0
Your Cart

♡ Lập Ngân Sách Thu Chi [VN] ♡

Lập Ngân Sách Thu Chi [VN]

Phiên bản Vương quốc Anh: ♡ Lập Ngân Sách Thu Chi [UK] ♡

Các nguồn thông tin hiện nay chia sẻ 2 phương pháp quản lí tài chính cá nhân rất phổ biến:

  • Phương pháp 6 cái lọ
  • Phương pháp 50/30/20

Cả 2 phương pháp trên đều không phải nội dung của bài viết này.

Nó chỉ tập trung vào việc đặt ra cho bạn quy tắc rằng bạn nên “chi” như thế nào, bao gồm cả việc “chi” cho đầu tư và tiết kiệm để có thể đạt được mục tiêu tài chính bạn đặt ra.

Nhưng nó bị thiếu.

Trong 1 video mình xem được trên Spiderum, Chú Hoàng Nam Tiến có nói rằng quan trọng nhất trong quản lí tài chính cá nhân là quản lí dòng tiền. Mình rất đồng ý, và không hiểu sao mình chưa từng thấy chủ đề này nổi cộm lên trong cộng đồng sáng tạo nội dung về quản lí tài chính cá nhân.

Phiên bản đơn giản của việc quản lí dòng tiền này là phương pháp Lập ngân sách từ số 0 (ZBB, zero-based budget). Một người đã từng chia sẻ về phương pháp này là Chị Chi Nguyễn The Present Writer, bạn có thể đọc bài blog hoặc xem video của Chị Chi.

Thực tế, phương pháp Lập ngân sách từ số 0 không hề dở, chỉ là ở góc độ cá nhân mình, nó bị cứng nhắc quá, thiếu đi sự linh hoạt nên không đáp ứng được nhu cầu của mình về thứ bậc ưu tiên trong quản lí tài chính. Mình hiểu, đại bộ phận mọi người không đặt “giá trị thời gian của đồng tiền” (time value of money) lên trên những ưu tiên khác, một cách cực kì chi li, như mình. Bài viết này, thay vì chỉ đơn giản “tiền vào – tiền ra = 0”, chính là quản lí dòng tiền, với chiến lược nâng cấp thêm một bậc, dành sự ưu tiên rất cao cho 2 yếu tố:

  1. Tính thanh khoản
  2. Giá trị thời gian của đồng tiền

Yên tâm, mình sẽ giải thích hết (ở cuối bài).

1. Giả thiết

Bài viết này giải thích chiến lược lập ngân sách thu chi thông qua tình huống có con số cụ thể luôn cho bạn dễ hình dung, thay vì mình chỉ nói chung chung chiến lược và kế hoạch là gì.

Một số những giả thiết và mục tiêu mình đặt ra gồm có:

  • Thu nhập: 10.000.000 VND/tháng
  • Dự kiến chi 6 tháng đầu: 5.000.000 VND/tháng
  • Số dư tài khoản dự kiến: 3.050.000 VND
  • Lãi suất tiết kiệm 12 tháng 5,1%/năm
  • Số chi thực tế tính từ ngày nhận lương tháng trước đến ngày nhận lương tháng này.

Bài viết này không phải để nói rằng chi 5.000.000 VND/tháng là khả thi hay không khả thi. Những con số chỉ mang tính minh hoạ để sự diễn tả về chiến lược và phương hướng quản lí tiền của mình được dễ hiểu. Bạn hoàn toàn có thể dựa trên tư duy này để áp dụng lên con số thực tế tình hình tài chính của bạn cho phù hợp.

2. Lập ngân sách thu chi

Tháng 1

Tất cả đều bắt đầu từ con số 0. Bạn đang không có tiền, đang xài tiền của bố mẹ.

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tư
000

Rồi bạn đi làm, và nhận tháng lương đầu tiên. Từ lúc bạn đi làm đến nay, bạn vẫn xài tiền của bố mẹ, vì đồng lương đầu tiên chưa vô túi. Thế nhưng, từ nay, bạn đã có tiền của mình rồi.

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tư
10.000.00000

Từ nay đến ngày nhận lương tiếp theo, bạn dự kiến sẽ chi 5.000.000 VND. Bạn dự kiến chi cái gì, chi như thế nào, là câu chuyện của phương pháp 6 cái lọ và phương pháp 50/30/20, không phải nội dung của bài viết này.

Bạn muốn giữ trong tài khoản 3.050.000 VND phòng trường hợp chuyện phát sinh đột ngột ngoài dự kiến. Đây là 1 trong những tính thanh khoản mà mình nói đến, tính thanh khoản siêu ngắn hạn phát sinh đột ngột trong vòng 1 tháng.

Giải thích 1: Tại sao lại là 3.050.000 VND?

Từ đó, bạn còn 1.950.000 VND có thể chuyển qua tiết kiệm và đầu tư. Cuối cùng, tiền của bạn phân bổ như thế này:

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tư
8.050.000950.0001.000.000

Thế là nhiệm vu lập ngân sách thu chi ngày nhận lương của tháng 1 của bạn đã hoàn tất.

Tháng 2

Trước khi bạn nhận lương tháng 2, tình hình tài khoản của bạn thế này:

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tưSố chi thực tế
2.705.416950.0001.000.0005.344.584

Sau khi nhận lương, nó biến thành:

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tư
12.705.416950.0001.000.000

Vậy là phần chi trong tháng vừa qua của bạn bị lố so với dự kiến. Bạn kiểm tra lại tình hình chi tiêu, và thấy rằng phần chi lố cũng không phải là một khoản lố quá nhiều/bất ngờ, do vậy bạn vẫn dự kiến chi tháng sau 5.000.000 VND. Tính thanh khoản cho phát sinh đột ngột vẫn là 3.050.000 VND. Thế là bạn có 4.655.416 VND có thể chuyển vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư. Cuối cùng, tiền của bạn phân bổ như thế này:

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tư
8.050.4164.605.0002.000.000

Cá nhân mình thích số chuyển vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư phải tròn, nên phần số lẻ mình để lại trong tài khoản chính.

Thế là nhiệm vu lập ngân sách thu chi ngày nhận lương của tháng 2 của bạn đã hoàn tất.

Tháng 3 – 7

Như tháng 2, rút gọn lại thành:
(Trước nhận lương, sau nhận lương và phân bổ)

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tưSố chi thực tế
Tháng 3 (trước)3.480.0774.605.0002.000.0004.570.339
Tháng 3 (sau)8.050.0779.035.0003.000.000
Tháng 4 (trước)2.574.8939.035.0003.000.0005.475.184
Tháng 4 (sau)8.050.89312.559.0004.000.000
Tháng 5 (trước)3.458.23512.559.0004.000.0004.592.658
Tháng 5 (sau)8.050.23516.967.0005.000.000
Tháng 6 (trước)3.289.15916.967.0005.000.0004.761.076
Tháng 6 (sau)8.050.15921.206.0006.000.000
Tháng 7 (trước)2.701.88021.206.0006.000.0005.348.279
Tháng 7 (sau)8.567.88024.340.0007.000.000

Giải thích 2: Tại sao số dư tài khoản mình để lại sau khi nhận lương tháng 7 không còn dao động quanh 8.050.000 VND nữa?

Giải thích 3: Mình phân bổ phần dư cho tiết kiệm và đầu tư như thế nào?
(Nhìn tưởng vậy mà không phải vậy.)

3. Giải thích

3.1. Tại sao số dư tài khoản là 3.050.000 VND?

  • 50.000 VND là số tiền để duy trì tài khoản.
  • 3.000.000 VND là số làm tròn xuống ở hàng triệu của 150 USD. Nếu tỉ giá USD/VND thay đổi đủ nhiều, con số 3.000.000 VND này sẽ thay đổi theo tỉ giá USD/VND.

Bạn không thể nào trong người không có tiền. Quá nguy hiểm. Tất nhiên, tình huống này đã vượt qua tình huống cơm áo gạo tiền sinh tồn cơ bản. Mốc làm tròn xuống ở hàng triệu của 150 USD là con số khiến mình cảm thấy an toàn. Bạn có thể cảm thấy an toàn với con số thấp hoặc cao hơn nhiều, nhưng dù là con số nào thì nó cũng nên dư cho những trường hợp phát sinh ngoài dự kiến.

Đây không phải quỹ khẩn cấp.

3.2. Tại sao số dư tài khoản mình để lại sau khi nhận lương tháng 7 không còn dao động quanh 8.050.000 VND nữa ?

Vì bạn đã có dữ liệu quá khứ đủ tin cậy. Mình cho rằng dưới 6 tháng dữ liệu là quá ít vì nó có thể mang tính mùa vụ (seasonality), trên 6 tháng thì chờ hơi dài và rủi ro con số chi dự kiến 5.000.000 VND bị lệch càng lớn.

Lúc này, bạn đã có 6 tháng dữ liệu quá khứ cho thấy số chi trung bình 5.015.353 VND/tháng, trừ hao thêm 10% thành 5.517.000 VND, cộng thêm số dư tài khoản dự trù 3.050.000 VND nên mình để lại 8.567.000 VND có lẻ.

Từ tháng 7 trở về sau, số chi dự kiến trong ngân sách luôn bằng số chi trung bình 6 tháng gần nhất trừ hao thêm 10%. Đây là một tính thanh khoản khác mà mình nhắc đến, tính thanh khoản siêu ngắn hạn phát sinh KHÔNG đột ngột trong vòng 1 tháng. Gọi nó là không đột ngột vì khoản 10% này là sự dao động. Con số mốc 5.015.353 VND là con số trung bình, không phải con số giới hạn tối đa chi tiêu, nên nó cần một khoảng dao động cho phép, và mình chọn 10%.

Đồng thời, nhờ sử dụng số chi trung bình 6 tháng gần nhất nên phần khoản chi dự kiến này sẽ luôn được tự động cập nhật theo xu hướng chi tiêu của bản thân, thay vì chỉ là một con số tĩnh (hằng số) 5.000.000 VND ban đầu. Bất kể nguyên nhân khiến xu hướng bạn chi nhiều/ít hơn trong thời gian qua là gì, việc bạn chi tiêu trong hay vượt phạm vi ngân sách đặt ra là không quan trọng vì nó không thuộc về nội dung của bài viết này, ở đây con số chỉ phản ánh tình hình dòng tiền thực tế của bạn trong 6 tháng gần nhất mà thôi.

3.3. Mình phân bổ phần dư giữa tiết kiệm và đầu tư như thế nào?

Mục tiêu quỹ khẩn cấp của mình là 3 tháng lương ~ 30.000.000 VND. Vì ưu tiên tính thanh khoản, quỹ khẩn cấp của mình sẽ nằm trong tài khoản tiết kiệm.

Nhiều người bảo quỹ khẩn cấp nên là 3 – 6 tháng chi tiêu, mình thấy không có vấn đề gì với tiêu chí đó. Chỉ là 2 ưu tiên của mình, tính thanh khoản và giá trị thời gian của đồng tiền, khiến mình cảm thấy 3 tháng lương là đủ và làm mình thoải mái trong việc cân bằng giữa cái được và mất của 2 ưu tiên mình đặt ra.

Đây là một tính thanh khoản khác mà mình nhắc đến, tính thanh khoản ngắn hạn phòng rủi ro trong 3 – 6 tháng.

(Tình cờ trong giả thiết của mình, 3 tháng lương lại xấp xỉ 6 tháng chi tiêu. Nó chỉ là tình cờ thôi.)

Trước khi đạt được con số tiết kiệm 30.000.000 VND, mình sẽ chỉ phân bổ 1.000.000 VND/tháng vào tài khoản đầu tư. Sau khi đạt được mốc quỹ khẩn cấp rồi, mình sẽ phân bổ phần dư theo tỉ lệ số dư * lãi suất tiết kiệm 12 tháng * 2 vào tài khoản tiết kiệm, phần còn lại vào tài khoản đầu tư, với điều kiện số tiền đầu tư mỗi tháng tối thiểu 1.000.000 VND. Để cho rõ ràng, cái bảng của tháng 8 – 12 như sau:

(Giả thiết lãi suất 5,1%/năm)

Số dư tài khoảnTiền tiết kiệmTiền đầu tưSố chi thực tếTiết kiệm : Đầu tư
Tháng 8 (trước)3.024.98924.340.0007.000.0005.542.891
Tháng 8 (sau)8.604.98927.760.0008.000.000
Tháng 9 (trước)2.603.33027.760.0008.000.0006.001.659
Tháng 9 (sau)8.867.33030.153.0009.343.000153 : 1.343
Tháng 10 (trước)2.525.40930.153.0009.343.0006.341.921
Tháng 10 (sau)9.025.40930.510.00012.468.000357 : 3.143
Tháng 11 (trước)3.913.15230.510.00012.468.0005.112.257
Tháng 11 (sau)9.120.15230.999.00016.772.000489 : 4.304
Tháng 12 (trước)3.128.36130.999.00016.772.0005.991.791
Tháng 12 (sau)9.346.36131.385.00020.168.000386 : 3.396

Bạn thấy đấy, khi mà mục tiêu quỹ khẩn cấp đã đạt được, tiền tiết kiệm vẫn tăng lên nhưng với tốc độ cực kì chậm so với tiền đầu tư. Đây chính là sự cân bằng của mình giữa tính thanh khoản và giá trị thời gian của đồng tiền.

3.4. Ưu tiên tính thanh khoản: được và mất

Xuyên suốt các bài viết chủ đề tài chính cá nhân của mình, mình nói rất nhiều về ưu tiên tính thanh khoản. Hơn bất cứ tiêu chí tài chính nào khác, tính thanh khoản luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách ưu tiên của mình. Đây là sự lựa chọn. Tất nhiên, nó được cân bằng với giá trị thời gian của đồng tiền ở một mức độ khiến mình cảm thấy thoải mái.

Cái được của ưu tiên tính thanh khoản: Nó là tiền, và/hoặc có thể chuyển thành tiền trong thời gian ngắn, phục vụ bất kì nhu cầu nào cần đến tiền. Đổi lại, cái mất của ưu tiên tính thanh khoản là hi sinh giá trị thời gian của đồng tiền.

Nếu mình để nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng và tài khoản tiết kiệm quá, mình sẽ mất đi cơ hội có nhiều tiền hơn khi đầu tư tiền vào tài sản. Nếu bỏ tiền vào tài sản, tài sản sẽ đẻ ra giá trị có thể quy ra nhiều tiền hơn với tốc độ cao hơn, nhưng khi bạn cần đến tiền nằm trên tay, bạn phải bán tài sản đi, mất thời gian chuyển tài sản thành tiền, mất thuế phí, và đôi khi mất thêm cả những cơ hội hay chấp nhận mất nhiều giá trị tài sản hơn nếu các tình huống không đi theo phương hướng bạn dự định.

(Tài khoản tiết kiệm là thứ nằm giữa tính thanh khoản và giá trị thời gian của đồng tiền. Nếu mình không rút tiền ra trước khi đáo hạn thì nó mang tính chất của một giá trị thời gian của đồng tiền, với lợi nhuận thuộc dạng thấp so với các loại tài sản khác. Nếu mình cần tính thanh khoản, mình có thể rút nó ra được ngay, và hi sinh phần lãi suất kì hạn.)

Mình biết nhiều người có chiến lược dồn hết tiền vào tài sản, vì nhiều loại tài sản có thể sinh ra giá trị có thể quy đổi thành tiền với tốc độ cực lớn (như bất động sản) và cho rằng tính thanh khoản chỉ là tạm thời, có nhiều phương án tăng tính thanh khoản như vay ngân hàng. Không sai. Mình cũng có những khoản vay làm đòn bẩy đầu tư. Nhưng, nó rủi ro.

Do vậy, để kiểm soát sự rủi ro này tốt hơn, bạn cần một kế hoạch tài chính chi tiết để có cái nhìn rõ ràng về dòng tiền của bạn đã, đang, và sẽ đi đâu. Lúc này, nhờ nhìn thấy rõ vị trí của bản thân về tài chính, bạn sẽ xác định được khả năng chịu rủi ro về tiền của bạn ở mức nào.

5 năm trước, mình chơi Bitcoin và chứng khoán. Mình sợ không? Sợ vãi linh hồn luôn ấy chứ! Mới chỉ là sinh viên, trong tay chỉ có khoảng 150.000.000 VND, chưa rõ ràng về năng lực tạo thu nhập, sống nay đây mai đó (Trong vòng 4 năm, mình sống ở 4 quốc gia 7 thành phố khác nhau, không nơi nào dưới 6 tháng.).

Bây giờ, mình cũng đầu tư chứng khoán. Mình sợ không? Không. Mình còn mua cả cố phiếu lẻ, vốn là một bước đi rủi ro khá cao. [♡ Lướt Sóng Chứng Khoán: Chiến Lược Đầu Tư và Quy Tắc Kỉ Luật [Phần 3] ♡] Lí do rất đơn giản, vì mình có cái nhìn khá rõ ràng về tiền của mình đang ở đâu, dành cho mục tiêu gì, và tính thanh khoản hiện tại đủ khiến mình an tâm.

Để hiểu rõ hơn về góc nhìn của mình cho kế hoạch tài chính của bản thân, bạn có thể tải công cụ Excel miễn phí mà mình đang sử dụng. Tất nhiên, số trong công cụ toàn là số chế, nhưng tất cả tuyệt chiêu đều nằm trong đó, nếu khả năng Excel của bạn đủ mạnh để truy xuất ngược toàn bộ tính năng mình xây cho công cụ này.

Mình không hướng dẫn sử dụng công cụ đâu nhá, bạn phải tự mò đó…

4. Quà tặng kèm: kế hoạch tiết kiệm/đầu tư

TIẾT KIỆM
Mình mở tài khoản tiền gửi tích luỹ (không phải cố định) mỗi tháng, mở trực tiếp và trực tuyến tại ngân hàng, kì hạn 6 tháng, không quay vòng gốc lẫn lãi, cố gắng dàn đều số tiền trong 6 tài khoản nhất có thể, như ảnh này (số chế):

Lập Ngân Sách Thu Chi

Mỗi tháng đến lượt đáo hạn, mình lại lấy thêm lãi và dàn đều tiếp ra. Tại sao? Tính thanh khoản, luôn là thế.

ĐẦU TƯ
10% mua cổ phiếu lẻ, 72% mua chứng chỉ quỹ cổ phiếu, 18% mua chứng chỉ quỹ trái phiếu, trên Finhay.

(Gọi là quà tặng kèm vì ban đầu mình không tính viết phần này, nhưng cuối cùng lại viết thêm cho nội dung bài viết trở nên hoàn chỉnh luôn. Đầy đủ!)



Mình biết kế hoạch lập ngân sách thu chi này của mình không đơn giản, vì thực sự vốn dĩ những đòi hỏi mình đặt ra cho việc quản lí tiền đã không đơn giản sẵn rồi. Đổi lại, nó đáp ứng được 2 yếu tố tiên quyết trong tài chính của mình là tính thanh khoản và giá trị thời gian của đồng tiền.

18.08.2024

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Lập Ngân Sách Thu Chi [VN], hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tài Chính Cá Nhân.

Bình luận