0
Your Cart

♡ Những Anh Hùng Thế Kỉ XX ♡

Những Anh Hùng Thế Kỉ XX

Những con người làm nên lịch sử.
Những chứng nhân bằng xương bằng thịt của thời gian.
Những anh hùng của thế kỉ XX.

“Thân thể tôi thuộc về các liệt sĩ. Anh em hi sinh để cho mình sống mà. Ơn đó sâu sắc lắm, trả bao giờ cho hết.”

Tự nhiên mình suy nghĩ rất nhiều, rất rất nhiều.

Mỗi con người tồn tại trên Trái Đất này đều có một người Mẹ, đều từng là một bào thai được mang nặng đẻ đau. Rồi họ lớn lên, có thể dựng vợ gả chồng, xây dựng gia đình. Thế mà, hàng chục năm trước đây, hàng triệu đồng chí khắc lên tim 4 từ “sẵn sàng hi sinh”, “coi như chết rồi” vì mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Mỗi lần một liệt sĩ hi sinh là một lần một gia đình mất đi một người thân. Những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng hẳn đã phải đau đến thế nào, họ đã sống như thế nào trong 50 năm hoà bình không chồng không con bên cạnh? “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ.”

Ông Nội mình là thương binh, rồi mất khả năng chiến đấu, và Ông mất ở nhà. Tất cả những gì mình được nghe từ Bà Nội chỉ là Ông đi bộ đội, rồi Ông “bệnh” và mất. Ông “bệnh” như thế nào thì mình không rõ nữa.

Mình sinh ra khi Ông đã không còn trên đời nên những gì mình biết về Ông cũng chỉ là qua các câu chuyện kể. Mình bất chợt nhận thức được, thì ra khi thời gian đã làm phai mờ dần đi nỗi buồn, các giai thoại đều đã được tinh giản lại. Những câu chuyện được kể lại cho đời sau ở nguyên bản vốn không chỉ có thế. Ngay cả những điều về Ông mà mình cũng chỉ biết lờ mờ như thế, mình lại càng thấm thía hơn sự cần thiết của việc nhắc đi nhắc lại những giá trị của độc lập tự do mà thế hệ sau được hưởng.

Mình lại suy nghĩ về quá trình lớn lên cùng những câu chuyện thời chiến từ Bà Nội. Bà cứ liên tục kể chuyện, mình thì liên tục lắng nghe. Bà kể nào là ngày xưa bom đạn thế nào, Bà làm nông ra sao, Bà đi chợ mua bán cái gì, các Cô Dì Chú Bác học tập và làm việc thế nào. Mình đã từng dụ Bà kể chuyện đám cưới, làm sao Bà lại lấy Ông. Bởi câu chuyện diễn biến rất tự nhiên, mình cũng quên mất tiêu, ồ Bà đã sống một mình mà không có Ông lâu đến vậy rồi.

Sống ở thời bình, Bà đã được càm ràm “Sao hát nhiều thế không mệt à?” khi mình mở danh sách nhạc mình sưu tập chỉ dành riêng cho Bà, bởi đó là những bài Bà vẫn luôn hát cho mình nghe trên hành trình trưởng thành. Bà đã được biết thế nào là mỗi ngày uống một cốc cà phê như dân đi làm chính hiệu 😜 Bà đã được chứng kiến khung cảnh thay đổi chóng mặt, nhanh đến mức Bà đã chẳng thể theo kịp thời đại nữa. Bây giờ chỉ là, con cái nói gì thì Bà nghe nấy. Con cái bảo Bà là dịch dã phải ở nhà thì Bà nghe. Con cái bảo ăn cái này không ăn cái kia thì Bà cũng nghe. Bởi ở thời này, ai còn nghe Bà nữa?

Bà Nội của mình chỉ học đến lớp 4 là nghỉ do điều kiện thời đó không thể tiếp tục để Bà đi học. Ấy vậy mà, người dạy chữ cho mình lại là Bà. Tất nhiên, khi đó Bà vẫn còn khá trẻ và minh mẫn. Còn bây giờ, Bà đã rất già, nhu cầu của Bà cũng không nhiều nữa. Cái ăn cái mặc, vui vẻ cười nói kể chuyện với con cháu, thế là hết.

Mình nhớ đến chương trình tranh biện nào đó, có một câu nói khá nổi tiếng của một bạn học sinh cấp 3: “Học sinh chỉ không thích cách giảng dạy Lịch sử trên trường, chứ không ai quay lưng với lịch sử dân tộc.” Mình cảm thấy chuỗi bài Những anh hùng thế kỉ XX của VTV có hơi ngắn, nhưng đúng là “nếu không phải bây giờ thì sẽ là không bao giờ”, bởi các anh hùng đều đã ở độ tuổi 90 của Bà Nội mình, rất nhiều anh hùng sống được đến thời bình cũng đã không còn nữa.

Có điều này mình mới biết, Bà Ngoại mình cũng mất em trai trong trận Thành cổ Quảng trị. Ông mất khi chỉ mới 17 tuổi.

Bài thơ Ông Bà Ngoại mình viết về Ông:
17 tuổi, em cầm súng lên đường
Tổ quốc gọi, em vào Nam chiến đấu
Quảng Trị nơi đây, chiến trường đẫm máu
Địch và ta, quyết giành lấy cổ thành
Ngàn, vạn tấn bom cày, phá tan tành
Trăm đợt tấn công ào ào vũ bão
81 ngày đêm: dầu sôi trong chảo
Em đã cùng bao đồng đội hi sinh
Em ra đi khi mái tóc còn xanh
Chưa một lần được gọi tên bạn gái
Dòng Thạch Hãn ngày đêm vẫn chảy
Máu các anh hùng nhuộm đỏ dòng sông…

Nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công
Tim chị nhói đau, tưởng không chịu nổi
Mẹ bạc trắng đầu, tấm thân còm cõi
Đêm đêm nghẹn ngào tiếng nấc ”con ơi”!
Em ra đi, không trăng trối một lời
Nay cha mẹ đã về nơi Chín Suối
Ngày em đi, khi vừa 17 tuổi
Quê hương nghèo, bom đạn vẫn còn rơi
50 năm, quê thay đổi nhiều rồi
Nhà ngói, cao tầng mọc lên san sát
Những đêm trăng, vọng vang khúc hát
Rộn rã tiếng gà gáy lúc bình minh…
Nhớ em, cùng bao thế hệ đã hi sinh
Cho đất nước quê hương ngày thêm giàu đẹp…


Nghe tiếng lòng của người thân ở lại “Lúc nhập ngũ, mặt non tơ, người còm nhom, mặc bộ quân phục cỡ bé nhất mà vẫn rộng thùng thình… Đang học lớp 9, nhập ngũ được hơn 6 tháng vào Quảng Trị và hi sinh! Đau xót lắm.“, cái giá của độc lập – tự do – hạnh phúc thực sự rất là đắt.

Mình chưa từng nghĩ sẽ xúc động đến mức này khi hồi tưởng và liên kết các dữ kiện để viết bài này. Nhưng mình hiểu rất rõ chất xúc tác cho dòng cảm xúc này xuất phát từ đâu. Mình theo dõi toàn bộ Hội đồng Điều trần 06.01 ở Mĩ, Cô Stephanie đúng là một nỗi thất vọng sâu sắc.

Mình để lại đường dẫn bài báo đăng trên Công An Nhân Dân về chuyến đầu tiên trở lại cố hương của Ông Nguyễn Cao Kì, cùng đoạn trích mình thích nhất trong bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.”


Ơn này, trả làm sao cho hết.

25.07.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì phát triển nội dung phi lợi nhuận.

Bình luận