0
Your Cart

♡ Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ ♡

Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ

Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ

Mình đã từng tham dự một vài sự kiện xây dựng mạng lưới mối quan hệ nhưng chưa từng cảm thấy hài lòng về kĩ năng này của bản thân. Cũng giống như đa số mọi người, ban đầu mình khá e dè, không phải do ngại ngùng, mà là do không tự tin vào bản thân. Việc không tự tin này xuất phát từ việc trong các sự kiện, mình biết Anh A tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) ở Đại học Cambridge, bạn B công tác tại Goldman Sachs, Chị C thì lại làm trong FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Google) v.v… Hồ sơ “khủng” của mọi người làm mình khá chùn chân, dẫn đến việc mình sợ người khác sẽ nghĩ rằng mình tầm thường.

Nếu bạn theo dõi mình trên Facebook, có lẽ bạn đã thấy một thời gian trước mình có đăng story về chuyến công tác ở Tây Ban Nha. Tại sao mình lại gọi bài viết này là bài học đầu đời? Bởi sau vài sự kiện của người Việt tại London và các sự kiện của công ti mình đang làm, chỉ đến chuyến công tác này thì mình mới thu hoạch được bài học giá trị giúp hành trình xây dựng mạng lưới mối quan hệ của mình trở nên hiệu quả hơn.

1. Trang bị kiến thức cho chính mình

Nếu bạn có một chu kì cuộc sống theo kiểu thức dậy – đi làm, hoàn thành việc của mình – về nhà – đi ngủ mà không nhìn xem thế giới xung quanh hiện nay thế nào thì sẽ rất khó để bạn có thể kết nối với ai, bởi bạn sẽ nói gì đây? Bạn sẽ kể rằng hôm nay bạn đã ăn gì làm gì ư? Rồi sao nữa? Cuộc hội thoại sẽ đi đến đâu và kéo dài bao lâu? Khi có nhu cầu xây dựng mạng lưới mối quan hệ, mình đã rút ra được bài học rằng việc tìm hiểu tình hình thế sự là cần thiết để có thể mở rộng cuộc nói chuyện, từ đó tăng cơ hội chạm đến chủ đề mà mọi người đều có thể bàn luận và kết nối rộng hơn.

Ví dụ, công việc của mình hiện tại là Phân tích và lên kế hoạch tài chính, tập trung vào tối ưu tính chính xác của forecast (dự toán) và budget (dự thảo ngân sách). Vì mình đang công tác trong ngành khách sạn, dự toán và dự thảo ngân sách của mình xoay quanh P&L (báo cáo lãi lỗ) trong vận hành khách sạn. Tuy nhiên, mảng tài chính của khách sạn, đặc biệt ở các tập đoàn khổng lồ không chỉ có thế.

Nhờ tìm hiểu những góc độ khác của tài chính, mình đã trau dồi kiến thức liên quan đến các nhánh như Feasibility & Investment (Dự án và đầu tư), Treasury (Kho bạc), Tax (Thuế), Energy (Năng lượng), Risk management (Quản trị rủi ro), Asset Management (Quản trị tài sản), v.v… Qua đó, mình sẵn sàng tiếp cận Phó Chủ tịch (Vice President – VP) của riêng từng nhánh để trao đổi thêm. Nhờ vậy, mình mới phát hiện ra, hoá ra có những nhánh công việc của họ không giống những gì mình đã tưởng tượng, và các VP là người giúp mình so sánh kiến thức với thực tế công việc.

Vậy bạn phải trang bị kiến thức như thế nào, qua kênh nào? Mình đã từng đề cập trong khá nhiều bài viết về cách mình trang bị kiến thức cho các cuộc phỏng vấn ứng tuyển, và mình thấy điểm bắt đầu này rõ ràng là không tồi. Các báo uy tín như The Economist, Financial Times, hay Bloomberg rất xứng đáng để bạn bỏ tiền đầu tư cho kiến thức của bản thân vì chất lượng của tin tức từ 3 tờ báo này là rất cao. Mình đã từng viết bài chỉ bạn tuyệt chiêu đọc báo Financial Times miễn phí, dù quy trình có tí tẹo cồng kềnh nhưng mà tiết kiệm nhiều tiền lắm đó 😁

Do chuyên môn của mình là tài chính, nên những đề xuất của mình chỉ tập trung vào lĩnh vực này. Bạn có thể tìm hỏi những Anh Chị đi trước trong ngành của bạn xem nguồn kiến thức và tin tức nào thì chất lượng. Ngành khách sạn thì mình chỉ biết một nguồn duy nhất Hospitality Net là thuần khách sạn thôi. Ngoài ra, bạn có thể đọc blog của những công ti nổi tiếng trong ngành như HVS, HotStat hay STR.

Một cách khác mình hay sử dụng là lên LinkedIn mục Jobs và tìm kiếm bằng các từ khoá. Phần mô tả công việc thường đề cập khá chi tiết những nhiệm vụ hàng ngày, và mình cho rằng đây là phương pháp rất thiết thực để có một cái nhìn thực tế. Nếu mình thấy công ti đăng tuyển không phải là một công ti tuyển dụng và công ti đó có số nhân viên trên 1,000 thì có thể mình sẽ vào trang web chính thức của công ti và Wikipedia để tìm hiểu thêm về cả công ti lẫn lĩnh vực mà công ti hoạt động.

Bạn không cần quá lo lắng về việc trang bị kiến thức, bởi những gì bạn cần chỉ là những thông tin cơ bản. Nếu bạn là dân tài chính và muốn làm việc trong ngành này ở UK, ít nhất bạn cũng phải biết sự tồn tại của những chứng chỉ như ICAEW ACA, ACCA, CIMA, CFA, v.v… Nếu bạn là dân khách sạn và muốn làm trong hội sở các tập đoàn khổng lồ, ít nhất bạn cũng phải biết về các mô hình vận hành khách sạn. Từ những kiến thức cơ bản, các cuộc networking mới giúp bạn đào sâu và mở rộng hiểu biết.

2. Đặt mục tiêu về kết quả thu được

Ô kê, giờ thì bạn đã trang bị những kiến thức cơ bản cho bản thân rồi, nếu trong các cuộc trò chuyện có đề cập đến những chủ đề này thì bạn sẽ có thể hiểu và đặt những câu hỏi liên quan để mở rộng và đào sâu thêm. Cơ mà, như thế vẫn chưa đủ. Bạn có thể tiếp chuyện mãi, nói mãi, từ đó làm dày thêm kiến thức bạn đang có. Nhưng rốt cuộc là bạn muốn gì?

Về lâu dài, việc biết thêm một người, có thêm kiến thức và bài học là có lợi cho những cơ hội đến với bạn ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy vậy, về ngắn hạn, bạn cần những mục tiêu cụ thể hơn. Nếu bạn chỉ tham dự một vài sự kiện, có thể mục tiêu ngắn hạn là chưa cần thiết, kiểu có thì tốt, nhưng không thì cũng chưa sao. Nhưng nếu bạn tham dự 5 – 10 sự kiện mà vẫn mông lung thì mình cho là khá lãng phí, bởi việc giao lưu này của bạn đã thiếu mất trọng tâm.

Trong những sự kiện trước đây, mình không đặt mục tiêu gì cả. Lúc đấy, vốn dĩ định hình của mình về tương lai sự nghiệp vẫn chưa đâu vào đâu. Mình chỉ biết mình muốn rẽ hướng sang tài chính, nhưng rẽ như thế nào, rẽ qua đâu cụ thể thì mình chịu. Mình bắt đầu tham dự các buổi giao lưu, tập trung vào lắng nghe hơn là nói chuyện, để nắm bắt nhịp điệu và đề tài thường được đề cập đến, và có thể chủ động đặt câu hỏi dựa trên những kiến thức mình có.

Sau đó, mình tham dự những sự kiện chuyên sâu hơn, như là sự kiện dành riêng cho sinh viên sắp tốt nghiệp kiếm việc làm, hay hội nghị tài chính của tập đoàn. Chủ đề của những buổi giao lưu chính là mục tiêu của mình cho riêng sự kiện đó. Bạn cũng có thể áp dụng chiến lược tương tự. Mục tiêu của mình khi tham dự sự kiện cho sinh viên sắp tốt nghiệp là để được hướng dẫn cách xử lí những vòng khảo sát tuyển dụng. Mục tiêu của mình khi tham gia hội nghĩ tài chính của tập đoàn là xác định 1 – 2 bộ phận cụ thể mà mình muốn mở rộng trải nghiệm và học hỏi thêm ngoài Phân tích và Lên kế hoạch tài chính mình đang làm.

3. Dũng cảm tiếp cận

Kiến thức có, mục tiêu có. Vậy, câu hỏi lúc này là, điều gì giữ bạn lại mà không tiếp cận người ta?

Bạn không quen ai trong sự kiện? Chuyến công tác vừa rồi mình chỉ quen khoảng 5% số người tham dự 😂 Bạn không nhất thiết phải quen phần lớn mọi người, nhưng bây giờ chưa quen thì cứ làm quen rồi sẽ thành quen thôi. Mình hay tự nhắc nhở bản thân rằng Họ là con người, mình cũng là con người. Giữa con người với nhau để trở nên thân quen hơn chỉ có thông qua giao tiếp. Nếu họ không để ý đến mình vậy thì hãy giao tiếp để khiến họ để ý đến mình đi. Động lực này dạy cho mình bài học quý giá để trở nên dũng cảm hơn, vì xây dựng mạng lưới mối quan hệ chỉ có mang đến cho mình những lợi thế về sau này.

Bạn không biết nói gì? Hãy tưởng tượng, trong một sự kiện networking, bạn muốn biết gì từ một người xa lạ? Tên họ? Công việc của họ? Họ làm gì? Họ có quen ai thú vị không? Vậy thì bạn hãy bắt đầu trước y chang như thế. Thông thường, mình sẽ tiếp cận người đang không nói chuyện với ai rồi tự giới thiệu bản thân Xin chào, tôi là Linh ở bộ phận Phân tích và Lên kế hoạch tài chính khu vực UK và Ireland. Bạn tên gì? Công việc của bạn là gì thế? Nếu mình đã có khái niệm cơ bản công việc đó là gì thì mình sẽ hỏi thêm Bạn làm ở công ti này lâu chưa? Tại sao ban đầu bạn lại chọn ngành này công ti này? Làm việc này ở đây có gì hay ho không? Nếu mình không rõ lắm công việc của họ là gì thì mình sẽ hỏi kiểu Thế công việc của bạn chủ yếu là cần phải hoàn thành mục tiêu nào, hàng ngày bạn làm những gì? Sau chuyến đi này, mình thấy đây là những câu hỏi khá cơ bản. Khi bạn chưa quen một ai đó, thì những câu hỏi đơn giản qua lại kiểu này sẽ dễ khiến mọi người cũng cởi mở hơn với người chưa quen biết.

Bạn sợ họ đánh giá bạn không tốt? Đó là điều bình thường. Bạn có thấy trên các trang báo, bất kì người của công chúng nào cũng đều khẳng định rằng Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người được., vậy nên nếu sau khi trò chuyện đôi ba câu mà các bên đều không hợp rơ nhau thì bạn có thể lịch sự mượn cớ “chuồn”, như là Ôi tôi quen Anh D kia, tôi ra chào Anh ấy một tiếng đây. Rất vui được làm quen với bạn. Bạn không có gì phải cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng hết. Một sự kiện để kết nối thì nếu bạn không kết nối được thì bạn đổi đối tượng thôi.

Một tuyệt chiêu mình học được thông qua Google và áp dụng thành công đấy là nhờ người quen giới thiệu cho mình người mình không quen hoặc chưa quen lắm. Trước chuyến đi công tác lần này, mình đã nhắm đến 2 nhánh mình muốn trải nghiệm trong phân khúc tài chính của tập đoàn, nhưng mình không quen ai trong 2 nhánh này. Mình chủ động nhờ Cô Giám đốc bộ phận mình giới thiệu cho mình với VP hoặc Giám đốc 2 nhánh này để mình có thể tìm hiểu thêm xem những dự định của mình có thật sự như những gì mình đã tưởng tượng hay không. Kết quả là Cô Giám đốc chỉ giới thiệu được cho mình một Chị Giám đốc khác, nhưng chính Chị Giám đốc khác này đã kết nối mình với VP của nhánh mình mong muốn nhất. Hooray! 🙌

Trong N các sự kiện trước đây mình tham gia, mình cũng không dũng cảm được vậy đâu. Tuy vậy, ở những thời điểm đó, mình không có đủ nền tảng kiến thức để kết nối, những câu chuyện rồi sẽ đi vào ngõ cụt vì có rất nhiều điều người ta nói mà mình không hiểu. Đồng thời, lúc đấy mình cũng không có cảm giác mất mát theo kiểu Uầy, được tài trợ mấy chục triệu gần cả trăm triệu để tham dự sự kiện xây dựng mạng lưới mối quan hệ, mình mà không có thu hoạch bài học gì thì phí quá. Chính sự tiếc nuối đó khiến mình không thể nào đứng yên mà không hành động được.

4. Lắng nghe một cách chủ động

Lắng nghe một cách chủ động là khi bạn có thể phản ánh lại, tóm tắt nội dung cũng như cảm xúc trong phản ứng của người đối diện, từ đó cho thấy bạn đã nghe và hiểu họ nói gì. Đây là phương pháp mình dùng để mở rộng hoặc đào sâu chủ đề của cuộc trò chuyện, bởi chỉ khi mình hiểu ý người ta thì mình mới có thể đặt những câu hỏi hoặc kể chuyện đúng trọng tâm mà không bị lạc đề.

Bạn có thể bày tỏ sự lắng nghe chủ động của bản thân bằng cách diễn giải lại những gì họ nói bằng ngôn ngữ của riêng bạn. Ngay cả trong giao tiếp tiếng mẹ đẻ, thậm chí mình còn có thể hiểu nhầm ý người khác, chứ nói gì đến tiếng Anh. Mình khá thường xuyên lặp lại ý của người đối diện theo cách hiểu của mình và xác nhận lại với họ liệu mình đã hiểu đúng chưa. Nhờ vậy, mình có thể đảm bảo những quyết định mình đưa ra sau này là chắc chắn, không phải là do phỏng đoán mà có. Ngoài ra, nếu cuộc trò chuyện kéo dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mình cũng sẽ chủ động tóm tắt lại những ý chính mình đặc biệt quan tâm, thông thường là những bài học mình đã rút ra được, hoặc quy trình các bước xây dựng kế hoạch, chiến lược để đạt được mục tiêu mình nhắm đến.

Những hành động của việc chủ động lắng nghe cho thấy sự nghiêm túc của bạn, rằng bạn thực sự quan tâm đến vấn đề được bàn luận, thực sự muốn kết nối và xây dựng mối quan hệ chứ không phải chỉ qua quýt nói chuyện cho hết giờ 🙂

5. Cảm ơn và giữ liên lạc

Trong những sự kiện để xây dựng mạng lưới mối quan hệ như thế này, một người sẽ gặp và trò chuyện với rất nhiều người khác. Không cần nói chi đâu xa xôi, chính bản thân mình cũng gặp và nói chuyện với vài chục người trong chuyến công tác vừa rồi. Để họ không quên bạn và bạn cũng không quên họ, trong vòng 24 tiếng đầu tiên, hãy kết nối với họ qua LinkedIn để giữ liên lạc. Trong vòng 24 tiếng tiếp theo, hãy gửi cho họ một email cảm ơn về cuộc trò chuyện. Cách viết email bạn cứ Google là có 😁



Mình xoè hết tuyệt chiêu mà mình học được từ xưa đến nay trong bài viết này rồi đó… 🫡

06.03.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Đi Làm > Đừng Đi Lầm.

2 thoughts on “♡ Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ ♡

Bình luận