0
Your Cart

♡ Công Thức Chuyển Ngành Thành Công ♡

Công Thức Chuyển Ngành Thành Công

Bạn đã từng cảm thấy mông lung về tương lai sự nghiệp của bản thân? Bạn đã từng nghi ngờ về sự lựa chọn ngành học / con đường công việc của chính mình? Bạn đã từng nghĩ Nếu ngày xưa mình ABC thì có khi bây giờ mình đã XYZ và không phải DEF rồi.?

Chắc hẳn bạn đã từng đọc được hoặc được nghe kể về một vài trường hợp làm trái ngành, đổi ngành thành công của một ai đó. Nếu chính bạn cũng đang tự hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho công thức để làm thế nào giúp bạn có thể chuyển ngành một cách ít chông gai và có tỉ lệ thành công cao, thì bài viết này là dành cho bạn.

1. Câu chuyện của mình

Định hướng của cuộc đời mình thay đổi liên xoành xoạch luôn. Chính nhờ những trải nghiệm như thế này, mình mới nghĩ có lẽ những bài học về công thức chuyển ngành thành công mà mình rút ra sẽ giúp bạn được phần nào đó. Bạn không nhất thiết phải đọc phần này và có thể nhảy thẳng sang phần sau, nếu bạn không hứng thú với câu chuyện cá nhân của mình 🙂

Mình học chương trình Song ngữ Pháp – Việt từ lớp 1. Thông thường, mọi người theo học chương trình này sẽ học hết chương trình này đến lớp 12, như Á hậu Phương Anh chẳng hạn. Đồng thời, với số đông, hầu hết những thành tích thời phổ thông của học sinh Song ngữ đều sẽ xoay quanh tiếng Pháp, bởi so với mặt bằng chung các học sinh khác, tiếng Pháp là lợi thế rất lớn của họ. Chương trình Song ngữ xếp cho học sinh 10 – 20 tiết tiếng Pháp mỗi tuần. Không có một chương trình phổ thông công lập nào (trừ đội tuyển học sinh giỏi) xếp cho học sinh học lệch 1 môn nhiều vượt trội đến vậy.

Lớp 8, mình chuyển ngành lần 1 bằng việc thi vào đội tuyển Toán của trường, đúng nghĩa là lấy trứng chọi đá. Mình đậu đội tuyển hạng bét 15/15, điểm dưới trung bình 9.5/20. Kết quả là, sau 1 năm cày bừa, mình có Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia.

Lớp 9, mình chuyển ngành lần 2 bằng việc thi tuyển sinh 10 vào chuyên Sinh (bằng môn Sinh) trường Phổ Thông Năng Khiếu (PTNK). Kết quả, mình đậu hạng 3 – 5 gì đó từ dưới đếm lên. Điểm của mình là 27,55 trong khi điểm chuẩn là 25,90. Lí do mình phải chú giải bằng môn Sinh là bởi vì sau này PTNK cho thi chuyên Sinh bằng môn Toán, trong khi năm 2013 thì chưa, mà nếu như thế thì mình cũng không tính là chuyển ngành lắm khi vốn dĩ trước đó mình đã ở trong đội tuyển Toán rồi.

Lớp 11, mình chuyển ngành lần 3 bằng việc nộp đơn du học ngành Quản trị khách sạn. Kết quả là, ở tuổi 20 mình đã giữ vị trí Trưởng bộ phận Đặt phòng của khách sạn 5 sao quốc tế và tốt nghiệp thủ khoa của trường Glion Institute of Higher Educationtop 4 thế giới về đào tạo quản trị khách sạn.

Năm 22 tuổi, mình chuyển ngành lần 4 bằng việc ứng tuyển (tay ngang) vào thị trường tài chính ở London. Kết quả là, mình suýt đậu Bloomberg khi mới qua Anh 7 tháng và đang là sinh viên quản trị khách sạn năm cuối, đậu vị trí phân tích tài chính ở Hilton trước khi tốt nghiệp đại học.

Mình biết, không phải cả 4 trường hợp này đều có thể được coi là chuyển ngành theo cách hiểu chung, nhưng xét về tổng thể thì mình hi vọng bạn hiểu mình đang muốn truyền tải thông điệp gì. Mình không chỉ thành công trong việc thay đổi định hướng 1 lần, và cả 4 lần chuyển ngành của mình đều theo 1 công thức cụ thể. Mình tin rằng, có câu chuyện thực tế đằng sau, bạn sẽ cảm thấy vững tin hơn vào tính áp dụng của công thức này.

2. Công thức chuyển ngành thành công

2.1. Bước 1 – Bạn phải biết bạn muốn đi đâu

Bạn không thể mong chờ bản thân chuyển hướng thành công nếu bạn không biết đích đến mới của bạn là gì. Trong quá trình đi bình luận dạo, mình thấy có nhiều người chỉ biết rằng họ không thích ngành họ đang học, không thích việc họ đang làm, nhưng họ lại không biết họ tiếp theo muốn học gì làm gì.

Hồi còn nhỏ mình không biết Ikigai là gì, nhưng trong quá trình trưởng thành, mình nhận thấy Ikigai là phương pháp tổng hợp nhất về phân tích bản thân. Như trong câu chuyện bản thân, Ikigai của mình đã thay đổi rất nhiều lần, từ ban đầu tập trung vào tiếng Pháp, chuyển sang Toán, qua đến Sinh, chuyển sang Quản trị khách sạn và hiện tại Ikigai của mình là ngành Tài chính.

Mình đã luôn thực hành Ikigai trong mọi tình huống chuyển ngành từ nhỏ đến lớn, nhưng mình không có khả năng khái quát hoá tư duy ấy thành một mẫu số chung như thế này.

Công Thức Chuyển Ngành Thành Công

Mua sách Ikigai:
• Tiếng Việt tại Lazada / Tiki
• Tiếng Anh tại Tiki

Ở việc chuyển ngành lần 4 của mình, Ikigai của mình được phân tích như sau:

  • Điều mình thích và giỏi: công việc đòi hỏi sử dụng nhiều logic để kết nối các mối tương quan của vấn đề, từ đó rút ra kết luận và giải pháp
  • Điều thế giới cần: cải thiện sức khoẻ tài chính trong vận hành doanh nghiệp
  • Điều mình được trả tiền: kĩ năng suy nghĩ và xử lí vấn đề nhanh mà hiệu quả nhưng vẫn chi tiết, kĩ năng tin học văn phòng xịn, khả năng giao tiếp và thích nghi đa văn hoá

Đừng ngần ngại dành thời gian phân tích thật lòng, kĩ lưỡng và nghiêm túc 4 yếu tố của Ikigai (điều bạn thích, điều bạn giỏi, điều bạn được trả tiền, và điều thế giới cần) lên chính bản thân bạn. Bạn không cần phải chia sẻ những chi tiết này cho ai, hãy giữ lại cho riêng mình, hãy luôn dành thời gian suy ngẫm và cập nhật lại danh sách này thường xuyên.

Ikigai chắc chắn sẽ không giữ nguyên xuyên suốt cả cuộc đời bạn, vì rồi trải nghiệm sẽ dạy cho bạn thêm những bài học mới, còn xã hội xung quanh thì sẽ lại càng phát triển hơn. Khi và chỉ khi bạn biết phương hướng sắp tới của bạn là gì, ít nhất là trong tương lai gần, bạn mới có thể sang bước 2.

2.2. Bước 2 – Vẽ đường cho hươu chạy

Sau khi xác định được Ikigai, bất kể Ikigai của bạn là gì, bạn sẽ cần con đường để đi đến Ikigai đó. Nếu bạn đã xác định được Ikigai nhưng lại không có hành động nào thiết thực thì những phân tích của bạn trong bước 1 đều trở nên vô nghĩa. Ikigai thường có quy mô rất rộng và là một định hướng lâu dài. Vậy nên, điều đầu tiên bạn muốn làm sẽ là chia định hướng này ra thành nhiều kế hoạch nhỏ.

Công Thức Chuyển Ngành Thành Công

Giống như cái cầu thang này vậy, bạn sẽ không thể từ dưới cầu thang đi lên bậc cao nhất chỉ trong một bước chân. Những kế hoạch nhỏ hơn được chia ra từ Ikigai là những bậc cầu thang bạn vẽ ra để leo đến đích cuối cùng.

Chắc hẳn bạn đã nghe về 5 tiêu chí SMART (thông minh) khi lập kế hoạch. Kế hoạch của bạn nên đáp ứng được 5 điều kiện:

  • Specific: kế hoạch phải cụ thể
  • Measurable: kế hoạch phải cân đo đong đếm được
  • Achievable: kế hoạch phải khả thi, có thể thực hiện được
  • Relevant: kế hoạch phải liên quan
  • Time-bound: kế hoạch phải có mốc thời gian hoàn thành

Ví dụ, trong lần chuyển ngành thứ 4 của mình, kế hoạch của mình được chia ra thành như sau:

  • Ikigai: ngành Tài chính tại thị trường London
  1. Khi đặt chân đến London để chuyển tiếp học đại học năm cuối, mình quyết định viết luận văn với chủ đề Biến động giá cổ phiếu xoay quanh các thông báo mua bán sáp nhập (Equity price dynamics around M&A announcements) dù ngành học của mình là Quản trị khách sạn. Mục đích của kế hoạch này là để làm bàn đạp giúp mình thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình thực sự xác định tài chính làm sự nghiệp lâu dài.
  2. 6 tháng đầu tiên ở London, mình nghiên cứu thị trường tuyển dụng ngành Tài chính ở London bằng cách lân la Glassdoor, LinkedIn để hiểu về những yêu cầu của ngành đối với sinh viên mới tốt nghiệp.
  3. Sau 6 tháng nghiên cứu, mình bắt tay vào nộp đơn cho Graduate Scheme (tương đương các chương trình management training ở Việt Nam) của các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ về Tài chính ở London. Mục đích của kế hoạch này là để mình thực nghiệm quy trình tuyển dụng của London và rút những kinh nghiệm cần thiết trên hành trình ứng tuyển. Lí do mình nộp Graduate Scheme là bởi vì mình ứng tuyển trái ngành, và Graduate Scheme là con đường ngắn nhất, cũng là con đường hiệu quả nhất. Với kế hoạch như thế, mình đã chỉ còn cách một tập đoàn doanh thu hàng năm chục tỉ USD một bước chân, mà mình đã kể rõ trong bài ♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡. Kết quả của kế hoạch này là công việc hiện tại của mình: phân tích và lên kế hoạch tài chính.

Mình có một số gợi ý cho bạn khi lập kế hoạch nếu bạn đang có ý định chuyển ngành.

Nếu bạn đang học đại học năm nhất và muốn đổi hướng, bạn có thể cân nhắc học lại. Tuy nhiên, nếu bạn đã ở năm 2 trở đi rồi, theo mình, việc học hết ngành bạn đang học và dành thời gian ngoài giờ để trau dồi những kiến thức và kĩ năng của ngành mới sẽ có lợi hơn là học lại từ đầu. Nếu bạn đã đi làm, hãy cố gắng thực hiện những nhiệm vụ có thể kết nối với ngành mới, kể cả những kĩ năng mềm, để làm bàn đạp cho sự thay đổi.

Bạn có thể cân nhắc sử dụng Mẫu CV 1 trang bằng tiếng Anh chuẩn Harvard đã giúp mình vào đến vòng cuối Bloomberg và vào được Hilton.

2.3. Bước 3 – Hành động theo kế hoạch, tiếp tục nâng cao năng lực

Bước 3 này là hành động thiết thực để hiện thực hoá kế hoạch bạn đã đề ra. Nếu bạn có một kế hoạch hoàn hảo nhưng lại không bắt tay vào thực hiện, thì những suy tư mà bạn đã dành ra để phân tích và lên kế hoạch đều không có kết quả gì. Nếu bạn không trải nghiệm thực tế, tất cả những gì bạn có chỉ là lí thuyết suông mà bạn không thể hiểu biết sâu rộng hơn.

Nếu bạn lên kế hoạch viết luận văn, đừng chỉ đi đọc các tài liệu tham khảo. Hãy đặt bút vào và viết. Chỉ khi đó, bạn mới hiểu tại sao các tài liệu lại viết như thế. Nếu bạn lên kế hoạch nộp đơn xin việc, đừng ngần ngại sợ bị từ chối mà chỉ nộp lèo tèo vài công ti vì sợ các vòng kiểm tra đánh giá sơ loại của họ. Nếu bạn cũng ứng tuyển cả trăm lần với các bài kiểm tra, phỏng vấn tự ghi hình của các tập đoàn lớn trong vòng 1 năm, thì dần dần bạn cũng sẽ ngẫm ra được phương pháp giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong khi vẫn cân bằng được sự minh mẫn để tiếp tục chiến đấu cho đến khi có offer xứng đáng.

Mình có một gợi ý cho bạn trong quá trình thực thi kế hoạch. Hãy cố gắng giữ tâm thế cởi mở, đừng giới hạn những gì bản thân có thể làm chỉ trong mô tả công việc. Trong mọi tình huống có thể, bạn hãy luôn nhớ thà dư còn hơn thiếu. Bạn càng học nhiều, làm nhiều thì tài nguyên năng lực của bạn sẽ càng dày, từ đó không chỉ bạn hiểu bản thân mình hơn, có thể phát huy tốt hơn để mang lại nhiều giá trị hơn, mà tất cả những thay đổi sau này cũng đều dễ dàng hơn nếu bạn cần. Kiến thức không bao giờ là thừa cả.

Ví dụ, trong suốt thời gian phổ thông, không ai dặn mình là phải học Excel cho tốt. May mắn là nhờ mình tự mày mò Excel từ nhỏ nên bây giờ công việc phân tích tài chính của mình rất nhẹ nhàng, thậm chí là dễ dàng. Trong khoảng thời gian còn công tác ở cương vị Trưởng bộ phận Đặt phòng, không ai dặn mình là phải đọc báo cáo vận hành, báo cáo tài chính và báo cáo doanh thu. Tuy vậy, mình vẫn làm, thậm chí còn hỏi han các trưởng bộ phận khác và đến tận nơi quan sát, trải nghiệm công việc của họ để hiểu sâu sắc hơn về các báo cáo và công việc thực tế. Nhờ đó, bây giờ, khi trao đổi với các khách sạn về số liệu, mình có thể hiểu rất nhanh rằng ẩn sau những số liệu là những tình huống nào có thể xảy ra.

3. Kết luận

Bạn biết không, sự nghiệp và cuộc đời đều là những hành trình dài hơi. Không có một sự kiện ngắn hạn nào có thể định đoạt toàn bộ sự nghiệp hay cuộc đời của bạn được. Một lần thất bại không thể định đoạt được, một lần lựa chọn sai ngành cũng không có đủ sức ảnh hưởng, vậy nên một sớm một chiều sẽ không chứng tỏ được sự nghiệp và cuộc đời của bạn sau này sẽ ra sao.

Những bài học trong bài viết xuất phát hoàn toàn từ trải nghiệm và quan sát của chính mình. Kinh nghiệm nào cũng có ngữ cảnh, và mình đã cố gắng kể ngữ cảnh thật chi tiết để bạn có thể phần nào so sánh và áp dụng những điều liên quan cho riêng mình.

16.02.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Công Thức Chuyển Ngành Thành Công, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Đi Làm > Đừng Đi Lầm.

One thought on “♡ Công Thức Chuyển Ngành Thành Công ♡

Bình luận