Học Tàn Tàn Thi Đỗ Phổ Thông Năng Khiếu
Mình theo học cấp 3 tại Phổ Thông Năng Khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cơ sở 1 khoá Sinh 1316. Việc Năng Khiếu có gì, mình sẽ để dành cho một thời điểm khác. Trong bài này, mình tập trung vào cá nhân mình chuẩn bị hành trang vào Năng Khiếu – ngôi trường cấp 3 cạnh tranh nhất miền Nam – như thế nào.
Đó không phải là sự chuẩn bị lâu dài như bạn tưởng tượng. Ở TP.HCM, có rất rất rất nhiều gia đình chăm chăm hi vọng con em mình học trường chuyên lớp chọn từ sớm, như là làm mọi cách để con học trường điểm ở Tiểu học, đến THCS thì phải vào chuyên Trần Đại Nghĩa chẳng hạn. Mình không làm vậy, thậm chí mình không ủng hộ làm vậy là đằng khác. Trong chuỗi bài (series) Học Tàn Tàn, mình sẽ viết Học Tàn Tàn Thời Phổ Thông về việc không theo học trường chuyên lớp chọn cấp 1 và 2 sau.
Mình bắt đầu chặng đường 12 năm phổ thông ở tỉnh, không phải tại TP.HCM, với chương trình Song ngữ Pháp – Việt. Gia đình mình chuyển lên TP.HCM một vài năm sau đó. Mãi đến lớp 9 mình mới nghe về Năng Khiếu từ Bố dù Bố đã biết Năng Khiếu từ lâu. Sau khi thi Học sinh giỏi Quốc gia cuối tháng 3, mình đã không còn mấy thời gian chuẩn bị cho Năng Khiếu nữa nên định hướng lúc đó đóng vai trò tối quan trọng thay vì cày trâu cày bò, và mình cũng chẳng đủ siêng năng để cày.
Điểm mấu chốt là, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Đây là quốc sách của mình cho mọi kế hoạch học tập, như là việc mặc dù mình học Song ngữ, năng lực Toán thua xa những bạn cùng Đội tuyển, nhưng mình là Thủ khoa Thành phố với điểm tuyệt đối để rồi là 1 trong 5 đại diện TP.HCM thi Học sinh giỏi Quốc gia cấp THCS và đạt giải Nhì. Bạn có thể tìm thấy bài Học Tàn Tàn Lấy Giải Nhì HSG QG Toán MTBT mình đã viết.
Cả 4 bạn thi Học sinh giỏi Quốc gia cùng mình đều thi chuyên Toán Năng Khiếu (rất dĩ nhiên, đúng không?), nhưng mình thì không. Tại sao? Vì nhiều yếu tố, chủ yếu là định hướng đường dài. Với năng lực học Toán ổn, nếu tiếp tục học chuyên Toán, mình sẽ bỏ lỡ nguồn hỗ trợ vô cùng to lớn từ Năng Khiếu cho các môn khác. Ô kê, nếu bạn đang suy nghĩ trong đầu, “chắc gì đã đậu mà đòi thi chuyên Toán Năng Khiếu”, điều đó cũng không sai.
Quay lại ví dụ, như mình đã đề cập, với nền tảng là dân Song Ngữ, năng lực Toán của mình thua xa các bạn cùng Đội tuyển. Mình mà thi chuyên Toán lúc đó chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Mình lúc đó định hướng theo nhóm ngành Y Dược. Với khả năng học Toán phổ thông ổn, Bố mình đã từng dạy Đội tuyển thi Học sinh giỏi Quốc gia Hoá, mình sẽ tận dụng môn Sinh từ Năng Khiếu để từ đó không phải ngày đêm đi học thêm hay cày cuốc luyện thi Đại học, chưa kể nếu có giải Học sinh giỏi Quốc gia Sinh mình còn có khả năng được tuyển thẳng. Ngoài ra, cạnh tranh chuyên Sinh cũng nhẹ nhàng nhất trong số các môn chuyên KHTN tại Năng Khiếu. Và mình chọn thi chuyên Sinh. Đây gọi là biết địch biết ta.
Một điều rất quan trọng trước khi thi bất kì thứ gì, là biết dạng đề. Mình có trọn bộ đề tuyển sinh Năng Khiếu 4 môn thi trước khi đặt chân vào thi thật. Tất nhiên là mình không làm hết, mình chỉ đọc câu hỏi và đưa ra phương hướng làm bài trong đầu thôi. Đề thi thử thật ra không quan trọng cho môn Toán và Sinh đối với mình, vấn đề nằm ở Văn và Anh – 2 môn mình tự bơi. Nó là cái phao duy nhất để mình chuẩn bị cho kì thi thật. Mình chỉ đọc đề Văn cho biết dạng thế thôi chứ mình cũng không làm gì với đề Văn hết, bởi môn Văn với Linh-14-tuổi là không-hiểu-gì-cả, trừ tiếng Việt. Còn tiếng Anh thì thôi rồi, bạn phải biết một Linh-học-tiếng-Pháp-9-năm sẽ học tiếng Anh như thế nào ở tuổi 14… Đề không có đáp án, Bố mình nhờ Cô giáo đồng nghiệp chấm bài Anh cho mình và Cô ấy chỉ “được” chấm tài-tiếng-Anh của mình có 2 đề thôi vì mình làm có 2 đề à. Mình “học tàn tàn” không phải chém gió đâu, mặc dù thời đó Bố mình đốc thúc mình ôn luyện tiếng Anh dữ lắm haha.
Mình buộc phải đi học Sinh để bổ sung bài mà mình thiếu rất nhiều do thi Học sinh giỏi Quốc gia. Một may mắn của mình là Sinh chuyên thời đó chủ yếu tập trung thi Sinh 8 và 9, mình được theo học một Cô giáo có phương pháp dạy Sinh 9 phù hợp với cách tiếp thu của mình, còn Thầy giáo dạy Sinh 8 là người Thầy cây đa đại thụ bộ môn Sinh lí động vật toàn miền Nam. Mình ngoài ra còn có sự hỗ trợ to lớn từ ông anh trai ThS BS Ngoại Thần Kinh nữa. Mình bị ảnh hưởng từ Bố, rằng việc học nên xuất phát từ hứng thú, nên nếu không có động lực thì mình cũng chẳng học đâu. May sao ông anh mình luôn có cách “trị” mình triệt để từ khi mình 4-5 tuổi cho đến khi mình 14 tuổi vẫn không thoát khỏi tay ổng (giờ vẫn không thoát được haha, yêu anh ♥). Đây là chiến lược.
Kết hợp chiến lược, biết địch biết ta và tìm hiểu dạng đề, mình đã đánh thắng trận chiến mang tên Tuyển Sinh Năng Khiếu. Mình học tàn tàn để thi Năng Khiếu bởi vì mình tin tưởng tuyệt đối 100% khả năng vào THPT chuyên Lê Hồng Phong khối Song Ngữ (cuối cùng mình đứng hạng 4 toàn Thành phố) bởi đề thi tuyển sinh của Thành phố dễ, và điểm thi tốt nghiệp THCS khối Song ngữ của mình cao. Mình sẽ kể câu chuyện học Song ngữ vào 1 lúc khác. Không học Năng Khiếu thì học Lê Hồng Phong, so với ở TP.HCM thì cũng ngon chán 🙂
Thật ra, vốn dĩ nếu bạn đã cân nhắc Năng Khiếu làm điểm đến, thì những phương án dự phòng của bạn cũng thuộc dạng top mặt bằng chung rồi. Còn nếu bạn thi cho vui để biết thi-Năng-Khiếu, thì mình cũng mong bạn sẽ vui như bạn đã dự định hì hì.
P.S.: Mình mà trượt Năng Khiếu thì đã học chung với Phương Anh rồi. Nhưng không sao, vốn dĩ mình đã học cùng lớp với bạn í từ lớp 1 =))
11.06.2021
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.
Cảm ơn chị về chia sẻ của mình và cũng là động lực cho em và nhiều bạn khác <3 Em hiểu ý tưởng của chị nhưng cốt lõi của bài em chưa thấy rõ nó nằm ở đoạn nào. Có thể em có cái nhìn và cái đọc khác mọi người và ý kiến cũng thế, " trăm trận trăm thắng" là mấu chốt của chị. Bài viết dài và không chỉ rõ ra rằng mình cần làm gì và cần biết xác định những gì ở bản thân mình.Có rất nhiều điểm mâu thuẫn ở bài blog này, văn kể và những yếu tố tác động vào kế hoạch và dự định của blog cũng như kết quả đạt ra chưa rõ ràng và gây nhiễu bài blog. Đó là ý kiến của em,đúng là chúng ta sẽ không làm vừa lòng ai, hi vọng những ý kiến của em sẽ làm chị quan tâm tới và sửa đổi ( nếu chị muốn ạ). Em ko biết chị bn tuổi ,em sn96 hi vọng xưng hô và cmt như này đủ để lịch sự :)))
Em sinh năm 98 ạ.
Thật ra bài viết này của em chỉ là kể chuyện, nên mục đích không phải để chỉ ra các em học sinh cần làm gì và cần xác định gì ở bản thân, vì ôn thi chuyên không giống với ôn thi tuyển sinh đại trà khi nội dung rơi vào nội dung thi HSG hơn, còn học theo SGK chỉ là căn bản. Nếu với mục đích hướng dẫn các em lên kế hoạch thi Năng Khiếu thì tựa bài có lẽ em đã viết thành “Cách ôn thi Phổ Thông Năng Khiếu hiệu quả” hoặc tương tự vậy, như bài “Cách tải phim phụ đề tiếng Anh miễn phí 100% hiệu quả” em đã viết trước đây. Đổi lại, bài viết này chỉ kể lại sự phát triển về suy nghĩ của bản thân em khi xác định sẽ thi Năng Khiếu và kể lại những gì em đã có và chưa có ở thời điểm đó để tìm định hướng cho cá nhân mình với mong muốn tối đa hoá khả năng thi đậu vào Năng Khiếu thôi ạ.
Em là người đã học được rất nhiều điều về phát triển bản thân từ các câu chuyện được kể bởi Bố Mẹ, Thầy Cô, các Anh Chị đi trước, và thậm chí cả các bạn đàn em thế hệ sau. Từ đó, em cũng hi vọng, với những câu chuyện em kể, sẽ có ai đó tìm ra được định hướng cho riêng mình, vì nền tảng và môi trường của mọi người đều không giống nhau, nên có một số chủ đề em không nghĩ mình có thể hướng dẫn người khác đạt được kết quả như bản thân em đã đạt được. Do vậy, em chỉ có thể kể chuyện về những chủ đề đó thôi ạ, vì đó là người thật việc thật.
Em cảm ơn góp ý của Anh Chị, và em sẽ để tâm tới trong những bài viết sau.
Linh