0
Your Cart

♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡

Mình đã từng viết bài Tại sao mình chọn học Quản trị khách sạn, và sau đó mình cũng đã lên bài Tại sao mình rời khỏi bộ máy vận hành khách sạn? để các bạn hiểu rằng những quyết định của mình đều không phải ngẫu nhiên hay chọn “đại” mà có. Từ Quản trị khách sạn đến Bloomberg là một con đường dài, tưởng như không có điểm chung nhưng thật ra lại là nhiều điểm chung đến không tưởng.

Trong quá trình ứng tuyển tại London, mình đã đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi có thể vào đến tận vòng tuyển dụng cuối cùng của Bloomberg trước khi… tạch =))))) Nếu bạn không biết Bloomberg là công ti nào vì Bloomberg không có văn phòng tại Việt Nam, thì bạn có thể đọc thêm trên Wikipedia tại đây. Mình ứng tuyển vị trí Graduate Sales & Analytics, và sau đây là hành trình của mình.

1. Nộp đơn trực tuyến

Ngoài các thông tin cá nhân rất cơ bản như họ và tên, học vấn, hay kinh nghiệm và CV của mình thì Bloomberg có hỏi một số câu ở vòng gửi xe để xác định rằng bạn không chỉ nộp đại vào Bloomberg mà bạn có tìm hiểu cũng như có ý định thực sự muốn làm việc tại đây. Mình nghĩ mình đã có trải nghiệm ứng tuyển Bloomberg rất đáng nhớ nhờ vào việc mình đã liên hệ với 1 người có kinh nghiệm ở vị trí này để chuẩn bị cho quá trình nộp đơn. Từ đó, những câu trả lời của mình cho vòng này đều khớp với thực tế tại Bloomberg.

2. Online assessment (Kiểm tra trực tuyến)

Trong bài viết trước Xin Việc Online Ở Các Tập Đoàn Đa Quốc Gia Và Các Nền Tảng / Tài Liệu Hỗ Trợ, mình có đề cập đến các dạng bài kiểm tra trực tuyến (vốn rất rất nhiều). Bài kiểm tra của Bloomberg chỉ có 1 dạng duy nhất là Logical Reasoning (hình minh hoạ). Đây là dạng bài mình đã làm quen từ nhỏ, nên mình cũng không cần phải ôn hay gặp trở ngại gì. Trong đề của Bloomberg chỉ có 1 câu là mình lụi đại (lụi có tính toán nha, không lụi ngẫu nhiên), tất cả các câu khác mình đều rất chắc chắn với đáp án mình đưa ra. Mình qua vòng này hết sức trót lọt.

Một ví dụ của bài kiểm tra dạng Logical Reasoning

3. Phỏng vấn video

Khi mình hoàn thành bài kiểm tra trực tuyến của Bloomberg, mình biết chắc chắn là mình sẽ qua, bởi (1) mình hoàn thành trước thời gian khá nhiều và (2) mình chỉ hơi nghi ngờ 1 câu duy nhất mà tỉ lệ trúng cũng cao. Với tâm thế đó, mình biết là mình đã bắt đầu bước vào giai đoạn cực kì quan trọng của hành trình ứng tuyển: phỏng vấn.

Để chuẩn bị cho hành trình chông gai phía trước, mình bắt đầu trang bị kiến thức từ:

  • Theo dõi kênh youtube Wall Street Journal để cập nhật tình hình kinh tế tài chính thế giới
  • Theo dõi kênh youtube The Economist để cập nhật tình hình kinh tế tài chính thế giới
  • Đăng kí cập nhật hàng ngày vào email tình hình tài chính kinh tế thế giới từ ExecSum
  • Mở TV kênh Bloomberg xem tin tức kinh tế tài chính thế giới bất kì khi nào mình rảnh
  • Đọc báo The Economist trên tàu trên đường đi học (3 tiếng/ngày vì trường mình xa)

Trong thư mời phỏng vấn, Bloomberg gửi cho mình rất nhiều tài liệu để chuẩn bị. Và tất nhiên, trong vòng 2 ngày chuẩn bị đó mình lại tiếp tục kiên trì cày nát tài liệu được Bloomberg cung cấp cho. Trong vòng này, những câu hỏi rất nặng về sự nhanh nhạy của ứng viên trong việc cập nhật tin tức của ngành, những hiểu biết của ứng viên về vị trí ứng tuyển, những dịch vụ khác mà Bloomberg cung cấp, và cả chứng minh kĩ năng mềm của bản thân thông qua trải nghiệm thực tế trong quá khứ.

4. Phỏng vấn điện thoại

Bởi vì vòng trước quá cam go, lần này mình không dám dự đoán gì. Bởi vì từ vòng này trở đi mình đối thoại trực tiếp với con người mà không còn là trả lời cho hệ thống máy móc nữa nên không thực sự có hạn chót để hoàn thành các vòng ứng tuyển.

Vòng phỏng vấn này là để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Pháp của mình vì mình ghi trong CV là mình sử dụng tiếng Pháp thành thạo. Từ vòng này trở đi mình luôn lên Glassdoor để tham khảo các câu hỏi phỏng vấn trước giờ G. Nhờ thế, vòng này mình trúng tủ hoàn toàn 100%.

Vòng phỏng vấn này rất ngắn, chỉ mất 20 phút nói chuyện và 15 phút viết email. Những thông tin này mình đều đã đọc được trên Glassdoor nên đã chuẩn bị trước. Cả viết cả sửa email tất cả mình hoàn thành trong 15 phút. Mốc 15 phút này là mình tự đoán thôi, với độ dài đoạn viết của mình mà tốn nhiều hơn 15 phút thì không xác đáng lắm so với kĩ năng nói.

Trước khi bước vào vòng phỏng vấn này, mình đã đi cày một đống video về kinh tế tài chính bằng tiếng Pháp để lượm lặt các từ và cấu trúc câu chuyên môn. Video quan trọng nhất là video bài giảng về thị trường tài chính của trường ESSEC Business School, còn lại thì mình cũng chỉ xem mấy video linh tinh hiện lên trên trang kết quả tìm kiếm để làm quen phản xạ ngôn ngữ.

Sau buổi phỏng vấn, mình biết chắc là mình sẽ qua vòng này dựa trên lời nhận xét từ Anh phỏng vấn mình và cả bạn mình khi sửa email. Mình ngay lập tức nhảy vào chuẩn bị cho vòng được cho là cam go nhất: Assessment Centre hay còn gọi là Bloomberg Super Day.

5. Super Day

Mình không chuẩn bị gì cho vòng này nhiều hơn các vòng trước cả, mình vẫn chỉ tiếp tục theo dõi tin tức như mình vẫn làm trước đó. Tất cả những gì mọi người dặn mình đó là Hãy là chính mình, và mình cũng chỉ có thế.

Vòng này Bloomberg giới thiệu về tập đoàn, về vị trí ứng tuyển rồi sau đó chia nhóm các ứng viên giải 1 dự án, và cuối cùng là phỏng vấn. Mình đã tận dụng thế mạnh kĩ năng mềm làm người tổng hợp lại các ý tưởng của mọi người, quản lí thời gian, phân chia công việc, và cuối cùng là khi thuyết trình mọi người lỡ quên một ý nào đó trong phần của họ thì mình sẽ bổ sung vào.

6. Phỏng vấn

Bởi vì mình đã chiến đấu qua hầu hết các vòng, mình đã hiểu về Bloomberg và thị trường rất nhiều nên cũng như vòng Super Day, mình cũng chỉ tiếp tục theo dõi tin tức mà thôi. Rất đáng tiếc, ở ngay bước cuối cùng này, mình đã không vượt qua được. 

Những câu hỏi trong vòng này cũng không khác nhiều những vòng trước, vẫn là về sự hứng thú thực sự của ứng viên với công việc họ ứng tuyển, kiến thức của họ về những diễn biến của ngành trên thế giới, và hiểu biết của họ về Bloomberg.

Không biết trong tương lai liệu mình và Bloomberg có cơ hội giao nhau hay không, nhưng ít nhất mình đã trải nghiệm được thế nào là tỉ lệ chọi sứt đầu mẻ trán của thị trường tài chính London. 

Qua bài viết này, mình hi vọng bạn đừng quá lăn tăn việc chọn ngành, chọn trường, chọn việc thế nào là “đúng”. Những gì “đúng” vào lúc này hoàn toàn có thể trở thành “sai” chỉ 5 năm sau đó. Do vậy, thay vì cứ nơm nớp lo sợ liệu mình có chọn sai hay không, hãy xác định một mục tiêu cụ thể và xây dựng chiến lược hành động dựa trên mục tiêu đó. Nếu mục tiêu thay đổi, bạn cứ việc xây dựng một chiến lược hành động mới thôi. Lo gì :)))))

16.03.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

8 thoughts on “♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡

  1. Một trong những application process dễ sợ nhất tui từng đọc. Nhiều chất xám được đầu tư khủng khiếp, nên chắc chắn rằng có vào được Bloomberg hay không thì L cũng đã học được rất nhiều 😉

Bình luận