Chi chít các bài báo và bình luận từ các em học sinh đến bậc phụ huynh về quá tải việc học.
Mỗi lần chương trình học mới được trình làng là một lần câu hỏi liệu có quá nặng được đặt ra.
Ai cũng muốn một chương trình học nhẹ nhàng, nhưng đồng thời chính họ cũng muốn bản thân và con cái của mình phải hơn người.
Đây là những điều khiến mình cảm thấy khó hiểu từ khi nhỏ. Mình theo học chương trình Song ngữ Pháp – Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lớp 1. Điều này có nghĩa là, khi chỉ mới 5 tuổi, mình đã học số môn và số tiết nhiều gấp gần rưỡi so với các bạn đồng trang lứa.
Học thêm chưa bao giờ là giải pháp. Kết quả phụ thuộc vào người học, cách họ tiếp thu, lưu giữ và vận dụng kiến thức. Trong bài viết này, mình chia sẻ kinh nghiệm tự học chất lượng, năng suất cao của bản thân.
1. Né hội chứng FOMO học thêm
Sau một hồi cân nhắc đi cân nhắc lại, thì mình nghĩ FOMO học thêm là một trong những yếu tố gây áp lực nhất cho người học về chuyện học. Mình nhớ rất rõ việc ngày xưa khi qua nhà bạn chơi, Bố bạn kể với Bố mình là phải cho bạn học tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ ILA vì bạn A, B, C đều học ở ILA. Năm mình học lớp 5, gần như cả lớp đều học thêm Thầy D, lớp 6 thì Cô E, lớp 9 thì Thầy F, lớp 12 thì Cô G. Hồi tiểu học thì mình còn FOMO học thêm theo trào lưu thế này, đặc biệt là vì hồi đấy mình là dân tỉnh chuyển lên thành phố, chứ từ cấp 2 trở về sau hả, nằm mơơơơơ.
FOMO là viết tắt của fear of missing out, là cảm giác e ngại rằng bạn đã bỏ lỡ một thông tin, sự kiện, kinh nghiệm hoặc quyết định nào đó có thể làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn. FOMO xuất phát từ sự so sánh bản thân với người khác. Càng lớn, mình càng thấy sự so sánh này là hết sức vô nghĩa. Nó vô nghĩa bởi vì người ta có cuộc sống của họ, có hoàn cảnh riêng, có điều kiện hoàn toàn khác biệt, và quan trọng nhất, người ta không phải mình.
Dạo này mình đang đọc cuốn sách The Millionaire Fastlane, và một trong những bài học mình khá tâm đắc từ cuốn sách là Mọi người đều bị cuốn vào sự kiện, thay vì quá trình, trong khi quá trình mới là thứ tạo nên sự kiện. Ý mình muốn truyền tải là việc bạn A, bạn B, bạn C có kết quả học tập tốt xuất phát từ sự phối hợp của rất nhiều yếu tố trong suốt quá trình học của họ. Việc học ở đâu (tuỳ người) có thể đóng một vai trò từ nhỏ đến rất nhỏ hoặc thậm chí là không có tí vai trò nào trong kết quả học tập.
Em trai mình thi tuyển sinh 10 đậu trường Phổ Thông Năng Khiếu (PTNK). Em í học thêm ở đâu? Không ở đâu cả (thậm chí em ấy còn học ở trường cấp 2 vô danh tiểu tốt mà không học sinh nào mơ thi PTNK 😂).
Em gái mình điểm học bạ 9.5+ từ xưa đến nay. Em í học thêm ở đâu? Cũng không có.
Mình IELTS 8.0, mình học IELTS ở đâu? Không có nốt.
Mình tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn. Làm thế nào mình có thể ứng tuyển thành công vị trí Chuyên viên Phân tích tài chính tại London? Tự học.
Nếu bạn thực sự quyết tâm muốn cải thiện kết quả học tập của mình, câu hỏi Mình phải học ở đâu, học ai? là một câu hỏi sai lè. Thay vào đó, hãy thực hiện bước tiếp theo từ kinh nghiệm tự học năng suất cao.
2. Xác định mục tiêu học cụ thể
Hãy tưởng tượng, bạn vừa ngồi vào bàn học, không biết mình sẽ học môn gì phần nào để làm gì. Bạn chỉ muốn bắt tay vào học với tâm thế học gì cũng được, biết thêm gì cũng tốt thì kết quả của buổi học hôm đấy là gì? Là bạn hoặc không học được gì, hoặc không học được gì có giá trị áp dụng. Học, hay bất cứ hành động nào, đều nên được thực thi với một đích đến cụ thể.
Nếu bạn muốn điểm học bạ 9.5+ thì bạn sẽ phải dành thời gian và công sức để học và luyện bài tập (nếu có) theo sát cách ra đề và chấm điểm của Thầy Cô bộ môn. Nếu bạn muốn thi đậu PTNK thì bạn sẽ muốn xem phong cách ra đề của trường và tiếp thu kiến thức theo cách tư duy xuất phát từ bản chất. Nếu bạn muốn IELTS 7.0+ với tất cả kĩ năng đều 7.0+ thì bạn nên chuẩn bị kiến thức nền tảng cơ bản, sau đó rèn luyện để tăng phản xạ sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nếu bạn đang học đại học và không muốn theo đuổi ngành đang học nữa, hãy chỉ học vừa đủ để giữ kết quả đại học vừa phải (tốt nghiệp loại Khá trở lên), đồng thời dành thêm thời gian để tự học thêm những kiến thức của ngành bạn muốn theo đuổi.
Có đích đến và quyết tâm cùng hành động thì ắt có con đường. Bạn có thể nhờ vả những sự giúp đỡ từ bên ngoài như thư viện, sách vở, các khoá học thêm, mentor (người định hướng), v.v… nhưng chính bản thân bạn vẫn phải dành công sức để tiếp thu, ghi nhớ và áp dụng kiến thức bởi không ai có thể làm giùm bạn hết 🙂
3. Bỏ thói quen học mì ăn liền
Không có gì dở bằng việc chỉ cần câu trả lời hơi không rõ ràng một tẹo là bạn đã mì ăn liền mở ngay đáp án ra xem. Điều này có thể giúp bạn học vẹt cách giải các bài tương tự, nhưng não bạn không hề được huấn luyện để trải qua quá trình suy nghĩ về tư duy dẫn đến cách làm bài. Từ đó, nếu đề bài chỉ hơi lệch đi một chút, bạn sẽ lại bí thôi.
Mình còn nhớ rất rõ những năm tiểu học, bản thân thuộc vanh vách các công thức tính chu vi diện tích. Tuy nhiên, việc học công thức kiểu này chính là mì ăn liền, bạn không cần hiểu gì hết, chỉ cần thuộc công thức, thế là bạn giải được bài. Đây không chỉ là cách học của mình hồi đó mà còn là cách học của rất nhiều học sinh hiện nay. Học không cần hiểu, không cần biết bản chất, chỉ cần thuộc công thức, làm công thức nhiều đến mòn cả mắt cả tay cả não, thế là điểm cao. Bạn dám nói không phải xem?
Mình lấy ví dụ, một trong những vấn đề toán học hết sức căn bản nhưng hầu hết mọi người chỉ dựa vào công thức mà làm là liên quan đến %. Mình đã rất nhiều lần chứng kiến việc các bạn hỏi Cái này là nhân % hay chia %? trong khi đây rõ ràng là vấn đề bản chất. Vấn đề không phải là bạn phải áp dụng công thức nhân hay chia, mà vấn đề phải là tại sao công thức ấy hiện diện và tại sao bạn phải áp dụng nó trong trường hợp này.
Có một thời điểm trong cuộc đời khiến mình tỉnh ngộ vì việc học công thức kiểu này, đấy là năm lớp 5 sau khi mình nghỉ học 2 tuần vì thuỷ đậu (trái rạ). Đúng lúc mình vừa đi học lại thì Ông Ngoại đến chơi. Mình không biết giải bài toán nửa chu vi hình chữ nhật nên mình hỏi Ông, vì Ông là nhà giáo môn Toán. Sau khi Ông đọc công thức cho mình, mình gặp một bài khác là chu vi hình chữ nhật mà mình vẫn không biết làm, mình lại hỏi Ông công thức. Ông mới nói với mình Cháu học như thế này là không được rồi, nửa chu vi là chiều dài + chiều rộng thì chu vi là 2 lần tổng của chiều dài và chiều rộng.
Sự tỉnh ngộ đấy làm mình tự ép buộc bản thân tìm hiểu tại sao công thức lại là như thế, tại sao 2 lần mà không phải 3 lần, tại sao lại là phép cộng chứ không phải phép trừ hay nhân. Sự việc này dẫn đến việc mình lật lại toàn bộ các sách giáo khoa Toán, đọc hết các khái niệm và phần kiến thức mà mình chưa hiểu rõ để đi vào bản chất của toán. Từ đó về sau, mình học các môn khoa học tự nhiên một cách rất nhẹ nhàng bởi thay vì phải thuộc công thức để áp dụng, mình tự hiểu logic công thức ấy xuất phát từ đâu ngay từ đầu. Bí quá lỡ quên công thức thì mình bỏ vài phút chứng minh lại thôi, chuyện nhỏ 😊
Đó cũng là lí do vì sao năm lớp 10 mình cực kì ghét học Hoá ở trường PTNK (và mình rất hay trốn tiết), bởi cách dạy của Cô là ép công thức để làm. Mình thấy nhiều người thích kiểu học đấy, chứ mình mà làm theo thì kinh nghiệm tự học năng suất cao có mà vứt đi, não mình lấy đâu ra chỗ để thuộc nhiều thứ như thế 🙄
Do vậy, để hiệu quả, bạn nên học xuất phát từ bản chất. Những kiến thức hay kĩ năng nào bạn đang có mà chỉ dựa vào thuộc công thức, bạn nên tìm đọc lại các định nghĩa và diễn giải để hiểu rõ công thức xuất phát từ đâu. Bạn chỉ nên nhớ những quy tắc bất biến thôi, mọi thứ còn lại là suy luận logic mà ra, cứ thế mà triển. Chỉ có khi đó, thay vì phải dành rất nhiều nếp gấp não để nhớ làu làu mọi thứ, bạn chỉ cần nhớ một lượng kiến thức bản chất vô cùng nhỏ, nhưng khả năng áp dụng lại vô cùng lớn từ suy luận.
4. Tính kỉ luật
Chắc mình không phải nói nhiều về việc tại sao tính kỉ luật đóng vai trò tối quan trọng trên hành trình tự học của mỗi người. Một kết quả khả quan cho bất kì mục tiêu phát triển bản thân nào của bạn không đến từ việc bạn dành ra hàng giờ để giải trí như lướt mạng xã hội, xem Netflix, v.v… Một chút mạng xã hội, một chút Netflix sẽ là có ích để giải toả căng thẳng hay cập nhật các phong trào hiện nay, nhưng nếu chỉ suốt ngày giải trí sẽ không mang lại kết quả bạn mong muốn.
Cuốn sách Outliers / Những kẻ xuất chúng có đề cập đến việc để một người trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, họ cần khoảng 10.000 giờ luyện tập. Bạn chắc chắn sẽ không đạt được 10.000 giờ luyện tập mà không có tính kỉ luật cá nhân. Kỉ luật chính là yếu tố phân biệt giữa người thành công và thất bại.
Để bắt đầu xây dựng tính kỉ luật, bạn cần tìm cho mình lí do và mục đích lâu dài để hành động. Nếu bạn chỉ hành động vì ý muốn nhất thời, thì khi ý muốn đó qua đi, bạn sẽ khó lòng giữ lại được hành động đó trong tương lai. Đồng thời, nhất là khi bắt đầu, bạn không nên đặt mục tiêu quá lớn. Thay vì phải đi gym mỗi ngày, bạn chỉ cần đi gym 1 tiếng / buổi và 2 buổi / tuần. Cho đến khi bạn không cần dùng lí trí để buộc bản thân phải đi gym nữa mà nó trở thành một phần cuộc sống của bạn, lúc đấy bạn có thế bắt đầu nâng cấp dần lên bằng việc thực hiện những bài tập khó hơn, lâu hơn hay đi gym thường xuyên hơn.
Ngày xưa, trong gần 2 tiếng đi tàu đi học, hầu hết thời gian mình dành vào việc lướt mạng xã hội. Dù có mang Kindle theo bên mình, mình không có đủ động lực để bật lên. Chỉ cho đến khi ứng tuyển Bloomberg và liên tục vào sâu các vòng trong, mình mới có mục tiêu đủ lớn. ♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡ của mình kéo dài tận 3 tháng, và chính nhờ quãng thời gian đó mà việc dung nạp thêm kiến thức trở thành một thói quen. Bây giờ, ngay cả khi thời gian di chuyển từ nhà mình đến công ti chỉ 40 phút, việc bật Kindle lên đã không còn là một khó khăn mà mình phải cố gắng thúc đẩy bản thân nữa.
—
Kinh nghiệm của mình cho thấy đây là những yếu tố đóng vai trò tối quan trọng trên hành trình tự học năng suất cao của bản thân. Đứa bạn thân của mình có nhận xét, rằng cực kì khó tìm được một người dùng nhiều lí trí để điều khiển cuộc sống như mình.
Mình nghĩ, đó chỉ là góc nhìn từ bên ngoài vào. Còn nếu nhìn từ bên trong ra, thì mình rất tin vào điều kì diệu mang tên sự lựa chọn. Dù bạn không được lựa chọn nhiều yếu tố trên đời (như người sinh bạn ra), nhưng rõ ràng bạn cũng có toàn quyền lựa chọn hầu hết các mặt khác trong cuộc sống như bạn dành thời gian cho việc gì, bạn dung nạp những thông tin gì từ nguồn nào, bạn theo đuổi điều gì và buông bỏ điều gì. Cuộc sống của bạn hiện tại là kết quả của tập hợp tất cả những sự lựa chọn bạn đã từng đưa ra. Nếu bạn đã lựa chọn khác đi dựa trên những phương án bạn có khi đó thì cuộc sống của bạn sẽ không như bây giờ. Đảm bảo!
Đối với mình, không bao giờ trên đời mà mình sẽ lâm vào đường cùng không có một sự lựa chọn nào khác. Chỉ là, sẽ có những sự lựa chọn khó khăn hơn muôn phần với đường cùng bạn đang nhìn thấy mà thôi.
03.10.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Kinh Nghiệm Tự Học Năng Suất Cao, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
2 thoughts on “♡ Kinh Nghiệm Tự Học Năng Suất Cao ♡”