0
Your Cart

♡ Mua Laptop Nào Tốt? ♡

Chào các bạn!

Sau 2 lần mua laptop thiếu hiểu biết do giá cao quá (25 củ – Sony Vaio) dù chất lượng xịn xò hoặc giá vừa tầm (13 củ – Asus) nhưng chất lượng cùi bắp, mình đã khôn ra và mua em laptop Dell hiện tại của mình (và dùng rất sướng). Mình cũng có em HP công ti phát để sử dụng cho công việc để so sánh nữa. Mình nghĩ nếu bạn có ngân sách tầm 15 củ thì bạn có thể sử dụng luôn mẫu công thức dưới đây của mình để biết mua laptop nào tốt, cho đơn giản 😉

1. Thương hiệu: HP hoặc Dell (sở thích cá nhân)

Các bạn chọn thương hiệu theo sở thích riêng nha. Còn mình thì dù không cố tình bài trừ ai cả, mình có xu hướng không ưu tiên các thương hiệu Acer, Lenovo, LG hay Asus. Giang hồ (Reddit) bảo Acer hay Asus phần cứng yếu. Mình thấy máy Lenovo không đẹp. Sony Vaio thì bị khai tử rồi. Mình khá thích laptop của Microsoft, nhưng giá hơi chát. Mình khum biết tại sao mình không ưu tiên LG nữa, nhưng mình cứ không ưu tiên đấy 🤣 (chắc tại xung quanh không ai dùng máy LG cho mình nghịch thử).

À mà nói thế này hơi ngược, mình thật ra ngay từ đầu đã ưu tiên Dell và HP, chứ không phải là bởi vì mình không muốn mua mấy thương hiệu khác nên mới chọn 2 thương hiệu này, *thiên vị rõ rành rành*. Mình đoán là bởi vì các tập đoàn đa quốc gia hầu như đều phát cho nhân viên laptop của 2 thương hiệu này để làm việc, nên đây chắc sẽ không phải lựa chọn tồi (?!)

Điều duy nhất mình không thích ở Dell là dịch vụ khách hàng rất chán ở bất kì nơi đâu trên thế giới. Mình chưa sử dụng dịch vụ khách hàng của họ ở 100% tất cả các quốc gia, nhưng trải nghiệm ở 3 đất nước khác nhau gồm Ba Lan, Việt Nam và Vương quốc Anh họ đều đưa ra những yêu cầu hết sức vô lí làm mình và Chồng mình khá bực, cộng thêm rất nhiều người trên Reddit cũng có cùng ý kiến như vậy nữa, chắc không sai đâu.

* Haha chắc nhiều bạn cũng thắc mắc, Macbook chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ mua laptop của mình.

2. Chip: i5 là đủ và KHÔNG PHẢI chip U

Em Asus đã khiến mình nhận ra điều đau thương chip U này, còn em Sony Vaio là do mình ăn may sẵn máy vốn dĩ đã không phải chip U.

Cách nhận biết chip U là bạn nhìn cấu hình về CPU hoặc chip trên các trang bán máy tính, thường sẽ trông kiểu Intel Core i3-10110U. Đó, bạn thấy chữ U không? Đây là máy chip U. Em Dell của mình là Intel Core i5-1035G1, đây là máy chip G. Bạn có thể tìm hiểu thêm các loại chip tại đây. Nói sơ bộ ngắn gọn dễ hiểu thì là chip U là chip tiết kiệm năng lượng nên hiệu năng kém. Những bạn nào nhanh tay lẹ cẳng như mình ngồi chờ mấy chương trình chạy chậm như rùa thì cáu lắm.

Với các chip i3 i5 i7 i9 thì bạn có thể đọc thêm tại đây. Em Sony Vaio của mình là i7, em Asus là i3, em Dell là i5 và em HP công việc cũng là i5. Trải nghiệm của mình trả lời cho sự lựa chọn i5. Máy i7 đắt lắm mà không cần thiết mấy bạn ui, mình là dân chơi hệ đỗ nghèo khỉ 🥲

* Sau khi tìm hiểu về các loại chip, có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao mình không loại luôn cả chip T. Bạn sẽ rất hiếm thấy laptop chip T, và để đơn giản mình loại U thôi cho dễ nhớ khi cân nhắc mua laptop.

3. RAM: tối thiểu 8GB

Thứ tiếp theo mình nhìn là RAM. Để tìm hiểu RAM là gì thì bạn có thể đọc thêm tại đây.

Hồi cấp 3 mình nghĩ là chỉ cần RAM 4GB thôi, nhưng từ khi đi làm thì mình thấy RAM 4GB là không đủ. Nếu bạn có điều kiện, hãy giữ tiêu chí RAM tối thiểu 8GB, hoặc nếu bạn muốn thêm nữa thì có thể mua máy RAM 8GB xong mua thêm RAM lẻ 8GB nữa tự nâng cấp lên thành 16GB như mình, dùng ngon lành cành đào luôn. Mình còn nhớ Sếp cũ của mình nâng cấp máy của Anh ấy lên thành 32GB, xài sao cho hết và để làm chi khum biết…

Em Sony Vaio của mình là 4GB, Asus 4GB, Dell 8GB có sẵn + 8GB mua thêm, và HP công ti 8GB. Vẫn là trải nghiệm lên tiếng.

4. Ổ cứng: ĐỪNG mua HDD

Mình biết mình biết, máy HDD rẻ hơn nhiều so với máy SSD, nhưng đấy chính xác là cái dại của mình cho em Asus. Mình nhìn thấy ẻm có 500GB dung lượng, nhiều ăn đứt 128GB SSD của em Sony Vaio, nhưng mà kể cả khi em Asus mới toanh lần đầu sử dụng mình đã thấy em í chậm rồi. Hiệu năng của HDD so với SSD quá ư là thấp.

Tốt nhất là bạn hãy chọn máy không có HDD chỉ có SSD để có trải nghiệm sử dụng mượt mà nhất mà giá lại không quá đắt. Giờ là thời nào rồi, lưu trữ trên ổ đĩa của máy tính không thể nào an toàn và tiện lợi bằng lưu trữ trên đám mây cả. Bạn chỉ cần mua máy SSD 128GB là đủ, rồi lưu trữ toàn bộ dữ liệu cá nhân trên OneDrive là xịn nhất bởi vì nó thuộc hệ sinh thái của Microsoft, mọi thứ đều phối hợp đồng bộ hết sức nhịp nhàng.

Mình sử dụng gói Microsoft 365 Family (xem thêm tại đây) chỉ có 1,699,000 VND/1 năm/6 người (trung bình chưa đến 24,000 VND/người/tháng). Vì nó quá xá là xịn đi nên mình sẽ giải thích tại sao bạn nên sử dụng nó ngay và luôn:

  • Microsoft Office bản quyền tự cập nhật liên tục mà không cần phải chờ phiên bản mới như 2013, 2016, 2019 hay 2021
  • Outlook ăn đứt Gmail
  • Bạn có thể chia sẻ tập tin để N người chỉnh sửa cùng nhau y như cách mọi người làm trên Google Drive nhưng là trực tiếp trên máy tính mà không phải lên trình duyệt như Chrome
  • Khỏi phải nói các tính năng của Microsoft Word, Excel và PowerPoint thì xịn xò hơn nhiều thế nào so với Google Docs, Sheets hay Slides
  • Đồng bộ trên 5 thiết bị khác nhau cho mỗi người (bạn luôn có thể lấy được toàn bộ dữ liệu dù bạn ở bất kì đâu)
  • 1TB/người dung lượng lưu trữ đám mây và đồng bộ trực tiếp vào máy tính, y như việc bạn lưu dữ liệu trực tiếp trên máy tính vậy (hình minh hoạ nè)
Trên máy tính nè
Cùng thư mục đó nhưng trên điện thoại nè

Với 24,000 VND/tháng mà bạn có 1TB dung lượng lưu trữ đám mây và N tính năng xịn xò khác, bạn bỏ tiền mua máy HDD nhiều dung lượng để làm gì? Hoặc thậm chí bỏ một đống tiền mua SSD nhiều dung lượng cũng để làm gì? Không để làm gì cả 😂

5. Những tiêu chí cấu hình linh tinh khác

Theo mình, các tiêu chí cấu hình trên là quan trọng nhất cần cân nhắc thấu đáo cho sự lựa chọn mua laptop. Còn rất nhiều các tiêu chí linh tinh thì mình kể ở đây, và nó phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn cá nhân của bạn:

  • Kích thước màn hình: Mình thích máy to (vì màn hình to nhìn cho sướng), nên mình toàn mua màn hình từ 15 inches trở lên
  • Khối lượng máy: Mình không quan trọng tiêu chí này nên sao cũng được
  • Tốc độ CPU: Hết sức không quan trọng bằng mục 2, nên chọn mục 2 trước rồi mới quyết định yếu tố này, số càng cao càng tốt
  • Loại RAM (DDR3 hay DDR4): Không quan trọng bằng mục 3, nên chọn mục 3 là dung lượng RAM trước rồi mới quyết định loại RAM, DDR4 tốt hơn DDR3
  • Cổng giao tiếp: Mình muốn có cổng HDMI, USB-C, USB-B, và tai nghe 3.5mm, còn lại có hay không không quan trọng
  • Card đồ hoạ: Mình chưa thấy có vấn đề gì với các card đồ hoạ khác nhau nên tạm thời mình vẫn không quan tâm đến tiêu chí này
  • Pin: Mình luôn luôn cắm dây nguồn mọi lúc mọi nơi nên mình cũng không bận tâm về pin khi mua máy, kinh nghiệm là bạn nên mua máy pin tối thiểu 3 cell, còn W thì càng cao càng tốt, tối thiểu tầm 45W chắc oke
  • Hệ điều hành: Mình chỉ bình luận về tiêu chí này là đừng mua máy 32-bit (mình chả biết nó cò còn tồn tại không nữa haha, cứ dặn trước cho chắc), còn lại bạn chọn Windows loại nào hay Linux là tuỳ bạn


6. Nhắn nhủ nho nhỏ

Sau hết mấy tiêu chí mình đã kể, thì mình cũng thật lòng nhắn các bạn đừng khó tính quá, kiểu sau khi đọc bài của mình xong lại “Ô kê, mình chỉ mua máy thương hiệu này chip này RAM này ổ cứng này card đồ hoạ này pin này màn hình này” rồi lại không có máy nào đáp ứng được cả 😅 Mỗi tiêu chí cứ giữ vài ba sự lựa chọn mở rồi cái nào phù hợp nhất thì chọn.

Hồi mình mua em Dell là mình cứ lựa máy nào đáp ứng được hết các tiêu chí của mình mà giá rẻ nhất là mình quất 🤩 Gần 3 năm rồi máy vẫn xịn cho một em Windows, mình rất là hài lòng luôn (giang hồ đồn máy Windows chỉ có tuổi thọ 3 năm thôi).

Nhu cầu dùng máy của mình là chạy N tác vụ cùng lúc vì não của mình nó vận hành thế, hậu kì ảnh (GIMP), làm video (Kdenlive/HitFilm), tác vụ văn phòng nâng cao (Excel Macros). Kể cả khi nhu cầu sử dụng của bạn không nặng như mình, mình vẫn nghĩ những yêu cầu tối thiểu mà mình đã đề ra là cần thiết cho những tác vụ nhẹ thông thường, bởi máy bạn sẽ có tuổi thọ lâu dài hơn khi bạn không cố gắng khai thác hết công suất của em nó mỗi lần sử dụng.

Mình tìm đại thì thấy máy HP 15s-63P89PA (xem thêm tại đây) có 14,879,000 VND thôi mà hiệu năng vẫn chắc ăn xịn xò nè.



Tiêu chí về chip của mình có vẻ gây tranh cãi. Các bạn ui mình nói nghe nè, mình ưu tiên sự tiện lợi, nên là mình chỉ muốn khi có nhu cầu mua laptop thì lên 1 trang bán máy nhìn cái thông số kĩ thuật của nó và có sẵn những tiêu chí để chọn thôi, chứ tất nhiên nếu nghiên cứu sâu hơn dành nhiều thời gian thì bao giờ cũng còn rất rất nhiều thứ để nói rùi. Ví dụ như đời của chip – khi mở bảng thông số kĩ thuật trên các trang bán máy – hổng có sẵn, nên nếu các bạn nào muốn đào sâu hơn các thông số kĩ thuật sâu xa như vậy thì các bạn cứ việc và tự đặt thêm các tiêu chí cho riêng mình.

Mình không dùng laptop quá ít, cũng không dùng quá nhiều, cũng trải qua đau thương để tìm ra những tiêu chí riêng cho bản thân. Tất nhiên nghe tư vấn đồ công nghệ trong các nhóm công nghệ là xịn nhứt rồi, hơn là đi đọc bài blog của một đứa gì đâu như mình, nhưng nó cũng làm mọi người càng trở nên phân vân hơn về việc “bao nhiêu là đủ”. Bao nhiêu người như mình, nằm vùng trong các hội nhóm công nghệ từ lẩu từ lâu nhưng vẫn khum biết phải chọn mua laptop thế nào? Bởi vì mọi người nói xa quá, quá xa để “dân đen” tụi mình có thể hiểu.

9 năm trời mình đi tìm những tiêu chí phù hợp nhất cho bản thân, mình đã đọc rất rất nhiều những chia sẻ trên các hội nhóm công nghệ, xem rất rất nhiều những video trên youtube. Dựa trên tất cả những gì mình tham khảo được đó, cộng với tất cả trải nghiệm của bản thân dài đằng đẵng, mới ra được những tiêu chí như thế này. Mình có viết, “Mình nghĩ nếu bạn có ngân sách tầm 15 củ thì bạn có thể sử dụng luôn mẫu công thức dưới đây của mình để chọn mua laptop, cho đơn giản.” là cũng để giúp cho hành trình chọn mua laptop được đơn giản hoá một cách tối ưu nhất. Tối ưu nhất không có nghĩa là máy xịn nhất tốt nhất, nhưng nó khả năng cao là máy phù hợp nhất với nhiều người có nhu cầu tương tự mình nhất, là chắc chắn.

05.03.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

3 thoughts on “♡ Mua Laptop Nào Tốt? ♡

Bình luận