Học Đại Học, Xin Việc, Và Tương Lai
Việc nhiều sinh viên lên tiếng rằng sau khi tốt nghiệp đại học, họ không xin được việc hoặc chỉ tìm được công việc lương thấp đã không còn mới. Đa số mọi lúc, mình chỉ nghĩ, xã hội rất rộng lớn, có người này người kia, có khi do sao đó nên nhiều câu chuyện kiểu này mới lọt vào tầm mắt mình. Mình tự nhủ, chắc chắn có nhiều câu chuyện thành công khác, chỉ là người ta kín tiếng và âm thầm mà thôi. “Coins always make sound but currency notes are always silent.” (Tiền xu luôn phát ra âm thanh. Nhưng tiền giấy thì luôn im lặng.) mà. Cơ mà, chỉ trong 2 ngày, mình đã đọc 2 câu chuyện khiến mình phải suy ngẫm liên quan đến việc học đại học, xin việc sau tốt nghiệp và tương lai về dài.
Câu chuyện số 1
Câu chuyện số 1 là tuyến bài viết Học sinh không mặn mà vào đại học, đổ xô xuất khẩu lao động trên Vietnamnet.
Nếu đây là sự lựa chọn của họ, tất nhiên mình không có ý kiến. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là điều này không đáng để bàn luận. Các Thầy Cô tiếc năng lực và tương lai của học sinh, học sinh thì lại tiếc khả năng kiếm tiền ngay. Nếu sự lựa chọn được đưa ra trong tình huống đã cân nhắc kĩ về những sự đánh đổi ngắn hạn và dài hạn, không có sự lựa chọn nào là sai cả.
Một lí do được đưa ra là học phí của các trường đại học ở Việt Nam thuộc dạng cao so với mặt bằng thu nhập chung, tính theo các số liệu thống kê chính thức. Mình lấy trường Đại học Ngoại thương làm ví dụ, vì đây là trường đại diện cho học sinh học giỏi khối nhóm ngành kinh tế, rất rộng và phổ biến. Học phí của trường là 25 – 70 triệu VND/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người là khoảng trên dưới 87 triệu. Với thu nhập như vậy, trong trường hợp Bố Mẹ không có thể chu cấp tài chính, việc các em đi tìm con đường khác là lẽ đương nhiên.
Con đường khác, trong trường hợp này, là xuất khẩu lao động. Có nhiều người khác lựa chọn con đường vay học phí, đi làm thêm, chọn những trường có chi phí vừa tầm hơn, tìm kiếm học bổng du học, v.v… Chỉ có những nhà hoạch định chính sách, với quyền lực của mình, mới có thể xoay chuyển tình thế này trên diện rộng, phụ thuộc vào định hướng chiến lược.
Hơn nữa, dù xuất khẩu lao động kiếm được nhiều tiền và gửi tiền về Việt Nam nhiều, nhưng hẳn mọi người không quên sự kiện 39 người trên chiếc xe container đông lạnh ở Vương quốc Anh một thời gian về trước. Trắng tay và nợ nần để đi xuất khẩu lao động không phải chuyện hiếm, và phần tiền gửi về đó chứa đựng nhiều câu chuyện đằng sau hơn chỉ là những con số trăm triệu trên mặt báo. “Tồn tại” khác với “sống” nhiều lắm đó. Một người Thầy, Phó Giáo sư người Việt ở nước ngoài mà mình theo dõi có nói thế này: “Nhiều người chưa sống ở nước ngoài nên chưa hiểu, cứ nghĩ nó là thiên đường, tiền như lá mít lá đa.“
Mình vẫn tin rằng, học đại học có ưu thế hơn so với đi lao động, nếu điều kiện cho phép, dù đây không phải là con đường duy nhất. Tức là, nếu xuất khẩu lao động chỉ là phương án trước mắt, đây là một lựa chọn hợp lí, vì bạn có thể quay lại học sau khi những gánh nặng đã giảm bớt. Có 3 lí do:
- Đại học phổ cập kiến thức lí thuyết và học thuật, mang đến sự tiếp cận các nghiên cứu dưới góc nhìn khoa học, và tư duy phân tích vấn đề
- Nhất quan hệ – tận dụng những kết nối vô giá
- Cơ hội phát triển sự nghiệp
Chắc chắn sẽ có ý kiến rằng cả 3 yếu tố trên đều có thể được thực hiện ở “trường đời”, và rằng thì là trường học không phải là con đường duy nhất. Đúng, nhưng! (Tất nhiên là có “nhưng” rồi.) Lợi thế lớn nhất của học đại học so với đi lao động là cơ hội rút ngắn thời gian để có cả 3 yếu tố trên cùng một lúc. Bạn đóng học phí để đổi lại kiến thức, sự tiếp cận và tư duy dưới hướng dẫn của Thầy Cô giáo, trong khi may mắn nhiều lúc mới là yếu tố quyết định cho việc bạn gặp được người dẫn dắt cho mình trong cuộc đời. Mối quan hệ cũng như vậy. Những kết nối bạn tạo dựng được ở trường đại học có nhiều thiện chí hơn là xã hội phức tạp, và người đời lọc lõi. Cuối cùng, rất rất rất nhiều (nếu không muốn nói là đa số) công việc yêu cầu tính chuyên nghiệp đòi hỏi bạn tốt nghiệp cử nhân trở lên, bất kể bạn có học đúng ngành hay không. Những cơ hội tương đương nếu bạn không học đại học là có, nhưng cực hiếm.
Học là đầu tư, mà đầu tư là ăn chắc mặc bền dài hạn. Lướt sóng không gọi là đầu tư (investing) đâu, lúc đó nó trở thành giao dịch (trading) mất rồi [1].
Một lí do khác được đưa ra là thực trạng thất nghiệp / làm trái ngành / thu nhập thấp, v.v… Lí do này sẽ liên quan đến câu chuyện số 2.
Câu chuyện số 2
Mình có một người bạn học cùng đại học ngành quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ, sau mình vài khóa. Sau khi tốt nghiệp, bạn ấy qua Mĩ học thạc sĩ marketing. Bạn ấy có “lên tiếng” về 2 điều khi chưa tìm được việc ưng ý:
- Quy trình tuyển dụng của các tập đoàn lớn dài và “thiếu tình người” vì dùng máy móc và hỏi những câu hỏi máy móc
- Các doanh nghiệp dùng bộ lọc và trí tuệ nhân tạo để loại những ứng viên cần nhà tuyển dụng bảo trợ giấy phép làm việc
Hì.
Bạn biết không, để lên tiếng nói rằng “hãy cho tôi cơ hội, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy” là rất dễ. Ai cũng nói được, nhưng rủi ro sẽ thuộc về người cho bạn cơ hội. Nếu bạn không được việc như họ đã mong đợi, chính họ là người phải gánh khoản chi phí tuyển dụng và đào tạo, và sau đó lại phải tìm người thay thế. Nếu bạn được việc, rất tốt! Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, họ có đủ nguồn lực để đưa ra quy trình tuyển dụng có thể đảm bảo lợi tức đầu tư (return on investment) là lớn nhất. Chi phí cao cũng được, miễn là tuyển được ứng viên có thể đóng góp giá trị, miễn là bạn xứng đáng. Nếu họ “có tình người” ngay từ những bước đầu tiên của quá trình tuyển dụng, vậy với số lượng hàng chục cả trăm nghìn ứng viên mỗi năm thì họ lỗ nặng, và tất nhiên là không đáng rồi. Vậy nên, quy trình nó mới thành ra như thế đó.
Con đường không cần đụng đến những vòng máy móc là xây dựng và mở rộng vòng tròn mạng lưới mối quan hệ. Khi bạn được người đáng tin cậy giới thiệu, ấn tượng đầu tiên của bạn sẽ tốt hơn người vượt qua các vòng thi do máy móc chấm. Thực lực thì vẫn còn cần xem xét sau này. Tuy nhiên, để được giới thiệu thì vốn dĩ bạn cũng cần sở hữu những tố chất đã được xác nhận bằng thành quả. Vậy thì, vòng đi vòng lại, kết quả là giống nhau: hãy chứng minh rằng bạn xứng đáng, tự khắc cơ hội sẽ là của bạn.
♡ Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ ♡
Mình có một người bạn, Chị ấy nhận lương khoảng trên dưới 200 triệu VND/tháng ở Việt Nam, nhưng sẵn sàng chấp nhận mức lương 33 triệu ở châu Âu, chỉ để chứng minh đại ý kiểu “các ông không giữ tôi lại là thiếu sót lớn”. Chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng, Chị ấy được công ti đáp ứng những quyền lợi mong muốn, lương tăng gấp 5 – 6 lần, kèm thêm những thủ tục và chi phí hành chính phức tạp và nhiêu khê qua nhiều bên trung gian để bảo trợ Chị ấy ở lại.
Câu trả lời cho “thực trạng thất nghiệp” và “thu nhập thấp”, bởi thế, chính là khả năng của bạn để lên tiếng “các ông không giữ tôi lại và trả tôi mức đãi ngộ hợp lí là thiếu sót lớn” thay vì chỉ đơn giản là “hãy cho tôi cơ hội, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy“. Để cải thiện điều này, không thể nào chỉ một vài dòng là đủ. Blog của mình có chuyên mục Đi Làm Đừng Đi Lầm, tổng hợp nhiều bài viết về chủ đề phát triển bản thân giúp tăng cơ hội trong ứng tuyển. Tất nhiên, ngoài lí do chủ quan là năng lực bản thân thì còn có những lí do vĩ mô khách quan giải thích cho tình hình thất nghiệp như là tình hình kinh tế, chính sách lao động, v.v… Cơ mà, đây lại là một câu chuyện rất khác.
Việc làm trái ngành, ở thời điểm hiện tại, đã không còn dở như xưa. Việc học đại học, xin việc và tương lai sau này không nhất thiết phải đi trên một đường thẳng nữa. Bây giờ, bất kì thứ gì bạn muốn học đều có thể được tìm thấy trên mạng, từ sách giáo khoa, các bài nghiên cứu khoa học, và các khoá học được người có chuyên môn hướng dẫn. Đây cũng là điều mình nói với Bố Mẹ và mấy đứa em, rằng thời thế thay đổi quá nhanh, chỉ cách nhau vài năm thôi mà những ngành như công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã bay vèo lên đến đâu luôn rồi. Từ lúc bạn vào đại học cho đến khi bạn tốt nghiệp thì nhiều thứ đã trở nên lỗi thời. Vậy nên, điều quan trọng không còn là việc bạn học gì, hay là bạn có làm những gì bạn học hay không, mà là khả năng “học, học nữa, học mãi” và thích nghi với mục tiêu dài hạn của bản thân. Mình tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn và đổi hướng sang lĩnh vực tư vấn tài chính cho một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trong ngành dịch vụ tài chính. Câu hỏi muôn thuở kiểu “Con không học tài chính thì sao mà làm?” như Bố và Bà Ngoại mình hỏi đã không còn đúng trong thời đại ngày nay nữa rồi.
Chị Anh Nguyen, người tư vấn hướng nghiệp cho rất nhiều sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh có viết thế này, mình trích lại toàn bộ vì nó thẳng nhưng rất đi vào vấn đề:
CV same same, bạn thì đi đường easy apply (ứng tuyển nhanh) của LinkedIn, người ta thì đi đường referral (được giới thiệu).
Cùng là từ một trường đại học ra, bạn thì mất phương hướng, người ta thì kết nối được với mentor (người dẫn dắt) được chỉ dạy từng bước. CV bạn thì toàn đi làm nhà hàng chán chả buồn ghi vào, CV người ta thì vài cái internship (thực tập).
Bạn không có chính kiến, bạn đi hỏi bạn bè, xong được tư vấn là CV của bạn “không có cửa đâu” thế là bạn tin thế thật… Khi gần hết hạn visa bạn thử gửi CV đi vì không còn gì để mất, ai ngờ được gọi đi interview (phỏng vấn) nhiều nhưng…
Bạn thấy CV ít kinh nghiệm, được bạn bè khuyên bạn tự đi học ACCA, lúc chưa xong thì bạn thấy chưa đủ chín để apply job (ứng tuyển), lúc học xong thì hoá ra bạn lại bị overqualified (vượt tiêu chuẩn) cho entry-level (vị trí dành cho người ít kinh nghiệm).
—-
Mặc dù cuộc đời mình có thể xem là khá suôn sẻ cho đến hiện tại, nhưng nếu mình chỉ nằm một chỗ há miệng thì cũng sẽ không có quả sung nào rụng vào cả. Không một thành quả nào là không bắt nguồn từ nỗ lực. Nhưng chỉ nỗ lực thôi là chưa đủ, bạn còn cần nỗ lực đúng cách nữa.
[1] Investing vs. Trading: What’s the Difference?
20.06.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Học Đại Học, Xin Việc, Và Tương Lai, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Đi Làm > Đừng Đi Lầm.
One thought on “♡ Học Đại Học, Xin Việc, Và Tương Lai ♡”