chính là điều Ba Mẹ nói với mình, “Ba Mẹ mong muốn con gái rạng rỡ nhất khi tốt nghiệp.”, cũng là lí do mình bảo lưu chương trình học sau khi hết năm 3 để về Việt Nam hoàn thiện việc niềng răng. Nếu bạn không cao, hãy tập đi giày có gót, kể cả nam. Nếu cân nặng bạn không chuẩn dù quá nhẹ hay quá nặng, hãy tìm cách tăng cơ, sinh hoạt điều độ về ăn uống ngủ nghỉ, v.v… Con người ai cũng có 24 tiếng/ngày, người khác làm được, bạn cũng làm được, có thể hơi chậm hơn tí thôi, chẳng sao cả. Mỗi trải nghiệm bạn có dù là trong cuộc sống hay sự nghiệp đều là bài học quý giá, và công sức bạn bỏ ra chính là học phí.

Ngoại ngữ luôn là lợi thế cho bạn, không chỉ với ngành Quản trị khách sạn mà còn là với bất kì ngành nào do sự toàn cầu hoá và mọi biên giới đang ngày càng thu hẹp. Mình may mắn nhờ vào định hướng của Bố Mẹ đã theo học chương trình Song ngữ Pháp – Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lớp 1. Nếu bạn quan tâm bát quái showbiz, PA cũng đi con đường như vậy, tất nhiên vì tụi mình học cùng lớp tiểu học mà. Tiếng Anh thì ai cũng phải học rồi, và các bạn có thể tìm đọc lại các bài viết trên trang cá nhân hay blog của mình vì lâu lâu mình cũng hay chia sẻ chuyện và tài liệu học tiếng Anh. Khi mình có IELTS 7.0 năm lớp 12, mình bắt đầu học tiếng Đức vì lúc đó cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp của mình đều ổn. Tại sao mình học tiếng Đức? Vì đây là ngôn ngữ phổ biến nhất tại Thuỵ Sĩ. Mình đã định hướng đi Thuỵ Sĩ học, vậy thì tất nhiên là cần trang bị tiếng Đức không chỉ để sống mà còn là để hoà nhập. Đó, một ví dụ cụ thể học dựa trên định hướng nè. Bây giờ, khi tiếng Đức của mình giao tiếp ổn định, mình bắt đầu học tiếng Ba Lan. Ở đâu? Duolingo. Nguồn học ngoại ngữ nhiều vô kể mà chẳng mất tiền, hãy chọn một, bắt đầu, và kiên trì với nó, mỗi ngày một ít thôi nhưng lâu dài, rồi hiệu quả sẽ từ từ xuất hiện.

Các bạn nghĩ về việc lấy lại vốn chi phí học Đại học, thì hãy so sánh với du học sinh Thuỵ Sĩ. Cơ hội ở lại của họ xấp xỉ 0, không như các hệ thống giáo dục khác bạn được ở lại vài tháng hoặc vài năm, nên hầu như du học sinh Việt Nam nào rồi cũng sẽ về nước. Với chi phí 4-5 tỉ, bài toán lấy lại vốn của tụi mình căng hơn các bạn rất nhiều với thị trường Việt Nam (mình chỉ xét tình huống làm công ăn lương thôi nhé, khởi nghiệp hay làm việc trong công ti gia đình không tính). Sau 18 tháng thực tập tại châu Âu, mình thu về 1 tỉ. Phần còn lại, nếu mình về nước, nhờ nền tảng Reservations Manager sẵn có, mình sẽ có cơ hội lớn lên thẳng vị trí cao, thu nhập có thể lấy lại vốn trong 5 năm đổ lại. Từ 3 kì thực tập cho đến Reservations Manager đều là những bước đi đầy toan tính của mình cho việc về nước và lấy lại vốn. Không ngờ, thời thế thay đổi, mình có giấy phép định cư tại UK, nên việc lấy lại vốn của mình sẽ đi một con đường khác.

Thời gian đầu, việc thăng tiến của các bạn có thể chậm, đó là bình thường. Bạn không có nhiều trải nghiệm thực tế trong thời gian đi học hoặc những trải nghiệm đó không hiệu quả nên bạn phải dành thời gian đầu để đuổi kịp. Để quá trình tích luỹ kinh nghiệm tốt hơn, u như kĩ, bạn cần có định hướng, bạn phải biết mình đang và sẽ đi đến đâu. Nếu không, những kinh nghiệm bạn tích luỹ được không thể phát triển bạn. Kinh nghiệm không tính bằng tuổi đời hay tuổi nghề, mà bằng trải nghiệm và sự nâng tầm về tư duy cũng như suy nghĩ. Khi bạn hiểu bản thân và phát triển được năng lực, tiền sẽ tự nhiên tới thôi.

Bố Mẹ lo các bạn vất vả khi theo ngành. Chẳng lẽ Bố Mẹ tụi mình không lo? “Nếu bạn muốn giàu, hãy suy nghĩ như người giàu.” Bố Mẹ mình chỉ đủ ăn đủ tiêu và đủ đầu tư về giáo dục cho con cái, họ thấm thía được nỗi vất vả thời gian đầu là để đánh đổi cho sự thoải mái về sau. Bạn hãy năng động lên, tham gia vào mọi thứ có thể, nói chuyện với mọi người có thể. Mỗi hành động đều có thể mở ra những cánh cửa mới mà bạn không thể ngờ. Nếu bạn nung nấu trải nghiệm nước ngoài và bạn có nền tảng giáo dục hoặc kinh nghiệm trong ngành, hãy nộp đơn tại các khách sạn lớn UAE. Xin visa UAE rất dễ và hầu hết các khách sạn đều giúp bạn, miễn bạn qua được vòng phỏng vấn. Thu nhập của ngành tại UAE không cao, nhưng trải nghiệm một nền văn hoá hoàn toàn khác sẽ thay đổi con người bạn không nhiều thì ít. Bạn hi sinh thời gian đầu khi có cơ hội để cho những điều tốt đẹp hơn về sau trong tương lai.

Trước khi kết thúc, mình cũng muốn tả sự khác biệt về thị trường khách sạn cao cấp Thuỵ Sĩ và Việt Nam. Điều mình không thích là đối với thị trường trong nước hiện tại, họ đề cao FO quá, FO là tiên là phật, trong khi hiệu suất FO quá quá thấp. Khách sạn tại Thuỵ Sĩ vận hành FO 337 phòng tỉ lệ lấp đầy 70% trung bình với với 2 nhân viên và tối đa 3, cùng với 1 Sup, 1 AFOM và 1 FOM cho toàn bộ phận, không có Guest Service, không có Concierge, không có Bellman Doorman gì hết ráo. Ngược lại, ở Việt Nam mình chứng kiến khách sạn vận hành 249 phòng tối đa trung bình tỉ lệ lấp đầy 40% với ít nhất FO 7 người/ca, thậm chí 10+. Ẹc…

Mình luôn có niềm tin vào nội tại con người. Bạn chưa chắc có thể thay đổi những thứ xung quanh, nhưng chắc chắn bạn luôn có thể thay đổi chính mình. Tính cách, với va chạm cuộc sống, rồi sẽ dịch chuyển theo trải nghiệm thôi. Mình gọi đó là “learning the hard way”. Mọi điều đến với mình, mình đều tìm cách học và thay đổi bản thân theo hướng tích cực, kể cả COVID. Không phải vì mình nghiễm nhiên giỏi nên đạt được vị trí cao sớm, đơn giản chỉ là mình đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận nó từ cách đây rất lâu. Không sao, dòng thời gian của bạn khác mình, mình chuẩn bị sớm nhưng mình già hơn bạn vài tuổi. Bạn bắt đầu từ bây giờ cũng như mình bắt đầu từ vài năm trước thôi. Cố lên!

20.08.2021

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

One thought on “♡ Khó Khăn Ngành Khách Sạn – Góc Nhìn Du Học Sinh Thuỵ Sĩ ♡

Bình luận