Chào các bạn!
Khi nhận được bảng điểm IELTS có kĩ năng Speaking của mình đạt 8.5, rất rất rất nhiều người hỏi mình đã gây ra bao nhiêu bão tố (ý là chém gió) =)) Thực tế, IELTS Speaking 8.5 không khó. Trong mọi trường hợp dù cho mình làm bất kì điều gì, mình luôn tuân thủ chiến lược biết địch biết ta trăm trận trăm thắng.
Mình thi IELTS lần 2 với sự chuẩn bị bằng 0, bởi lúc đó mình đang đi làm ở Sapa (nơi mà nhiều người vẫn nghĩ là khỉ ho bò tót – nhưng Sapa cũng có những điều xịn xò của riêng nó à nha) toàn thời gian, và khi hết ca thì đồng nghiệp có rất nhiều cuộc vui nên mình đi networking (ngoại giao-ish). Mình chỉ về TP.HCM trong vài ngày vừa để đi tái khám niềng răng, và nhân tiện thi IELTS luôn.
Một trong số lợi thế của mình với kĩ năng Speaking là do công việc, Sếp của mình toàn bộ đều là người nước ngoài nên mình buộc phải giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. Hơn nữa, là Trưởng bộ phận của khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Sapa, mình cũng xử lí kha khá tình huống với khách nước ngoài vì nhiều lúc nhân sự không hiểu hết toàn bộ tình huống để tìm phương án. Ngoài công việc thì trong cuộc sống, chồng mình cũng không phải người Việt. Mình đặt bản thân vào tình huống phải giao tiếp rất nhiều tiếng Anh mỗi ngày, và đó cũng là lí do mình không cần ôn tập dạng đề trước khi thi IELTS làm gì. Vậy nên, ôn dạng đề là hoàn toàn không cần thiết, vì IELTS không phải là môn học mà bạn cần học kiến thức của môn IELTS để đạt kết quả tốt. Nó chỉ là một bài kiểm tra kĩ năng ngôn ngữ thôi, nên miễn là kĩ năng ngôn ngữ của bạn tốt, kết quả IELTS của bạn sẽ tốt.
Một lưu ý cho các bạn hiện vẫn đang yếu kĩ năng Speaking từ mình đấy là kĩ năng Speaking được xây dựng trên nền tảng của kĩ năng Listening. Bạn tưởng tượng những người kém may mắn họ không nghe được thì họ cũng không nói được, đảm bảo. Bởi vậy, trước khi luyện tập để tăng phản xạ Speaking, bạn có thể tập trung vào nâng cao kĩ năng Listening trước để bộ não tự động tiếp thu, rồi từ từ nó sẽ chuyển phản xạ có điều kiện thành phản xạ không điều kiện, và đó là lúc bạn cứ thế mà nói thôi.
Việc học của mình luôn dựa trên cảm hứng, nên mình cũng loay hoay một thời gian để tìm động lực nâng cao kĩ năng tiếng Anh hiệu quả trong thời gian ngắn, nhiều năm về trước. Bạn cần biết bạn thích gì, điều gì làm bạn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, mình rất thích nhạc pop, xem phim, mình rất thích đọc tiểu thuyết, nên mình bắt đầu thay đổi sở thích của mình sang tiếng Anh. Rồi cũng rất tự nhiên, mình bắt đầu thành fangirl Westlife và mình lôi toàn bộ tất cả MV có lời bài hát của Westlife ra xem. Thời gian đầu, mình thừa nhận có sự khó chịu nhất định khi xem phim và đọc tiểu thuyết bởi mình rất hay tạm dừng để đi tra từ điển. Cho đến một thời điểm nào đó, mình quá lười để liên tục tra từ điển nên mình không tra nữa. Mặc kệ nó lại đúng chính là thứ mình cần tại thời điểm đó, và mình đã thực sự quên mất là quá trình đó giúp mình nhiều đến thế nào. Mình rất kiên trì bởi mình đang thực sự làm điều mình thích, trong suốt hơn 1 năm, và bỗng một ngày mình chợt nhận ra, ồ đã bao lâu rồi mình xem phim gì cũng hiểu thế nhỉ? 🙂 Mình đã giúp nhiều người bạn có cùng sở thích xem phim, chỉ họ cách mình đã xem phim phụ đề tiếng Anh không mất tiền như thế nào (bạn có thể xem lại tại đây) và mọi người đều công nhận rằng sau vài tháng, hiệu quả việc nâng cao kĩ năng tiếng Anh tăng lên rõ rệt.
Tại sao lại gọi là Học Tàn Tàn? Bởi mình học như chơi vậy, và không hề có sự ép buộc bản thân phải thuộc từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp S + V + tè le cái gì sau đó. Cũng không thể không nhắc đến mình may mắn khi Bố Mẹ thấy mình xem phim suốt ngày cũng không thúc giục hay la mắng kiểu “Sao con suốt ngày xem phim mà không học bài đi?” chẳng hạn. Chỉ khi nào Bố Mẹ thấy có sự sa sút nhất định trong kết quả học tập thì Bố Mẹ mình mới tìm cách định hướng con cái trở lại. Cơ mà mình không có sự sa sút nào hết hihi ^^.
Học nhẹ nhàng vẫn đạt kết quả cao hoàn toàn là chuyện khả thi. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì cần nhất là tư duy đúng đắn và định hướng phù hợp. Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là thứ mà ngay cả trẻ sơ sinh cũng học được. Vậy thì chẳng có lí do gì để một ai đó, với quyết tâm cao độ, bảo rằng họ không có khả năng tiếp thu môn học này. Tìm phương pháp học phù hợp nhất với sở thích của bản thân, đó chính là con đường khó mà dễ nhất cho bất kì ai.
12.07.2021
NNếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.