0
Your Cart

♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 2] ♡

tự học cfa level 1

♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 1] ♡
♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 2] ♡
♡ Tự Học CFA Level 1 [Phần 3] ♡

CFA – Chartered Financial Analyst – chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp, là một trong những kì thi được coi là thuộc dạng khốc liệt nhất trong lĩnh vực phân tích đầu tư và cố vấn tài chính. Mình hoàn thành bài thi cấp độ 1 của đợt 08/2024 và vừa nhận kết quả.

Trong bài viết này, mình sẽ rút kinh nghiệm, nếu được học để thi lại thì quá trình ôn tập của mình sẽ như thế nào (đồng thời cũng chuẩn bị để thi bài cấp độ 2), và những điều mình hi vọng đã có ai đó nói cho mình biết trước khi thi.

2. Lộ trình tự học CFA level 1

2.3. CHIẾN THUẬT ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Mỗi ngày, làm 20 câu hỏi của những môn bạn đã học xong!
Mỗi Ngày, Làm 20 Câu Hỏi Của Những Môn Bạn Đã Học Xong!!
MỖI NGÀY, LÀM 20 CÂU HỎI CỦA NHỮNG MÔN BẠN ĐÃ HỌC XONG!!!

Chiến thuật này đặc biệt quan trọng, được mình rút ra sau khi thi ACA bậc Certificate (bài viết ♡ ACA Bậc Certificate Tất Tần Tật ♡).
(Tất nhiên, nếu bạn chưa học xong môn nào thì tạm bỏ qua mục này.)

Xét về bản chất, thật ra nó cũng chả đặc biệt thế (haha), đây chỉ là phương pháp lặp lại ngắt quãng rất phổ biến trong việc học mà thôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm 6 tháng vừa qua cho thấy, việc mình làm 20 câu hỏi của những môn đã học xong mỗi ngày giúp ghi nhớ kiến thức rất hiệu quả xuyên suốt quá trình tự học CFA level 1, và nó siêu dễ thực hiện.

À, 20 câu này là tổng cộng 20 câu cho tất cả các môn đã học xong, không phải mỗi môn 20 câu đâu nhé. Dễ lắm, làm rẹt cái là xong à.

CFA cấp độ 1 có tất cả 10 môn. Nếu lộ trình học của bạn không có một chiến lược nào để bạn liên tục ôn lại kiến thức cũ, chỉ cần 2 tuần thôi là bạn sẽ thấy kiến thức ấy như mới luôn, đặc biệt nếu đó không phải là kiến thức bạn quen thuộc.

Bạn học môn có tỉ trọng điểm cao trước, thời gian bạn có để luyện câu hỏi của môn đó càng nhiều. Bạn luyện tập môn nhiều điểm càng kĩ thì bạn càng dễ thắng.

Bạn có tổng cộng 4 giờ 30 phút làm bài thi 180 câu trắc nghiệm, vị chi trung bình 90 giây/câu. Nếu bạn sử dụng hết cả 90 giây thì bạn chỉ mất nửa tiếng cho 20 câu hỏi. Thực tế là hầu như mình chỉ mất 20 phút đổ lại. Bạn có thể coi 20 phút này như bước khởi động, phần nào giúp cho thời gian học sau đó vào guồng và trở nên trơn tru hơn.

Đây cũng là lí do vì sao trong phần giáo trình, sản phẩm mình ưu tiên hàng đầu là bộ câu hỏi luyện tập 2.600+ câu của Kaplan Schweser. Kể cả khi cách hành văn và lời giải của họ khá dở, một ngân hàng câu hỏi đồ sộ là công cụ cực kì hữu ích để luyện tay luyện mắt luyện não cho một kì thi kiểu như thế này. Hơn nữa, Kaplan Schweser có tính năng xáo trộn các câu hỏi của các môn với nhau một cách ngẫu nhiên, giúp quá trình tự học CFA level 1 của bạn càng hiệu quả.

2.4. Bắt đầu làm đề thi thử trong vòng 4 tuần cuối cùng

Bạn chỉ nên làm đề thi thử khi đã học hết 10 môn, và không nên làm quá sớm. Sau cùng mà nói, bài thi dài tận 5 tiếng đồng hồ. Khi bạn làm câu hỏi luyện tập nhiều thì việc đi thi hay làm đề thi thử cũng chẳng khác gì những buổi làm câu hỏi thông thường.

Cũng giống như thời điểm bắt đầu học, thì thời điểm bắt đầu làm đề thi thử cũng khá mang tính chiến lược. Cơ mà, việc bạn bắt đầu làm đề thi thử ở thời điểm nào cụ thểl có một yếu tố mang tính quyết định: Bạn có bao nhiêu đề thi thử trong tay?

Nếu bạn chỉ có 2 đề sẵn từ Học viện CFA, mình nghĩ bạn chỉ nên làm trong 2 tuần cuối, mỗi tuần một đề thi thử. Nếu bạn có nhiều hơn thì chia đều ra trong 4 tuần cuối. Mình không thấy việc làm đề thi thử sớm có tác dụng gì, có khi còn gây hoang mang áp lực vì điểm không cao.

Bạn cũng không nhất thiết phải làm tất cả đề thi thử bạn có trong tay. Mình có tổng cộng 8 đề thi thử cho level 1 (6 của Kaplan Schweser, 2 của Học viện CFA) thì mình chỉ tự làm 4 đề thôi. Lúc mình làm 2 đề đầu tiên, điểm rơi vào giữa 70% và 80%. Lúc mình làm 2 đề sau, điểm đều trên 80%.

Đề thi thử số 4 mình làm cách ngày thi 3 – 4 ngày. Với điểm số như vậy, mình quyết định sẽ không làm thêm đề thi thử nào nữa mà chỉ tập trung vào bộ câu hỏi luyện tập. Cái khác biệt của làm đề thi thử so với làm bộ câu hỏi luyện tập là cấu trúc phân bố môn của các câu. Bạn phải dành ra khoảng 3 tiếng (hoặc hơn) để giải 180 câu trong đề thi thử. 90 câu đầu chỉ tập trung vào 5 môn, 90 câu sau chỉ tập trung vào 5 môn, và đồng hồ vẫn chạy. Việc phải tập trung cao độ trong thời gian dài như thế dẫn đến sự mệt mỏi.

Mình nghĩ, bạn nên làm tối thiểu 4 đề thi thử.

2.5. Giải bộ câu hỏi luyện tập mọi lúc mọi nơi

Làm bộ câu hỏi cho mình nhiều sự linh hoạt về thời gian và tâm lí hơn.

Trong quá trình vẫn đang học lí thuyết 10 môn, mình làm 20 câu những môn đã học xong rồi mỗi ngày. Sau khi học hết lí thuyết 10 môn rồi, mình sẽ giải từng lốc 20 – 40 – 60 – 80 – 90 câu hỏi trong bộ luyện tập, tuỳ… tâm trạng. Mình mệt thì làm ít, mình sung sức thì làm nhiều, nhưng mình cố gắng không bỏ ngày nào. Mỗi ngày mình có thể làm nhiều lốc, với số lượng câu hỏi mỗi lốc khác nhau. Tóm lại khi đã đọc xong sách giáo khoa rồi thì phần cày câu hỏi của mình khá tuỳ hứng.

Mình trộn toàn bộ câu hỏi trong bộ luyện tập của Kaplan Schweser lên ngẫu nhiên (bất kể câu đó mình đã làm hay chưa, làm đúng hay sai). Bộ câu hỏi này cũng có tính năng cho bạn chọn môn trong 10 môn, nên việc xào câu hỏi trong ngân hàng là rất tiện lợi.

Làm nhiều thì quen tay.

3. Rút kinh nghiệm từ trải nghiệm của mình

Nếu bạn học nội dung lí thuyết quá nhanh, kiến thức sẽ càng dễ tuột nếu nó không liên quan đến công việc hàng ngày bạn đang làm. Nếu bạn học quá chậm, thời gian bạn có để luyện câu hỏi và rút kinh nghiệm sửa lỗi sai khi làm bài càng ít.

Đây là biểu đồ thời gian học của mình.

Tuần 25.08.2024 là tuần mình thi. Mình bắt đầu học khá sớm, từ tuần 28.01.2024, trước ngày thi 7 tháng. Tuy nhiên, trong 8 tuần đầu tiên, mình chỉ học được tổng cộng 10,5 giờ, trung bình 1,3 giờ/tuần (🫣). Bắt đầu từ tuần 24.03.2024, dù thời lượng học có nhiều hơn, nhưng tốc độ vẫn rất tàn tàn, chỉ 4,8 giờ/tuần trong 6 tuần. Thế là sau 3 tháng, mình chỉ học được tổng cộng 39,3 giờ, và mới chỉ đọc xong bộ sách giáo khoa cấp độ vỡ lòng của Học viện CFA.

Điều đó có nghĩa là, mình chỉ thực sự tự học bài để thi CFA level 1 khoảng 4 tháng trước ngày thi.

Giai đoạn này thời gian học bài của mình tăng vọt, lên đến 15,3 giờ/tuần trung bình, tức là trung bình 2,2 giờ/ngày. Thật ra mình cũng sợ, vì lúc đó đã bắt đầu có nhiều người khuyên mình rằng 4 tháng là quá gấp. Biết làm sao được, thời gian mất đi không thể lấy lại, chỉ có thể học tiếp thôi chứ sao giờ? 😢

Tổng thời gian học của mình là 299,2 giờ, trong đó mình hoàn thành nội dung lí thuyết sách giáo khoa chính thức của Học viện CFA chỉ 2 tuần trước khi thi. Mình nghĩ 2 tuần là quá sát, 3 tuần sẽ đẹp hơn.

3.2. Đừng tủ môn nào, cũng đừng bỏ môn nào

Ban đầu mình tính thí sạch môn Derivatives vì tỉ trọng điểm không cao mà kiến thức quá khó hiểu. Mình làm bài thi thử đầu tiên khi chưa sờ vào môn này một tí nào.

Tỉ trọng điểm của môn Derivatives trong bài thi là 5 – 8%, tức là khoảng 9 – 14 câu. Tư duy lúc đó mình nghĩ, giả sử tỉ lệ đánh lụi trúng 25%, tức là mình sẽ thí 7 – 11 câu. Điểm được cho là an toàn để thi đậu CFA cấp độ 1 là 70%, tương đương được phép sai khoảng 54 câu. Có những môn mình nắm khá chắc, nên mình đã từng tin chiến thuật này sẽ hiệu quả.

Dù kết quả bài thi thử lần đầu tiên đó của mình vẫn trên 70%, nhưng mình nhận ra một điều không ổn: tâm lí.

Tâm lí đọc 9 – 14 câu trong đề thi thử mà không hiểu một tí gì, nó khá… căng thẳng. Vì nhiều kiến thức trong các môn CFA gần nhau, cộng câu từ tiếng Anh rắc rối chồng chéo, nên việc đọc nhiều câu hỏi không hiểu ảnh hưởng đến tâm lí của mình kha khá. Mình vẫn giải toán như bình thường, vẫn đọc đề chầm chậm để chắc chắn mình hiểu đúng ý như bình thường, nhưng sự tự tin tụt hẳn và cảm giác thiếu an toàn vọt mạnh. Việc thí 9 – 14 câu cộng những câu không chắc chắn lúc này trở nên rất nhiều và nặng. Hơn nữa, khi tinh thần không hoàn toàn bình tĩnh, mình sẽ dễ mắc những lỗi sai không đáng có.

Là một người trải nghiệm thi thố nhiều từ nhỏ, mình biết tâm lí phòng thi vững sẽ đẩy kết quả lên cao hơn trông thấy. Do vậy, mình đổi ý, vẫn mở sách giáo khoa lên đọc Derivatives dù chỉ còn 3 tuần, và dù thực tế đã chứng minh rằng bài thi thử của mình vẫn trong ngưỡng an toàn.

Nếu bạn muốn lược bỏ bớt quy trình học, hãy chỉ bỏ phần Summary ở cuối chương. Bạn học nội dung rồi, sau này bạn sẽ luyện câu hỏi, nên không cần đọc phần Summary làm gì.



Xuyên suốt quá trình tự học CFA level 1, mình đã đi theo một chiến thuật học tập khá bài bản, vừa đánh nhanh thắng nhanh mà vừa đánh chắc thắng chắc. Mình đề ra định hướng từ đầu, giữ vững tâm lí trước những “lời mời gọi” học theo cách khác, để cuối cùng công sức không tốn nhiều mà kết quả lại khá đồng đều.

01.11.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tự Học CFA Level 1 [Phần 2], hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Học Tài Chính.

Bình luận