Ngoài đọc sách ra thì học online (trực tuyến) là một phương pháp mình áp dụng khá nhiều để bứt phá năng lực bản thân. Dù đã gặp rất rất nhiều khoá học online, mình không đăng kí các khoá này một cách vô tội vạ. Yên tâm, những khoá học online nổi tiếng với cộng đồng người Việt (Kiếm Tiền Online Hub, Social Media Manager, Upwork, v.v…) sẽ không được đề cập trong bài viết này, bởi vì mình chưa từng và cũng không có nhu cầu theo học những khoá đó do mục tiêu cuộc sống của mình không nằm ở trong những lĩnh vực này.
Vậy mình học online ở đâu và mình học những gì?
1. Udemy
Mình đề cập đến Udemy đầu tiên bởi vì nếu xét về các khoá học cầm tay chỉ việc thì Udemy có hệ thống khoá học rất hoàn chỉnh và bài bản, được đánh giá công khai và trực tiếp bởi các học viên đã theo học nên rất dễ dàng cho bất kì ai tham khảo lựa chọn khoá học phù hợp.
Trên Udemy thì mình học những khoá thiên về kĩ năng hơn là kiến thức, và có một vài khoá mình đang nhắm đến như:
- Visually Effective Excel Dashboards
- YouTube Masterclass – Your Complete Guide to YouTube
- Video Editing in DaVinci Resolve 17: Beginner to Advanced
Tất nhiên trên Udemy có rất nhiều chủ đề khác nữa, nhưng bởi vì những khoá học trên Udemy không được bảo chứng bởi các tổ chức giáo dục chính quy nên mình chỉ lựa chọn những khoá học về kĩ năng thôi.
Các khoá học ở nền tảng này có tính phí nhưng chi phí rất rẻ, chỉ dao động trong khoảng 318,000 VND – 462,000 VND mỗi khoá. Udemy rất hay chạy chương trình khuyến mãi các khoá học, nên bạn đừng mua những khoá học này khi Udemy không có chương trình khuyến mãi, như thế không đáng đâu.
2. Coursera
Đây là nền tảng học online ưa thích của mình bởi các khoá học ở đây đều được cung cấp bởi một tổ chức giáo dục chính quy hoặc một tập đoàn đa quốc gia lớn. Sự khác biệt của khoá học có phí và miễn phí trên Coursera khác nhau ở chỗ bạn sẽ có hoặc không được làm bài tập củng cố kiến thức. Bạn có thể xin hỗ trợ tài chính, như thế bạn sẽ không phải bỏ tiền mà vẫn có được đầy đủ các quyền lợi.
Trên Coursera mình sẽ ít khi học các khoá lẻ, trừ phi mình thực sự cần nó gấp. Thay vào đó, mình học các Specialisation và Professional Certificate là tập hợp nhiều khoá lẻ đã được sắp xếp theo trình tự cụ thể về cấp bậc kiến thức, và thường cũng có những dự án được thiết kế sẵn để người học có thể áp dụng kiến thức đã học.
Ở đây mình đang nhắm đến các khoá như (mình viết để nhân tiện lưu lại luôn sau này học hehe):
- Data Analysis and Visualisation Foundations
- Decentralised Finance DeFi: The Future of Finance
- Business and Financial Modeling
Các khoá học phổ biến nhất trên Coursera là:
- Google Data Analytics Professional Certificate
- Google Project Management Professional Certificate
- Excel Skills for Business Specialisation
- Meta Social Media Marketing Professional Certificate
- Improve Your English Communication Skills Specialisation
Thông thường mình sẽ tìm những khoá học trên Coursera trước, và nếu Coursera không có các khoá học mình cần thì mình mới tìm trên các nền tảng khác.
3. EdX
Mình không hay học trên EdX lắm, vì thường những khoá học có trên EdX thì trên Coursera dễ có những khoá tương tự. Tuy nhiên, có một số trường đại học lớn trên thế giới họ chỉ cung cấp chương trình học trên EdX, nên nếu mình cảm thấy mình muốn học chương trình đó cụ thể thì mình sẽ học trên EdX. Ở đây mình cũng không thường học các khoá lẻ mà tập trung vào Professional Certificate.
EdX cũng cung cấp hỗ trợ tài chính, tuy nhiên họ chỉ cho tối đa 90% giá trị khoá học. Chi phí của các khoá học trên EdX lại không cố định, nên tuỳ vào mỗi khoá học mà chi phí bạn phải bỏ ra sau khi có hỗ trợ tài chính là khác nhau.
Học cả 2 bên EdX và Coursera thì mình thấy chất lượng khoá học của EdX cao hơn khá rõ rệt, nhưng nếu bạn biết lựa chọn các khoá học trên Coursera bằng cách đọc kĩ chương trình học trước khi đăng kí thì trải nghiệm trên Coursera của bạn cũng sẽ khá ổn.
Ở đây mình có nhắm đến một vài khoá như:
—
Tất nhiên nhu cầu học của bạn chưa chắc sẽ giống mình, nhưng mình vẫn kể ra một vài khoá học mình đang nhắm đến để biết đâu bạn có thể tìm ra hình mẫu cách mình lựa chọn các khoá học ở các nền tảng khác nhau như thế nào.
3 nền tảng học online ở trên là 3 nền tảng cực kì lớn ở quy mô toàn cầu, chắc hẳn bạn có thể đã nghe thấy rồi. Điều mình muốn chia sẻ ở đây không chỉ là giới thiệu sơ bộ về 3 nền tảng, mà còn là chiến lược tại sao mình chọn những khoá học nào thuộc những lĩnh vực nào ở trên mỗi nền tảng. Đây cũng là điều mà chưa chắc những người khác sẽ chia sẻ với bạn.
20.05.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tối Ưu Hoá Cuộc Sống.