Những Nguyên Tắc Ứng Phó Với Thay Đổi Trật Tự Thế Giới [Phần 1]
Những Nguyên Tắc Ứng Phó Với Thay Đổi Trật Tự Thế Giới [Phần 2]
Những Nguyên Tắc Ứng Phó Với Thay Đổi Trật Tự Thế Giới [Phần 3]
- Sách: Những nguyên tắc ứng phó với sự thay đổi trật tự thế giới / Principles for dealing with the changing world order
- Tác giả: Ray Dalio
- ISBN: 1471196690
Mua sách tại Tiki
1. Trích dẫn hay
Khi tiền và tín dụng được tạo ra thì chúng sẽ giảm giá trị, vì vậy tăng số lượng tiền không đồng nghĩa với việc tăng sức mua.
Lịch sử đã chứng minh rằng lãnh đạo các quốc gia thường đưa ra những chính sách vay nợ mà họ không phải trả trong nhiệm kì của mình, để lại gánh nặng cho những người kế vị.
Mặc dù bạn không chắc liệu đối thủ có “tấn công” bạn hay không, nhưng điều mà bạn biết chắc là nếu họ đánh bại bạn trước khi bạn đánh bại họ thì lợi ích chỉ có thuộc về họ.
2. Ghi chú
Về lâu về dài, xã hội luôn vật lộn với việc tạo ra, phân phối quyền lực và của cải.
Một phần nhỏ dân số kiểm soát phần lớn của cải và quyền lực trên thế giới. Khoảng cách của cải và quyền lực này lớn dần trong thời kì hưng thịnh. Khi giai đoạn suy thoái ập đến, những người nghèo và ít quyền lực nhất sẽ đấu tranh nhiều nhất, từ đó dẫn đến xung đột và tạo ra một trật tự thế giới mới. Chu kì này liên tục tiếp diễn.
Thời kì hưng thịnh giai đoạn những năm 1920 đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, dẫn đến tình trạng vỡ bong bóng nợ trong những năm 1930. Thời kỳ tồi tệ 1930 – 1945 đã thay đổi trật tự thế giới với sự suy tàn của Đế quốc Anh và sự lên ngôi của Mĩ.
Sự tiến hóa luôn tồn tại nhưng chúng ta thường quên để ý tới nó. Mặc dù chúng ta thấy những sự việc đang tồn tại và đang diễn ra, nhưng chúng ta không thấy động lực tiến hóa khiến cho mọi thứ tồn tại và xảy ra. Về lâu dài, sự tiến hoá này diễn ra một cách suôn sẻ và ổn định, vì xã hội luôn phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dài hạn này lại tồn tại nhiều chu kì thăng trầm lên xuống ngắn hạn khác.
Động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự tiến hóa là năng suất con người. Năng suất của mỗi người gia tăng ở những tốc độ khác nhau nhưng vì cùng một lí do chung là để tăng kết quả. Tuy nhiên, sự gia tăng năng suất không gây ra những sự kiện lớn đột ngột. Những chu kì, xuất phát các mối quan hệ nhân quả, mới dẫn đến phá sản, cách mạng và chiến tranh.
Những giai đoạn suy thoái hầu như luôn xảy ra do tranh giành của cải, tranh giành quyền lực và thiên tai. Các quốc gia càng có năng lực đối phó với những sự kiện này thì tình hình sẽ đỡ tồi tệ hơn. Nguồn tiết kiệm dồi dào, dư nợ thấp, đồng tiền dự trữ mạnh, khả năng lãnh đạo tốt và dân số đông sẽ giúp củng cố vị thế của các quốc gia trước những biến động về kinh tế.
Suy thoái kinh tế thường kéo dài khoảng 3 năm, cộng trừ một vài năm. Giải pháp của các quốc gia đối với tình hình suy thoái kinh tế hầu như luôn là in thêm tiền.
• Những năm 1930, tổng thống Roosevelt tuyên bố không còn cho phép người dân đổi tiền (giấy) lấy vàng nữa, chính phủ sẽ in đủ tiền và tạo ra đủ tín dụng để người dân tiêu dùng và đầu tư. Đây là khoảng 3 năm sau khi vỡ bong bóng nợ.
• Năm 2020, Đại dịch COVID-19 bùng nổ. Năm 2023, WHO tuyên bố Covid không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Sở dĩ mọi việc đều diễn ra theo chu kì là bởi vì sự tồn tại của những yếu tố quyết định thúc đẩy các sự kiện diễn ra theo chiều hướng đó. Những yếu tố quyết định này được chia thành 2 loại: yếu tố sẵn có và yếu tố con người.
• Yếu tố sẵn có: địa lí, địa chất, thiên nhiên, di truyền
• Yếu tố con người: bản chất và văn hoá, ví dụ như tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức, tính kỉ luật tự giác, tương tác giữa con người với nhau trong xã hội, tính linh hoạt (khả năng thích nghi trong giai đoạn hưng thịnh) và khả năng phục hồi (khả năng thích nghi trong giai đoạn suy thoái). Yếu tố con người tốt là khi doanh thu > chi phí, nền giáo dục chất lượng cao và văn hóa làm việc chăm chỉ. Nếu tình hình diễn ra ngược lại tức là quốc gia ấy đang gặp rắc rối, ví dụ như không có khả năng trả nợ. Yếu tố con người tốt sẽ dẫn đến phát triển bền vững, vì xã hội không thể kiểm soát những yếu tố sẵn có. Hãy nhìn Thụy Sĩ, Hà Lan và Singapore.
Địa lí: Mĩ và Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn, được bao bọc bởi những dãy núi và đại dương tự nhiên rộng lớn => 2 quốc gia này đều là một tổng thể lớn và con người có nhiều điểm chung. Trong khi đó, châu Âu bị nhiều ranh giới tự nhiên chia cắt, dẫn đến việc lục địa này được chia thành nhiều quốc gia với nền văn hóa đa dạng.
Địa chất: Tỉ suất cung cầu ở các thời kì xã hội khác nhau làm cho các quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên dễ bị “tổn thương”. Các nước Trung Đông trở nên giàu có nhờ dầu mỏ nhưng một ngày nào đó, họ sẽ trở nên yếu đi khi kho dự trữ cạn kiệt và thế giới quay lưng với nhiên liệu hóa thạch.
Các tác động của thiên nhiên, chẳng hạn như đại dịch, lũ lụt và hạn hán, tạo ra những tác động lên xã hội lớn hơn cả chiến tranh và suy thoái tài chính. Năm 1350, Cái Chết Đen khiến 200 triệu người mất mạng. Ở thế kỉ XX, bệnh đậu mùa khiến 300 triệu người mất mạng, gấp đôi số người chết trong các cuộc chiến tranh ở giai đoạn này. Năm 2020 – 2022, Covid cướp đi sinh mạng của 7 triệu người.
Di truyền là một yếu tố quyết định nhưng không quan trọng, vì chưa đến 15% các biến thể hành vi của con người có thể được giải thích bằng yếu tố di truyền.
Thứ tự gia tăng của mức độ tư lợi là: Cá nhân => Gia đình => Cộng đồng => Nhà nước => Quốc gia => Đế chế => Loài người => Mọi sinh vật => Vũ trụ. Xã hội sẵn sàng “chết” ở mức độ nào, thì đó là mức độ được “bảo vệ” khi suy thoái xảy đến. [1]
Thu nhập ít nhất phải bằng chi tiêu. Giá trị thặng dư mới tồn tại bền vững, trong khi thâm hụt sẽ tàn phá xã hội. Nếu chúng ta thấy người/công ti/quốc gia nào chi tiêu nhiều hơn số tiền họ làm ra thì sớm hay muộn sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Sự giàu có đồng nghĩa với sức mua, không phải giá trị con số của đồng tiền. Trong thời kì tín dụng cao và tiền được in nhiều, thì nhiều tiền hơn chưa chắc đã có nghĩa là giàu hơn. Sự “giàu có thực” khác với sự “giàu có tài chính”. “Tài sản thực” có giá trị nội tại, trong khi “tài sản tài chính” thì không. “Tài sản tài chính” bao gồm cả những loại tài sản dùng để gia tăng thu nhập hoặc có thể được bán đi để mua “tài sản thực”. Tăng năng suất đồng nghĩa với làm giàu. Về lâu dài, sức mua của bạn phụ thuộc vào khả năng sản xuất của bạn. Chi tiêu đầu tư và cơ sở hạ tầng giúp tăng năng suất trong tương lai, còn chi tiêu tiêu dùng thì làm giảm năng suất.
3. Đôi dòng suy nghĩ
Khi mới đọc cuốn sách này, mình có cảm giác cuốn sách thiên về triết học hơn là kinh tế – tài chính vì sách nói rất nhiều về cách thế giới vận hành.
[1] Nếu người dân của một quốc gia sẵn sàng đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân thì quốc gia đó cuối cùng sẽ vượt qua giai đoạn suy thoái và trường tồn. Điều này cũng áp dụng cho công ti, gia đình hay bất kì quy mô cộng đồng nào. Trong 5 điều Bác Hồ dạy, điều số 1 là “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Việc chia rẽ là dấu hiệu của sự suy tàn của một đế chế.
—
08.09.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Những Nguyên Tắc Ứng Phó Với Thay Đổi Trật Tự Thế Giới [Phần 1], hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Đọc Sách.