0
Your Cart

♡ Học Tàn Tàn Thành “Con Nhà Người Ta” ♡

Chào các bạn!

Xét theo mặt bằng chung, mình nghĩ hồ sơ của mình có lẽ cũng vừa đủ để thuộc nhóm “con nhà người ta”. Vì đã được chứng kiến những người xung quanh thân cận đều “học giỏi”, mình sẽ phơi bày ra góc nhìn của mình về việc “học giỏi” mà xã hội thường đề cao. Đối với mình, “giỏi” không có chuẩn mực cụ thể, nó tuỳ thuộc vào bạn muốn gì và định hướng thế nào.

1. GPA

Đa số đối với học sinh đang học phổ thông, các bạn đều nhìn vào GPA cao ngất ngưởng chót vót 9.5+ và các bạn thấy học sinh nào mà điểm như thế hẳn là “giỏi”. Đáng tiếc là, mình không có khái niệm đó.

Từ khi tiểu học, Bố mình – dù là một nhà giáo – đã rất thẳng thắn: “Con chỉ cần học sinh trung bình để lên lớp thôi, chứ học sinh yếu phải thi lại thì phiền lắm. Con thấy mình thích gì thì học đấy, thế là đủ.” Vậy nên mình viết văn “Kể về một chuyến đi em thích trong mùa hè” ở tiểu học bằng cách liệt kê lịch trình mấy giờ mình ngủ dậy, mấy giờ mình xuất phát, mấy giờ mình đến nơi, mấy giờ mình làm gì. Khi Mẹ biết bài văn đó của mình 5 điểm, Mẹ mình cạn lời luôn. Việc mình thi IELTS Nghe 8.5 Nói 8.5 Đọc 8.0 nhưng Viết 6.5 là nó có lí do của nó cả, tại kĩ năng Viết của mình nó dở từ nhỏ rồi các bạn ạ 😜

Khi Bố nghe tin mình học sinh tiên tiến năm lớp 4 (3 năm đầu mình học sinh giỏi), Bố sợ mình buồn Bố gọi điện trực tiếp lên trường, nhờ Cô giáo đưa điện thoại cho mình rồi Bố bảo “Ôi dào ba cái danh hiệu đó để làm gì đâu, ngủ trưa đi con, không có gì phải buồn, đi học về Ba mua cho cái đồng hồ mới.” Về đến nhà mình mới biết, hoá ra có mỗi mình ở trên trường buồn chứ Bố Mẹ… mặc kệ. Vì mất tiêu hứng thú GPA cao là giỏi, từ sau đó mình cũng không cố gắng lấy GPA cao làm gì nữa.

Dù vậy, sau này, em trai mình 12 năm học sinh giỏi, điểm lúc nào cũng cao ngất ngưởng 9.0-9.5+. Em gái mình GPA cũng cao chót vót 9.0-9.5+, nhưng vì ẻm tin rằng GPA cao đồng nghĩa với “giỏi” nên ẻm có hứng học bài, và cả nhà mình ủng hộ thôi. Thật ra nhà mình ai làm gì cũng ủng hộ nhau hết, miễn là không phạm pháp và ai cũng dzui với sự lựa chọn của riêng mình. Hồi học tiểu học, có lần mình vừa làm bài tập về nhà vừa khóc vì mình cực kì ghét môn Tập làm văn mà hôm sau phải nộp bài, thế là Bố mình bảo “Con mà không thích thì con học làm gì, đứng dậy đi chơi đi.” Xong tí hồi mình chơi dzui đã đời rồi mình quay lại có hứng làm bài rồi, lúc đó Mẹ mình rảnh rồi nên Mẹ dzô chỉ mình làm luôn. Bà ngoại mình là nhà giáo dạy Văn nên trong nhà mình Mẹ giỏi tập làm văn nhứt, Bố mình với mấy chị em mình hả, thôi quên đi 🙃

Mình dù là thủ khoa đại học nhưng GPA của mình cũng chỉ có 84%. Để có công việc tốt ở UK thì mình cần tốt nghiệp với xếp loại 2:1 (bạn nào học UK sẽ hiểu), nhưng vì trường mình là trường của Thuỵ Sĩ nên thước đo 2:1 của trường mình là 80% (ở UK là 60%), nên mình cũng chỉ cố gắng vừa đủ thôi, ai ngờ ăn hên thủ khoa luôn. Đối với các bài kiểm tra dạng như bài thi, mình phối hợp phương pháp ghi chú Cornell và Spaced Repetition. Đối với các bài kiểm tra dạng viết báo cáo và thuyết trình, mình sẽ bắt tay vào làm ngay khi nhận được đề bài và dành ra vài tiếng mỗi tuần làm bài, tránh nước đến cổ mới bơi. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả và cảnh báo mình ngay lập tức nếu có một khâu nào đó vướng mắc trong quá trình ôn tập hay làm bài, và các sự giúp đỡ từ Thầy Cô sẽ dễ dàng hơn khi mình vẫn còn nhiều thời gian để xử lí.

“Giỏi” là định nghĩa của bạn, bạn định nghĩa thế nào là “giỏi” thì bạn sẽ có mục tiêu và hứng thú để đạt được điều đó. Đối với mình, GPA cao thời phổ thông chỉ có ý nghĩa rằng học sinh đó học đều các môn thôi, nhưng em gái mình không nghĩ vậy, nên hứng thú của 2 chị em mình với GPA là khác nhau. Vậy nên, điều quan trọng là, hãy xác định bạn muốn gì, và bạn lựa chọn thước đo nào thì phấn đấu theo định hướng đó. Cuộc đời là của riêng mỗi người, hà cớ gì em gái mình phải lấy thước đo của chị gái để đo chính ẻm, đúng không?

2. Học sinh giỏi Quốc gia

Bố mình là nhà giáo đã dẫn dắt rất nhiều học sinh có giải Học sinh giỏi Quốc gia môn Hoá THPT. Mẹ mình khù khờ Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán THPT, Mẹ còn trong đội dự bị của đội tuyển Việt Nam thi Olympic Toán Quốc tế. Mình Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán MTBT THCS. Em trai mình Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lí THPT, thậm chí trong top 26 vào vòng 2 chọn đội tuyển thi Olympic Vật lí châu Á và Quốc tế. Em gái mình đang học lớp 10, mà tính con bé đó mình cũng không biết liệu ẻm có theo đội tuyển không. Các bạn nói về áp lực trang lứa (peer-pressure) hả, lẽ ra áp lực đó dìm mấy chị em mình ngủm luôn từ Bố Mẹ rồi. Haha nhưng dễ gì, Bố Mẹ mình thả phanh nên tụi mình ai thích học gì thì học, không cần phải nhìn người khác, nên là tự nhiên mỗi đứa sẽ giỏi một thứ của riêng mình.

Mình không phủ định việc có giải Học sinh giỏi Quốc gia là “giỏi”, vì bản thân mình đã trải qua một hành trình rất dài để có được nó, từ việc là học sinh duy nhất lớp Song ngữ Pháp – Việt vô đội tuyển Toán của trường với hạng bét (hạng 15/15) điểm còn dưới trung bình, đến đi học đội tuyển toàn thời gian lấy Nhì Quận, Thủ khoa Thành phố, rồi mới đến Nhì Quốc gia. Sau này, khi nhìn lại, mình không thấy mình đã cố gắng gì, nhưng Bố Mẹ mình đã nhắc lại cho mình nhớ rằng mình đã hi sinh thế nào khi chấp nhận ngưng toàn bộ thời gian học piano mà hồi đó mình siêu đam mê, ngưng toàn bộ thời gian học tiếng Anh và chấp nhận rủi ro của kì thi tuyển sinh Phổ Thông Năng Khiếu, ngưng toàn bộ thời gian học tiếng Pháp và chấp nhận rủi ro của kì thi FIEF – kì thi tốt nghiệp THCS hệ Song Ngữ. FIEF là kì thi riêng của hệ, không có buff điểm, không có đặc cách tốt nghiệp, cũng không có điểm cộng gì. Theo kế hoạch ban đầu, FIEF có 8 môn gồm CO, EO, CE, EE, CL, CF, Toán và Vật lí. Cho đến cuối năm lớp 9 thì mới có thông báo FIEF bỏ thi Vật lí, nên chính thức chỉ còn 7 môn. Nhiều bạn than phiền việc học phổ thông trên trường nặng, mình học nặng gấp rưỡi các bạn trong 9 năm vì 8 môn của khối Song ngữ thường có số tiết bằng một nửa tổng số tiết của chương trình phổ thông công lập, và mình vẫn thi Học sinh giỏi Quốc gia. Đó, vậy thì thay vì hứng thú chơi game, đọc truyện, xem phim, la cà thì mình hứng thú học Toán sau đội tuyển, rồi đến ngày thì đi thi, có giải rồi thì… dzui rồi mình lại quay ra hứng thú ôn thi Phổ Thông Năng Khiếu =))) Hứng thú thi Phổ Thông Năng Khiếu lớn nhất của mình đến từ ông Anh trai, mình quý ổng lắm mà ổng cũng bỏ thời gian ra dạy mình quá trời quá đất mấy tháng liền, nên nếu mình mà không dành thời gian học những gì ổng dạy thì mình sẽ cảm thấy tội lỗi lắm.

Em trai mình khù khờ Học sinh giỏi Thành phố môn Toán MTBT THCS (mất suất thi Phổ Thông Năng Khiếu), Nhất Học sinh giỏi Thành phố môn Toán THCS, Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lí THPT, rồi vòng 2, rồi tuyển thẳng Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành Khoa học máy tính. Mình không dám nói liệu ẻm đã trải qua hành trình thế nào, vì từ ngoài nhìn vào mình sẽ không bao giờ thấy hết những điều ẻm làm, kể cả khi sống chung nhà với ẻm cả cuộc đời. Dù vậy, một điều có thể chắc chắn rằng điều đó đòi hỏi sự hi sinh nhất định, còn ẻm đã hi sinh gì thì người rõ nhất chỉ có ẻm và Bố Mẹ mình vì mình không đồng hành cùng ẻm trong quá trình ôn luyện đó, mình dốt Lí lắm nên chỉ có thể động viên tinh thần thôi, còn Bố Mẹ mình có cách đồng hành của bậc phụ huynh mà mình tạm thời chưa hiểu được vì mình chưa có con.

3. IELTS và ngoại ngữ nói chung

Trong nhà mình chỉ có mình là có năng khiếu ngoại ngữ. Bố Mẹ mình có học tiếng Nga thời đại học nhưng chắc Bố Mẹ không nhớ gì mấy. Mẹ mình đang rất chăm chỉ học tiếng Anh trên Duolingo vì con rể của Mẹ không nói tiếng Việt. Em trai mình IELTS 7.5 và SAT 1490 hồi thi lần đầu tiên mấy năm trước rồi. Em gái mình thì trình tiếng Anh tương đương em trai mình, 2 ẻm thi tiếng Anh tuyển sinh Phổ Thông Năng Khiếu 7+ trong khi mình 4 điểm 😅 Đổi lại, mình học 9 năm tiếng Pháp hệ Song ngữ rồi sau này mình cũng đi làm ở Pháp và Thuỵ Sĩ nên trình cũng lên dữ dội. Mình học tiếng Đức 1 năm ở Goethe lên B1 rồi nhờ đi làm ở Thuỵ Sĩ nên trình cũng lên luôn.

Một trong những góc nhìn của nhà mình về ngoại ngữ đó là không phải cứ IELTS cao là giỏi, vì đối với tụi mình dù là ngôn ngữ nào cũng chỉ là ngôn ngữ, miễn là sử dụng thoải mái, khiến đối phương hiểu mình và mình hiểu đối phương một cách dễ dàng là được, nên tụi mình học ngoại ngữ cũng nhẹ nhàng lắm, không chày cối đi học các lớp luyện thi mà chỉ theo học các lớp về kiến thức ngoại ngữ bình thường. Em trai mình thi IELTS và SAT vì hồi đó có định hướng du học. Sau đó ẻm thi Học sinh giỏi Quốc gia và vòng 2 thì định hướng đó thay đổi. Mình thi IELTS vì đi du học nên visa và trường yêu cầu, chứ nếu không thì tụi mình cũng chẳng thi làm gì. Mấy cái lớp IELTS mà người người nhà nhà mở rồi cam kết đầu ra các kiểu đảm bảo không có suất với nhà mình =))

Bố Mẹ mình cực kì đề cao kĩ năng Nghe và Nói nên Bố Mẹ cũng rất hay hỏi han bạn bè làm sao để nâng cao 2 kĩ năng này rồi về mách cho con cái thử nghiệm. Trò theo dõi đài BBC/CNN là do Bố mình xúi từ khi mình cấp 1 rồi, mà hồi đó mình học tiếng Pháp nên mình cũng… để ngoài tai. Đến khi lớn lên thì mình xem phim phụ đề tiếng Anh tại lúc đó ông Anh trai chỉ mình torrent, mà mình hồi đó cũng không có hứng thú nghe tin tức tí nào. Mà như mình nói á, Bố Mẹ mình chỉ thì chỉ chứ con cái chọn làm cái khác cũng được, miễn là con thích. Tư tưởng là, con phải thích thì con làm mới hiệu quả, nên nếu con không thích thì thôi, dẹp. Bố xúi mình học piano từ khi mình mẫu giáo cơ, nhưng mà chả hiểu sao hồi đó mình không thích mình lại đòi đi học organ, chắc tại dzô cái tiệm bán đàn thấy đàn hiện đèn màu xanh màu đỏ trên bàn phím nên khoái, lên lớp 8 mình hối hận mình xin Bố đi học piano rồi lại đam mê =))) Bố xúi mình đi học tiếng Trung hồi mình cấp 3 thay vì tiếng Đức, nhưng trên đường Bố chở đi đăng kí Bố thấy mặt mình bí xị Bố lại đổi hướng chở đi chơi, rồi giờ mình lại buồn vì xưa không học tiếng Trung vì giờ mình ghiền xem phim ngôn tình (nghiệp quật) 😂

Hành trình “học giỏi” của mình thoải mái lắm, không ai ép mình gì, cũng không ai kì vọng mình gì. Bao nhiêu kì vọng mà người ta hay đặt lên “con giáo viên” thì Bố mình hứng hết, còn tụi mình thoải mái thích làm gì thì làm, miễn tụi mình dzui và không phạm pháp. Điểu lớn nhất mình biết ơn đó là nhờ môi trường trưởng thành cực kì tự do mà Bố Mẹ tạo ra, tụi mình được thoả sức khám phá bản thân, tìm kiếm những điều thực sự có ý nghĩa với cuộc sống của chính mình để theo đuổi, thay vì chạy theo định kiến của xã hội. Nhờ vậy, mình mới tích góp được một ít thành tựu nho nhỏ riêng. Nếu những điều mình làm xuất phát từ phong trào (ví dụ như việc “học” IELTS hiện nay hay thi đại học ngành ngân hàng của nhiều năm về trước), thì khi phong trào đó qua đi, mình sẽ lại chán và bỏ nó ngay, vì nó không phải là mình, nó không vì mình hay vì những người mình yêu thương.

P.S. Tặng các bạn đoạn xíu xiu về nhà mình năm 2016 https://youtu.be/nqDAjL38-ek?t=2188 [36:28 – 37:19]

Từ London, nhân một ngày nhớ nhà.

16.10.2021

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

Bình luận