0
Your Cart

♡ Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì Học Sinh Giỏi Quốc Gia Toán MTBT ♡

Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì Học Sinh Giỏi Quốc Gia Toán MTBT

Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì Học Sinh Giỏi Quốc Gia Toán MTBT

Nếu các bạn theo dõi mình đã lâu thì các bạn cũng biết mình có giải Học sinh giỏi Toán MTBT Quốc gia. Mình vẫn hay nói rằng tư duy và cách suy nghĩ mình có xuất phát phần lớn từ giáo dục gia đình. Điều đó không có nghĩa là mình phủ nhận nền giáo dục mình nhận được từ nhà trường đâu nhé, mà đổi lại nó rất tốt là đằng khác. Chỉ là, mình vẫn có một niềm tin to bự rằng môi trường gia đình mà mỗi cá nhân trưởng thành có ảnh hưởng đến con người họ nhiều nhất.

Khoảng từ năm mình 4-5 tuổi, Bố mình bắt đầu “Khánh Linh, lại đây Ba đố toán. Ba có 2 cái kẹo, con hơn Ba 1 cái kẹo, hỏi con có mấy cái kẹo?” rồi từ từ nâng cấp dần lên “Ba và con có 10 cái kẹo, Ba hơn con 2 cái, hỏi mỗi người có mấy cái?” Thông thường những con số Bố mình đố không lớn, có lẽ vì lúc đó mình còn bé. Đó cũng là lúc mình bắt đầu học 4 phép tính cơ bản cộng trừ nhân chia, trước cả khi mình biết đọc chữ. Bố mình đố nhiều lắm í, đến mức nhiều khi mình phải than vãn là “Ba toàn đố cái kẹo, cho con cái khác đi.” xong Bố đổi được đúng 1 bài qua “cây bút” rồi lại quay về “cái kẹo” 😓

Bố mình là nhà giáo (rất) giỏi trong suy nghĩ của mình. Thông thường mọi người hay nghĩ khi một đứa trẻ có Bố Mẹ là nhà giáo thì sẽ được dạy theo lịch bài bản, mỗi ngày mấy bài, mỗi tuần mấy tiếng v.v… Sự thật là, họ hàng của mình thì như thế, nhưng Bố mình thì không 😂. Bố chỉ “đố toán” khi tâm trạng cả 2 đều dzui, nên mình sẽ không sinh ra cảm giác chán học vì bị ép. Sau vài năm mình còn được “lên level” như chơi game luôn, đó là em trai mình 4-5 tuổi thế là 2 chị em đua, mà tất nhiên vì lúc đó mình 7-8 tuổi, mình già hơn nên mình sẽ làm lẹ hơn em í, cũng từ đó sinh ra tính hiếu thắng, thứ mà sau này chuyển thành động lực mình khiến bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Nếu bạn nhìn lại bài toán ở trên, đó là dạng “tìm 2 số khi biết tổng và hiệu” mà chúng ta chỉ học khi lớp 4-5 gì đó. Mình đã được tiếp xúc về hướng tư duy số học từ khi mình 4-5 tuổi, rồi luôn bằng cách nào đó mình học trước chương trình tiểu học vài năm trong môn Toán, có thể là do Bố “đố”, có thể là do mình xem thời sự với Bố Mẹ, có thể là do mình đánh máy bài tập giúp Bố nên mình hiểu thêm về phân số, số thập phân, toán %, số âm, hay tính diện tích thể tích các loại hình học phẳng và hình học không gian phổ biến. Mình học Toán theo cách dạy của người ngày xưa “bài toán trồng cây 2 đầu” hay “quy tắc tam suất”, rồi sau đó luyện tính nhẩm với số lớn, luyện cách tìm quy luật, luyện giải mã tình huống suy luận trên tạp chí Toán Tuổi Thơ. Có lần Bố “chơi” mình, Bố dạy mình cách tính rất lẹ, nhưng không giải thích cho mình cách sử dụng, thế là mình mang lên lớp làm kiểm tra nhưng bị sai do áp dụng sai, thay vì 10 điểm Toán như thường lệ thì mình chỉ có 7 điểm, đã thế mình còn chỉ bạn bên cạnh nữa chứ, mà hồi đó mình giỏi Toán nên bạn í tin mình lắm. Mình về trách Bố nhưng Bố tỉnh queo “Ba tưởng chỉ đố con thôi là con đã phải tự tìm ra quy luật rồi chứ.” Trời đất, thấy cách dạy con của Bố mình dzui hong, không đến nơi đến chốn gì hết, aiz 😌

Mẹ mình có giải Học sinh giỏi Toán Quốc gia nên Mẹ bài bản hơn Bố (haha). Mẹ dạy mình những điều “dĩ nhiên” mà những bạn theo đội tuyển Toán ai rồi cũng học, ví dụ như dãy số Fibonacci. Đáng tiếc là, dù Mẹ đã “cảnh cáo” Bố không được “cắm điện vào đít” nhưng Bố mình vẫn… “cắm”, thắng Mẹ cho dzui hihi 😝. Việc Bố mình đố toán có thể đến mọi lúc mọi nơi, trên đường Bố chở đi học, lúc ăn bữa cơm gia đình, hay thậm chí đang nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ, hứng lúc nào hỏi lúc đấy.

Khi vào học tiểu học, Bố Mẹ luôn mua sách giáo khoa năm sau cho mình trước cả khi năm học kết thúc. Mãi sau này mình mới hiểu, Bố Mẹ muốn mình tận dụng thời gian nghỉ hè nếu mà có chán thì sẽ lôi sách giáo khoa ra đọc vì nó mới và tính mình thì tò mò, và để né “mùa cao điểm” khi người người nhà nhà mua sách giáo khoa đầu năm. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng có cái dở đó là mình thường xuyên cầm sách giáo khoa tái bản cũ so với mấy bạn, đa số là không sao nhưng cũng có mấy lần dính chưởng khác nội dung, phải xem ké bạn kế bên. May là, mình cũng không ganh đua ba cái thứ linh tinh này nên là mình cũng kệ. Tại sao mình thi Toán MTBT tốt mà mình không theo đội tuyển Toán thì đơn giản là vì mình ăn ngủ với tư duy toán số học từ lâu hơn là kĩ năng giải toán đại số và hình học, nên kì thi Toán MTBT phù hợp với điểm mạnh của mình hơn. Đừng tưởng Toán MTBT dễ nha, em trai và bạn bè giỏi Toán hơn mình rất nhiều nhưng rớt đó (sorry cục cưng) =)))

Nếu bạn hay gia đình có mong muốn hoặc mục tiêu nào đó, hãy dàn trải quá trình chuẩn bị cho mục tiêu đó càng dài càng tốt, tức là bắt đầu chuẩn bị càng sớm càng tốt, bởi chỉ có như thế bạn sẽ không phải chạy nước rút giai đoạn cuối và quá trình ấy sẽ nghiễm nhiên trở nên dễ hơn hẳn. Mình đã mua và giải bài tập trên tạp chí Toán Tuổi Thơ trong suốt 5 năm tiểu học, mình còn mua thêm sách Toán nâng cao để làm từ lớp 1 đến lớp 8. Hành trình này dừng lại khi mình vào đội tuyển vì từ đó, mình đã không cần phải tự mày mò nhiều nữa mà có sự hướng dẫn của Thầy Cô.

Hi vọng mình không bị mắng khi nói câu này, nhưng thật sự mình không cảm thấy bản thân đã cố gắng quá nhiều trên con đường thi đội tuyển Quốc gia. Đúng là có một số đánh đổi, như mình nghỉ học piano, nghỉ học ngoại ngữ, không ôn thi tuyển sinh vào 10, v.v… nhưng hồi đó mình thích đội tuyển đến nỗi mình cảm thấy những đánh đổi đó chẳng hề hấn gì. Thi Học sinh giỏi Quốc gia THPT thì có khả năng được tuyển thẳng đại học, chứ thi Học sinh giỏi Quốc gia THCS như mình thì không có trường THPT nào tuyển thẳng hết. Dù mình lỡ xem nhẹ sự đánh đổi này ở thời điểm đó, may là quá trình chuẩn bị cho Phổ Thông Năng Khiếu ổn thoả cả.

Mình có từng nói, mình thuộc dạng “học tuỳ hứng”, nên việc thích học toán của mình không đến từ việc ai đó yêu cầu mình cần học toán hay phải học giỏi toán hết. Từ mấy lần “cay cú” Bố hay “chơi” mình nên mình mò sách đọc để đảm bảo mình không bị Bố “chơi” nữa, và thế là theo thời gian tự dưng mình học tốt lên thôi 🙂

01.10.2021

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì Học Sinh Giỏi Quốc Gia Toán MTBT, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Tư Duy Về Chuyện Học.