Chào các bạn!
Trong 3 kì thực tập của chương trình Cử nhân Quản trị khách sạn tại Les Roches, mình đã thực tập lần lượt tại:
- Best Western Plus Hotel Plaisance (Villefranche-sur-Saône, Pháp)
- Royal Plaza Montreux & Spa (Montreux, Thuỵ Sĩ)
- Movenpick Hotel Lausanne (Lausanne, Thuỵ Sĩ)
Mình sẽ lí giải cho bạn vòng đời của một quá trình thực tập, từ khâu bắt đầu đến khâu kết thúc nhé.
0. Quá trình chuẩn bị
Mình có lợi thế nhiều hơn đa số sinh viên Việt Nam học ngành này tại Thuỵ Sĩ là trước khi mình đặt chân lên đất Thuỵ Sĩ, mình vốn đã có sẵn hành trang gồm B1 tiếng Đức, B2 tiếng Pháp và C1 tiếng Anh, cộng Giải nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán (nghe tưởng không liên quan nhưng nó là bảo chứng của tư duy logic). Do vậy, nếu có cơ hội và thời gian, bạn vẫn nên chuẩn bị trước ngôn ngữ tuỳ theo mục tiêu thị trường (không nhất thiết phải là tiếng Pháp hoặc tiếng Đức) để tăng tỉ lệ cơ hội. Hơn nữa, nhiều ngôn ngữ vẫn luôn là lợi thế của bạn trong ngành dù ở bất kì đâu. Quá trình chuẩn bị có thể bắt đầu từ rất rất lâu trước khi thực tập, và chuẩn bị sớm chừng nào thì lợi thế càng lớn chừng đó.
1. Tìm nơi thực tập
Là sinh viên Les Roches, đặc biệt là trong kì thực tập đầu tiên, trường sẽ hỗ trợ bạn rất rất rất nhiều để tìm nơi thực tập. Trong hoàn cảnh nào, trường rất quan trọng hoá vấn đề thực tập của sinh viên, bạn sẽ được theo dõi liên tục và nhận được vô vàn tư liệu cho đến khi nào bạn tìm được nơi thực tập cho mình thì thôi. Mỗi trường thường có một nguồn riêng để tìm kiếm cơ hội, rất nhiều trường sử dụng hệ thống của Symplicity. Bạn nên tận dụng nó vì nền tảng đó là nơi nhà tuyển dụng muốn chọn sinh viên của đúng trường đó thì mới đăng tuyển lên. Ngoài ra, bộ phận hỗ trợ của trường cũng sẽ có những mối quan hệ của mình để hỗ trợ bạn liên hệ nơi phù hợp, hoặc các nền tảng trực tuyến cũng nhiều lắm như LinkedIn, Hoteljobs hay Hosco, v.v… chẳng hạn. Nguồn chắc chắn là không thiếu, chỉ là bạn cố gắng tìm kiếm đến đâu thôi.
Mình đề xuất bạn trải nghiệm môi trường có khách hàng thật, có áp lực thật mỗi ngày. Thực tập tại trường, mặc dù là một sự lựa chọn, thường không mang lại nhiều giá trị bằng. Giá trị của thực tập tại trường thuộc về mở rộng mối quan hệ, nhưng theo mình chứng kiến, không nhiều sinh viên có thể tận dụng được lợi thế đó. Tất nhiên, thực tập tại trường vẫn có những ưu điểm nhất định, tuỳ vào chiến lược của bạn.
2. Vòng tuyển chọn
Gói gọn lại thì tuyển chọn dựa trên sơ yếu lí lịch (CV), thư ứng tuyển (cover letter) và phỏng vấn. Bộ phận hỗ trợ của trường chắc chắn có thể góp ý cho bạn các khoản này. Đừng quên tận dụng giáo viên dạy tiếng Anh / người bản ngữ nói tiếng Anh để hỗ trợ bạn sửa lỗi ngôn ngữ.
Về CV, mình đề xuất bạn tạo 1 phiên bản chi tiết nhất có thể, đến mức không thể thêm bất kì thông tin nào nữa thì thôi, để khi nộp hồ sơ thì bạn căn chỉnh từng CV phù hợp với từng vị trí nộp. Thông tin cung cấp càng sát với yêu cầu công việc chừng nào thì tỉ lệ trúng càng lớn chừng ấy. Những chương trình tư vấn viết CV xin việc tràn ngập trên mạng, bạn có thể tìm đến những nguồn uy tín để tham khảo cách viết phù hợp với định hướng của bạn nhất.
Cover letter không phải nơi nào cũng yêu cầu, nhưng nó cũng giống như bài luận khi mọi người xin nhập học vậy, là nơi nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm về con người và tính cách của bạn chứ không chỉ là những thông tin cơ bản được liệt kê theo mục trong CV. Trong quá trình tìm thực tập của mình, mặc dù đã nghe rất nhiều về việc cover letter có lợi thế lớn cỡ nào, nhưng mình bỏ ngoài tai hết, và đó là một điều rất dở. Đừng như mình!
Vượt qua vòng sơ khảo, đến vòng phỏng vấn. Đây là phần mọi người nên chuẩn bị kĩ càng nhất, vì tuỳ theo văn hoá doanh nghiệp, làm nổi bật tính cách của mình cũng sẽ giúp mọi người tăng khả năng được nhận bởi mỗi vị trí sẽ có những đặc điểm để phù hợp với cách thể hiện khác nhau. Với lại, hiểu rõ bản thân có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, biết mình là ai, đang ở đâu, cần gì và muốn gì cũng sẽ là lợi thế để mọi người cũng như nhà tuyển dụng không làm mất thời gian của nhau.
3. Chuẩn bị hồ sơ
Chúc mừng bạn đã được nhận, nhưng như thế không phải là đã xong đâu. Đầu tiên là kí hợp đồng, sau đó còn phải lo giấy tờ nữa. Nếu bạn đã có giấy tờ hợp lệ để làm việc rồi thì dễ, còn nếu bạn chưa có giấy tờ để làm việc tại đất nước sở tại, bạn sẽ phải bắt tay chuẩn bị xin visa và các giấy phép liên quan. Nghe vậy chứ cứ đụng đến giấy tờ là mệt phết, vì việc di chuyển đến cơ quan hành chính làm thủ tục đúng nghĩa “hành là chính”. Và đừng quên tập trung vào cả vấn đề thời gian nữa nhé, coi chừng muộn visa đó.
4. Trong quá trình thực tập
Thực tập là học hỏi từ thực tiễn. Đừng xa rời điều này mà đánh mất đi mục đích thực sự. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp cấp trên sẵn sàng giải đáp ti tỉ câu hỏi cho bạn, không chỉ riêng về công việc hàng ngày mà còn có thể ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp còn rất dài phía trước của bạn. Cấp trên, nói gì thì nói, họ cũng từng trải hơn mình rất nhiều để nắm giữ vị trí đó, nên nếu tận dụng được cơ hội, học hỏi từ họ sẽ đáng giá rất nhiều cho tương lai. Tất nhiên, không dễ gì để gặp được một người cấp trên mà xứng đáng là leader chứ không phải chỉ là boss, và việc tận dụng quá trình phỏng vấn để đặt những câu hỏi hợp lí sẽ giúp bạn tiên liệu trước kì thực tập đó sẽ mang lại giá trị gì.
5. Sau thực tập
Về cơ bản thì bạn nên viết thư cảm ơn gửi nhà tuyển dụng và xin nhà tuyển dụng thư giới thiệu hoặc thư xác nhận để sử dụng trong tương lai. Nếu bạn thực sự cảm nhận được mối quan hệ của bạn và cấp trên là rất tốt thì nên tận dụng để nhờ họ viết thư giới thiệu, giá trị có thể rất lớn cho sau này tuỳ trường hợp. Nếu có thể, bạn nên giữ mối quan hệ tốt đẹp với họ để liên hệ khi cần thiết. Cho đến bây giờ, mình vẫn không ngần ngại nhắn tin cho Tổng Quản Lí cũ của mình để… tám hay chúc mừng sinh nhật.
Tất cả mọi thứ mình viết ở đây là dựa trên kinh nghiệm (không tồi) của mình và mình vẫn còn phải học dài dài. Còn gì nữa không? Bình luận ở dưới mình trả lời nhé.
19.05.2021
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.