Mình không biết các bạn ở Việt Nam thì thế nào, chứ ở Vương quốc Anh mình nghe cái từ “lạm phát” ra rả đến… mòn cả tai luôn rồi. Ơ cơ mà, lạm phát thì… sao nhỉ?
1. Tình hình hiện nay trên thế giới
Giá tiêu dùng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD tăng 7.7% so với cùng kì năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 3 thập kỉ trở lại đây.
Ở Hà Lan, tỉ lệ này đạt gần 10%, thậm chí cao hơn Mĩ, trong khi ở Estonia là hơn 15%.
Tại Anh, chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 4 năm 2022 cao hơn 9% so với một năm trước đó. Đây là mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Cũng trong tháng 4, người Mĩ chịu mức lạm phát 8.3%, với giá thực phẩm và năng lượng thậm chí còn tăng nhiều hơn thế.
2. Tình hình của thế giới trong quá khứ
Những năm 1920, Cộng hoà Weimar (Đức hiện tại) đối mặt với cuộc siêu lạm phát, làm bốc hơi toàn bộ tiền tiết kiệm của người dân, loại bỏ tầng lớp trung lưu và mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít.
Khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát ở Zimbabwe dưới thời Robert Mugabe, hàng triệu người không có thức ăn.
Ở một diễn biến khác, trong thời kì lạm phát những năm 1970 tại Anh, tiền lương thực tế cũng tăng mạnh theo. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đồng bảng Anh mất giá, dẫn đến gia tăng lạm phát và lương thực tế cũng mất đi giá trị. Từ đó, các doanh nghiệp có điều kiện hơn để chi trả và tuyển dụng nhân viên.
3. Lạm phát được tính như thế nào?
Các cơ quan thống kê tính toán dựa trên cách người dân phân bổ chi tiêu cho tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ, từ thực phẩm, năng lượng đến du lịch hay cả chi phí truy cập internet. Mỗi loại hàng hoá và dịch vụ đóng góp một tỉ lệ nhất định cho việc tính toán này.
Tuy nhiên, cách tính này chưa chắc đã công bằng. Bởi vì lượng chi tiêu của người giàu lớn hơn gấp N lần so với người nghèo, việc phân chia tỉ lệ như thế này hầu như chỉ phản ánh hình mẫu chi tiêu của người giàu. Đồng thời, khi người nghèo buộc phải chi nhiều hơn cho những sản phẩm tăng giá với tốc độ chóng mặt, tỉ lệ lạm phát của họ thực tế cao hơn so với con số được công bố.
Ví dụ, tháng 4 vừa qua, tiền khí đốt và tiền điện ở Anh tăng lần lượt 54% và 96% so với năm ngoái vì các cơ quan quản lí tăng mức trần giá năng lượng. Kết quả là, 10% hộ gia đình nghèo nhất phải đối mặt với tỉ lệ gia tăng chi phí thực tế là 10.9% trong khi đối với 10% hộ gia đình giàu nhất tỉ lệ này là 7.9%.
Một ví dụ khác, người nghèo có xu hướng mua các sản phẩm thuộc thương hiệu bình dân. Các thương hiệu này thường đặt biên lợi nhuận thấp và bù vào bằng số lượng sản phẩm bán ra. Khi chi phí sản xuất tăng mạnh, dù vì bất kì lí do gì, giá bán lẻ của các sản phẩm bình dân sẽ tăng nhanh hơn so với các sản phẩm cao cấp, vốn có biên lợi nhuận khá “mập mạp”.
Chính nhờ việc giá cả tăng cao đã và đang tạo áp lực để thế giới cải thiện cách tính lạm phát cho công bằng hơn. Ví dụ, Viện Hàn lâm Khoa học Kĩ thuật và Y khoa Quốc gia Hoa Kì kêu gọi Cục Thống kê Lao động công bố mức lạm phát theo thu nhập. Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh đang nâng cấp hệ thống đo lường giá thực phẩm để nắm bắt phạm vi sản phẩm rộng hơn.
4. Lạm phát thì… sao?
Câu hỏi được đặt ra là, liệu tỉ lệ lạm phát được cố tình duy trì ở mức độ thấp có thực sự là nền tảng để tăng trưởng kinh tế hay không? Nghiên cứu năm 2018 được đăng trên tạp chí khoa học The Quarterly Journal of Economics kêu gọi đánh giá lại những kết luận mạnh mẽ về lợi ích của việc giữ tỉ lệ lạm phát thấp. Nghiên cứu năm 1996 được đăng trên Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho thấy không có bằng chứng nào về mối tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế khi tỉ lệ lạm phát dưới 40%.
Một điều phiền toái đối với các nhà kinh tế đó là việc rất ít ai ở trên thế giới quan tâm đến các kết quả nghiên cứu này. Họ chỉ biết rằng, họ ghét lạm phát. Lạm phát dường như giữ một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mọi người. Truyền thông trong những năm 2010 cũng đề cập đến lạm phát nhiều hơn 50% so với việc họ đề cập đến tình hình thất nghiệp, trong khi thất nghiệp là một vấn đề kinh tế lớn hơn nhiều ở giai đoạn này.
Trong thâm tâm mọi người tin rằng lạm phát làm họ nghèo đi, họ tin rằng lạm phát xuất hiện là do các doanh nghiệp làm ăn “vô đạo đức” và trục lợi người tiêu dùng. Chỉ có 18% các nhà kinh tế học cho rằng ngăn chặn tỉ lệ lạm phát cao có tầm quan trọng tương đương với việc duy trì tiêu chuẩn giáo dục, trong khi con số này ở người dân là hơn 50%. 46% người dân cũng mong muốn chính phủ phải đưa ra các chính sách giảm phát sau lạm phát, một điều mà không được đa số các nhà kinh tế học khuyến cáo.
06.06.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì và phát triển nội dung phi lợi nhuận.
—
Thông tin tham khảo:
Do the poor face higher inflation? (24 May 2022). The Economist.
Does high inflation matter? (23 April 2022). The Economist.
One thought on “♡ Lạm Phát Thì… Sao? ♡”