Học Thế Nào Là “Giỏi”?
Vì Chị đã già, đã chiến qua thời phổ thông cũng hơi hơi “oanh liệt”, đồng thời Chị có đứa em trai và bà Mẹ bá cháy (em trai vòng 2 chọn đội tuyển đại diện VN tham dự Olympic Lí Quốc tế, Mẹ thuộc đội dự bị tuyển VN thi Olympic Toán Quốc tế) nên là Chị góp vui chung vài bài đăng về góc nhìn của Chị về việc “học giỏi” :))))))
Bữa sau Chị viết bài về cách học của Chị cho, vừa nhàn vừa hiệu quả, chỉ với 1 “viên đạn bạc”.
Thường khi nói về học giỏi, Chị thấy có 3 yếu tố mọi người hay nhắc đến nhất: điểm trung bình môn hoặc điểm trung bình năm (GPA), giải thưởng học sinh giỏi các cấp, và thành tích chứng chỉ ngoại ngữ phổ rộng (IELTS, TOEFL, TOEIC, v.v…).
1. GPA
Bản thân Chị không có vấn đề gì với việc các em cố gắng nỗ lực để có GPA cao vì bất kì lí do gì. Nhưng các em cũng đừng áp lực quá mà quên, rằng dù Bộ, Sở và ban ngành (giáo dục và đào tạo) có khung ra đề kiểm tra và chấm điểm chung cho các trường trực thuộc, GPA không phải là thang đo chuẩn hoá lắm, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, vì cách chấm điểm và ra đề của mỗi giáo viên đã khác nhau rồi, chứ chưa nói gì đến mỗi trường mỗi khác. Do đó, trừ phi các em có mục đích hết sức cụ thể, ví dụ như xin học bổng RMIT chẳng hạn, thì lúc đó hãy giữ GPA phổ thông cao thiệt cao. Nếu không, hãy tận dụng thời gian, nhất là ở cấp 3, để tham gia các hoạt động ngoại khoá – là thứ mà giúp em phát triển bản thân rất rất tốt vì rèn luyện được kĩ năng mềm, có ích hơn về lâu về dài hơn là ba cái điểm số :)))
Cá nhân Chị không có khái niệm GPA cao là giỏi, nên là điểm Chị cũng lèo tèo thôi, nhưng mà trong 2 mục kia (ngoài GPA) thì hồ sơ Chị cũng ô kê la lắm nha =)))))
Đồng thời, nói đi cũng phải nói lại, Chị may mắn ở Chỗ dù Bố Chị là nhà giáo nhưng Bố Chị có những câu động viên con cái rất hay, như là năm lớp 4 hoặc học kì 1 năm lớp 8 Chị học sinh tiên tiến (ahihii) thì Bố Chị nói rất xanh rờn: “Ôi dào đủ trung bình để lên lớp, khỏi phải thi lại là được, học chi cho lắm.” =))))))
Em nào mà muốn tìm một bằng chứng “con nhà người ta” mà GPA vừa lẹt đẹt vừa tào lao thì lôi Chị ra nè. Mình thích “giỏi” gì thì mình “giỏi” đó thôi, thiên hạ có mấy ai mà học gì cũng “giỏi”, đúng không? Nếu các em thích điểm cao thì cố gắng thôi, mà Chị thấy GPA cao cũng dễ mà, siêng một tí, kỉ luật một tí, tập trung một tí, dũng cảm một tí là được thôi. Đừng nói Chị, Chị lười, với lại Chị cũng không cần GPA cao để làm gì nên Chị kệ thôi, Chị học cái khác =)))))
2. Học sinh giỏi các cấp
Chị không biết là liệu có ai không nhìn nhận việc có giải học sinh giỏi các cấp là “giỏi” không, nhưng mà theo những gì Chị đã chứng kiến thì thực sự giải học sinh giỏi mà không phải cấp quốc gia trở lên thì thường không có lợi thế gì nhiều. Chị biết giải học sinh giỏi dưới cấp quốc gia có thể mang đến điểm cộng trong một số trường hợp thi tuyển xét tuyển, kiểu giải càng cao thì điểm cộng càng nhiều, nhưng thường những người đã thi học sinh giỏi giải cao thì họ đã có sẵn một hệ thống cách học rất hiệu quả cho riêng bản thân họ rồi, điểm cộng đó nhiều khi không có tác dụng gì mấy.
Chị do học nặng gấp rưỡi chương trình phổ thông công lập thông thường vì Chị học chương trình Song ngữ tiếng Pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chị thi thố nhiều quá nên rút ra một kinh nghiệm xương máu quý báu, là thi thố nhiều rèn tâm lí phòng thi cho các em rất tốt. Thi học sinh giỏi không có gì xấu, học cũng cực hơn người ta, nhưng kể cả khi nó không mang lại nhiều lợi thế, Chị vẫn khuyến khích các em nếu có khả năng thì cứ thi đội tuyển, học đội tuyển. Các em sẽ được tiếp cận với những kiến thức nâng cao hơn nhiều và rất nhiều, và thường thì nó sẽ giúp em phát triển tính “tò mò”, là một trong số những tiêu chí được các nhà tuyển dụng hiện đại đánh giá rất cao. Thôi việc tuyển dụng thì xa quá, mình cứ đi từ từ từng bước.
Các giải học sinh giỏi Quốc gia trở lên mang đến cho các em cực kì nhiều lợi thế, không chỉ ở Việt Nam mà còn là cơ hội tiến ra môi trường quốc tế ở bậc cử nhân. Tuy nhiên, cái dở là, các giải Học sinh giỏi Quốc gia về ngoại ngữ thường không có tác dụng gì nhiều (xin lỗi, sự thật trần trụi), trong khi tất cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác lại có rất nhiều giá trị đối với các ngành học liên quan. Chị thấy đã có một kì thi học sinh giỏi mới xuất hiện không liên quan đến các môn học trên trường phổ thông ở Việt Nam, đó là giải Học sinh giỏi Quốc gia môn Kinh tế, hi vọng các năm sau giải vẫn tổ chức để thành thông lệ hàng năm vì Chị thấy đây là bước chạy đà và hướng nghiệp rất hấp dẫn cho các bạn quan tâm đến nhóm ngành phổ biến này.
3. Thành tích chứng chỉ ngoại ngữ phổ rộng
Giờ người người nhà nhà “học” thi Ai-Eo nên Chị mạn phép mở miệng nói mấy câu =))))
IELTS cao không cần “học” đâu mấy em ạ, Chị với em trai Chị kiểm chứng rồi, chờ em gái Chị lớn tí nữa sẽ chắc chắn cũng đi cùng con đường mà 2 Anh Chị đã đi thôi. Chị không nói là có “học” thì điểm cũng không cao đâu nhé, Chị nói là không cần “học” thì điểm cao vẫn dễ dàng.
Chữ “học” Chị để ngoặc kép là bởi vì Chị không thấy mấy lớp “dạy” IELTS họ “dạy” gì có ích hơn so với các lớp tiếng Anh thông thường để đưa ra cái giá trên trời so với mặt bằng chung dữ vậy, ít nhất là với một đứa học lắm thi cũng lắm như Chị (xin lỗi các trung tâm/Thầy Cô “dạy” IELTS). Nếu mấy em có tiền đóng cho mấy trung tâm “dạy” IELTS hoặc là “học” IELTS 1:1 giá cao chót vót, thì Chị chỉ cho, vào British Council (Hội đồng Anh) học lớp tiếng Anh thông thường của họ, em sẽ thấy BC có cách tiếp cận về giáo dục ngoại ngữ rất khác so với các trung tâm khác, và cực kì hiệu quả. Tương tự, nếu học tiếng Pháp thì vào L’Espace/L’Idécaf, tiếng Đức thì Goethe.
IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ phổ rộng, tức là kĩ năng sử dụng ngoại ngữ của mấy em đến đâu thì điểm đến đấy, không như chứng chỉ phổ hẹp DELF/DALF của tiếng Pháp hay Goethe Zertifikat của tiếng Đức là em phải xác định được trình độ năng lực của mình rồi mới chọn bài thi để đăng kí. Chính tiêu chí thi cũng cho thấy, một bài thi đánh giá năng lực, thế thì cốt lõi cứ đánh vào nâng cao kĩ năng thực lực, thì kiểu gì điểm cũng cao thôi. Thế nào để nâng cao kĩ năng ngoại ngữ, bữa sau nói nhé, bài này dài quá rồi :)))
—
Túm lại, điều quan trọng là, hãy xác định các em muốn gì, đặt mục tiêu thế nào, lựa chọn thước đo nào thì phấn đấu cố gắng nỗ lực theo định hướng đó. Cuộc đời là của riêng mỗi người, hà cớ gì mấy em phải lấy thước đo của người khác để đo chính mình, đúng không?
Người ta chọn thi IELTS thì kệ người ta, mình chọn và tập trung ôn thi đánh giá năng lực là chuyện của mình. Người ta GPA cao kệ người ta, Chị Học sinh giỏi Quốc gia Toán mà GPA sập sàn luôn nè, nếu em không cần GPA cao vì mục đích gì cụ thể (ngoại trừ đi khè thiên hạ) thì thôi cứ thả đi, vừa vừa là được rồi. Còn thi học sinh giỏi các cấp thì cứ chọn môn nào em hứng thú và cảm thấy có khả năng theo học kiến thức nâng cao oke, chứ đừng vì những “lợi ích” của kì thi mà chọn môn [ví dụ như Giải Nhất Học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh được tuyển thẳng Đại học Y Hà Nội (?!)]
—
Hồ sơ:
- Thủ khoa tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn trường Glion Institute of Higher Education, London, Vương quốc Anh – Trường top 3 thế giới về đào tạo Quản trị khách sạn
- Thành viên Hội Sinh viên Danh dự Quốc tế ngành Quản trị Khách sạn
- Học bổng Hiệu trưởng (Presidential Scholarship) trường Les Roches Global Hospitality Education, Crans-Montana, Thuỵ Sĩ – Trường top 4 thế giới về đào tạo Quản trị khách sạn
- Giải Nhì Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Toán – Thủ khoa cấp Thành phố điểm tuyệt đối (20/20) – Giải Nhì cấp Quận – Hạng bét trường (15/15) điểm dưới trung bình (9.5/20)
- Giải Ba Học sinh giỏi cấp Thành phố môn Sinh
- Top 4 cấp Thành phố kì thi tuyển sinh khối Song ngữ Tiếng Pháp (Á hậu Phương Anh là Thủ khoa)
- Tiếng Anh C1 (IELTS 8.0), tiếng Pháp B2, tiếng Đức B1
(Đã lược bỏ các “chiến công” không liên quan đến “học”) =))))
20.01.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Học Thế Nào Là “Giỏi”?, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Tư Duy Về Chuyện Học.
2 thoughts on “♡ Gửi Các Em Học Sinh THCS, THPT: Học Thế Nào Là “Giỏi”? ♡”