Chúng ta đã nghe rất nhiều về các hình thức đầu tư như gửi tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu, giao dịch hàng hoá, vân vân và mây mây. Tuy nhiên, có một hình thức đầu tư cực kì gần gũi với cuộc sống ít được đề cập đến trong khi thực tế nó lại là cách đầu tư chắc chắn lời. Hình thức đầu tư này là đầu tư bằng chi tiêu.
Nghe thì tưởng như rất ngược, tại sao tiêu tiền lại là một hình thức đầu tư? Tình hình trong quá khứ rất khác, nhưng ngữ cảnh hiện tại ở thời “bão giá” và “lạm phát” thì cách chi tiêu hợp lí có thể giúp bạn đỡ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát. Vậy, bạn cần phải chi tiêu như thế nào để ít nhất có thể kìm được bão giá?
1. Sử dụng thẻ tín dụng
Bài viết Quản lí tài chính cá nhân trước đây của mình đã từng giải thích tại sao sử dụng thẻ tín dụng đúng cách thực tế lại là thông minh.
Trong quá trình nghiên cứu để viết bài Lạm phát thì sao?, số liệu cho thấy ở Anh (nơi mình sống) thì tỉ lệ lạm phát năm nay là tận 9%. Nếu mình để tiền nằm không trong 1 năm, nó đã mất đi 9% giá trị. Vậy, nếu mình có thể mua mọi thứ mình cần cho cuộc sống hàng ngày mà chỉ cần thanh toán vào 55 ngày sau đó, thì chưa gì chắc chắn mình đã lời 1.36%, tức là tỉ lệ “tiền mất giá” mà mình phải chịu chỉ còn 7.64%. Hãy tưởng tượng với cuộc sống ở Anh mà mình phải chi khoảng 1,000 GBP/tháng, tương đương 27,809,000 VND thì tiết kiệm 1.36% bằng 378,000 VND, thế là 1 tháng mình ăn được thêm 6 tô phở bò ở Việt Nam, hihi 😜
Đấy là chưa kể mình còn phối hợp N thứ khác nữa, mình sẽ lên một bài riêng về cách mình tiết kiệm khi chi tiêu hàng ngày mà không phải ki bo kẹt xỉ.
2. Đầu tư bằng chi tiêu nhờ trả góp
Chiến lược này cũng tương tự như phần 1 với thẻ tín dụng, nhưng thay vì phải thanh toán toàn bộ vào 55 ngày sau đó, mình trả góp mỗi tháng một ít. Phụ thuộc vào giá trị của đơn hàng, phần thắng lãi suất của bạn có thể rất lớn.
Ví dụ (mình mò đại thôi), đồng hồ Panthère De Cartier giá 24,500 GBP tương đương 682,929,000 VND có thể trả góp không lãi suất trong vòng tận 3 năm. Chi tiêu kiểu này mang đến cho bạn lãi suất trung bình 3.97%, tức là thực tế cách tiêu tiền của bạn chỉ bị lạm phát 5.03% mà thôi. Mà bạn thấy không, giao dịch này vốn dĩ có giá trị rất lớn, bạn tiết kiệm được 81,188,000 VND lận đó. Ui chaoooooo!
3. Lưu ý
Là người có Giải nhì Học sinh giỏi Quốc gia Toán và đang công tác trong ngành Tài chính tại Trung tâm Tài chính London, mình không muốn lại bị bắt bẻ do tính toán không chính xác đến từng li từng tí 🥲
Kết quả của các phép tính chỉ mang tính tương đối với mục đích minh hoạ. Không phải hàng hoá nào cũng có tỉ lệ lạm phát giống nhau, và cuộc sống không phải là các bài toán trên giấy 🙃 Tất nhiên nếu muốn tính chính xác, bạn hoàn toàn có thể làm được, nếu bạn sẵn sàng đi sâu vào chi tiết data mining (khai phá dữ liệu). Mình không làm điều đó đâu, vì nó chả cần thiết gì cả. Tính toán sơ sơ để thấy góc nhìn toàn cảnh và ý tưởng là chủ yếu thôi, giống như câu chuyện uống C sủi và đầu tư 1 cốc trà sữa mỗi ngày ấy 😗
Lưu ý tiếp theo, mục đích mình viết bài này không phải là để thúc đẩy bạn chi tiêu một cách vô tội vạ, rằng thấy cái gì cũng mua rồi ỷ y là sẽ thanh toán sau và thì là mà bạn đang chiến thắng lạm phát. Mình chỉ đang nói đến có những giao dịch chi tiêu mà nếu sau này mới chi thì bạn sẽ lỗ về mặt tài chính, nhưng không có nghĩa là vì tương lai bạn chắc chắn lời nên bạn có thể chi tiêu nhiều hơn khả năng chi trả của bản thân khi đến hạn thanh toán nhé.
Ý nghĩa của việc mua trước trả sau này thực chất là một khoản vay. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng là bạn vay ngân hàng phát hành thẻ, chi tiêu trả góp là bạn vay của công ti bán hàng hoặc một doanh nghiệp tín dụng. Chỉ là, khoản vay để đầu tư bằng chi tiêu này không yêu cầu bạn trả lãi, suy ra chắc chắn bạn kìm được sự ảnh hưởng của lạm phát lên bản thân. Chuẩn không cần chỉnh 😌
Cùng ý nghĩa tương tự nhưng thay vì bạn vay để chi tiêu thì bạn vay để đầu tư. Tất nhiên đầu tư mà bạn nhìn thấy trong tương lai chắc chắn lời (tức là rủi ro rất thấp) thì không có lí do gì bạn không đầu tư cả. Chỉ là, bạn hãy nhớ để ý đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng thanh khoản cho đến khi bạn thực sự chốt lời. Về tính thanh khoản thì… vay mà, đương nhiên rồi 😂 Về chất lượng cuộc sống thì phụ thuộc vào ngữ cảnh của bạn. Nếu bạn còn trẻ, có sức khoẻ, có thể chịu khó một chút trong một thời gian ngắn vì tương lai đảm bảo rực rỡ hơn thì mình rất ủng hộ thôi, và mình nghĩ mọi người xung quanh cũng sẽ ủng hộ bạn. Ngược lại, nếu tình cảnh của bạn có nhiều gánh nặng, bạn nên cân nhắc kĩ về khẩu vị rủi ro của bản thân để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến những người bạn yêu thương.
—-
Nếu bạn không phải dân khối ngành kinh tế tài chính và muốn tìm hiểu thêm về đề tài này, bạn có thể tìm đọc về chủ đề giá trị thời gian của tiền tệ. Cuốn sách Cha giàu cha nghèo cũng có nhiều bài học về tài chính nữa đó.
17.07.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì phát triển nội dung phi lợi nhuận.