Nếu bạn có theo dõi Facebook của mình thì bạn sẽ tìm thấy các video mình chơi piano. Mình không phải là người chơi chuyên nghiệp, mục đích của mình khi đưa âm nhạc vào cuộc sống chỉ đơn giản là để giải trí và giải toả căng thẳng thôi, vậy nên mình không đặt nặng nhiều mặt kĩ thuật khi chọn mua piano. Điều này cũng giống như cách mình chọn mua laptop vậy. Tất nhiên, nếu bạn muốn trở nên chuyên nghiệp hơn, kĩ thuật xịn xò hơn, nghe đàn đã tai hơn, bạn có thể chú ý nhiều hơn đến các thông số kĩ thuật của đàn. Cá nhân mình thì muốn cân bằng giữa tất cả các tiêu chí hơn chỉ là thiên về 1 thiêu chí cụ thể nào đó khi mua piano.
1. Thương hiệu: Yamaha hoặc Kawai
Trước đây mình chưa từng để ý đến điều này, nhưng dạo gần đây mình có phát hiện ra mình là một người tiêu dùng rất tập trung vào thương hiệu. Lúc nào yếu tố đầu tiên mình lựa chọn luôn là thương hiệu, chứ không phải bất kì điều gì khác. Mình không biết liệu điều này có xuất phát từ việc mình theo học chuyên ngành Chiến lược Thương hiệu Xa xỉ ở đại học không nữa 🥲, chứ lúc chọn mua laptop mình cũng chọn thương hiệu đầu tiên.
Điều này áp dụng cho cả piano điện lẫn piano cơ. Tất nhiên nếu có tiền mình sẽ mua Steinway & Sons là khỏi bàn cãi, nhưng mình khum có tiền =))))) Có 2 lí do mình chọn Yamaha và Kawai đó là (1) quy mô thương hiệu + chất lượng đàn cho piano cơ và (2) nếu mua piano điện thì giá trị khấu hao của 2 thương hiệu này cao hơn các thương hiệu phổ biến còn lại như Casio, Roland, v.v…
Là một đứa làm Tài chính, tất nhiên mình để tâm đến giá trị khấu hao của tài sản, bởi chắc chắn khi điều kiện sống cho phép (ý là mình chuyển đến một căn nhà rộng rãi hơn) thì mình sẽ mua piano cơ. Vậy nên, mình để ý đến piano điện chỉ là tạm thời tối đa 2 – 3 năm.
2. Ngoại hình 😂
Đàn cơ dù là grand (nằm) hay upright (đứng) thì hầu như trông đều đẹp trong mắt mình nên ngoài thương hiệu ra thì mình không kén chọn lắm, nhưng điều này lại không đúng với đàn điện. Đàn điện ở các tầm giá khác nhau sẽ có những kiểu ngoại hình khác nhau, và đàn mắc chưa chắc đã đẹp.
Mình thích đàn đen hơn tất thảy các màu khác, nên mình sẽ chỉ nhìn những lựa chọn màu đen. Đối với mình đàn buộc phải có nắp đậy bàn phím, nhưng đồng thời mình cũng không thích đàn nắp trượt. Khổ nỗi, đàn điện nắp trượt chắc chiếm cũng phải ít nhất 90% các mẫu đàn điện có nắp 🙄 Khum sao, mình đã tìm được mẫu đàn nắp gập thay vì nắp trượt là Yamaha Arius YDP dòng S. Mình cũng muốn trên bàn phím của đàn có một dải lụa đỏ bởi trông nó sẽ rất giống đàn cơ hihi.
3. Cảm giác chơi trên phím
Chắc bạn cũng thấy trên Facebook của mình rằng đàn mình chơi là đàn grand. Cây này của mình là Yamaha G2 ở nhà ở Việt Nam, còn nhà mình ở London thì bé nên không thể chứa được đàn cơ, kể cả upright. Mình đã có 4 năm chơi đàn cơ ở nhà nên mình hiểu khá rõ cảm giác phím mình mong muốn là gì. Khi chơi trên cây Yamaha Arius YDP S34, dù mình thấy có nhiều người chê là không “thật” lắm nhưng mình thấy nó khá ổn với tay mình.
Với những tiêu chí mình đã đề cập thì ngoài Yamaha Arius YDP S34 ra mình cũng nhắm thêm một vài cây khác như Yamaha Arius YDP S35, Yamaha Arius YDP S54 và Yamaha Arius YDP S55. Và tiêu chí cuối cùng đã đưa mình lựa chọn Yamaha Arius YDP S34 là…
4. Giá
Không nhìn giá thì không phải mình rồi 😉
Thật ra khi đề ra các tiêu chí mua piano, tiêu chí về giá là tiêu chí cuối cùng của mình, bởi mình biết mình có thể chi được cho 1 cây baby grand như ở nhà. Tuy nhiên, không phải bởi vì mình có thể chi nên là mình chi luôn, như thế thì uổng cho công sức làm Tài chính của mình quá 🙃
Bởi vì mình chỉ tính mua đàn điện nhỏ gọn cho 2 – 3 năm, nên mình sẽ không cầu kì quá. Miễn là đàn đáp ứng được các nhu cầu trên của mình, mình tất nhiên sẽ chọn cây rẻ nhất, vì nó chỉ là tạm thời. Chắc chắn là các mẫu đắt hơn sẽ có những tính năng tốt hơn, nhưng với khoảng thời gian ngắn đối với mình là không đáng, bởi đằng nào mình cũng sẽ chuyển qua đàn cơ trong tương lai không xa. Đó là lí do vì sao Yamaha Arius YDP S34 được mình chọn.
—
Có một tiêu chí mà mình thấy mọi người khá để tâm đó là âm thanh. Anh trai mình và Cậu mình đều có đàn piano điện, thật ra mình đã được trải nghiệm cảm giác âm thanh đàn điện ở tầm giá mà họ mua rồi. Yamaha Arius YDP S34 nằm ở tầm giá cao hơn, nên vốn dĩ mình khá tự tin là âm thanh của nó đáp ứng được mình. Với lại, âm thanh cũng có nhiều loại, mình lại không kén chọn tiêu chí này, nên đây không phải một tiêu chí chọn đàn của mình.
Cả bài viết này trông thì có vẻ hợp lí hơn khi chọn đàn điện, nhưng tiêu chí chọn piano cơ của mình cũng y chang thế, chỉ bỏ mỗi bước 3. Có điều, nếu mình đã mua đàn cơ thì 100% mình sẽ không mua đàn lai (hybrid). Mình khá cổ điển trong nhiều sự lựa chọn, và với một hệ cũng cổ điển không kém là piano thì mình cũng không muốn hiện đại hoá nó lên quá. Lí do Yamaha G2 về với mình cách đây 10 năm là bởi vì nó là cây grand Yamaha rẻ nhất mình tìm được ở một nơi bán uy tín.
Bài viết này không có tiếp thị liên kết. Ở Việt Nam mình mua đàn ở Music World, trước cổng trường Nhạc viện TP.HCM. Nơi bán đàn uy tín thì nhiều, mình mua ở Music World chỉ đơn giản là mình thấy dịch vụ khách hàng ở đây rất tốt thôi. 10 năm rồi, họ vẫn là bạn của gia đình mình.
19.05.2022
Nếu bạn yêu thích bài viết và có điều kiện, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì và phát triển nội dung phi lợi nhuận.