Ước Mơ Bắt Đầu Từ Đâu?
Bình thường, khi ngồi tàu điện ngầm đi làm, mình hay tập trung làm một thứ gì đó, như đọc sách trên Kindle, đọc truyện hay xem phim ngôn tình Trung Quốc. Thế mà hôm nay, mình hơi ngẩn ngơ một chút, và lúc tàu đi ngang qua khu Canary Wharf, nhìn thấy những toà cao ốc chọc trời của HSBC, Barclays, KPMG, v.v… gợi cho mình hoài niệm về hành trình 2,5 năm trở lại đây ở London. Lúc còn ở Việt Nam, mình chỉ là vu vơ tìm hiểu về Big 4 và thị trường tài chính cho biết mà thôi, vì tò mò với những câu chuyện người Việt vào Big 4 ở Mĩ được đăng trên các trang báo. Còn bây giờ, mình đã đang từng bước đặt chân đến nơi này.
Mình đã viết bài ♡ Công Thức Chuyển Ngành Thành Công ♡ (tiếng Pháp > toán > sinh > khách sạn > tài chính) với từng bước cụ thể hi vọng bạn sẽ chuyển hướng một cách nhẹ nhàng nhất. Bước 1 của công thức này là bạn cần biết bạn muốn đi đâu, tức là bạn phải xác định được con đường lâu dài bạn đang nhắm đến là gì, thông qua Ikigai. 1 trong 4 yếu tố tạo nên Ikigai lại là “điều bạn thích”, hay nói mĩ miều hơn, là ước mơ, là đam mê của bạn. Vậy ước mơ là gì, và ước mơ bắt đầu từ đâu?
Câu chuyện trong bài viết hôm nay mang tính cá nhân hơi cao, và chưa chắc sẽ luôn áp dụng đúng với bạn. Dù vậy, mình hi vọng bạn sẽ có thêm góc nhìn để xác định rõ hơn định hướng tương lai nghề nghiệp cho riêng mình.
1. Cấp 3 – Điều bạn giỏi và hứng thú
9 năm học phổ thông đã qua và 14 năm sống trên đời hẳn đã cho bạn phần nào khái niệm về năng lực của bản thân ở các khía cạnh khác nhau. Ước mơ, biết đâu rất đơn giản, lại bắt đầu từ những thứ giản đơn này. Kể cả khi bạn cảm thấy mình không đặc biệt giỏi hay hứng thú ở bất kì một lĩnh vực nào đi chăng nữa, thì chắc chắn bạn cũng cảm thấy có một (vài) lĩnh vực mà bạn làm tốt hơn hoặc có hứng thú hơn so với những lĩnh vực khác. Nếu bạn cảm thấy bạn không giỏi gì, cũng không dở gì, cũng không hứng thú gì, mà cũng không ghét gì, thì mình nghĩ là bạn nên nghiêm túc quan sát bản thân 6 tháng, ghi chú lại những để ý và cảm xúc nhỏ nhặt của bản thân mỗi ngày, và tìm kiếm phương hướng đi thôi.
Bạn có cảm thấy những tiết học mĩ thuật, âm nhạc trên trường thú vị? Bạn có động lực chú tâm nghe Thầy Cô giảng bài môn ngữ văn? Bạn có mong chờ đến tiết học thể dục để có thể vận động tay chân một chút hơn chỉ là liên tục ngồi trên bàn học? [1]
[1] Bạn biết tại sao mình không đề cập đến điểm số không? Vì trải nghiệm của mình cho thấy điểm số trên trường không phản ánh đúng tương quan năng lực và hứng thú của mình với môn học. Mình đã không có niềm tin rằng điểm học bạ cho thấy năng lực của mình từ lớp 6 rồi, vì điểm lịch sử và tiếng Anh của mình cao hơn toán rất nhiều 🥲. Nếu bạn tin điểm số phản ánh đúng thực lực của bạn, oke không vấn đề gì. Chỉ là mình không hiểu vì sao điểm của mình nó cứ tùm lum chả đúng gì, chắc tại mình làm bài kiểm tra và thi học kì theo cảm xúc 😂
Bạn biết không, bạn không cần phải ép bản thân ở giai đoạn này phải biết chắc chắn bản thân thích gì muốn gì làm gì cả. Con đường của bạn vẫn còn rất dài. Người trẻ luôn có lợi thế về thời gian, rằng nếu sai bạn vẫn còn (rất nhiều) cơ hội để sửa. Nếu sau 3 năm cấp 3 và bạn cảm thấy định hướng của bạn khác đi cũng là điều rất bình thường.
Anh trai mình từ nhỏ đã muốn làm bác sĩ, lên cấp 3 học chuyên Hoá, thi đỗ y đa khoa Đại học Y Dược TP.HCM, ra trường làm bác sĩ, rồi học lên thạc sĩ khoa Ngoại Thần Kinh, và ra trường công tác đúng chuyên môn. Mình ngưỡng mộ những con đường thẳng như thế, nhưng điều đó không có nghĩa mình không ngưỡng mộ con đường vòng vèo nhảy ngang bơi dọc của mình.
2. Đại học – Can đảm chọn ngành đi
Năm mình học lớp 11, mình cũng đã từng trải qua loạt cảm xúc lên bờ xuống ruộng vì chọn ngành. Mấy đứa bạn ngồi xung quanh mình trên lớp đã được chứng kiến mỗi tuần mình lại muốn học một ngành khác nhau, từ y đa khoa, răng hàm mặt, nghiên cứu khoa học tế bào gốc, đến kĩ sư máy bay, rồi quản trị kinh doanh, cuối cùng dừng chân ở quản trị khách sạn khi mình chính thức nộp đơn xin học vào Tết lớp 11.
Ở độ tuổi 17 – 18, mông lung trong câu chuyện chọn ngành là điều hết sức bình thường, và mình cũng muốn nhân đây củng cố tinh thần cho các em rằng: Cứ can đảm chọn đi, chọn theo mong muốn thực sự của chính mình, đừng chỉ vì Bố Mẹ yêu cầu chọn ngành A mà đâm ra ghét nó theo cảm tính, thay vào đó hãy tìm hiểu thật kĩ trước khi chọn. Nếu bạn chưa chắc chắn nên chọn ngành nào, thì cứ chọn 1 ngành đi, chọn ngành nào khiến bạn cảm thấy thoải mái với bản thân nhất, không phải ngành được nhiều người đồng tình nhất. Biết đâu, ước mơ bắt đầu từ đây đó.
Tại sao đây chưa phải là ước mơ? Bởi vì học trên sách vở và thực tế rất khác nhau. Học ngành quản trị khách sạn là học về mọi bộ phận trong khách sạn, nhưng không ai làm tất cả các bộ phận trong khách sạn cả. Học quản trị kinh doanh là học về mọi mặt trong việc vận hành một doanh nghiệp, nhưng cũng không ai làm tất cả mọi bộ phận cả. Chúng ta có thể quản trị mọi bộ phận, nhưng không ai làm mọi bộ phận, hoặc nếu có thì cũng không thể chuyên sâu.
Vậy nên, trừ phi bạn chắc chắn rất rõ, thì việc cân nhắc nên học Quản trị kinh doanh hay Kinh doanh quốc tế chỉ mang tính tương đối. Không có ngành nào tốt hơn ngành nào và ngành nào dở hơn ngành nào. Nếu có thể, bạn thậm chí cứ tìm những môn học nào được dạy trong chương trình học của các ngành này để có thêm phương hướng lựa chọn. Sau này, với những kiến thức liên quan học trên trường, nếu cần thiết, bạn luôn có thể bổ túc và phổ cập thêm những kiến thức khác.
Trong những hội nhóm của những người trẻ tầm tuổi học sinh sinh viên, câu hỏi muôn thuở nên chọn ngành hay chọn trường xuất hiện từ năm này qua năm khác. Hầu hết mọi người đều sẽ khuyên chọn ngành trước khi chọn trường, mình cũng đồng tình trong hầu hết trường hợp, nhưng không phải 100%. Thật ra, hồi mình đang là sinh viên, mình đã từng nghĩ kiểu “Mình hiểu tại sao nhiều người phân vân chọn trường trước khi chọn ngành, nhưng mình không hề đồng tình tí nào.” Cho đến gần đây, khi mình chính thức xác định sẽ chuyển hướng sang ngành dịch vụ tài chính, mình mới hiểu rõ hơn.
Trường hợp bạn đã biết rất rõ mong muốn của bản thân, như Anh trai mình trong câu chuyện phía trên, thì chọn ngành trước là đương nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ xác định mình sẽ theo học nhóm khối ngành kinh doanh kinh tế tài chính gì đó, mà không chắc chắn một ngành nào cụ thể của một trường nào cụ thể, thì chọn trường trước thậm chí lại là lợi thế, vì môi trường học có tác động rất lớn đến tư duy của bạn.
Trong bài ♡ Tại Sao Mình Chọn Học Quản Trị Khách Sạn? ♡, một lí do mình học Quản trị khách sạn là vì mình muốn ở trong guồng quay thời thế. May mắn là mình học tại Les Roches và Glion, là môi trường mà những người đi trước – dù học cùng ngành với Quản trị khách sạn với mình – lại thành công ở những lĩnh vực rất khác nhau, từ khách sạn, đến nhà hàng, đến hàng không, đến tài chính, đến kinh doanh, đến ngân hàng, đến nhân sự, vân vân và mây mây. Nếu không trải qua môi trường như thế, có lẽ mình đã nghĩ “Phải làm trái ngành là do mình không đủ giỏi.”, “Làm trái ngành là rất khó khăn.”, “Ngành khách sạn là bèo bọt.” như phần lớn định kiến thường thấy.
Việc chọn trường cũng không cần so bè quá kĩ lưỡng, mà chỉ cần chia các trường theo nhóm là được: nhóm trường lâu đời, có tiếng cao, chất lượng đảm bảo (Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân), nhóm trường quốc tế xịn (RMIT, Fulbright), nhóm v.v…
Xin lỗi các bạn, mình không học đại học ở Việt Nam nên ngoài 2 nhóm này ra thì mình cũng không biết nhóm nào khác.
Nếu đi du học Anh, bạn có thể chia các trường làm khoảng 5 nhóm: nhóm OxBridge (Oxford, Cambridge), nhóm Russell (các trường khác thuộc Russell, không tính OxBridge), nhóm trường công trong top 50/100 gì đó (không tính Russell), nhóm trường công ngoài top, và nhóm trường tư. Hoặc là đi du học Mĩ, bạn cũng chia các trường theo nhóm (nhóm IvyLeague, nhóm top top xịn nhưng ngoài Ivy như MIT, nhóm top 50, nhóm top 100 gì gì đó, v.v…). Không cần phải so bè trong mỗi nhóm trường nào tốt hơn trường nào (như Ngoại Thương hay Kinh Tế Quốc Dân, Harvard hay Stanford), vì sự chênh lệch là không đáng kể.
Tiêu đề của mục này “Can đảm chọn đi”, vì ngay cả bản thân bạn cũng chưa chắn bạn sẽ theo ngành bạn học suốt sự nghiệp sau này. Chồng mình học tài chính, nhưng Anh ấy làm Quản trị rủi ro. Mình học Quản trị khách sạn, nhưng mình làm Tư vấn tài chính. Không phải tụi mình (và nhiều người khác) cố tình làm trái ngành, hay buộc phải làm trái ngành vì bất kì lí do gì. Chỉ đơn giản, không ai biết trước được tương lai, và biết đâu ngành bạn học sẽ biến mất trong 10 năm nữa, hay thậm chí 10 năm nữa ngành bạn thực sự có thể bứt phá mới xuất hiện. Cứ can đảm chọn đi, nếu chưa chuẩn thì chuyển hướng thôi.
Tất nhiên, càng về sau này, rủi ro của việc thay đổi định hướng càng lớn, vì thời gian đã trôi qua, và trách nhiệm của mỗi người cũng thường nhiều hơn. Điều này không nói rằng bạn không thể làm nữa, chỉ là những giới hạn trong cuộc sống đa phần sẽ khiến quá trình chuyển dịch này chậm hơn, và đòi hỏi nhiều sự thoả hiệp hơn.
3. Môi trường xung quanh
Khi còn bé, nếu được hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?”, thì hầu hết chúng ta đều chỉ bắt đầu ước mơ từ những nghề nghiệp rất cổ điển như bác sĩ, giáo viên, công an, luật sư, v.v… vì chúng ta đâu biết gì khác. Gần như sẽ không có một đứa trẻ 5 tuổi nào sẽ trả lời “Con muốn làm tư vấn tài chính về thị trường vốn.” 😂 Mình cũng vậy.
Môi trường mà mình lớn lên không cho mình biết có một thị trường tài chính thú vị đến thế. Mình không trách Bố Mẹ, vì mình biết Bố Mẹ đã làm hết sức có thể để mở rộng môi trường tiếp xúc để có cơ hội tối đa cho con cái. Việc gợi ý cho mình đi học Quản trị khách sạn là bằng chứng rất rõ. Mình biết Bố Mẹ lo lắng, vì thế giới ấy khác quá xa với những gì Bố Mẹ từng trải nghiệm. Chỉ đến khi mình quen Chồng và đặt chân đến London, mình mới tìm cách mở rộng giới hạn của bản thân hơn cả những gì Bố Mẹ từng cố gắng cho mình. (Công việc tư vấn tài chính còn xa lắc xa lơ hơn cả công việc quản trị khách sạn Bố Mẹ từng lo lắng 🥲)
Nếu bạn không biết nó tồn tại, thì bạn sẽ không thể nào thích nó được. Vậy nên, ở mục 2, bạn cứ can đảm chọn ngành đi, biết đâu sau này một ngành mới sẽ xuất hiện và hấp dẫn bạn hơn, hoặc là bạn thay đổi định hướng vì tiếp xúc với một thế giới rộng lớn với nhiều cơ hội hơn. Dù thế nào, miễn ước mơ bắt đầu từ chính bản thân bạn, thì rồi bạn sẽ tìm được con đường cho riêng mình thôi.
03.08.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Ước Mơ Bắt Đầu Từ Đâu?, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Suy Ngẫm.