0
Your Cart

♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 3] ♡

tự học CFA level 1

♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 1] ♡
♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 2] ♡
♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 3] ♡

CFA – Chartered Financial Analyst – chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp, là một trong những kì thi được coi là thuộc dạng khốc liệt nhất trong lĩnh vực phân tích đầu tư và cố vấn tài chính. Mình hoàn thành bài thi cấp độ 1 của đợt 08/2024 và vừa nhận kết quả.

Trong bài viết này, mình sẽ rút kinh nghiệm, nếu được học để thi lại thì quá trình ôn tập của mình sẽ như thế nào (đồng thời cũng chuẩn bị để thi bài cấp độ 2), và những điều mình hi vọng đã có ai đó nói cho mình biết trước khi thi.

3. Rút kinh nghiệm từ trải nghiệm của mình

3.3. !!!!! Cái máy tính cầm tay là cứu tinh !!!!!

Mình sử dụng Texas Instruments BA II Plus Professional Professional Professional. Cái gì quan trọng nhắc lại 3 lần.

Mình không biết bạn có thể mua máy này ở đâu ở Việt Nam (mình ở Anh nên mua trên Amazon). Máy tính này RẤT khác so với máy không professional, có nhiều tính năng xịn hơn, nhưng phím khó bấm hơn.

(Mình có 2 máy không professional + 1 máy professional, đã trải nghiệm ✅).

Youtube có tất cả thể loại hướng dẫn sử dụng máy tính này ở các dạng bài. Dù hầu hết mọi hướng dẫn sử dụng đều y chang với máy không professional, nhưng có những tính năng chỉ máy professional mới có, và nó sẽ giúp bạn tránh phải nhớ những công thức dài ngoằng.

Bằng mọi cách, bạn nên tìm mua máy professional nếu có thể. Bạn có thể mua thêm một máy không professional làm sơ cua, nhưng mình rất rất rất khuyến nghị bạn dùng máy professional để thi.

Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy cái máy tính cầm tay này hơi “ngu” so với máy Casio hay Vinacal thông thường (phát ngôn của giải nhì học sinh giỏi quốc gia toán MTBT 2013 – là mình), nhưng mà chỉ cần bạn xem Youtube và hiểu cơ chế thao tác thì bạn sẽ thấy nó thông minh kinh khủng khiếp luôn (thậm chí còn thông minh hơn Excel trong vài tình huống 🙄).

Bằng mọi cách, bạn hãy tìm và cày hết các video hướng dẫn sử dụng máy tính này trên Youtube, tốt nhất là học đến môn nào thì biết môn đó. Thời gian đầu mình không biết, mình đã cố gắng giải tất cả mọi thứ bằng công thức và các cách tính dài ngoằng, để rồi một ngày nhận ra hoá ra mình chỉ cần vài nút bấm. Bạn không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn giải toả những áp lực không cần thiết.

3.4. Trong quá trình học, hãy ghi chú một cách có chiến thuật

Lượng kiến thức của CFA thực sự rất nhiều, nên việc ghi chú lại tất cả kiến thức trọng tâm để sau này ôn lại vẫn là quá nhiều. Kaplan Schweser có cuốn sách Secret Sauce, nhưng mình chưa từng mở nó ra, nên mình nghĩ chiến thuật ghi chú phải… trọng tâm hơn thế nữa. Cuốn Secret Sauce vẫn quá dày.

Chiến lược ghi chú mình sẽ tiếp tục áp dụng khi tự học CFA lên cấp độ 2 từ kinh nghiệm của level 1 là mình sẽ chỉ ghi chú những nội dung mà mình nghĩ rằng mình sẽ dễ quên. Không phải lúc nào ngay khi đang học lí thuyết, bạn cũng biết được kiến thức nào bản thân dễ quên. Do vậy, quá trình học liên tục và giải bộ câu hỏi luyện tập sẽ giúp bạn gọt giũa lại ghi chú đó. Mục tiêu là bạn sẽ cắt đi để không bị phân tâm bởi những kiến thức bạn đã rất rõ ràng rồi, và đồng thời cũng bổ sung thêm những kiến thức bạn đã vô tình bỏ qua.

Nếu bạn muốn tham khảo ghi chú của mình khi tự học CFA level 1, bạn có thể tải ở nút dưới đây.

Mình mong bạn không quên, rằng mỗi người trong chúng ta có thế mạnh và điểm yếu riêng trong chuyện học. Mình hi vọng bạn chỉ xem ghi chú của mình là một tài liệu tham khảo, chứ đừng nghĩ chỉ cần từng này là thi đỗ đâu nha.

3.5. Nghỉ ngơi đầy đủ trong ngày cuối cùng trước khi thi và ngày thi

Mình hay tự tin nói rằng bản thân đã đi thi quá nhiều nên tâm lí chuẩn bị trước khi thi cử hay tâm lí phòng thi của mình đều rất số dzách… Ấy vậy mà mình lại mắc phải một lỗi (không) sơ đẳng (lắm) trong đợt thi này.

Mình thật sự có chút cảm giác sợ hãi trước khi thi, vì dòng thời gian học bài có hơi trễ hơn so với dự định ban đầu. Mình chỉ thực sự tự học CFA level 1 vào 4 tháng trước ngày thi, chỉ thực sự hoàn thành xong phần lí thuyết 2 tuần trước ngày thi. Mình xem dự đoán điểm đỗ của những đợt thi trước, thì trong vòng 3 năm trở lại đây, có lần điểm đỗ được dự đoán lên đến 74%, trong khi điểm thi thử của mình dao động khoảng 80%, tức là không quá vượt trội.

Giờ thi của mình là 15:00, dẫn đến việc mình đã dành vài tiếng đồng hồ trước đó để giải thêm gần cả trăm câu hỏi luyện tập. Mặc dù nó củng cố thêm niềm tin cho tâm lí trước giờ thi, nhưng nó cũng rút cạn năng lượng và khả năng tập trung trong phòng thi của mình. Kì thi CFA cấp độ 1 kéo đến 5 tiếng đồng hồ, rất dài. Đáng tiếc, vì lỗi này, mình hoàn toàn đuối sức trong khoảng 1,5 tiếng đồng hồ cuối cùng. Tất nhiên mình cũng đưa ra sự điều chỉnh tại chỗ cho phù hợp, như là đọc câu hỏi chậm hơn nhiều để đi con đường chậm mà chắc (bình thường mình đi con đường cân bằng giữa tốc độ và độ chính xác), nhưng đây rõ ràng là không phải tình huống tối ưu cho một kì thi quan trọng.

Do vậy, bạn đừng như mình. Hãy lắng nghe cơ thể bạn, cân nhắc cân bằng nghỉ ngơi và ôn tập, đặc biệt là thời gian sát nút trước khi kì thi diễn ra.

4. Phân tích thời gian học và điểm số của mình

Dưới đây là 2 biểu đồ so sánh giữa thời gian mình dành ra để học các môn và điểm số của các môn đó.

Lưu ý là CFA không trả điểm về mà chỉ trả một biểu đồ tương quan. Mình đã lấy thước đo biểu đồ đó để đoán điểm, nên điểm chỉ gần đúng, chứ không chuẩn 100%.

Trong biểu đồ trên, cột màu xanh nhạt là thời gian mình dành để học các môn, xếp theo thứ tự từ nhiều nhất đến ít nhất. Vạch màu xanh đậm là mục tiêu về thời gian học, dựa trên tỉ lệ điểm thi của môn đó trong tổng điểm cuối cùng. Bạn cũng thấy, ở hầu hết các môn, mình đều không hoàn thành mục tiêu.

Mặc dù người ta ghi là mục tiêu thời gian học mỗi cấp độ CFA rơi vào khoảng 300 giờ học, và thời gian học của mình là 299,2 giờ, nhưng mình vẫn không đạt mục tiêu ở hầu hết các môn, bởi vì thực tế 57,9 giờ trong số đó không phải dành cho phần tự học chính thức của CFA level 1. Việc mình không học đủ thời gian nhưng thi đỗ có một phần nhờ may mắn do hành trang kiến thức đã có từ trước cũng như nền tảng toán rất vững, thậm chí có thể gọi là vượt trội so với mặt bằng chung. Mình có thể không giỏi toán cao cấp vì không được học, nhưng những kiến thức toán CFA chỉ dao động trong cộng trừ nhân chia luỹ thừa và logarit, vốn không khó đối với mình.

Một góc độ khác để nhìn sự tương quan giữa điểm và thời gian học các môn. Quả bóng càng to tức là tỉ trọng của môn đó càng lớn trong tổng điểm. Quả bóng càng ở phía bên phải tức là mình càng dành nhiều thời gian để học. Quả bóng càng nằm ở trên cao thì điểm của mình càng cao.

Mình không có môn nào điểm dưới 70%. Corporate issuers là môn học dễ, mình học rất ít, chỉ 12,5 giờ, nhưng điểm lại tiệm cận 100%. Mình nghĩ, điều khiến mình cảm thấy khá hài lòng trong quá trình tự học CFA level 1 là kết quả cho ra đồng đều, không có môn nào tụt lại hẳn.

5. Ngày thi thực tế

Bài thi CFA cấp độ 1 kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Bạn có 30 phút nghỉ giữa giờ. Khoảng thời gian nghỉ này là tự chọn, nghỉ hoặc không. Bạn cũng có thể tự chọn thời gian nghỉ ngắn hơn 30 phút nếu muốn.

Trong quá trình làm đề thi thử, mình đã ngộ ra một chiến thuật: Mình không có đủ thời gian để kiểm tra lại tất cả các câu sau khi làm xong, nên khâu cắm cờ trong quá trình làm phải hết sức thông minh.

Ban đầu khi làm bài, mình cắm cờ với mục đích để sau này kiểm tra lại. Mình không cắm cờ tất cả các câu mình không an tâm. Những câu mình không an tâm thì trước hết là mình đọc lại, thử lại, tính lại ngay tại lúc đó luôn. Nếu mình cảm thấy không an tâm về một câu nào đó, và mình cảm thấy kể cả cuối buổi nếu có quay ra kiểm tra lại thì mình vẫn sẽ không đổi ý, câu đó mình sẽ không cắm cờ. Nói cách khác, mình chỉ cắm cờ những câu mà mình có khả năng sẽ đổi ý và cần cân nhắc kĩ lưỡng hơn nữa khi có một cái nhìn tươi mới thay vì quán tính chúi đầu vào ngõ cụt.

Sau khi làm hết một lượt các câu hỏi, trong lúc kiểm tra lại các câu cắm cờ thì mình không bỏ cờ đi. Sau khi kiểm tra hết câu cờ thì mình sẽ kiểm tra ngẫu nhiên những câu không được cắm cờ. Sau khi kiểm tra ngẫu nhiên câu nào thì mình cắm cờ câu đó. Lúc này, cờ đã đổi mục đích, thành những câu đã được kiểm tra lại lần 2 rồi.

Việc kiểm tra ngẫu nhiên này rất hiệu quả, hiệu quả hơn kiểm tra theo thứ tự, vì bạn sẽ không bị sa đà vào quán tính suy nghĩ của môn đang làm, dẫn đến góc nhìn sẽ mới mẻ hơn và dễ phát hiện sai sót hơn.



Xuyên suốt quá trình tự học CFA level 1, mình đã đi theo một chiến thuật học tập khá bài bản, vừa đánh nhanh thắng nhanh mà vừa đánh chắc thắng chắc. Mình đề ra định hướng từ đầu, giữ vững tâm lí trước những “lời mời gọi” học theo cách khác, để cuối cùng công sức không tốn nhiều mà kết quả lại khá đồng đều.

10.11.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tự Học CFA Level 1 [Phần 3], hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Học Tài Chính.

Bình luận