Chào các bạn! Bài này không ngắn, các bạn kiên nhẫn nhé.
Ngành Quản trị khách sạn đang ngày càng trở nên phổ biến. Không thể phủ nhận sức hút của khả năng mở rộng quy mô mạng lưới quan hệ cũng như sự hào nhoáng khi làm việc tại các khách sạn cấp cao. Tuy nhiên, đừng quên đổi lại, để tiếp cận nền giáo dục đàn áp cả thế giới về ngành Quản trị khách sạn của đất nước nhỏ bé Thuỵ Sĩ, chi phí bạn cần bỏ ra cao hơn rất nhiều so với việc học các ngành khác hay tại các quốc gia khác. Do đó, hãy sử dụng chi phí đó một cách thật hiệu quả, và mình sẽ đưa các bạn đi từng bước một để hạn chế sự uổng phí, cả thời gian lẫn hiện kim khi chọn trường.
1. Xác định ngành học
Quản trị khách sạn thực tế là một ngành rất rộng, và dịch ra đúng nghĩa Hospitality nên là Dịch vụ khách hàng thì hơn. Tại Thuỵ Sĩ có những khoá học chuyên về rất nhiều mảng của ngành như: Kinh doanh (Business), Nghệ thuật ẩm thực (Culinary Arts), Sự kiện (Event), Thể thao (Sport), Giải trí (Entertainment), Công nghiệp dịch vụ (Service Industry), Tài chính (Finance), Lãnh đạo (Leadership), Khách sạn (Hotel), Du lịch (Tourism), Khu nghỉ mát (Resort), Spa, Dịch vụ ăn uống (Food & Beverage), Nhà hàng (Restaurant), Thiết kế (Design), Pastry (Làm bánh), Marketing (Tiếp thị). Không phải trường nào cũng có chương trình học cho tất cả các mảng của Quản trị khách sạn. Vì thế, theo mình, các bạn cố gắng hình dung xác định được mảng nào của ngành mà các bạn hướng đến về lâu dài rồi hãy chọn trường có những chương trình học phù hợp với sở thích, định hướng cũng như năng lực của bản thân.
2. Chi phí và giá trị của chi phí
Du học Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ là một thị trường có tính chất đặc trưng rất riêng. Sự chênh lệch về chi phí tổng giữa các trường là rất lớn. Sau khi đã có định hướng lâu dài về sự nghiệp, tiền là yếu tố lớn nhất khi chọn trường, thấp thì cũng phải 2,6 tỉ cho toàn bộ chương trình học, cao thì có thể lên đến 5,4 tỉ đồng. Với chi phí chênh lệch lớn đến gấp đôi hoặc hơn gấp đôi nhau, nếu bạn có một ranh giới cụ thể, sự lựa chọn của bạn (đáng tiếc) là không nhiều, vì vốn dĩ tổng cộng cũng chỉ có trên dưới 10 trường Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ có chương trình học bằng tiếng Anh thôi.
Mình đã từng tổng hợp Chi phí 12 trường Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ. Có những trường khác nữa, nhưng tại thời điểm này chất lượng của các trường kia không có đủ tính chất đảm bảo so với sự lựa chọn tại các quốc gia khác nên mình không đề cập vào. Đây là số liệu khá mới, và chắc chắn rằng tính chất tham khảo và so sánh của bảng này là cực kì hữu ích cho bạn đưa ra vài cái tên để đặt lên bàn cân khi so sánh các yếu tố khác.
Về giá trị của chi phí, mình sẽ phải kết hợp với các yếu tố khác phía dưới để có đánh giá toàn diện liệu phần chi phí bỏ ra có thật sự tương xứng hay không.
3. Bảng xếp hạng
Về tính chất học thuật, một trong số các bảng xếp hạng phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất là QS World University Rankings được cập nhật hàng năm. Ngoài ra, riêng về các trường Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ, mình còn sử dụng bảng của CEOWorld nữa. Hơn thế nữa, mình còn so sánh 2 bảng này với nhau tại đây, phân tích các tiêu chí đánh giá cũng như bảng nào thì nên dùng khi nào. Tuy vậy, giống như cách mà chính CEOWorld đã nói trong bài của họ, bảng xếp hạng nào cũng không nên là khía cạnh quan trọng nhất trong quá trình lựa chọn trường Quản trị khách sạn, mà nó chỉ là một trong các yếu tố để cân nhắc thôi.
Theo mình, 3 yếu tố trên là tối quan trọng trong quá trình lựa chọn trường Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ. Còn có một số các yếu tố khác để cân nhắc, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng tìm được thông tin đó của tất cả các trường để có thể có sự so sánh đầy đủ.
4. Cơ hội nghề nghiệp
Khi đi học, ai cũng hi vọng vào kết quả đầu ra, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có được con số cụ thể để đo lường tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại trường. Cơ mà, kể cả khi có con số, nó cũng không phản ánh đầy đủ mong muốn của bạn, vì các sinh viên tốt nghiệp có thể họ muốn làm trong nhà hàng khách sạn, nhưng bạn lại muốn làm về sự kiện chẳng hạn, đồng thời thị trường ngành dịch vụ lại thay đổi liên tục phụ thuộc xu hướng của khách hàng.
Một cách để tìm hiểu yếu tố này là sử dụng LinkedIn và tìm cựu sinh viên của trường, lật sơ qua các hồ sơ tại khu vực mong muốn xem những người tốt nghiệp đi theo hướng nào. LinkedIn có bộ lọc để bạn có thể chọn thời gian họ theo học tại trường giúp bạn có cái nhìn hoàn chỉnh hơn cho riêng mình. Chọn khu vực là rất quan trọng, vì ngoài kế hoạch cá nhân, nó đồng thời phản ánh một phần tình hình thị trường tại nơi đó nữa.
5. Nhu cầu cá nhân
Nếu bạn đang thắc mắc sự kì lạ của việc đưa nhu cầu cá nhân vào giai đoạn chọn trường, thì đọc tiếp nhé 🙂
Ở bậc Sau Đại học thì thường chương trình học không dài, nhiều khi có thể cho qua. Nhưng việc học Đại học sẽ làm bạn “phải” gắn bó với một nơi trong suốt 3 – 4 năm, nên có một số yếu tố thuộc về cá nhân nên được cân nhắc nếu bạn thuộc dạng “khó tính”.
Bạn muốn sống ở thành phố sôi động, miền quê yên bình, hay trên núi phong cảnh tuyệt đẹp? Vị trí của trường lúc đó cần được xem xét. Sau tốt nghiệp, bạn định hướng sự nghiệp của mình đến đâu, sự “linh hoạt” trong định hướng đó chiếm tỉ lệ thế nào? Cần phải kể đến, tên của bằng cấp bạn cầm trên tay có một sự quyết định “nhẹ” trong một số trường hợp cố định, vì bằng B.B.A. (Bachelof of Business Administration – Cử nhân quản trị kinh doanh) có ý nghĩa và tính chất khác đối với nhà tuyển dụng của một số thị trường so với B.I.B. (Bachelor of International Business – Cử nhân kinh doanh quốc tế) hay B.A. (Bachelor of Arts) và B.Sc. (Bachelor of Science) và cả tên chương trình học đi sau cái tên bằng ấy nữa, như Les Roches cấp bằng BBA in Global Hospitality Management sẽ có tính chất khác so với Glion cấp bằng BBA in International Hospitality Business, và nó phản ánh lên cả tỉ lệ tuyển dụng ở các thị trường khác nhau, các bạn lên LinkedIn sẽ thấy. Nhưng, dù có sức ảnh hưởng, yếu tố này vẫn đi sau yếu tố danh tiếng của trường, đó là thực tế.
Theo mình, những yếu tố cần thiết nhất có thể dừng lại tại đây. Chọn trường là một công đoạn không dễ, mình thừa nhận, vì nó đặt dấu vào hồ sơ của bạn trong suốt cuộc đời sau này. Đừng chọn đại, vì một ngày nào đó bạn sẽ hối hận. Hãy cân nhắc kĩ, vì dù có hơi không chuẩn ở một thời điểm nào đó trong tương lai, bạn cũng đã làm hết khả năng ở thời điểm hiện tại, và rèn luyện được kĩ năng phân tích và đánh giá – vốn rất quan trọng dù bạn làm bất kì việc gì về sau.
13.04.2021
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.
One thought on “♡ Từng Bước Chọn Trường Du Học Quản Trị Khách Sạn Thuỵ Sĩ ♡”