0
Your Cart

♡ 5 Việc Cần Làm Khi Đến UK Theo Thứ Tự ♡

Chào các bạn!

Trước ngày lên đường sang UK – xứ sở sương mù, mình cũng đọc kha khá bài và tham khảo kha khá chia sẻ về những việc cần làm khi đến nơi. Tuy nhiên, họ không nói việc nào cần làm trước và việc nào cần làm sau, và trong quá trình làm những việc này mình đã gặp phải một số những sự phức tạp không đáng có. Do vậy, mình sẽ sắp xếp lại thứ tự cũng như những chú ý khi làm từng việc một tại đây cho các bạn. Thấy mình dễ thương chưa? :)))))

1. THẺ CƯ TRÚ BIOMETRIC RESIDENCE PERMIT (BRP)

BRP là giấy tờ chính thức xác nhận bạn có quyền cư trú hợp pháp tại UK, nên nó là nền tảng của mọi công việc hành chính khác. Bạn sẽ không thể làm gì khác khi chưa có BRP trong tay. BRP áp dụng khi bạn xin quyền cư trú tại UK từ 12 tháng trở lên, dưới 12 tháng bạn sẽ có vignette (miếng dán) visa trực tiếp trên hộ chiếu.

2. SIM ĐIỆN THOẠI

Đây là bước mình mắc lỗi, mình đã làm vài thứ khác trước khi có số điện thoại riêng và sau đó phải yêu cầu thay đổi số điện thoại đăng kí và giải thích, khá phiền. Có nhiều phương án lựa chọn với sim điện thoại, tiện nhất là sim trả trước, nạp bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu, dễ quản lí. Mình dùng phương án này trước đây khi ở Thuỵ Sĩ, nhưng khi đến UK thì mình đổi sự lựa chọn. Mình biết mình chỉ ở Thuỵ Sĩ tạm thời một vài năm, nhưng UK theo kế hoạch là nơi mình định cư lâu dài nên sim trả trước không phải là cách. Mình chọn EE là đơn vị viễn thông lớn nhất UK, gói 15 GBP/tháng, miễn phí gọi điện và nhắn tin trong nước kèm 10 GB dữ liệu di động/tháng, thanh toán trước 12 tháng. Mình có thấy có những thoả thuận tốt hơn từ các đơn vị viễn thông khác, nhưng mình luôn lựa chọn đơn vị lớn nhất để có vùng phủ sóng mạnh nhất, thuận tiện xử lí và giao dịch. Bây giờ đang là mùa Covid-19, chắc chắn việc gọi điện sẽ diễn ra rất nhiều, dùng gói miễn phí gọi và nhắn tin trong nước theo mình là một trong những cách tối ưu, tránh lăn tăn về việc tiền điện thoại hết nửa chừng trong cuộc gọi.

3. DỊCH VỤ Y TẾ GENERAL PRACTICE (GP)

Dịch vụ y tế công tại UK là miễn phí, bạn đã đóng phí khi xin visa cũng như đóng thuế khi đi làm. GP tại UK rất thường xuyên trong tình trạng quá tải nên thời gian chờ lúc nào cũng lâu vì đông. Do vậy, bạn nên thực hiện bước này càng sớm càng tốt. Khi đăng kí GP, bạn sẽ có lịch hẹn với y tá (nurse) để họ ghi chú thông tin lí lịch tiền sử sức khoẻ của bạn. Từ ngày mình đăng kí đến ngày hẹn là 2 tháng, cũng chính là lí do vì sao bạn rất rất rất nên đăng kí sớm. Hơn nữa, GP liên quan đến sức khoẻ của bạn, do đó không có lí do gì để chậm trễ đăng kí GP cả. Khi bạn đăng kí tại GP và mọi thông tin được ghi nhận, lúc đó bạn sẽ được thông báo khi có những dịch vụ cần thiết, như tiêm vaccine Covid-19 là ví dụ.

4. BẢO HIỂM XÃ HỘI NATIONAL INSURANCE (NI)

Nếu bạn dưới 16 tuổi, hãy bỏ qua bước này. Bạn cần NI để đi làm, đóng thuế và đăng kí trợ cấp khi cần. Các bước để đăng kí NI có trên trang của chính phủ gov.uk và bạn cứ từng bước làm theo hướng dẫn. Mình không đề cập ở đây lỡ họ có cập nhật gì mà mình không cập nhật kịp thì lại thành thông tin không chuẩn đến các bạn, nên các bạn cứ theo trang chính thức của chính phủ là chính xác nhất. Đối với trường hợp của mình, từ khi mình gọi đến Home Office cho đến khi nhận được đơn đăng kí là 1 tuần, mình đã gửi đơn đăng kí cùng giấy tờ đi từ tháng 2 cho đến tháng 6 mới nhận được kết quả. Trong trường hợp bạn chưa có NI bạn vẫn có thể đi làm và báo cáo thuế bình thường, nên bạn cứ chờ khi nào có thì có thôi, nếu lâu quá thì bạn có thể hỏi.

5. TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG

Bạn có thể mở tài khoản với ngân hàng trực tuyến (online) hoặc ngân hàng có tồn tại các chi nhánh trên thực tế. Ngân hàng online mình đề xuất Monzo và Revolut, ngân hàng thực thì bạn mở cái nào cũng được vì nó chán như nhau cả (lol thiệt, và cuối cùng mình chọn Barclays). Thông thường, với các ngân hàng thực, họ yêu cầu 2 giấy tờ: giấy tờ tuỳ thân (hộ chiếu + BRP) và xác minh địa chỉ (hoá đơn điện nước gas có tên bạn hoặc thư từ NI gửi cho bạn) kèm số điện thoại, nên bạn không nên mở tài khoản ngân hàng khi chưa có số điện thoại +44. Hơn nữa, quá trình mở tài khoản ngân hàng không tốn nhiều thời gian như đăng kí GP hay NI nên không cần vội.

Mình đã viết bài ♡ Vật Vã Mở Tài Khoản Ngân Hàng Tại UK ♡, bạn dự tính mở tài khoản tại ngân hàng nào thì đọc bài của mình để xem mình đã được “dạy” những bài học gì trong quá trình này nhé. Mình cứ nghĩ mở tài khoản ngân hàng thì dễ xơi lắm chứ có gì đâu, nhưng không, mình đã tưởng bở các bạn ạ.

Bạn còn thấy có việc nào khác cần làm không? Cho mình biết với nhé.

24.07.2021

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết 5 Việc Cần Làm Khi Đến UK, bạn có thể ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Cuộc Sống > Thủ Tục Hành Chính.

0 thoughts on “♡ 5 Việc Cần Làm Khi Đến UK Theo Thứ Tự ♡

  1. Linh ơi, bài viết hữu ích quá. Không có NI vẫn đi làm việc được hả? Việc partime được không L? Tại t nghĩ phải có NI để chính phủ track được vụ mình làm <20 hours á. Cảm ơn L. Mình mới đến UK nên hơi bối rối.

    1. NI mục đích là kiểm soát việc đóng thuế thôi bạn ơi chứ không phải là điều kiện cần hay đủ để bạn đi làm, nên bạn vẫn đi làm mọi công việc mà chưa có NI thoải mái nhé, nhưng tất nhiên nếu bạn có dự định đi làm thì nên đăng kí NI sơm sớm. Về việc thanh toán thuế thì có nhiều điều kiện lắm, nên là bạn đọc trên trang chính phủ sẽ đầy đủ và rõ ràng hơn nha: https://www.gov.uk/student-jobs-paying-tax.

      Với lại, bình thường bởi vì quy trình xin NI rất rất rất lâu nên là mọi người cứ xin trước ấy, số NI sẽ theo mình suốt đời nên là cứ xin rồi để đó thôi, khi nào cần sẽ lấy ra dùng, như là khi đi làm doanh nghiệp hỏi chẳng hạn 🙂

Bình luận