Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao con nít châu Á dễ giỏi Toán hơn phương Tây? Bạn có từng thấy những ảnh chế, ảnh meme về đội tuyển Toán của Úc tham dự IMO – Olympic Toán Quốc tế với 100% học sinh là người gốc Á? Mình hoàn toàn không muốn phân biệt chủng tộc gì, nhưng mình nghĩ những chủ đề như thế này cũng đáng được mổ xẻ một cách khách quan.
Bài viết này tồn tại thực chất xuất phát từ ghi chú đọc sách của mình, tuy nhiên đây là một trong những ghi chú đầu tiên nên khi đó cách mình lưu lại kiến thức từ sách rất khác so với bây giờ. Cuốn sách đề cập đến chủ đề này là một cuốn sách mình cho là rất hay: Outlier – Những kẻ xuất chúng.
Vậy, tại sao con nít châu Á dễ giỏi Toán hơn phương Tây?
- Xét hệ thống số, ngôn ngữ châu Á đếm số một cách có hệ thống hơn ngôn ngữ phương Tây. So sánh tiếng Việt “một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười” (tương tự với tiếng Trung/Nhật/Hàn) so với tiếng Anh “one two three four five six seven eight nine ten” (tương tự với tiếng Pháp/Đức/Ý), chúng ta tốn ít thời gian hơn nhiều để phát âm các con số, dù có thể chỉ tính bằng phần giây. Dù vậy, nó vẫn là một yếu tố có đủ khả năng tác động đến khả năng học của trẻ em.
- Ngoài yếu tố phát âm, hệ thống số châu Á cũng được xây dựng logic và có quy luật hơn nhiều. Để đếm số lớn hơn 10, chúng ta đếm mười-một mười-hai mười-sáu mười-bảy, trong khi tiếng Anh họ có sixteen seventeen nhưng lại không phải là oneteen hay twoteen, lại càng không phải ten-one hay ten-two. Đối với các số tròn chục, chúng ta đếm hai-mươi ba-mươi tám-mươi chín-mươi, nhưng tiếng Anh dù đếm eighty ninety nhưng họ không đếm twoty threety. Mình không học tiếng Trung một cách bài bản, nhưng mình cũng có biết hệ thống đếm số tiếng Trung thậm chí còn ít ngoại lệ hơn tiếng Việt. Chúng ta đếm hai-mươi ba-mươi thay vì hai-mười ba-mười, chúng ta đếm hai-mươi-mốt ba-mươi-mốt thay vì hai-mười-một ba-mười-một như tiếng Trung. Hãy tưởng tượng bạn phải tính ba-mươi-hai cộng hai-mươi-bảy, bạn sẽ ra ngay là năm-mươi-chín, dễ hơn nhiều so với thirty-two plus twenty-seven. Giả dụ như tiếng Anh chuyển thành three-ten-two-plus-two-ten-seven thì hẳn kết quả five-ten-nine đã dễ hơn nhiều.
- Đối với phân số, trong khi tiếng Anh nói three-fifths thì tiếng Việt nói ba-phần-năm, hay dễ hơn nữa khi tiếng Trung nói năm-phần-lấy-ba là đúng chuẩn định nghĩa của phân số, không thể nào có cách nói dễ hiểu hơn thế được nữa cho con nít. Tương tự, chúng ta gọi % là phần-trăm, còn tiếng Anh lại không gọi per-hundred mà lại thành per-cent. Chính qúa nhiều sự bất quy tắc dẫn đến việc trẻ em phương Tây tốn thời gian hơn châu Á rất nhiều trong quá trình học toán thời tuổi thơ.
- Bạn tưởng tượng xem, đối với một đứa trẻ mới bắt đầu học Toán, ngay cả những khái niệm đơn giản nhất như đếm số trong tiếng Anh đều ít logic, quá nhiều ngoại lệ và quy luật, đã thế phát âm còn dài ngoằng. Ngược lại, những đứa trẻ châu Á có thể tính toán rất lẹ và dễ dàng. Liệu chúng ta có nên đặt câu hỏi, rằng chính nguồn cội của ngôn ngữ đã giúp cho những đứa trẻ châu Á có hứng thú với môn Toán hơn, chịu khó tìm tòi nhiều hơn, và từ đó trở nên giỏi Toán hơn?
31.10.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.