0
Your Cart

♡ Học Tiếng Anh Dễ Dàng Mà Hiệu Quả ♡

Học tiếng Anh hiệu quả mà dễ dàng là câu chuyện muôn thuở. Người này người kia truyền tai nhau hằng hà sa số các phương pháp rồi Bố Mẹ áp dụng cho con cái hay các học sinh và học viên tự áp dụng cho chính mình. Các trung tâm tiếng Anh với đủ các loại phương pháp khoa học mọc lên như nấm. Trên đời tồn tại một phương pháp học trường tồn với thời gian và luôn đúng, luôn hiệu quả nhưng mọi người lại ít (và không thích?!) áp dụng (mà mình không hiểu tại sao): học từ bản chất. Dù là tiếng Anh hay bất kì môn học nào, miễn là bạn phát triển kiến thức từ bản chất, kiến thức ấy sẽ dễ hiểu hơn, được lưu giữ lâu hơn nhờ vào tính logic của suy luận.

1. Học tiếng Anh dễ dàng mà hiệu quả từ tư duy văn hoá

Ngôn ngữ là văn hoá, là phương thức biểu đạt xuất phát từ bản chất là tư duy của một dân tộc. Việc theo học chương trình Song ngữ Pháp – Việt từ lớp 1 đã giúp mình thấm nhuần rất kĩ sự thật này. Ngôn ngữ cũng phát triển theo thời gian, và sự xuất hiện của các từ mới hay sự biến mất của các từ cổ phản ánh rất chân thật tình hình cuộc sống của dân tộc đó ở từng giai đoạn.

Từ đây lộ ra cái dở của việc không học dựa trên bản chất. Nếu bạn chỉ học bề mặt của tiếng Anh là phiên dịch nghĩa của từ vựng cùng cách sử dụng các cấu trúc ngữ pháp, bạn đang ép đặt tư duy tiếng Việt và toán học lên tiếng Anh. Điều này không phải là không hiệu quả, nhưng nó chỉ thích hợp cho đến trình độ giao tiếp thông thường. Tiếng Việt và toán học không có gì xấu, nhưng học tiếng Anh dựa trên tiếng Việt và toán học sẽ không giúp bạn hiểu “sâu”, nâng cao trình độ để sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt.

Ví dụ, nếu bạn dịch cụm từ common sense trong tiếng Anh thành lẽ thường tình như nhiều từ điển trong tiếng Việt, trong khi trên thực tế nghĩa chuẩn của common sense xoay quanh ý good sense and sound judgement in practical matters, thì cụm từ lẽ thường tình lại có cách hiểu trong tiếng Việt khác nhiều so với good sense and sound judgement in practical matters trong tiếng Anh. Ví dụ thêm, nếu bạn học theo kiểu công thức toán của thì hiện tại S + V ở thể khẳng định với S + do/does + not + V ở thể phủ định thì cấu trúc câu I do like you. vẫn đúng dù thể khẳng định của thì hiện tại vốn không có cấu trúc có trợ động từ.

Bởi vậy, hãy dừng học tiếng Anh như tiếng Việt + toán, mà thay vào đó hãy để ý đến văn hoá của các quốc gia nói tiếng Anh nhiều hơn để thấu hiểu các ngữ cảnh cuộc sống.

2. Đừng quy đổi nghĩa của từng từ trong câu

Đây cũng là một tư duy mình phát triển nhờ vào việc học chương trình Song ngữ Pháp – Việt từ lớp 1. Các Thầy Cô dạy mình tiếng Pháp rất hay sử dụng cụm từ dịch mot-à-mot (word-by-word) khi một học sinh viết một câu tiếng Pháp đặc xì-tai-Việt do dịch từng từ từng từ một từ tiếng Việt sang. Đáng tiếc, câu đó có thể rất tự nhiên và bình thường trong tiếng Việt, nhưng tiếng Pháp thì không, và thật ra tiếng nào cũng thế.

Để cải thiện việc bạn nói hoặc viết một câu tiếng Anh đặc xì-tai-Việt, bạn cần luyện khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh thay vì phiên dịch trong đầu từ tiếng Việt sang. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể bắn tiếng Anh như gió mà cấu trúc vẫn đúng nhờ phản xạ có điều kiện đã được trui rèn qua thời gian. Tất nhiên, điều này đòi hỏi thời gian dài luyện tập và bạn sẽ không thể bỏ đi phản xạ phiên dịch này chỉ sau 1 đêm.

Trước khi bắt tay vào luyện tập, bạn cần xác định rằng tư duy và cách bạn nhìn nhận ngôn ngữ phải được thay đổi. Hãy xác định rằng bạn không nhất thiết phải hiểu nghĩa từng từ trong câu mà thay vào đó, hãy nghe và đọc toàn bộ câu và chỉ cần xác định ý nghĩa chung của câu đó là được. Kể cả khi có từ bạn không hiểu, bạn cũng không nhất thiết phải đi tra từ điển, bởi có khi sau nhiều lần gặp từ đó trong các ngữ cảnh, bạn sẽ tự nhiên hiểu đại ý từ đó muốn nói gì.

Bước tiếp theo là hạn chế sử dụng từ điển Anh – Việt, bởi nó sẽ làm trầm trọng thêm việc phiên dịch word-by-word từ tiếng Việt sang tiếng Anh trong đầu bạn. Thay vào đó, việc sử dụng từ điển Anh – Anh sẽ cải thiện đáng kể việc hiểu ý của câu. Sau đó, để nâng cao bước này thêm nữa thì mỗi lần tra từ điển Việt – Anh, bạn có thể thêm một bước tra từ điển Anh – Anh để đảm bảo từ bạn đang tìm là thích hợp. Từ đó, cách bạn học tiếng Anh thay đổi, thì cách hiểu và áp dụng tiếng Anh của bạn cũng thay đổi theo tư duy mới này.

Cuối cùng, hãy tập một thói quen khiến bạn phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn mà không bị quá gò bó như là viết nhật kí, hoặc quay video ghi lại hành trình bạn luyện tập tự nói tiếng Anh mỗi ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ thường xuyên sẽ rèn luyện cho não bộ của bạn phản xạ có điều kiện, và cái ngày phản xạ này trở nên chắc chắn nhất là ngày bạn có thể nói mà không cần suy nghĩ nhiều. Từ đấy, việc học tiếng Anh của bạn sẽ rất dễ dàng mà vẫn hiệu quả.

3. Tạo môi trường tiếp xúc tiếng Anh mỗi ngày

Lòng quyết tâm và ý chí tập tành sử dụng tiếng Anh của bạn là bước khởi đầu để huấn luyện cho bộ não, tuy nhiên chừng ấy là chưa đủ. Nếu bạn chỉ tự viết và tự nói mà không có “ai” hỗ trợ bạn cải thiện cách sử dụng tiếng Anh thì năng lực ngoại ngữ của bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ cùng với một phản xạ nhanh hơn mà thôi. “Ai” ở đây không nhất thiết phải là một người nào đó cụ thể, mà thay vào đó môi trường đóng vai trò cực kì quan trọng.

Môi trường tiếng Anh sẽ được tạo ra bằng cách bạn tìm các nguồn để nghe và đọc tiếng Anh mỗi ngày. Mình đã từng gợi ý nhiều phương án, bao gồm xem phim với phụ đề tiếng Anh, bạn có thể tham khảo hướng dẫn ♡ Cách Tải Phim Phụ Đề Tiếng Anh Miễn Phí – 100% Hiệu Quả ♡ và đọc sách bằng tiếng Anh. Mình thì không hay đọc báo bằng tiếng Anh lắm, mình thường theo dõi tin tức dưới dạng nghe nhìn hơn, nhưng mình đọc tất cả sách bằng tiếng Anh trong nhiều năm trở lại đây. Nếu bạn muốn đọc báo, ngoài các báo thông dụng như The Guardian hay Sky News gì đó, Financial Times là một tờ báo rất chất lượng mà mình đã tìm được mẹo đọc miễn phí, bạn tham khảo bài viết ♡ Đọc Báo Financial Times Miễn Phí ♡ nhé. Dù thế nào đi nữa, mình nghĩ tiêu chí quan trọng nhất khi nghe và đọc tiếng Anh là hãy làm những gì khiến bạn cảm thấy hứng thú, bởi có như vậy bạn mới không dễ chán và bỏ cuộc giữa chừng.



Mình nằm vùng theo dõi mạng xã hội nhiều, thì thấy mọi người xem tiếng Anh hay bất kì ngoại ngữ nào như kiểu một môn học để thi, chính vì lẽ đó nên các trung tâm “dạy” IELTS mới hot, trong khi thực tế để IELTS 7.0+ cũng chẳng cần bạn phải bỏ hàng trăm triệu đi trung tâm này nọ hay thuê gia sư đắt đỏ gì. Thực tế cho thấy việc học tiếng Anh dễ dàng nhưng vẫn hiệu quả là chuyện thường ngày ở huyện, với tư duy và phương pháp phù hợp. Em gái mình chưa thi IELTS, cũng chưa từng học tại các trung tâm tiếng Anh mắc ơi là mắc như Hội đồng Anh / ACET, v.v…, nhưng em í có thể giao tiếp thoải mái, hết sức trôi chảy và cực kì tự nhiên với Chồng mình ngay từ những lần gặp đầu tiên trong khi mình IELTS 8.0, học tiếng Anh ở Hội đồng Anh 1 năm tốn quá trời tiền mà ban đầu còn chật vật. Em gái mình mà đi thi thì mình mạnh dạn đoán ít nhất em í cũng phải đạt IELTS 7.5 là ít, thậm chí 8.0 bằng mình.

Vậy nên, nếu có điều kiện, bạn chỉ cần một môi trường “tốt vừa đủ”, không nhất thiết phải là nơi xịn nhất, tốt nhất hay đắt nhất để có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo, tự nhiên và thoải mái. Kiểu học đối phó chắc chắn sẽ không có giá trị lâu dài.

15.09.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bình luận