Gần đây mình có tư vấn cho một bạn du học sinh (DHS) mới về nước về thoả thuận thu nhập với doanh nghiệp. May mắn cho mình là khi mình về nước làm việc cách đây 3 năm, mình làm việc tại doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi của người lao động đến tối đa, ít nhất là chiếu theo Luật lao động. Mình – cũng như các bạn – ban đầu không để ý đến việc này, và thậm chí có suy nghĩ Tiền về tay càng nhiều thì càng tốt. Thực tế, điều này không hẳn là vậy. Vậy, khi xin việc, bạn nên thoả thuận lương gross hay lương net, và làm thế nào bạn có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của bản thân? Mình sẽ giải thích trong bài viết này.
Bài viết chỉ mang tính tham khảo.
1. Lương gross là gì?
Lương gross là thu nhập của bạn được nhận bao gồm các khoản như lương cơ bản, các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng, v,.v… Từ khoản lương gross, bạn cần trích ra % tương ứng để đóng bảo hiểm và sau đó nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm do bạn phải chi trên lương gross với tổng 10,5% bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội: 8%
- Bảo hiểm y tế: 1,5%
- Bảo hiểm thất nghiệp: 1%
Mức đóng thuế thu nhập cá nhân tính trên phần lương sau khi đã trừ bảo hiểm và trừ mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ gia cảnh của người không có người phụ thuộc là 11.000.000 và mỗi người phụ thuộc là 4.400.000.
Bậc thuế | Thu nhập chịu thuế (TN) | Mức thuế thu nhập cá nhân |
1 | TN <= 5.000.000 | 5% TN |
2 | 5.000.000 < TN <= 10.000.000 | 10% TN – 250.000 |
3 | 10.000.000 < TN <= 18.000.000 | 15% TN – 750.000 |
4 | 18.000.000 < TN <= 32.000.000 | 20% TN – 1.650.000 |
5 | 32.000.000 < TN <= 52.000.000 | 25% TN – 3.250.000 |
6 | 52.000.000 < TN <= 80.000.000 | 30% TN – 5.850.000 |
7 | 80.000.000 < TN | 35% TN – 9.850.000 |
Phần trên là điều hầu như ai cũng biết, và nếu bạn chưa biết thì việc tra google cũng rất dễ dàng.
Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người không biết: doanh nghiệp cũng phải chịu một khoản chi phí để đóng thêm bảo hiểm cho bạn, và phần quyền lợi này to hơn phần quyền lợi bạn phải chi hơn gấp đôi!
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm do doanh nghiệp phải chi thêm trên lương gross của bạn với tổng 21,5% (hơn gấp đôi 10,5% bạn đóng) bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội: 17,5%
- Bảo hiểm y tế: 3%
- Bảo hiểm thất nghiệp: 1%
Sau khi mình viết về lương net, mình sẽ giải thích cho bạn rằng bạn nên chọn thương lượng lương nào trong quá trình phỏng vấn.
2. Lương net là gì?
Đơn giản, lương net là khoản thu nhập về tay bạn. Nói cách khác, đây là phần thu nhập của bạn sau khi đã trừ hết các loại khoản chi phí bảo hiểm bạn cần đóng và thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
3. Chọn lương gross hay net để bảo vệ quyền lợi của bạn khi xin việc?
Nếu mình thảo mai và không muốn làm mất lòng ai thì mình sẽ nói… tuỳ nhu cầu của bạn hơhơhơ. Tuy nhiên, nếu mình là bạn, mình sẽ chỉ thương lượng trên lương cơ bản (mức đóng bảo hiểm). Lí do rất đơn giản, vì quyền lợi xứng đáng của mình.
So sánh các trường hợp thoả thuận thu nhập net và gross (trên mức lương 20.000.000) thực tế trên thị trường lao động hiện nay thường gặp 3 trường hợp như sau:
Net (1) | Cơ bản (mình) (2) | Gross (dễ gặp) (3) | |
Lương cơ bản (mức đóng bảo hiểm) | 5.500.000 | 20.000.000 | 5.500.000 |
Trợ cấp, phụ cấp, thưởng ABCXYZ | 15.799.722 | tuỳ nhu cầu/năng lực | 14.500.000 |
Bảo hiểm 10,5% | 577.500 | 2.100.000 | 577.500 |
Thuế TNCN (không người phụ thuộc) | 722.222 | 440.000 | 592.250 |
Lương net | 20.000.000 | 17.460.000+ | 18.830.250 |
Sẽ không khó bắt gặp nhiều bài đăng khuyên bạn rằng thì là mà khi thương lượng thu nhập với doanh nghiệp, bạn nên thương lượng trên lương gross. Lời khuyên này không sai, nhưng chỉ từng đó là chưa đủ. Ban đầu mình không hề nhận ra cho đến khi đi tư vấn cho bạn DHS kia.
Ban đầu mình cũng làm theo mọi người, khuyên bạn DHS thương lượng lương gross (ý mình là tình huống 2). Ai ngờ, sau khi bạn ấy thương lượng xong, hợp đồng lại xuất ra thành trường hợp 3, từ đó mình mới biết doanh nghiệp thương lượng lương gross kiểu này, dù về lí họ chẳng sai, vì lương gross bao gồm cả các phần tiền phụ cấp. Vậy nên, thay vì đặt câu hỏi Thương lượng lương gross hay net?, mình nghĩ nên đổi câu hỏi thành Thương lượng lương cơ bản, gross hay net? để hiểu chính xác hơn về việc thương lượng lương.
Tình huống 1 và tình huống 3, ngoài sự khác nhau về mức thu nhập về tay mỗi tháng và thuế, thì quyền lợi bảo hiểm là y chang. Đây không phải là tình huống mình đề xuất. Cá nhân mình đề xuất tình huống 2, tức là thương lương trên lương cơ bản. Thay vì giải thích dài dòng, mình sẽ đi vào con số cụ thể về quyền lợi bạn được nhận trong các tình huống cụ thể luôn. Sẽ rất dễ dàng thôi, bạn sẽ nhận thấy tại sao mình ưu tiên tình huống 2, coi như bảo hiểm đã đóng đủ thời gian để có thể nhận trợ cấp:
- Thất nghiệp:
Tình huống 1 và 3: trợ cấp 3.300.000/tháng
Tình huống 2: trợ cấp 12.000.000/tháng
Bạn hoàn toàn có thể đi làm 1 năm, rồi ở nhà chơi vài tháng nhận trợ cấp, xong lại đi làm 1 năm, rồi lại ở nhà chơi vài tháng nhận trợ cấp, và cứ thế xoay vòng. Dù mình không hề làm điều này (vì đối với mình lao động là vinh quang hihi), đây là điều hoàn toàn hợp pháp. - Thai sản:
Tình huống 1 và 3: trợ cấp 33.000.000
Tình huống 2: trợ cấp 120.000.000
Tất nhiên điều này không áp dụng cho đàn ông rồi 😂 - Hưu trí:
Tình huống 1 và 3: trợ cấp 3.905.000/tháng
Tình huống 2: trợ cấp 14.200.000/tháng
Điều này được tính trên giả sử bạn đi làm từ năm 22 tuổi (tốt nghiệp đại học 4 năm), nghỉ hưu năm 55 tuổi, giả sử lương không thay đổi trong suốt thời gian lao động. Tính sơ bộ thôi 😜
Đây là 3 trường hợp quyền lợi đại diện rất rõ ràng, rằng tại sao khi thương lượng lương bạn nên thương lượng lương cơ bản, cũng chính là trường hợp của mình khi về Việt Nam công tác 3 năm về trước. Và bạn đừng quên, phần bảo hiểm bạn phải đóng còn không bằng một nửa phần doanh nghiệp phải chi cho quyền lợi của bạn.
Tất nhiên để công bằng thì mình sẽ nói rằng nếu bạn không có nhu cầu hưởng trợ cấp thì bạn cứ thương lượng lương theo cách bạn muốn. Tuy vậy, mình thực sự không thấy lí do gì để bạn không thương lượng trên lương cơ bản cả.
Nếu muốn, bạn có thể tính toán sự chênh lệch giữa lương net trong suốt quãng thời gian lao động giữa các tình huống, và giả sử bạn sống đến năm 80 tuổi thì thực sự tổng thu nhập của tình huống nào thì có lợi hơn. Trong trường hợp đó, đừng quên tính sự trượt giá của đồng tiền theo thời gian nhé.
Nếu bạn chưa biết thì để đỡ mất thời gian tính toán, bạn có thể tính chi phí bảo hiểm và thuế tại đây nha.
Tham khảo:
- Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
- Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân 2012
- Luật Việc làm 2013
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- Luật sửa đổi các Luật về Thuế 2014
- Thông tư 111/2013/TT-BTC
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
- Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH
- Nghị định 115/2015
- Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14
- Nghị quyết 116/NQ-CP 2021
- Quyết định 595/QĐ-BHXH
11.11.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.