0
Your Cart

♡ 20/11 Kể Chuyện Đi Học Và Thầy Cô ♡

Ngày 20/11 đối với mình luôn đặc biệt.

Mình sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục ăn sâu vào tiềm thức. Bố mình là nhà giáo. Ông Bà Ngoại mình đều là nhà giáo. Em gái Bố mình là nhà giáo. Em dâu Bố mình là nhà giáo. Em rể Mẹ mình cũng là nhà giáo luôn. Mình đã nhận thức điều này từ rất sớm, và dù ít dù nhiều, nó chắc chắn ảnh hưởng đến mình mạnh mẽ mỗi khi nghĩ về ngày 20/11.

Lớp 3. Cô giáo dành ra rất nhiều thời gian để sửa phát âm tiếng Việt của mình từ ngữ điệu miền Bắc thành miền Nam. Mình ám ảnh tới tận bây giờ khi liên tục phải sửa phát âm vần -ênh, -anh hay dấu ngã. Vốn phát âm ngữ điệu miền Nam đối với mình không thành vấn đề, chỉ là lúc đó mình không hiểu phát âm như mình có gì sai, nên dù Cô có bắt mình sửa, mình cũng không sửa.

Lớp 4. Từ tỉnh chuyển lên thành phố. Trực nhật, mình nhìn thấy chuyện không hay. Sau đó, khi vào lớp, Cô giáo nói bóng nói gió về việc mình mắc lỗi. Mình hồi đó ngây thơ lắm, mình không biết Cô ám chỉ mình, và mình cũng không hiểu chuyện lúc đó là chuyện gì. Cho tới tận sau này khi học lớp 9, ngẫm nghĩ lại về chuyện ngày xưa, mình mới hiểu ra, à hoá ra Thầy Cô không phải ai cũng “tốt” như mình vẫn tưởng.

Vẫn lớp 4. Mình lúc đó không biết, chương trình Song Ngữ Pháp – Việt đổi giáo trình. Các bạn trong lớp đều đã mua được sách từ trước. Mình chuyển nhà chuyển trường, mọi thứ đều mới mẻ. Thầy Cô chỉ mình lên nhà sách Xuân Thu tìm mua. Bố đưa mình đi, đi sang cả những nhà sách to và đường sách cũ quanh đó. Không thể tìm mua được. Thầy giáo tiếng Pháp lớp 3 tặng mình sách của Thầy luôn. Từ đó, mình đời đời biết ơn Thầy, dù trước đó mình không ấn tượng gì với Thầy mấy ngoại trừ việc Thầy phát âm tiếng Pháp nghe ăn đứt Thầy dạy mình năm lớp 2. Mình không biết tâm lí mọi người trong tình cảnh đó sẽ thế nào. Khi đó mình 8 tuổi, dân tỉnh chuyển lên thành phố, bạn bè trong lớp đa số không coi mình ra gì, mình còn nhỏ con, không biết ăn diện điệu đà nên trông cũng quê mùa nữa. Giống như người ta bảo, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cái phao Thầy đưa cho mình đúng lúc hơn bao giờ hết. Ít nhất thì mình còn có sách để học. Xúc động thật sự. Con cảm ơn Thầy Tiên.

Vẫn lớp 4. Thời tiểu học, Bố Mẹ mình khuyến khích con cái “chơi là chính để còn có tuổi thơ”, nên mình luôn đi ngủ đúng giờ, chỉ làm bài tập về nhà mà mình thích làm, còn lại là chơi. Môn tiếng Pháp, phân môn CF (Văn hoá cộng đồng Pháp ngữ), mình không làm bài tập về nhà. Cô giáo hỏi “Tại sao con không làm bài tập về nhà?” Mình trả lời “Dạ Mẹ bảo con đi ngủ vì đến giờ rồi.” Cô giáo gọi phụ huynh 😂 May là Cô giáo không hỏi sao mình không làm bài trước giờ đi ngủ. Quá trình đi học phổ thông của mình, hứng thú là điều tối quan trọng. Mình chỉ học thứ mình thích. Nếu Thầy Cô không khơi gợi được sự hứng thú trong mình thì Thầy Cô cũng phải chấp nhận là mình không thích học môn đó. Thế thôi. Mình chẳng thấy có gì sai.

Lớp 6. Môn Sinh, mình may mắn 2 lần được gọi kiểm tra miệng đều 10 điểm. Lần đầu là ngày thứ hai có tiết, đầu năm đầu tháng mình siêng học bài thiệt, giơ tay xung phong lấy điểm 10, sau này khỏi phải học 😂 Lần 2 là trong lúc bạn khác bị gọi thì mình ngồi ở dưới lớp ráng học thuộc ghi nhớ. Khi Cô gọi đến mình thì mình đã thuộc rồi, “trót lọt” haha. Cô vẫn nhớ mình tới tận bây giờ. Môn Toán, Cô giáo cực kì dữ (mình hầu như không bao giờ gọi Thầy Cô “dữ” cả, mình toàn dùng từ “khó tính” thôi, đây là một nhà giáo hiếm hoi mình gọi “dữ”), rất hay mắng, chuyên bắt mình viết bản kiểm điểm. May mắn là, ở nhà mình nhờ Bố Mẹ kí bản kiểm điểm dễ lắm, toàn là “Sao đấy?” “Dạ con làm bài sai.” “Bèo, có thế mà cũng sai.” Hồi đó mình học Toán không phải “tốt” mà là “siêu tốt” (có hơi ẩu), gì chứ môn Toán mà mình viết bản kiểm điểm thì 100% là linh tinh. À, mình còn ngoan nữa, nên bản kiểm điểm nào mình viết cũng vì linh tinh hết 😂 Đến lớp 9 nghĩ lại chuyện ngày xưa, mình cũng mới hiểu ra Cô có dụng ý riêng, đáng tiếc là nó không áp dụng cho mình.

Lớp 8. Con xin lỗi Thầy khi gọi Thầy “tài tử”, nhưng “tài tử” của con là ý rất tích cực ấy ạ. Mình thích Thầy ở vô số bài học cuộc sống. Học với Thầy mình vỡ lẽ ra rất nhiều về 2 chữ “trưởng thành”. Mình đoán đa số phụ huynh và học sinh có lẽ không có thiện cảm nhiều với Thầy vì so với mặt bằng chung thì Thầy có phong cách rất đặc biệt, nhưng một mặt nào đó trong phong cách sư phạm của Thầy có nét giống Bố mình nên mình không chỉ cảm thấy gần gũi mà còn có hiệu quả giáo dục cao nữa. Con cảm ơn Thầy Hiếu.

Lớp 8. Thầy giáo dạy Toán rất chăm chỉ sưu tập đề thi đội tuyển cho các bạn có ý định thi của lớp mình. Cơ mà, Thầy không biết là, một đàn Anh khối Pháp sưu tập cho mình còn đủ hơn Thầy nữa. Qua đây, phải cảm ơn Anh Tùng, đã giúp mình tiến thêm một bước đến giải Học sinh giỏi Quốc gia.

Lớp 8. Đậu đội tuyển Toán của trường hạng 15/15 (điểm dưới trung bình 9.5/20), học sinh khối ngữ duy nhất. Các bạn đi học đội tuyển hết trơn mà mình không hay biết gì cho đến một hôm đi ngang qua phòng học thấy lèo tèo ít học sinh đang học Toán, nhìn vô là thấy cao siêu. Thầy Cô giáo bảo “Thấy con bé học lớp Pháp, đậu vị trí chót, điểm cũng dưới trung bình, nên nghĩ là bé không theo được.” Trời đất.

Lớp 9. Bạn nam bàn trên kéo rèm che ánh nắng mặt trời vì “sợ đen da”. Mình thì cận. Mình tức, vẽ lên áo bạn cho bõ tức. Bạn thấy thế cũng vẽ lại. Mình nghĩ “Xời, chuyện con nít, áo bẩn thì giặt thôi.” Ai ngờ phụ huynh bạn lên than phiền. Các Thầy mời phụ huynh, mình còn bị doạ hạnh kiểm yếu. Câu chuyện dài dòng, ấn tượng nhất của mình là câu nói của Bố “Tôi tin là cháu (ý là mình) sẽ phát triển.” Và sau đó…

Cú nổ Học sinh giỏi Quốc gia Toán MTBT, học sinh duy nhất của trường, học sinh duy nhất của quận, học sinh duy nhất khối ngữ xưa giờ. Công lao lớn nhất thuộc về Thầy hướng dẫn đội tuyển là chắc chắn, đặc biệt là với đứa học khối ngữ là mình. Điều huy hoàng nhất thời học sinh. Tiền thưởng lên đến cả tháng lương của Bố. Chưa bao giờ mình biết là mình giá trị đến thế, cho đến khi mình được qua bàn tay nhào nặn của Thầy trong 1 năm trời học đội tuyển. Con cảm ơn Thầy Đức.

Lớp 9. Nhìn về hành trình học Toán, mình có một người Thầy nổi tiếng. Thầy không dạy mình trực tiếp ở trường, nhưng Thầy giúp giữ lại chút tư duy toán học ít ỏi mà không nhiều Thầy Cô giữ cho học sinh một cách đại trà nữa. Con cảm ơn Thầy Tấn.

Lớp 9. Đứng giữa ngã ba đường. Vào Lê Hồng Phong học tiếp Song Ngữ, hay vào Phổ Thông Năng Khiếu học chuyên Sinh? Thời điểm này, tuổi 23 nhìn lại, chọn Phổ Thông Năng Khiếu là quá sáng suốt. Nói chuyện với một người bạn lâu năm, Song Ngữ THPT hoá ra không còn giữ được cái tinh tuý của chương trình khi nhỏ. Mình dừng lại đúng lúc, nên kí ức Song Ngữ của mình hoá ra lại trọn vẹn thế.

Cấp 3. Đặt chân vào Phổ Thông Năng Khiếu, mình choáng, choáng bởi sự cởi mở và môi trường tự do học hành mình chưa bao giờ có ở trường cấp 1 và 2, mình chỉ có sự tự do đó ở nhà với Bố Mẹ. Lần đầu tiên trong đời mình thấy lòng biết ơn Thầy Cô không còn ở từng cá nhân, mà tất cả Thầy Cô ở Phổ Thông Năng Khiếu đều góp phần vào cái truyền thống tự do đó. Phổ Thông Năng Khiếu chỉ có một nốt trầm không vui duy nhất, không chỉ với mình mà với cả em trai mình.

Lớp 11. Mình may mắn được học Ông giáo già cây đa đại thụ của bộ môn Sinh lí động vật toàn miền Nam. Thầy khi đó đã 70 tuổi, không Thạc sĩ, không Tiến sĩ, nhưng chắc chắn Thầy là số 2 thì không ai số 1. Mỗi lần Thầy bước vào lớp, suy nghĩ của mình đều khựng lại như thấy Ông Nội Ông Ngoại bước vào gọi chỉ bảo. Thầy ra đề kiểm tra trắc nghiệm, Thầy làm tốt hơn Bố mình ở chỗ, Bố mình đánh dấu đáp án màu đỏ, thì Thầy đánh màu tím than. Khi in đen trắng, màu đỏ thì rất dễ thấy, nhưng màu tím than của Thầy nó rất sát màu đen rồi. Nhưng Thầy ơi, mắt con được rèn luyện với Bố qua hàng chục năm giúp Bố làm đề trắc nghiệm, con nhìn phút một ra hết đáp án rồi. 10 điểm, 1 trong 2 điểm 10 duy nhất trong lớp. Bạn kia Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh, mình thì… ăn gian, dù không hề cố ý 😂 Ban đầu mình có ý định nói với Thầy sau khi kiểm tra, nhưng trao đổi với bạn bè thì mọi người đều thống nhất là thôi đừng, vì không có ai thấy ngoài mình hết, nên coi như nó là kỉ niệm thú vị thời áo trắng đến trường. Mình có kể lại cho Thầy vào cuối năm học, thì Thầy nói Thầy đánh màu tím than và Thầy đã tin là nó không thể bị phát hiện.

Cuối cùng, mình sẽ là tội đồ nếu quên Ông giáo già nhà mình. Không Thạc sĩ, không Tiến sĩ, không chức vụ, Bố đi qua 40 năm làm nghề giáo chỉ như thế. Mở điện thoại ngắm tấm hình Bố Mẹ chụp với nhau, mình tự dưng bật lên trong đầu “Ba già thật rồi.” Ngày Bố nghỉ hưu, mình sẽ tặng Bố cây bút Mont Blanc kỉ niệm, kỉ niệm Bố trăm lần chấm bài đều như một “Con gái cho Ba mượn bút đỏ.”, xong thể nào sau đó cây bút cũng không cánh mà bay 😂 Giống như những tượng đài được xây dựng để ghi nhớ công ơn những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, cây bút sẽ là tượng đài của 40 năm sự nghiệp trồng người của Bố.

“Nhà giáo làm tất cả vì học sinh thân yêu.” Thử tưởng tượng gọi “nhà giáo” là “giáo viên”, ngày quốc tế hiến chương các giáo viên, ngày giáo viên Việt Nam, nó vẫn cứ là không hợp. Tại sao mình không bao giờ gọi Thầy Cô là “giáo viên” là vì thế. Nó không hàm chứa sự trân trọng cao quý mà mình luôn muốn bộc lộ mỗi khi nhắc đến nghề giáo.

Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021.

2 thoughts on “♡ 20/11 Kể Chuyện Đi Học Và Thầy Cô ♡

Bình luận