0
Your Cart

♡ Vì Sao Mình Chọn Học Phổ Thông Năng Khiếu? ♡

Mình Chọn Học Phổ Thông Năng Khiếu

Vì Sao Mình Chọn Học Phổ Thông Năng Khiếu?

Mùa tuyển sinh lớp 10 lại đến, câu chuyện trường chuyên lớp chọn lại một lần nữa thành tiêu điểm từ một bài đăng gây tranh cãi của một vị chuyên gia giáo dục nọ.

Cấp 1 và cấp 2, mình học trường công lập nào có chương trình Song ngữ Pháp – Việt gần nhà nhất. Những năm cấp 1, mình cũng đã từng suy nghĩ về việc không theo học chương trình Song ngữ nữa mà thi cấp 2 vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (mình ở TP.HCM). Hồi nhỏ mình cũng hiếu thắng phết đấy, nhưng Bố không ủng hộ. Bố có giải thích cho chị em mình tại sao, và mình cũng biết là nếu mình đòi thì Bố cũng sẽ cho mình thi thôi, nhưng mình thấy ý của Bố hợp lí nên mình không đòi thêm. Sau này, mình thi đội tuyển học sinh giỏi môn toán, từ cấp trường lên cấp quận lên cấp thành phố rồi thi quốc gia. Lên cấp 3, mình chọn theo học chuyên Sinh tại Phổ Thông Năng Khiếu.

1. Tại sao mình không thi Trần Đại Nghĩa vào lớp 6?

Chủ yếu là vì Bố đã thuyết phục mình. Hồi đó mình thấy ý của Bố hợp lí phết, bây giờ (14 năm sau) mình vẫn thấy nó hợp lí.

Cấp 1, Bố Mẹ mình không bắt con phải học nhiều, nên tuổi thơ của mấy chị em mình là thích thì học, không thích thì chơi, dưới định hướng của Bố Mẹ. Năm lớp 4, vì bài tập về nhà nhiều nên trễ rồi mình vẫn chưa đi ngủ. Mẹ bảo “Sức khỏe quan trọng hơn, con đi ngủ đi.” thế là hôm sau mình rất hiên ngang nêu lí do chưa làm xong bài tập về nhà “vì Mẹ bảo con đi ngủ”. Thật ra, mình làm Toán xong rồi vì mình thích học Toán, nhưng mình không thích cách dạy của Cô giáo môn tiếng Pháp lắm nên mình chây ỳ mãi không làm bài. Năm lớp 3, mình vừa làm tập làm văn vừa khóc (môn học mình ghét nhất) thì Bố mình cũng bảo “Học thì phải hứng thú chứ vừa làm bài vừa khóc thì cũng không có ích gì. Đứng dậy đi chơi đi.”

Mình học văn thì dốt mít, học tiếng Pháp được được thì trường Trần Đại Nghĩa không dạy, có mỗi môn Toán là tốt. Mục tiêu thì sát nút, thời gian thì gấp rút, hành trang năng lực trước giờ không chuẩn bị, vậy thì mình thi kiểu gì? 😂 Tất nhiên Bố mình không nói như thế, mà đổi lại Bố dạy mình bài học gián tiếp về ý chí và sự quyết tâm. Một khi đã đặt mục tiêu thi Trần Đại Nghĩa, mình cần phải làm sao đó để tối đa hóa cơ hội. Đổi lại, tình huống của mình khi đó đòi hỏi mình phải lựa chọn và đánh đổi giữa “thích gì học nấy” như xưa giờ vẫn thế và “học với mục tiêu cụ thể”. Từ đó, mình phải cân nhắc liệu mình có thực sự quyết tâm thi Trần Đại Nghĩa không, tại sao mình muốn thì vào trường, hay chỉ là một câu nói nhất thời vì sự ganh tị bồng bột của con nít hiếu thắng?

Tư tưởng của vị chuyên gia giáo dục kia “Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt.” có lẽ cũng là tư tưởng của rất nhiều phụ huynh về việc thi vào trường chuyên nói riêng, hay học giỏi nói chung. Nếu đào sâu hơn về dụng ý của họ, nhiều người hiểu “học thêm” ở đây là “luyện gà” hay tương tự thế. Những điều này thường được thực hiện bằng cách học trước chương trình, cày đi cày lại các dạng đề được dự đoán sẽ xuất hiện trong bài thi (hãy nhìn cách người người nhà nhà “học” IELTS là thấy). Học kiểu này nói dở không dở, nhưng nói hay cũng chẳng hay. Nó không dở bởi phương án này đủ thực dụng, có khả năng cao về hiệu quả ngắn hạn. Nó không hay bởi phương án này có nguy cơ làm suy yếu khả năng suy nghĩ, khám phá, tìm tòi, suy luận và tự nhận thức của người học. Mình năm 10 tuổi không xứng đáng đánh đổi những điều này, vì mình vẫn còn cả một tương lai dài phía trước để phát triển bản thân về thực lực và tư duy thay vì chỉ làm bài theo quán tính. Bài viết trước đây của mình ♡ Kinh Nghiệm Tự Học Năng Suất Cao ♡ là kết quả của quá trình đúc kết sau này mà may mắn là mình được tự do phát triển dưới sự định hướng phù hợp. Tất nhiên, còn có chiều ngược lại, học thêm để khai phá tư duy, mở rộng kiến thức. Nếu được như thế thì quá tốt rồi.

Đấy, đó là lí do vì sao nếu mình đòi thì sẽ vẫn được đi thi thôi (hồi nhỏ Bố chiều mình lắm haha), nhưng sau đó mình lại chẳng đòi nữa. Tất nhiên thời điểm đó mình hoàn toàn có thể thi vì mục đích cọ xát và định vị bản thân, nhưng lúc đó mình còn con nít lắm, chưa đủ hiểu biết đến vậy 😅

2. Vì sao mình chọn học Phổ Thông Năng Khiếu năm lớp 10?

Trong kì thi tuyển sinh lớp 10 của 10 năm về trước, mình may mắn có rất nhiều sự lựa chọn: (1) chuyên Sinh Phổ Thông Năng Khiếu, (2) chương trình Song ngữ THPT chuyên Lê Hồng Phong, (3) chuyên Sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, và (4) chương trình đại trà THPT Nguyễn Thượng Hiền. Cho dù là phương án nào, đây đều vào những trường top đầu của TP.HCM.

Bố nhăm nhe muốn mình học Năng Khiếu từ khi mình… lớp 1 cơ, nhưng mình không hề biết đến sự tồn tại của Phổ Thông Năng Khiếu cho đến giữa năm lớp 9. Mình rất thích phong cách dạy con theo kiểu “không ép buộc” của Bố Mẹ, dù đôi khi mình cảm thấy Bố Mẹ toàn đưa ra gợi ý hay ho cho mình… sát nút quá, làm nhiều khi mình không chuẩn bị kịp. Mình đã từng nghĩ, học chương trình Song ngữ hết lớp 12 đã là định mệnh rồi, vì dù sao thì mình cũng đã theo chương trình 9 năm. Quả là một cú quay xe hơi bị gắt!

Thực sự mà nói, mình thi Phổ Thông Năng Khiếu chỉ để cọ xát, vì mình thiếu quá nhiều sự chuẩn bị. Mình chỉ có thể thực sự dồn sức ôn thi từ tháng 4, tức là chỉ trong 2 – 3 tháng, vì trước đó mình vẫn đang phải đánh cuộc chiến đội tuyển Toán. Tiếng Anh của mình siêu bèo, vì 9 năm học tiếng Pháp chắc chắn không phải là lợi thế. Cả TP.HCM chỉ có khoảng 200 học sinh chương trình Song ngữ mỗi năm, mình luôn biết bản thân mình giỏi trong khu vực an toàn này. Tuy nhiên, mình không thể biết bản thân đang đứng ở đâu so với mặt bằng chung những học sinh khác. Giải Nhì Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Toán của mình cũng chỉ ở nhánh máy tính cầm tay, chưa đủ để so kè về năng lực. Với việc Phổ Thông Năng Khiếu tuyển sinh toàn khu vực miền Nam, đây là một dịp không thể bỏ lỡ để mình định vị bản thân tốt hơn và xác định con đường tương lai. Hơn nữa, lúc này mình đã đủ lớn, đã có những suy nghĩ độc lập đủ để chịu trách nhiệm với quyết định do bản thân đưa ra.

♡ Học Tàn Tàn Thi Đỗ Phổ Thông Năng Khiếu ♡

Lựa chọn học Phổ Thông Năng Khiếu đối với mình là hình tượng của sự dám bứt phá ra khỏi vòng an toàn, là khởi đầu của bài học cân nhắc thiệt hơn trong việc định hướng tương lai về dài hạn. Những điều này chưa đóng vai trò quan trọng ở độ tuổi 10 – 11, nhưng nó lại đủ quan trọng khi mình đã 14 – 15 tuổi. Tại sao chọn học Phổ Thông Năng Khiếu lại không phải là phương án an toàn dành cho mình? Mình phải học chuyên Sinh, mà 2 năm trước mình còn bị học sinh tiên tiến vì điểm trung bình 6,4. Mình phải học tiếng Anh, mà 9 năm trước đó các Thầy Cô đều nhắm mắt cho qua. Mình gặp 100% bạn mới, mà chương trình Song ngữ việc bạn học cùng lớp với 10 – 15 người từ lớp 1 đến lớp 12 là chuyện bình thường.

Đây cũng có thể coi là lần đầu tiên mình lựa chọn phương án ít an toàn hơn, nhưng nhờ đó mình học được bài học về “rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao“. Vì mình đã “dám” một lần, thì mình sẽ còn “dám” lần 2, lần 3. Nhờ đó, mình mới tìm ra ♡ Công Thức Chuyển Ngành Thành Công ♡ và không ngại thích nghi với sự thay đổi của thời cuộc. Trong khi vị chuyên gia giáo dục kia chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực về áp lực cạnh tranh của trường chuyên, nhưng cạnh tranh vốn dĩ là điều kiện để phát triển, không thể khác được. Cạnh tranh càng cao, bài học càng nhiều. Cớ gì mình lại từ chối những bài học trường đời quý giá như thế này?



Đã lâu rồi mình có đọc được những nhận định về trường chuyên như thế này:
“Trường chuyên là nơi có môi trường giáo dục tốt nhất của khu vực, sao lại không vào?”
“Môi trường gồm các học sinh có năng lực sẽ là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những ước mơ cao xa nhưng không hề viển vông. Ước mơ sẽ tạo động lực để phấn đấu.”

14.06.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Vì Sao Mình Chọn Học Phổ Thông Năng Khiếu?, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Tư Duy Về Chuyện Học.

Bình luận