- Sách: Essentialism – The disciplined pursuit of less / Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản
- Tác giả: Greg McKeown
- ISBN: 0804137382
1. Trích dẫn hay trong sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản
Trong xã hội, bạn bị trừng phạt bởi những hành vi tốt (từ chối) và được khen thưởng bởi những hành vi xấu (đồng ý) [với các lời đề nghị].
Những kiến thức bạn đánh mất trong thế giới của thông tin ở đâu rồi?
2. Ghi chú về sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản
Chủ nghĩa tối giản = ít hơn mà tốt hơn.
Nghịch lí của thành công là:
- Ban đầu, bạn biết chính xác mục đích giúp bạn đi đến thành công. Sau khi các kế hoạch hoàn thành, bạn bắt đầu có được danh tiếng để đưa ra các giải pháp tốt hơn. Sau đó, mọi người đòi hỏi ở bạn nhiều hơn, bạn gần như không thể làm mọi việc một cách hiệu quả nữa. Thế là, bạn bị phân tâm khỏi mục đích ban đầu của chính mình.
Đáng tiếc, chủ nghĩa phi tối giản tồn tại ở khắp mọi nơi. Lí do của việc này bao gồm:
- Quá nhiều lựa chọn: Giờ đây bạn phải quản lí bản thân trước khi có thể quản lí bất kì khía cạnh nào khác trong cuộc sống nếu bạn muốn ưu tiên cho những điều thật sự quan trọng.
- Quá nhiều áp lực xã hội: Điều này không chỉ đến từ việc thế giới có quá nhiều thông tin mà còn có cả quá nhiều các luồng ý kiến khác nhau.
- Ý nghĩ “Tôi có thể làm được tất cả.”: Khi bạn ưu tiên tất cả mọi thứ tức là bạn chẳng ưu tiên cái gì cả.
Xã hội ngày nay là nơi bạn thực hiện những điều bạn không thích, mua những thứ bạn không cần, với số tiền bạn không có để gây ấn tượng với những người bạn không ưa.
Bạn không có quyền kiểm soát những sự lựa chọn có sẵn cho mình, nhưng bạn luôn có quyền kiểm soát rằng bạn sẽ chọn phương án nào trong số các sự lựa chọn có sẵn đó. Nếu bạn không tự mình đưa ra quyết định, người khác sẽ làm điều đó thay bạn.
- Nếu câu trả lời không chắc chắn là “có”, thì chắc chắn câu trả lời là “không”.
- Hãy đặt tiêu chí thật cao vào khi bạn cần đưa ra các sự lựa chọn. Nếu bạn để các tiêu chí quá rộng, bạn sẽ có quá nhiều sự lựa chọn, dẫn đến mất tập trung và không đạt được những gì bạn thật sự muốn. Đôi khi, vì các tiêu chí cao, bạn sẽ không có một sự lựa chọn nào là “hoàn hảo” đúng nghĩa, nhưng những gì bạn đang chờ đợi đều xứng đáng. Đừng quên, các tiêu chí không quan trọng sẽ chỉ cản đường bạn tiến về phía trước.
Bạn có thể cố gắng hạn chế sự đánh đổi, nhưng bạn sẽ không thể thoát khỏi chúng, vì đánh đổi là giải pháp của mọi vấn đề. Vì vậy, thay vì trốn tránh, bạn có thể chủ động tự quyết định kết quả của sự đánh đổi.
Trong bài viết Laugh, Kookaburra, David Sedaris viết về lí thuyết 4 lò lửa, tượng trưng cho 4 khía cạnh cuộc sống: gia đình, bạn bè, sức khoẻ và công việc. Để thành công, bạn phải tắt đi 1 lò lửa. Và để thực sự thành công, bạn phải tắt 2 lò.
- Tuỳ thuộc vào mỗi thời điểm, bạn có thể bật tắt các lò khác nhau. Bạn không nhất thiết phải tắt 1 lò suốt đời.
Bạn cần dành ra thời gian để khám phá, dành ra không gian để suy nghĩ, và dành ra cả sự kỉ luật khi áp dụng các tiêu chí lựa chọn. Từ đó, bạn sẽ tìm thấy số ít những điều quan trọng với bạn trong rất nhiều những điều không quan trọng.
- 1 trong 500 công ti phát triển nhanh nhất nước Mĩ áp dụng chiến lược mang tên Do Not Call Mondays (không cuộc gọi vào thứ hai). Nhà sáng lập công ti, mỗi tháng một lần vào ngày thứ hai bận rộn nhất, tập hợp một nhân viên vào một căn phòng mà họ không được phép sử dụng email hay điện thoại, để họ có thể suy ngẫm và trao đổi ý tưởng.
- Trường Thiết Kế Stanford tạo ra một không gian cách âm và không có cửa sổ mang tên Booth Noir, nơi dành riêng cho việc suy ngẫm, và nằm ở một nơi rất bất tiện trong khuôn viên nhà trường.
Tập trung không có nghĩa là bạn liên tục suy nghĩ về một vấn đề đến mức ám ảnh, mà thay vào đó bạn có không gian để khám phá hàng trăm khả năng khác nhau, rồi thích nghi và thay đổi tư duy.
Bạn có thể làm gì:
- Viết nhật kí: sau một thời gian thì bạn đọc lại để phát hiện ra nhịp điệu cuộc sống của bạn
- Trải nghiệm thực tế: để nắm bắt nguyên nhân gốc rễ thực sự và tập trung vào giải quyết vấn đề từ trải nghiệm của người dùng
- Tìm điểm bất thường: tập trung vào những mẩu thông tin dễ bị người khác bỏ sót bằng cách đặt mình vào vị trí của người ta để tìm hiểu quan điểm của họ
- Đặt chủ đề chính làm trọng tâm: các cuộc thảo luận rất dễ đi lạc, hãy luôn nhắc nhở mọi người vấn đề cốt lõi cần được xử lí
Điều tốt nhất bạn có để đạt được bất kì mục tiêu nào chính là bản thân bạn. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc để tránh bản thân kiệt sức. Đây là yếu tố rất quan trọng mà những người tham vọng dễ bỏ qua.
Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần 1 quyết định chính xác sẽ giúp bạn không phải đưa ra 1.000 quyết định khác trong tương lai, được gọi là mục tiêu thiết yếu.
- Ví dụ, nhiệm vụ của UK Digital Champion (người chịu trách nhiệm số hoá mọi quy trình ở Vương quốc Anh) là đảm bảo tất cả mọi người đều có thể kết nối mạng vào cuối năm 2012.
- Bạn nên hỏi bản thân một câu duy nhất Nếu bạn có thể thực sự xuất sắc ở một thứ duy nhất, thì đó sẽ là gì?
Những người theo đuổi chủ nghĩa tối giản là những người biết từ chối khi cần thiết, trong khi ở phía ngược lại họ lại sợ khiến người khác phật lòng. Nếu bạn biết rõ mục đích của bản thân, bạn sẽ cảm thấy việc từ chối không quá khó khăn. Khi bạn biết chính xác những gì bạn muốn đạt được, bạn sẽ dễ dàng từ chối những điều không phục vụ cho mục tiêu này.
Có 7 cách để nói “không”:
- Tạm dừng một cách khó xử: hãy đếm từ 1 đến 3 trước khi bạn chính thức trả lời
- “Không, nhưng…”: đề xuất một phương án khác
- “Tôi sẽ kiểm tra và nhắn lại.”: giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ trước khi quyết định
- “Vâng, vậy em nên loại bỏ ưu tiên cho việc gì?”: dùng để trả lời Sếp khi họ giao thêm cho bạn nhiều công việc “ưu tiên”
- Dùng sự hài hước
- “Bạn có thể làm X, tôi sẵn sàng làm Y.”: để từ chối một phần yêu cầu (ví dụ, ai đó nhờ bạn chở họ đến địa điểm A, bạn trả lời “Bạn có thể mượn xe của tôi, tôi sẵn sàng cho bạn mượn chìa khoá.”)
- “Tôi không thể làm điều đó, nhưng B chắc là có thể giúp bạn.”
Người lớn sẽ dễ bị kéo vào tình thế chi phí chìm, tức là bạn không chấp nhận bỏ qua một thứ gì đó sau khi đã bỏ ra rất nhiều công sức, kể cả khi bạn biết kết quả sẽ chẳng đến đâu. Thay vào đó, hãy học cách thừa nhận thất bại và đừng ép buộc bản thân. Sau tất cả, thừa nhận thất bại chỉ đơn giản là nhận ra rằng bạn bây giờ khôn ngoan hơn bạn trong quá khứ.
Hãy xác định ranh giới để đảm bảo quyền tự do của bạn. Nếu bạn không có giới hạn rõ ràng, bạn sẽ bị cầm tù trong giới hạn do người khác đặt ra. Khi bạn có ranh giới của mình, bạn hoàn toàn tự do trong khuôn khổ đã chọn.
Để việc thực hiện một hành động trở nên dễ dàng, bạn nên có một hệ thống các bước để khiến hành động này trở thành một phần của cuộc sống thường nhật. Việc lặp đi lặp lại các bước nhỏ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với thực hiện tất cả các bước lớn cùng một lúc.
Một kế hoạch chi tiết là chìa khoá của thành công. Tương lai luôn nắm giữ vô số cơ hội lẫn rủi ro mà bạn không bao giờ lường trước được hết. Những gì bạn có thể làm là xây dựng một hệ thống giúp bạn bứt phá khi cơ hội đến và hạn chế thiệt hại khi chuyện không may xảy ra.
Một thói quen đúng đắn sẽ giúp bộ não làm mọi việc một cách vô thức, từ đó bạn có thể dành tâm trí cho những việc quan trọng hơn. Hãy chọn thực hiện những việc khó trước để giải phóng não bộ khỏi áp lực.
Hãy sống cho hiện tại, bởi bạn không thể thay đổi quá khứ mà cũng không thể kiểm soát tương lai. Bạn chỉ có thể quyết định bạn sẽ làm gì vào lúc này.
Dưới góc độ của nhà tuyển dụng, tuyển sai một người nguy hiểm hơn rất nhiều so với thiếu một nhân lực. Mở rộng tình huống rộng hơn, tuyển sai quá nhiều người sẽ phá hủy cả đội ngũ. Mặt khác, từ quan điểm của người lao động, khi nhà tuyển dụng không rõ ràng về mục tiêu của tập thể, mọi người sẽ cố tỏ ra bận rộn hơn là thực sự hoàn thành công việc.
3. Cảm nghĩ về sách
Mình đọc sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản bằng tiếng Anh, nên nếu bạn đã đọc sách tiếng Việt thì có lẽ bạn sẽ thấy có đôi chỗ những ghi chú của mình không khớp hoàn toàn.
Cuốn sách ẩn chứa rất nhiều bài học giá trị. Tất cả những luận điểm đều được giải thích rõ ràng với hướng dẫn và ví dụ cụ thể. Mình đã áp dụng rất nhiều những bài học trong sách vào cuộc sống, dù đôi khi mình cảm thấy thiếu niềm tin vào bản thân khi mọi người không đồng tình với mình về những điều mình theo đuổi.
Ví dụ, trong một công việc trước đây, mình không đồng tình với một Chị quản lí về quy trình làm việc của công ti. Chị ấy sẵng giọng: “Từ xưa đến nay đều như vậy, em đừng có đòi thay đổi.” Ngược lại, mình lại chia sẻ với mọi người: “Việc mà xưa nay đều thế, không có nghĩa là nó đúng. Chúng ta buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn là làm những gì đúng đắn thôi.”, dù lúc đó mình rất nghi ngờ bản thân khi Chị ấy hơn mình phải tầm trên dưới 15 tuổi. Nhờ những thống kê từ các nghiên cứu khoa học trong cuốn sách, mình hiểu ra là đa số mọi người đều chỉ chấp nhận hiện trạng mà không đặt câu hỏi liệu cách vận hành hiện tại còn có thể tốt hơn hay không.
Một bài học khác trong cuốn sách có liên quan đến việc lập kế hoạch chi tiết, và mình không thể đồng ý hơn. Trong suốt quãng đường trưởng thành, Bố mình luôn nhấn mạnh rằng sự chuẩn bị đóng góp đến 90% vào kết quả cuối cùng. Dù luôn biết tầm quan trọng của sự chuẩn bị nhưng mình không thực sự cảm nhận được rõ hết cho đến khi viết luận văn tốt nghiệp.
Khi các bạn cùng lớp làm theo thời gian biểu do Thầy Cô đề xuất, mình lúc nào cũng vượt tiến độ, thậm chí là trước cả tháng. Lí do là vì mình đã chọn một chủ đề không tưởng, thường chỉ được thực hiện bởi các sinh viên theo học tài chính ở bậc thạc sĩ. Chủ đề này hoàn toàn không liên quan đến bằng cấp của mình, và không có một lớp học nào trên trường dạy cho mình kiến thức và kĩ năng để viết luận văn này. Sức mạnh duy nhất giúp mình theo đuổi luận văn là ý thức rất rõ của bản thân về việc tại sao mình lại viết nó.
Mình buộc phải làm thế để thay đổi một lựa chọn mình đưa ra 8 năm về trước mà nay đã không còn phù hợp: rời bỏ ngành khách sạn để chuyển sang tài chính. Tuy vậy, mình cũng không muốn chỉ làm một kế toán nhàm chán trong sự nghiệp. Mình muốn phải giữ một trong những vị trí được công nhận cao trong ngành.
Mình không thể ngừng nghĩ về một thực tế, chỉ mới 2 năm trước, mình vẫn còn ở Sapa, trong một viễn cảnh rất xa vời với hiện thực này. Đúng là, tương lai nắm giữ vô số cơ hội và rủi ro mà chúng ta không bao giờ có thể lường trước được hết. Nếu mình không chuẩn bị cho bản thân lòng quyết tâm kiên định, có lẽ việc nhảy trái ngành vào một trong những thị trường cạnh tranh nhất thế giới chỉ là viễn tưởng.
Một bài học nữa trong cuốn sách khiến mình suy nghĩ rất nhiều đó là về vấn đề “tuyển dụng đúng người”. Trong bài viết ♡ Khó Khăn Ngành Khách Sạn – Góc Nhìn Du Học Sinh Thuỵ Sĩ ♡, mình có so sánh tính hiệu quả trong công việc của bộ phận Tiền sảnh ở Thuỵ Sĩ và Việt Nam. Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng ở tính tuyệt đối, nhưng mỗi sự so sánh đều tương đối cho thấy những điểm mà chúng ta có thể làm tốt hơn.
Sự chênh lệch về năng suất lao động là điều mình nhận thấy ngay tắp lự khi trở về Việt Nam làm việc. Mình không có ý chê bai bất cứ điều gì, cũng không muốn tố cáo ai. Đơn giản là, tình hình như vậy buộc mình phải suy ngẫm về việc mình có thể làm gì. Điều này cũng đúng khi mình bắt đầu công việc ở London, mình chứng kiến mọi người “cố tỏ ra bận rộn hơn là thực sự hoàn thành công việc” và nó ảnh hưởng như thế nào đến cả một đội ngũ.
Từ sự quan sát đó, mình rút kinh nghiệm để phát triển bản thân, đồng thời luôn cập nhật yêu cầu của thị trường lao động để đảm bảo mình luôn trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng. Bài học này giúp mình để tâm nhiều hơn đến việc suy nghĩ và tìm tòi phương án cải thiện tất cả mọi yếu tố xung quanh trong khả năng tối đa có thể.
Tất cả những gì bạn đạt được đều luôn là kết quả của một quá trình.
—
05.01.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Đọc Sách.