0
Your Cart

♡ Học Tàn Tàn Thi Đâu Trúng Đó ♡

Thi Đâu Trúng Đó

Xét theo năm học thì mình viết bài này khi đang là mùa hè, kì thi tuyển sinh lớp 10 vừa mới có kết quả, kì thi trung học phổ thông quốc gia thì chỉ còn vài ngày nữa. Nằm vùng trên các hội nhóm học tập, mình thấy rất nhiều bài đăng hỏi về phương pháp học và cách học, đặc biệt là cho điểm số ở các kì thi để thi đâu trúng đó. Với kinh nghiệm chinh chiến thi thố nhiều rất hiệu quả mà không cần phải thức khuya dậy sớm, không cần cày đề thi bục mặt, mình viết bài này với một số gợi ý nhỏ.

Trước khi bắt đầu, để mình kể một vài câu chuyện kinh nghiệm thi thố. Nếu bạn không muốn đọc về các câu chuyện, bạn có thể lướt qua và vào thẳng phần 2 😁

1. Kể chuyện thi thố

1.1. Thi THPT Quốc Gia (thi tốt nghiệp, thi đại học)

Điểm thi 2016:
* Toán 7,25 (hình như vậy)
* Văn 5,5
* Sinh 8.0
* IELTS 7.0 (miễn thi tiếng Anh)

Điểm số này của mình là kết quả của không ôn chữ nào, chỉ xách mông đi thi khi đến ngày thôi. Điều này không lạ, bởi hầu như sát nút trước khi thi mình chẳng bao giờ ôn iếc gì, trừ trường hợp bắt buộc 😜

Mình học Phổ Thông Năng Khiếu. Năm đó, lớp 12 thi học kì từ tháng 4, nên học sinh có 2-3 tháng để ôn. Ai ôn ở trường thì phải đóng phí, còn mình ôn ở nhà, vừa không mất tiền, vừa tự do.

Nói thế thôi chứ mình đã có định hướng du học từ lớp 11, nên sau đó mình khá “bỏ bê” việc học trên trường. “Bỏ bê” không có nghĩa là mình không thèm học hành gì hết 😚 Mình vẫn lên lớp đầy đủ, nghe giảng và làm bài tập về nhà, đồng thời đọc thêm sách hay hỏi thêm Bố Mẹ những chủ đề mà mình cảm thấy hứng thú. Đó mới là cách mình học.

Mình là một đứa gần như không đi học thêm. Suốt 3 năm cấp 3 mình chỉ học thêm tiếng Anh và tiếng Đức. Mình buộc phải học tiếng Anh vì 9 năm học chương trình Song ngữ Pháp – Việt làm mình không thể theo kịp bài trên lớp, còn tiếng Đức là mình học để có thêm một ngoại ngữ.

Mình có viết bài ♡ Học Tiếng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan Ở Đâu TP.HCM? ♡, bạn có thể xem lại nè, nhiều gợi ý hay ho lắm đó.

Nếu bạn biết cách tra lại điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 mà không cần số báo danh thì chỉ mình với. Kết quả trên là theo trí nhớ của mình, nhưng lâu quá rồi mình cũng không còn chắc chắn nữa.

1.2. Thi tuyển sinh 10

Điểm thi 2013:
* Toán 8,75
* Văn 7,0
* Pháp 10,0
* Sinh chuyên 5,5 (hình như vậy)
* FIEF 8,8

Điểm thi Phổ Thông Năng Khiếu 2013:
* Toán 6,75
* Văn 4,5
* Anh 4,3
* Sinh chuyên 6,0

Hồi còn trẻ mình khá ngông (cuồng). Năm lớp 9 khi chọn nguyện vọng cấp 3, mình nói với Bố Mẹ là Con sẽ viết 3 trường cao điểm nhất của TP.HCM vào 3 nguyện vọng. Ở cương vị một nhà giáo, tất nhiên là Bố mình không đồng ý, còn Mẹ cũng không đồng ý nốt vì Mẹ không tự tin vào mình lắm (hơ hơ hơ).

Lí do mình dám lớn tiếng là bởi 3 nguyện vọng thường là phương án chót bét mình sẽ không bao giờ phải sờ tới. Mình thi Phổ Thông Năng Khiếu, dù không tự tin chắc chắn sẽ đậu, nhưng mình cũng không tin mình sẽ trượt. Mình vẫn còn sự lựa chọn học tiếp Song ngữ Pháp – Việt như 9 năm đầu phổ thông, tức là cho dù như thế nào thì mình cũng sẽ vào THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai hoặc Marie Curie.

Mình có đi học thêm Toán, nhưng không phải để thi tuyển sinh mà là để thi Học sinh giỏi Quốc gia. Mình có học thêm Văn khoảng 3 tháng trước kì thi vì Bố sợ mình thi còn không được 5 điểm 😆. Mình học thêm tiếng Pháp, bởi đáng tiếc cách dạy của Thầy giáo bộ môn tiếng Pháp năm lớp 9 không phù hợp với cách tiếp thu của mình, nên mình học với Thầy giáo năm lớp 8. Mình cũng có học thêm Sinh chuyên tại Năng Khiếu.

Dù không phải tuýp người đi học thêm, nhưng năm lớp 9 mình không còn sự lựa chọn nào khác. Kì thi tuyển sinh 10 không có đặc cách miễn thi cho học sinh giỏi quốc gia, vậy nên mình buộc phải học thêm để bù vào khoản kiến thức mình mất sạch sẽ vì theo đội tuyển. Mình chỉ từ đội tuyển trở về vào tháng 4. Bạn tưởng tượng, cho mình 2 tháng tự bơi để thi Năng Khiếu (Văn + Anh + Sinh chuyên), 3 tháng ôn tuyển sinh thành phố (Văn + Pháp + Sinh chuyên) mà không có một chữ nào trong đầu, thế thì chưa thi mình đã trượt chỏng vó rùi 😢

Trước lúc thi mình có giải đề, mình biết chắc điểm Toán sẽ dao động tầm 8,75 – 9,0, tiếng Pháp cam đoan 10,0 tròn, FIEF thi trước nên vốn dĩ mình đã biết điểm 8,8 rồi, có mỗi Văn là chịu không đoán điểm được. Mình được Giải Nhì Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Toán được cộng 2 điểm, nghề loại giỏi được 1,5 điểm nữa, thành ra chưa cần thi mình đã biết chắc chắn là mình không thể trượt Song ngữ Pháp – Việt của Lê Hồng Phong được, không thể nào.

Kết quả:

  • Đỗ chuyên Sinh Phổ Thông Năng Khiếu (điểm 27.00 so với điểm chuẩn 25.90)
  • Top 4 thành phố chương trình Song ngữ Pháp – Việt (PhAnh thủ khoa)
  • Trượt chuyên Sinh Lê Hồng Phong do gặp bài hoán vị gen chưa học không biết làm, nhưng đỗ Trần Đại Nghĩa
  • Dư 6.75 điểm vào Nguyễn Thượng Hiền

1.3. Thi học kì

Nhân tiện lỡ viết về thi thố rồi thì mình đề cập đến thi học kì luôn, kì thi bạn thi nhiều nhất trong đời 😂

Thật lòng mà nói, mình chưa từng để tâm đến các bài kiểm tra trên lớp hay các bài thi học kì 🥲 Tất nhiên, đây là sự lựa chọn của riêng mình, bạn không nhất thiết phải đồng ý. Chỉ là, cho đến giờ phút này, ngoại trừ để có hồ sơ đẹp, mình chưa thấy điểm số trên trường có tác dụng gì…

Mình hiểu rất rõ năng lực bản thân, và mình cũng biết rất rõ tại sao điểm trên trường của mình lại như vậy. Mình chưa từng cố gắng học lấy điểm, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là mình chỉ chơi bời lêu lổng. Mình học theo một kiểu rất khác, chủ yếu từ cuộc sống và thực dụng hơn như học nhạc cụ, học 3 ngoại ngữ, học tin học văn phòng (mà giờ mình làm trùm Excel ở công ti), đọc sách, v.v…

1.4. Thi IELTS

Lần 1: O 7.0, trong đó L 7.5 – S 6.5 – R 7.5 – W 6.0
Lần 2: O 8.0, trong đó L 8.5 – S 8.5 – R 8.0 – W 6.5

Mình thi IELTS 2 lần, đều là vì tình thế bắt buộc phải thi chứ không phải để chứng tỏ gì. Tình thế đó là để xin visa 🙃

Nền tảng kiến thức và kĩ năng để thi IELTS lần 1 của mình không hoàn hảo lắm. Mình thi năm 2015, khi đó mình mới chỉ có khoảng 2 – 3 năm học tiếng Anh, bởi từ lớp 1 đến lớp 9 mình học tiếng Pháp. Mình chỉ bắt đầu học tiếng Anh một cách chuẩn mực khi xác định sẽ thi Năng Khiếu, tức là năm lớp 9.

Chuyện đi thi IELTS lần 1 thì lâu quá rồi mình không còn nhớ nữa, chứ chuyện đi thi IELTS lần 2 thì mình kể khá nhiều lần trong chuyên mục Học ngoại ngữ rồi nè.

1.5. Thi học sinh giỏi cấp quốc gia

Chuyên mục phá kén hậu trường thi Học sinh giỏi Quốc gia 😎

Kết quả: Giải nhì môn Toán MTBT 2013

Để đến được kì thi Học sinh giỏi quốc gia, mình phải vượt qua vòng trường, vòng quận và vòng thành phố. Trường mình chọn 15 học sinh vào đội tuyển, mình hạng bét 15/15 luôn, điểm 9.5/20 (dưới trung bình). Sau khi vào đội tuyển trường khoảng 2 – 3 tháng, mình đi thi cấp quận, giải nhì. Ôn luyện trong đội tuyển quận 8 tháng thì mình đi thi thành phố, thủ khoa điểm tuyệt đối 20/20. Ôn luyện trong đội tuyển thành phố 2 tháng thì mình đi thi quốc gia.

Đề thi Học sinh giỏi quốc gia của mình có 6 bài, mỗi bài 5 điểm. Mình làm trọn vẹn 5 bài, bỏ trắng 1 bài hình (mình học hình khá dở so với đại số và số học).

Hồi đó trong lúc chờ kết quả Học sinh giỏi Quốc gia thì có tin đồn râm ran trước khi công bố kết quả là TP.HCM có 2 Nhất, 1 Nhì và 1 Ba. Cả đoàn TP.HCM đều biết chắc 1 Nhất thuộc về ai, có mình và một bạn nữa là nằm trong nhóm tranh nhau 1 Nhất 1 Nhì vì kết quả làm bài suýt soát nhau. Bạn í làm hết 6 bài nhưng sai chỗ này chỗ kia, mình làm 5 bài nhưng các Thầy Cô không tìm thấy lỗi nào trong bài làm của mình cả.

Thời điểm công bố kết quả mình đã nghĩ là mình Nhất thiệt. Ai ngờ, đời không như là mơ, tin đồn sai các bạn ạ, thực tế là TP.HCM có 1 Nhất 2 Nhì, nên là mình nhì ☹️, đã thế mình còn là đứa điểm cao nhất của Giải Nhì với 25/30 điểm, xu cà na ghê.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khả năng của mình không thể hơn thế được nữa. Đây chính xác là kết quả của câu nói Mình đã cố gắng hết sức, bởi tất cả những gì mình có thể làm, mình đều đã làm đúng.

—-

Riêng về chuyện học thì mình không nghĩ ai đó sẽ nghĩ mình là đứa học không giỏi, dù mình có 2 lần học sinh tiên tiến và điểm trung bình không bao giờ trên 9.0. Đã thế, điểm thi Năng Khiếu / tốt nghiệp THPT của mình cũng lẹt đà lẹt đẹt haha 🥹

2. Học sao để thi đâu trúng đó?

Bởi vì mình không ôn thi THPT QG, em trai mình không cần thi nhờ vào Vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia tham dự Olympic Vật lí Quốc tế, nên là những lời khuyên cụ thể về cách ôn thi trung học phổ thông quốc gia thì mình không giúp được (sorry). Tuy nhiên, mình có thể nói về những nguyên tắc chung mà mình áp dụng để thi đâu trúng đó, đặc biệt là trước những kì thi lớn mang nhiều tính quyết định cho định hướng tương lai.

2.1. Có mục tiêu

Bạn sẽ không thể thi đâu trúng đó nếu bạn không có mục tiêu, mà đã là mục tiêu thì cần đảm bảo ít nhất 3 yếu tố (1) cụ thể, (2) cân đo đong đếm được, (3) có thể đạt được trong khoảng thời gian còn lại.

Ví dụ, mục tiêu “vô đại học” là chưa đủ cụ thể trong hầu hết trường hợp, bởi vô đại học bây giờ rất dễ. Mục tiêu “vô đại học tier (hạng) 1 hoặc tier 2 về nhóm ngành kinh tế” thì cụ thể hơn nhiều. Mục tiêu này có cân đo đong đếm được, dựa trên việc bạn lựa chọn hướng đi nào: IELTS, xét học bạ, hay thi trung học phổ thông quốc gia.

Và cuối cùng, sau khi đã có mục tiêu cụ thể, bạn vẫn phải nhìn xem thời gian bạn còn lại có đủ để cho bạn đạt được mục tiêu đó hay không. Nếu chỉ còn 1 tuần nữa là hạn thi IELTS trễ nhất bạn có thể chọn, bạn chọn hướng đi IELTS, để đạt được mục tiêu bạn cần ít nhất IELTS 7.0, trong khi năng lực hiện tại của bạn là tương đương IELTS 5.0, thế thì mục tiêu này có thể đổi được rồi 🙂 Nếu bạn có mục tiêu kiểu “thủ khoa điểm tuyệt đối” tất cả các môn thi cũng được thôi haha, miễn là nó đáp ứng được 3 yêu cầu trên. Giả sử bạn vẫn đạt được mục tiêu nhưng chỉ vừa suýt soát qua chứ không phải cách điểm chuẩn một khoảng an toàn thì cũng không có gì phải tự vấn hay buồn phiền cả, vì sau cùng rõ ràng mục tiêu của bạn đã đạt được.

2.2. Bắt đầu sớm

Đúng là “không bao giờ là quá muộn”, nhưng deadline (hạn chót) thì hoàn toàn có thể bị muộn. Hạn chót trước mắt của bạn là kì thi, vậy nên ai bắt đầu sớm thì người đó có sẵn lợi thế.

Gần đây mình có đọc được một bé thủ khoa kì thi tuyển sinh 10 “học lâu dài, học cả quá trình, không học nhồi và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt”. Nếu bạn thấy một ai đó (như mình hoặc em trai mình) học kiểu tài tử cà tửng cà tưng nhưng kết quả lại khá tốt, thì thường họ đều rơi vào trường hợp này. Do không để bản thân “bơi” vào các tình huống như mất gốc, thiếu kĩ năng làm bài, v.v…, họ có rất nhiều thời gian không những để củng cố năng lực kiến thức thực của họ mà còn có thể nâng cao và phát triển.

Tại sao nếu có thể bắt đầu sớm và học một cách nhàn nhã nhưng lại vô cùng hiệu quả thay vì nước đến cổ mới co giò chạy mà bạn lại không làm, đúng không? Chạy dưới nước còn chậm hơn chạy trên cạn nữa đó! Ai lại dại thế 😌

2.3. Có kế hoạch học tập hợp lí

Để thi đâu trúng đó, nếu bạn cần thực dụng thì phải thực dụng, nếu bạn thoải mái được thì nên thoải mái. Tức là, giả dụ như thời gian không còn quá nhiều, nhưng nếu bạn có thể thực dụng học vẹt học tủ học thêm mà chắc chắn làm tăng tỉ lệ cơ hội bạn đạt được mục tiêu thì cứ làm. Tất nhiên đây là phương án chữa cháy gấp, nó có thể giúp bạn qua kì thi nhưng chưa chắc sẽ giúp năng lực thực của bạn về lâu dài. Cho đến tận bây giờ (và chắc chắn cả sau này), rất nhiều phần kiến thức khoa học tự nhiên Toán Lí Hoá Sinh Tin mình vẫn nhớ và hiểu rõ dù không sử dụng thường xuyên, không chỉ do ngày xưa mình học giỏi, mà là nhờ mình chỉ học những gì mình thực sự muốn, mình học vì kiến thức chứ không vì điểm số hay thi đua.

2.4. Nghỉ ngơi đầy đủ

“Sức khoẻ là vốn quý nhất.” Trong thời gian qua hẳn chúng ta cũng phần nào rút được kinh nghiệm từ những câu chuyện xung quanh về việc phải cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, không chỉ cho sức khoẻ vật lí mà còn cho sức khoẻ sinh lí và sức khoẻ tâm lí nữa.

Rất nhiều những đúc kết từ các thủ khoa có kết quả thi cao được truyền lại như “chỉ học từ sách giáo khoa”, “không học thêm”, “không thức khuya dậy sớm”, “nghỉ ngơi đầy đủ”, “không học nhồi”, vân vân và mây mây, nhưng mình hơi tiếc là hầu hết các bình luận dưới các bài đăng thường hoặc có tính châm biếm nhẹ, hoặc có tính phán xét nhẹ như “giỏi sẵn”, “nhà có điều kiện”, “thông minh”, “thiên tài”, “thánh” hay “người ngoài hành tinh”.

Mình rất hiểu việc một ai đó biểu đạt sự ngưỡng mộ của họ theo cách này, chỉ là mình thay vào đó sẽ chú tâm hơn vào việc áp dụng những đúc kết này lên bản thân để bứt phá. Những đúc kết đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó cũng không được phát ngôn chỉ để chứng tỏ ta đây. Nó vốn đơn giản chỉ có thế, bởi chính họ đã là bằng chứng sống của thi đâu trúng đó rồi.

2.5. Chỉ học những gì tốt cho bạn về lâu dài

Mình có hơi chần chừ khi viết đoạn này, nhưng mình quyết định là vẫn sẽ viết.

Mình rất hiểu xã hội hiện nay đặt lên vai người trẻ nhiều đòi hỏi. Điều này không khó hiểu, bởi xã hội càng phát triển thì kiến thức càng nhiều. Một người trước đây có thể làm ABC, nhưng một người bây giờ có lẽ chỉ có thể làm A thôi, bởi mỗi phần A, B, C đều đang được khai thác một cách cực kì chi tiết và cụ thể với lượng dữ liệu khổng lồ. Trừ phi bạn có một mục tiêu cụ thể, bạn không cần phải cái gì cũng học, dù đó là chương trình phổ thông.

Mình nghĩ khả năng tập trung của mình khá tốt, nên bản thân luôn biết nên làm gì để trở nên tốt hơn, thay vì dàn trải học những gì người khác muốn mình học. Đó cũng chính là lí do vì sao mình chưa từng quan tâm điểm số trên lớp dù môn đó mình học tốt hay không. Mình có Giải nhì Học sinh giỏi quốc gia môn Toán, nhưng điểm trung bình môn Toán của mình trên trường có thể chỉ là 8.6. Mình học chuyên Sinh PTNK, nhưng học kì 1 lớp 8 điểm trung bình môn Sinh của mình chỉ là 6.4. Mình chưa từng muốn phải điểm cao trên trường, nên mình mặc kệ thôi.



Mình biết để làm 5 điều trên là không dễ, bởi xung quanh bạn có rất nhiều nguồn áp lực khác nhau. Tuy nhiên, khi bạn càng trưởng thành, bạn càng cần tìm cách lèo lái cuộc sống theo cách bạn muốn, miễn là nó hợp pháp. Đồng thời, bạn cũng cần luyện tập kỉ luật cá nhân để không bị cám dỗ chi phối. Mình vẫn có đầy cám dỗ xung quanh như xem phim, đọc truyện ngôn tình, chơi điện tử, v.v… nhưng sau tất cả, mình luôn biết giới hạn ở đâu để dừng lại và định hướng khi cần.

Đây là toàn bộ những bài học mà chính mình đã trả học phí cho trường đời để tối ưu hoá việc học giúp thi đâu trúng đó.

14.07.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Học Tàn Tàn Thi Đâu Trúng Đó, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Tư Duy Về Chuyện Học.

3 thoughts on “♡ Học Tàn Tàn Thi Đâu Trúng Đó ♡

  1. Chị ơi, làm sao để làm “trùm Excel” vậy ạ? Em yếu Excel vô cùng, nhưng em biết nghề em theo đuổi sau này đòi hỏi cần có kỹ năng thành thạo Excel. Chị có những cuốn sách hay khóa học nào giới thiệu cho em với, được không ạ? Please…

    1. Chị tự mò với Google thôi em, ví dụ mỗi lần không biết cách dùng một công thức nào đó trong Excel thì Chị sẽ tra Google, xong bắt chước, và làm đi làm lại nhiều lần thành quen. Ví dụ, nhờ việc tự xây dựng file Excel quản lí tài chính cá nhân mà Chị đã mày mò được rất nhiều và làm quen. Phải có những “dự án” thì em mới có cơ hội luyện tập. Luyện tập nhiều thì quen tay thôi à :))

      Khoá học với sách thì nhiều, em cứ bắt đầu với bất kì khoá học hay sách nào em tìm được và phù hợp với khả năng chi trả của em, đều tốt cả. Đến khi em đạt đến trình độ nhất định, em sẽ biết lựa chọn sách và khoá học cho mình.

      Trong bài http://linhjanettale.com/quan-li-khach-san-dang-thieu-ki-nang-gi/ Chị có kể ở mục số 2 những tiêu chí có thể dùng để “đo” năng lực Excel, em xem thử 🙂

Bình luận