0
Your Cart

♡ 3 Mô Hình Kinh Doanh Khách Sạn ♡

Mô Hình Kinh Doanh Khách Sạn

Một vấn đề hết sức cấp thiết trong ngành Quản trị khách sạn mà hầu như không trường nào dạy cho bạn là 3 mô hình kinh doanh khách sạn thương hiệu phổ biến. Đừng hỏi mình tại sao, bởi chính mình cũng rất ngạc nhiên. Thực tập ở các mô hình khách sạn khác nhau, cộng thêm trao đổi với Tổng Quản lí thì mình mới phần nào hiểu sơ bộ về các mô hình này. Cho đến tận bây giờ sau gần 4 tháng làm Phân tích Tài chính cho trụ sở Hilton khu vực Vương quốc Anh và Ireland tiếp xúc với tất cả sự khác biệt của 3 mô hình này thì mình mới thực sự hiểu rõ bản chất và sự khác biệt giữa chúng.

Bài viết chỉ đề cập đến mô hình kinh doanh khách sạn thương hiệu, còn mô hình kinh doanh khách sạn độc lập không liên quan đến bài viết này.

3 “người chơi” mô hình

Trước khi đi vào giới thiệu 3 mô hình, bạn cần hiểu 3 đối tượng hợp tác với nhau “chơi” các mô hình này.

🍀 CHỦ ĐẦU TƯ (OWNER)
Chủ đầu tư là cá nhân / tổ chức có quyền sở hữu / sử dụng đất và nhà / tài sản gắn liền với đất của khách sạn (về sau gọi tắt là “đất”).

🍀 ĐƠN VỊ VẬN HÀNH (OPERATOR)
Đơn vị vận hành là cá nhân / tổ chức chịu trách nhiệm quản lí việc kinh doanh khách sạn.

🍀 THƯƠNG HIỆU (BRAND)
Thương hiệu là cá nhân / tổ chức sở hữu tên thương hiệu và chuyên môn thương hiệu của khách sạn. Ở đây, bạn có thể hiểu chuyên môn thương hiệu khách sạn bao gồm quy trình vận hành, hệ thống thông tin, kênh phân phối, v.v…

1. Tổng quan 3 mô hình kinh doanh khách sạn thương hiệu

⭐️ MÔ HÌNH SỞ HỮU (OWNED) / THUÊ ĐẤT (LEASED)

Mô hình sở hữu (owned) có chủ đầu tư, đơn vị vận hành và thương hiệu là 1. Hiện nay bạn khó tìm thấy một tập đoàn khách sạn thương hiệu quy mô lớn nào còn sử dụng mô hình sở hữu để kinh doanh bởi yêu cầu nguồn vốn nặng, dẫn đến khó mở rộng. Trong khi đó, chắc bạn cũng để ý thấy, các tập đoàn khách sạn nổi danh hàng đầu thế giới đang chạy đua về thị phần, không về số lượng khách sạn thì cũng là về số lượng phòng hay số lượng thương hiệu “cùng gia đình”.

Mô hình thuê đất (leased) có đơn vị vận hành và thương hiệu là 1, và họ thuê đất của chủ đầu tư. Điều này có nghĩa là đơn vị vận hành / thương hiệu sẽ phải thanh toán cho chủ đầu tư khoản tiền thuê định kì. Nếu bạn thắc mắc liệu thương hiệu có thể thuê đất rồi hợp tác với một bên vận hành thứ ba không thì câu trả lời có, nhưng họ sẽ không dại gì làm vậy. Tất cả các tập đoàn khách sạn thương hiệu đều xuất phát và đi lên từ vận hành, vậy nên chẳng có lí do gì họ lại để cho một bên khác vận hành thương hiệu của họ trong khi họ phải gánh khoản tiền thuê đất cả. Mô hình thuê đất cũng ngày càng không được ưa chuộng, bởi tiền thuê đất được tính vào nguồn nợ (liabilities) trong bảng cân đối kế toán (balance sheet) mà họ buộc phải chi bất kể tình hình kinh doanh của khách sạn thế nào.

⭐️ MÔ HÌNH QUẢN LÍ (MANAGED)

Mô hình quản lí giống mô hình thuê đất ở chỗ đơn vị vận hành và thương hiệu là 1. Tuy nhiên, ở trong trường hợp này, đơn vị vận hành / thương hiệu sẽ không thanh toán tiền thuê đất cho chủ đầu tư định kì mà ngược lại, chủ đầu tư phải thanh toán cho họ các loại phí đã được thoả thuận trong HMA (hotel management agreement – thoả thuận quản lí khách sạn). HMA là một thuật ngữ cực kì quen thuộc trong giới đầu tư khách sạn. Trong khi đơn vị vận hành phải giải quyết mọi vấn đề trong khâu quản lí, các rủi ro kinh doanh hay trách nhiệm pháp lí hoàn toàn nằm trên vai chủ đầu tư.

⭐️ MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN (FRANCHISED)

Trong mô hình này, chủ đầu tư là bên mua nhượng quyền, còn thương hiệu là bên bán nhượng quyền. Lúc này, chủ đầu tư có quyền sử dụng tên và chuyên môn thương hiệu bằng cách trả phí nhượng quyền cho thương hiệu. Khác với mô hình quản lí, đơn vị vận hành khách sạn mô hình nhượng quyền có thể là chủ đầu tư hoặc một bên thứ ba được chủ đầu tư thuê về. Thương hiệu không phải là đơn vị vận hành khách sạn trong trường hợp này.

Sự khác biệt khi đơn vị vận hành là thương hiệu và khi đơn vị vận hành là một bên thứ ba được chủ đầu tư thuê về là rất lớn. Thương hiệu thường tập trung vào khách hàng (customer-centric), trong khi các bên vận hành thứ ba lại tập trung vào chủ đầu tư hơn (owner-centric).

2. Ưu nhược điểm của mỗi mô hình

🌹 MÔ HÌNH THUÊ ĐẤT

Đối với chủ đầu tư, cái lợi của họ là khoản thu ổn định, ít rủi ro. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà các tập đoàn khách sạn thương hiệu lớn đang ngày càng rời xa mô hình này. Nhược điểm cho chủ đầu tư là nếu khách sạn làm ăn tốt đẹp mà chi phí họ cho thuê đất lại cố định thì họ đã mất chi phí cơ hội (opportunity cost).

Đối với đơn vị vận hành / thương hiệu, mô hình thuê đất giúp họ có được tối đa khả năng điều khiển, kiểm soát tình hình kinh doanh. Đặc biệt, nếu kết quả kinh doanh khách sạn khả quan thì toàn bộ lợi nhuận đều về túi họ chứ không phải chủ đầu tư. Ngược lại, khi kinh doanh không khả quan thì họ không chỉ phải gánh khoản lỗ mà còn phải thanh toán khoản chi phí thuê đất bắt buộc. Thật ra trên thế giới đã có phương án xử lí cho tình huống này, đó là chủ đầu tư và đơn vị vận hành / thương hiệu thoả thuận chi phí thuê đất tỉ lệ thuận với tình hình kinh doanh khách sạn. Nhờ đó, mức độ rủi ro được chia ra cho cả 2 bên.

🌹 MÔ HÌNH QUẢN LÍ

Thông thường, chủ đầu tư thường chuộng mô hình quản lí hơn mô hình thuê đất bởi họ có trong tay nhiều lợi thế hơn. Tuy vậy, chuyện gì cũng có 2 mặt khi họ cũng phải gánh tất cả rủi ro kinh doanh.

So với mô hình thuê đất thì thương hiệu / đơn vị vận hành cũng chuộng mô hình quản lí hơn. Họ có thể mở rộng quy mô nhanh hơn nhờ vào việc không bị áp lực nguồn vốn đè nặng. Đổi lại, họ cũng khó thắng “to” khi nguồn thu chỉ giới hạn trong các khoản phí. Trong trường hợp chủ đầu tư không đáp ứng được khoản đầu tư ban đầu, uy tín thương hiệu cũng có thể bị ảnh hưởng.

🌹 MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN

Mô hình nhượng quyền mang lại ưu thế cho chủ đầu tư về chuyên môn sẵn có của thương hiệu như hệ thống kênh phân phối toàn cầu, nguồn lực hỗ trợ vận hành về quy trình. Tuy nhiên, đồng thời, vì chủ đầu tư phải trực tiếp vận hành khách sạn (hoặc thuê bên thứ ba), họ cũng sẽ là bên gánh toàn bộ rủi ro thị trường.

Ở đầu bên kia, thương hiệu đạt được mong muốn về mở rộng quy mô mà không tốn nhiều chi phí đầu tư. Bởi họ không cần phải trực tiếp vận hành khách sạn, chi phí họ phải bỏ ra sẽ không cao như mô hình quản lí. Không có tí rủi ro vận hành nào, rủi ro thị trường cũng thấp, đối với thương hiệu mà nói, đây là một trong những giao dịch rất “ngon”. Tuy vậy, giá trị thương hiệu có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu việc kinh doanh của các khách sạn nhượng quyền không tốt.



Mình chưa từng thấy một nguồn thông tin nào bằng tiếng Việt nói về chủ đề này một cách đầy đủ. Nguồn mà có nhiều thông tin nhất mình tìm thấy là một bài thuyết trình, trông giống như bài tập luận án của một nhóm sinh viên nào đó ở đây. Rất đáng khen cho kết quả mà các bạn đã nghiên cứu ra, chỉ có một điểm trừ nho nhỏ là phần dịch “mô hình nhượng quyền” thành “hợp tác đặc quyền” nghe hơi “kì” so với ý nghĩa thực tế 😅

Nếu bạn chỉ là một người bình thường không có quyền truy cập vào các thông tin nội bộ, bạn sẽ không biết được một khách sạn thương hiệu quốc tế đang vận hành ở mô hình nào. Tất nhiên các thương hiệu sẽ làm hết sức để khách hàng không nhận ra được. Tuy nhiên, nếu bạn là nhân viên, hãy chịu khó quan sát kĩ một chút ban quản lí cấp cao thì cũng không khó để nhận ra đâu.

27.05.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì phát triển nội dung phi lợi nhuận.